Hiện tượng chảy máu âm đạo theo mỗi chu kỳ 21-35 ngày được gọi là hành kinh ở phụ nữ. Nhưng nếu âm đạo ra máu giữa kỳ kinh thì có được xem như hành kinh bình thường không, có phải là biểu hiện của một căn bệnh nguy hiểm?
Hiện tượng chảy máu giữa kỳ kinh có phải là biểu hiện của bệnh lý phụ khoa và cần làm gì khi bị ra máu ngoài kỳ hành kinh? Đừng bỏ qua những chia sẻ trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để tìm lời giải đáp cho vấn đề này!
Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những tín hiệu bên ngoài giúp chị em phụ nữ quan sát và theo dõi được sức khỏe sinh sản tốt nhất. Một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn với kỳ hành kinh chuẩn xác sẽ là điều mong muốn của hầu hết phụ nữ. Những thay đổi bất kỳ liên quan đến kỳ kinh đều có thể làm phái nữ lo lắng. Trong đó, hiện tượng ra máu giữa kỳ kinh có thể là biểu hiện của những bệnh lý mà bạn không nên bỏ qua.
Chảy máu âm đạo bất thường giữa kỳ kinh
Chảy máu âm đạo bình thường được gọi là kỳ kinh hay hành kinh, thường kéo dài từ 5-7 ngày và lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt thông thường là 21-35 ngày. Ngược lại, khi phụ nữ bị ra máu bất thường không thuộc về chu kỳ kinh nguyệt sẽ được gọi là chảy máu âm đạo bất thường hay xuất huyết âm đạo.
Triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường thường được mô tả như những đốm máu nhỏ, không thấm ướt quần lót và rải rác hay cũng có thể diễn ra như một kỳ kinh nhưng ít ngày. Ngoài ra, dù ít được biết đến nhưng vì một số nguyên nhân làm âm đạo bị xuất huyết mà kỳ kinh nguyệt có thể sẽ ra nhiều hơn và kéo dài, còn thường gọi là rong kinh.
Ra máu giữa kỳ kinh là biểu hiện của bệnh lý?
Tình trạng ra máu giữa kỳ kinh có thể là biểu hiện của sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, bất thường ở tử cung, âm đạo hay thậm chí là ung thư.
Thay đổi nội tiết tố
Nội tiết tố là nhân tố chính “điều khiển” chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Nếu có sự mất cân bằng các hormone này, có thể sẽ làm rối loạn kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Những nguyên nhân thường dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố ở phái yếu như:
- Bệnh tuyến giáp
- Rối loạn chức năng buồng trứng
- Bắt đầu hay ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết
- Thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các bất thường về cấu trúc trong tử cung
U xơ tử cung và polyp tử cung là hai bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ với triệu chứng ra máu giữa kỳ kinh điển hình. Trong u xơ tử cung là sự phát triển quá mức của cơ thành tử cung thành khối u thì polyp tử cung là sự dày lên quá mức của niêm mạc thành tử cung. Tuy nhiên, hai bệnh lý này hầu hết chỉ hình thành những khối u lành tính và đôi khi cần được điều trị ngay.
Ung thư
Ung thư cổ tử cung, tử cung hay buồng trứng cũng là những nguyên nhân dẫn đến ra máu giữa kỳ kinh. Các bệnh lý này có thể làm dày niêm mạc tử cung và gây ra xuất huyết bất thường. Phụ nữ bước vào tuổi 40-50 có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về sinh sản nhưng dễ nhầm lẫn với dấu hiệu của mãn kinh. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung và tử cung là rất cần thiết cho phụ nữ sau 30 tuổi.
Một số nguyên nhân khác dẫn đến ra máu giữa kỳ kinh
- Nhiễm trùng đường sinh dục nữ do thụt rửa hay đưa vật lạ vào âm đạo, quan hệ tình dục không an toàn hay các bệnh lây qua đường tình dục, viêm vùng chậu… cũng là các nguyên nhân hiếm gặp dẫn đến chảy máu âm đạo.
- Rối loạn ăn uống, tăng hoặc giảm cân đột ngột hay căng thẳng áp lực cũng có thể làm xáo trộn kỳ hành kinh của bạn. Ở phái nữ, trọng lượng và lượng mỡ cơ thể sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với kỳ kinh nguyệt.
- Rối loạn chức năng tiểu cầu, sử dụng thuốc kháng đông.
Ra máu giữa kỳ kinh cần phải làm gì?
Ra máu ngoài kỳ hành kinh là tín hiệu của chảy máu âm đạo hay chảy máu tử cung, không nên bỏ qua. Nếu bạn “đánh dấu” được một đợt chảy máu mà không do bất kỳ kỳ hành kinh nào nên nhanh chóng đi khám phụ khoa để được các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra những phương án điều trị phù hợp. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và ghi nhận những biểu hiện thất thường sẽ giúp bạn cung cấp tình trạng sức khỏe sinh sản của mình đến bác sĩ phụ khoa một cách tốt nhất. Dựa vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của từng người mà bác sĩ sẽ đề xuất những phương án điều trị như:
1. Điều trị bằng thuốc
Thông thường sau khi thăm khám và thảo luận với bạn để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng máu ra giữa kỳ kinh, các bác sĩ phụ khoa sẽ cho bạn thuốc uống hay một số liệu pháp để điều trị, hỗ trợ điều trị như:
- Thuốc uống hay các biện pháp tránh thai giúp cân bằng nội tiết tố, điều hòa kinh nguyệt.
- Thuốc điều trị các bệnh lý (nếu có) dẫn đến ra máu giữa kỳ kinh: bệnh tuyến giáp, nhiễm trùng đường tiểu…
2. Phẫu thuật
Trong các trường hợp ra máu giữa kỳ kinh do cấu trúc bất thường của tử cung mà thuốc không giải quyết được, sự lựa chọn điều trị lúc này có thể chuyển hướng sang các thủ thuật y khoa như:
- Làm thuyên tắc động mạch tử cung: trong điều trị u xơ tử cung.
- Hút và nạo (D&C) buồng tử cung: giúp làm giảm bớt đáng kể tình trạng chảy máu tử cung bất thường.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: được xem là phương án lựa chọn cuối cùng trong điều trị u xơ hay polyp tử cung. Đây đồng thời cũng là phương pháp điều trị cho ung thư tử cung giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ lấy đi khả năng sinh con và mang thai của người phụ nữ. Do đó, với những phụ nữ có mong muốn mang thai về sau, có thể thay bằng các phương pháp loại bỏ niêm mạc như tia laser, điện, nhiệt hay áp lạnh.
Hy vọng những thông tin tham khảo từ bài viết này có thể đồng hành cùng các chị em phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản!
[embed-health-tool-ovulation]