Chào bác sĩ
Em 30 tuổi, đã lập gia đình, chưa có con, quan hệ bình thường và không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng gần đây em thường xuyên bị chậm kinh. 2 tháng gần đây, em không có kinh nguyệt. Thử thai thì vẫn 1 vạch.
Bác sĩ cho em hỏi là em bị chậm kinh, không có kinh nguyệt 2 tháng là do đâu? 2 tháng không có kinh nguyệt có sao không? Nếu phải đi khám thì em cần khám những gì? Em cảm ơn bác sĩ! (Ngọc Đào, Tây Ninh)
Bác sĩ trả lời
Với câu hỏi “bị chậm kinh, không có kinh nguyệt 2 tháng là do đâu? 2 tháng không có kinh nguyệt có sao không? Nếu phải đi khám thì cần khám những gì?” của bạn Ngọc Đào, ThS–BS Huỳnh Kim Dung hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) giải đáp như sau:
Trước tiên, để có thể trả lời cho thắc mắc của bạn Ngọc Đào, mời bạn cùng Hello Bacsi cùng tìm hiểu về một chu kỳ kinh nguyệt như thế nào là bình thường nhé!
1. Chu kỳ kinh nguyệt như thế nào là bình thường?
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường dao động khoảng 28-32 ngày tùy từng người, có những người chu kỳ ngắn hơn (21-25 ngày) hoặc dài hơn đến tận 40-45 ngày mới có kinh 1 lần cũng là bình thường. Gọi là đều khi chu kỳ lặp lại chênh lệch không quá 3 ngày.
Trường hợp của bạn Ngọc Đào, nếu trước giờ tháng nào cũng có kinh nhưng gần đây lại thường xuyên trễ hơn bình thường thì gọi là kinh không đều. Và lần này 2 tháng không có kinh thì có thể có một số nguyên nhân dưới đây.
>>> Có thể bạn quan tâm: 9 nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều sau khi kết hôn
2. Lý giải nguyên nhân không có kinh nguyệt 2 tháng là do đâu?
Việc đầu tiên khi thấy chậm kinh là thử thai (nếu có quan hệ) thì bạn Ngọc Đào đã thực hiện rồi và bạn cho biết là que chỉ hiện 1 vạch (nghĩa là âm tính, chưa ghi nhận việc có thai).
Nguyên nhân phổ biến gây chậm kinh là do sự mất cân bằng hormone (nội tiết tố), kế đến là do bệnh lý nào đó. Thường 2 tháng không có kinh là do rối loạn nội tiết, ít nghĩ đến bệnh lý. Có thể kể đến các nguyên nhân sau:
- Căng thẳng, mệt mỏi: Tình trạng này kích hoạt quá trình tiết hormone cortisol, đẩy cơ thể rơi vào trạng thái “sinh tồn’, khiến tắt kinh
- Sụt cân: Sụt cân quá nhiều khiến chu kỳ không đều, thậm chí gây tắt kinh vì không đủ lượng mỡ cơ thể, trứng không rụng
- Tập luyện thể thao cường độ nặng: Làm giảm thấp lượng hormone estrogen
- Tăng cân: Tăng cân nhiều khiến cơ thể sản xuất lượng estrogen quá nhiều khiến kinh nguyệt rối loạn
- Thay đổi đồng hồ sinh học: Giờ ngủ, giờ làm việc…
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ làm mất cân bằng hormone
- Bệnh lý: Hội chứng buồng trứng đa nang
- Một số bệnh lý khác: Đái tháo đường, rối loạn chức năng tuyến giáp, bệnh gan…
>> Có thể bạn quan tâm: Những lí do khiến bạn rối loạn kinh nguyệt
3. 2 tháng không có kinh nguyệt có sao không?
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ đôi khi có thể thay đổi theo thời gian, dưới tác động của ngoại cảnh, thức ăn, thuốc… Bạn Ngọc Đào mới chậm kinh 2 tháng thì vẫn còn nằm trong giới hạn bình thường (đã loại trừ khả năng có thai). Bạn có thể đợi thêm, xem nếu bản thân có vấn đề gì như mình đã nêu ở trên thì cân bằng lại. Bạn cần đi khám khi chậm kinh từ 3 tháng trở lên hoặc khi có kèm 1 trong các triệu chứng sau đây:
- Đau đầu ngày càng tăng
- Thay đổi thị lực
- Buồn nôn, nôn
- Sốt
- Rụng tóc
- Núm vú tiết dịch hoặc tiết sữa
- Rậm lông…
>>> Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân kinh nguyệt không đều là gì? Liệu có nguy hiểm?
4. Không có kinh nguyệt 2 tháng phải làm sao?
“Không có kinh nguyệt 2 tháng phải làm sao?’ Câu trả lời là đầu tiên phải loại trừ nguyên nhân có thai. Bạn Ngọc Đào đã thử que âm tính rồi, tuy nhiên để chính xác bạn nên đến bệnh viện để làm thêm xét nghiệm máu kiểm tra xem nồng độ beta-hCG nếu âm tính thì khẳng định là không có thai.
Bạn Ngọc Đào và các độc giả đang gặp vấn đề tương tự có thể khám tại bất kỳ bệnh viện chuyên khoa phụ sản hoặc bệnh viện đa khoa có khoa sản.
Bạn có thể xem thêm các bài viết:
Trễ kinh mà không có thai: “Điểm mặt’ 7 nguyên nhân bạn nên lưu ý
Nguyên nhân trễ kinh và cách phòng ngừa, điều trị
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-ovulation]