Đau bụng kinh tuy khó chịu nhưng là điều khá bình thường đối với hầu hết phụ nữ. Tuy nhiên, một số chị em có thêm triệu chứng buồn nôn khi có kinh và thắc mắc liệu đến tháng đau bụng buồn nôn có sao không?
Thực chất, buồn nôn khi hành kinh cũng là tình trạng phổ biến và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý nếu tình trạng buồn nôn đi kèm với các triệu chứng khác như sốt hoặc cảm thấy đau dữ dội. Bởi vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe nào đó nghiêm trọng hơn. Xem thêm bài viết sau của Hello Bacsi để tìm hiểu chi tiết hơn các nguyên nhân gây đau bụng buồn nôn trong “ngày đèn đỏ” và cách giảm khó chịu hiệu quả nhé!
Bạn cần biết gì về đau bụng kinh? Vì sao đến tháng đau bụng buồn nôn?
Tình trạng đau bụng kinh có thể diễn ra ngay trước và trong “ngày đèn đỏ”. Về cơ bản, đau bụng kinh thông thường là do các cơn co bóp của tử cung tăng lên. Những cơn đau bụng kinh này sẽ có xu hướng giảm dần theo tuổi tác và thường cải thiện sau khi sinh con. Đối với hầu hết phụ nữ, đau bụng kinh thường gây ra một số triệu chứng cụ thể như:
- Đau nhói hoặc đang quặn thắt ở bụng dưới, một số chị em có thể bị đau dữ dội
- Đau âm ỉ liên tục
- Cơn đau lan xuống lưng dưới, hông, mông và đùi.
Nhìn chung, cơn đau bụng kinh thường bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước khi có kinh. Cơn đau đỉnh điểm là trong 24 giờ sau khi bạn bắt đầu có kinh và giảm dần sau 2 đến 3 ngày tiếp theo. Một số chị em còn có thêm triệu chứng buồn nôn khi có kinh. Đối với trường hợp đến tháng đau bụng buồn nôn thì nguyên nhân thường là do:
- Niêm mạc tử cung tạo ra một lượng lớn prostaglandin. Đây là chất gây tăng co bóp tử cung giúp làm bong lớp niêm mạc khi hành kinh. Không những vậy, nồng độ prostaglandin cao cũng có thể đi vào máu và gây ra cảm giác buồn nôn. Các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, cảm giác lâng lâng…
- Bên cạnh đó, hiện tượng buồn nôn khi có kinh cũng có thể do sự dao động của hormone sinh dục khi đến tháng. Điều này khiến dạ dày tiết dịch vị chứa axit clohydric quá mức và gây ra chứng ợ nóng nhẹ hoặc thậm chí là nôn mửa.
- Ngoài ra, đối với một số chị em mắc chứng đau nửa đầu, nguy cơ bị đau đầu buồn nôn khi có kinh nguyệt cũng có thể xảy ra.
Bạn nên làm gì khi đến tháng đau bụng buồn nôn?
Nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi có kinh, đừng quá lo lắng. Trong hầu hết trường hợp, một số mẹo chăm sóc sức khỏe trong “ngày đèn đỏ” sau đây có thể giúp bạn giảm sự khó chịu khi đến tháng đau bụng buồn nôn:
- Việc thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống cũng giúp giảm buồn nôn. Bạn nên tránh ăn các món có mùi nồng, thức ăn béo hoặc cay. Thay vào đó, bạn nên chọn các món ăn nhạt, thanh đạm, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để ăn và chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể. Thêm vào đó, đừng bỏ qua một số loại trà có thể giúp giảm chứng buồn nôn hiệu quả, chẳng hạn như trà gừng, trà hoa cúc, quế, bạc hà…
- Việc áp dụng các cách giảm tình trạng chuột rút, đau bụng kinh cũng có thể góp phần làm giảm cảm giác buồn nôn. Một số mẹo đơn giản mà bạn có thể thử bao gồm chườm ấm vùng bụng dưới, thực hiện các bài tập thở hoặc tập thể dục nhẹ nhàng để thư giãn cơ bắp, giảm đau khi tới tháng.
- Nếu thường xuyên phải trải qua cảm giác đến tháng đau bụng buồn nôn và ợ nóng, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ về việc cân nhắc dùng thuốc kháng axit dạ dày để trung hòa dịch vị và giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
- Nếu các giải pháp tại nhà không giúp cải thiện triệu chứng đau bụng buồn nôn khi có kinh thì bạn có thể chọn cách dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc theo toa. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên hỏi thêm ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong “ngày đèn đỏ” nhé!
Đến tháng đau bụng buồn nôn có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe không?
Như đã đề cập, đến tháng đau bụng buồn nôn do sinh lý thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kèm theo một số triệu chứng bất thường khác có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp này, một số tình trạng bạn cần chú ý bao gồm:
1. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Nhìn chung, PMDD vẫn có những triệu chứng về thể chất như PMS, bao gồm cả chuột rút, sưng đau ngực, đau bụng, buồn nôn… Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai tình trạng này là PMDD có thể gây suy nhược nghiêm trọng và kèm theo đó là sự bất ổn về tâm lý.
Do vậy, nếu trước khi có kinh hoặc đến tháng đau bụng buồn nôn kèm theo một số triệu chứng bất thường liên quan đến cảm xúc như cáu gắt, lo lắng, dễ kích động, mệt mỏi, hoang tưởng, khó tập trung… thì bạn nên thận trọng với nguy cơ rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Nếu nghi ngờ mắc hội chứng này, bạn nên sớm đi khám để được bác sĩ chẩn đoán cụ thể hơn và kê đơn thuốc điều trị phù hợp.
2. Đến tháng đau bụng buồn nôn cảnh báo lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà các mô nội mạc bên trong tử cung phát triển bên ngoài và lan ra những vùng khác như ống dẫn trứng, buồng trứng… Trong chu kỳ kinh nguyệt, các mô này vẫn dày lên và bong ra nhưng không thể thoát ra ngoài như lớp mô bên trong tử cung. Do đó, tình trạng này dẫn đến một số triệu chứng như:
- Đau vùng chậu, đau lưng dưới và đau bụng. Các cơn đau có thể bắt đầu trước khi có kinh và kéo dài vài ngày sau kỳ kinh nguyệt.
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau khi đi tiểu hoặc đi tiêu trong kỳ kinh nguyệt
- Máu kinh nguyệt ra nhiều hoặc chảy máu bất thường giữa kỳ kinh.
Trong một số trường hợp, người bị lạc nội mạc tử cung cũng gặp phải một số triệu chứng khác như đến tháng đau bụng buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đầy bụng. Những triệu chứng này thường dễ xảy ra khi các mô phát triển gần ruột.
3. Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Viêm vùng chậu (PID) là bệnh lý nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản của phụ nữ, gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong đó, nguyên nhân viêm vùng chậu phổ biến nhất là do bạn mắc bệnh lậu hoặc chlamydia. Viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn từ âm đạo và cổ tử cung di chuyển vào tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.
Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng nhận thấy các triệu chứng của viêm vùng chậu một cách rõ ràng nhưng một số trường hợp bệnh nhân vẫn có các triệu chứng như:
- Đau bụng dưới
- Đau vùng xương chậu
- Kinh nguyệt không đều
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau khi đi tiểu
- Tiết dịch âm đạo bất thường.
Nếu nhiễm trùng nặng, viêm vùng chậu có thể gây ra một số triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, sốt và ớn lạnh. Lưu ý là bệnh không chỉ gây buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt mà bạn vẫn có thể gặp một số triệu chứng kể trên giữa các kỳ kinh.
Nói tóm lại, đến tháng đau bụng buồn nôn thường không phải là điều đáng lo ngại nhưng bạn vẫn nên thận trọng nếu buồn nôn khi có kinh kéo dài hoặc kèm theo một số triệu chứng bất thường khác. Cách tốt nhất là bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị đúng bệnh vì đa số bệnh phụ khoa có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
[embed-health-tool-ovulation]