Có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao hay dễ mất sức khi vận động, luyện tập thể thao? Nếu có các biểu hiện này thì rất có thể bạn đang bị thiếu máu do thiếu sắt và chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể là một trong những nguyên nhân chính. Hãy cùng xem tiếp bài viết để hiểu mối liên hệ giữa chu kỳ kinh nguyệt và nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt, cũng như cách khắc phục đơn giản để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh nhé!
Vì sao phụ nữ dễ thiếu máu, thiếu sắt?
Sắt là khoáng chất rất cần thiết cho các hoạt động sinh lý trong cơ thể. Đây là thành phần quan trọng tạo nên nên các huyết sắc tố hemoglobin trong tế bào hồng cầu, giúp vận chuyển oxy đến các tế bào. Ngoài ra, sắt cũng góp mặt vào các phản ứng enzyme trong quá trình chuyển hóa năng lượng và hỗ trợ các chức năng liên quan miễn dịch [3].
Bất cứ ai cũng có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt nhưng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ có nguy cơ cao hơn [1]. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng đến năm 2020, cứ 6 phụ nữ không mang thai thì có 1 người bị thiếu máu, còn ở phụ nữ mang thai, con số này tăng lên là 2 trong 6 người [2]. Nguyên nhân là do với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhu cầu sắt sẽ cao hơn bình thường. Bởi khi có kinh nguyệt mỗi tháng, việc mất máu sẽ gây mất một lượng sắt đáng kể. Nếu không bổ sung sắt kịp thời, tình trạng này lặp lại qua mỗi tháng sẽ khiến cơ thể dần bị thiếu hụt sắt và từ đó dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt.
Ngoài nguyên nhân liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt thì có các nguyên nhân khác gây thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ như:
-
- Mất sắt qua mồ hôi: Tăng tiết mồ hôi có thể gây mất sắt. Dù lượng sắt mất đi không lớn nhưng nếu tích lũy theo thời gian cộng với việc cơ thể không bù lại được lượng sắt đã mất sẽ gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt [4].
- Chế độ ăn uống thiếu chất sắt: Cơ thể thường hấp thụ sắt từ thực phẩm giàu sắt. Nếu chế độ ăn ít chất sắt như ăn kiêng, theo thời gian cơ thể sẽ có tình trạng thiếu sắt [7].
- Nhu cầu oxy và hồng cầu tăng cao: Tình trạng hay xảy ra ở người thường xuyên tập thể thao, làm công việc nặng hoặc ở phụ nữ đang mang thai. Việc vận động nhiều hoặc nuôi dưỡng thai nhi trong thai kỳ khiến cơ thể sản xuất nhiều hồng cầu hơn nên nhu cầu sắt cũng cao hơn. Nếu chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu do thiếu sắt [5], [6].
- Mất máu kéo dài: Tình trạng mất máu chậm và kéo dài như loét dạ dày, polyp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng – có thể gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt. [7]
Dù tất cả chúng ta đều có nhu cầu liên tục về sắt nhưng phái nữ trong độ tuổi có kinh nguyệt, do các yếu tố về sinh lý sẽ có nguy cơ cao hơn bị thiếu sắt. Do đó, các bạn nữ cần chú ý hơn trong việc theo dõi sức khỏe của bản thân, nhất là những triệu chứng trong những ngày “đèn đỏ” nhằm giúp bản thân kịp thời bổ sung lượng sắt cần thiết cho cơ thể.
Chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến việc thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân của khoảng 33-41% trường hợp thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản [9]. Thiếu máu thiếu sắt do chu kỳ kinh nguyệt không xảy ra ngay lập tức mà tích lũy dần theo thời gian. Mỗi tháng, hầu hết phụ nữ sẽ mất khoảng 35 – 50ml máu trong chu kỳ kinh nguyệt, với trường hợp ra huyết nhiều (rong kinh), lượng máu mất đi có thể hơn 80ml [8]. Việc mất máu này sẽ làm phụ nữ mất đi một lượng sắt đáng kể. Nếu không được bổ sung để bù đắp, cơ thể sẽ dần thiếu hụt sắt và rơi vào tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
Đặc biệt, những người có kinh nguyệt nặng, rong kinh, nguy cơ thiếu máu thiếu sắt còn cao hơn do những trường hợp này có tỷ lệ mất sắt tăng gấp 5-6 lần so với những người có chu kỳ kinh nguyệt bình thường [10], [11]. Tình trạng thiếu máu, thiếu sắt có thể dẫn đến các biểu hiện như [7], [9], [12]:
- Dễ mệt mỏi
- Hay thấy chóng mặt, nhức đầu
- Giảm khả năng tập trung, vận động dẫn đến hiệu suất làm việc kém
- Da nhợt nhạt, chân tay lạnh hơn bình thường
- Khó thở, tim đập nhanh
- Ăn uống kém hoặc thèm ăn những thứ không phải thực phẩm như đá, phấn, đất sét…
Nếu tình trạng thiếu sắt do mất máu ở chu kỳ kinh nguyệt diễn ra thường xuyên và kéo dài, việc này không những gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ mà còn có khả năng gây nên những biến chứng nguy hiểm về tim mạch [13].
Làm sao để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt?
Dù phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và cải thiện tình trạng này thông qua một số biện pháp sau:
Bổ sung sắt qua thực phẩm
Để có thể bổ sung đủ sắt cho cơ thể, bạn hãy thêm vào chế độ ăn hằng ngày các loại thực phẩm giàu sắt như [12]:
- Các loại thịt có màu đỏ, tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng…
- Các loại đậu, bánh mì và ngũ cốc nguyên cám
- Các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô, và trái cây khô.
Bên cạnh các thực phẩm giàu sắt, bạn cũng cần ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin C như cam, kiwi, dâu tây, chanh… vì dưỡng chất này sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn.
2. Dùng viên uống bổ sung sắt
Nếu chế độ ăn uống thường ngày không đủ bổ sung lượng sắt cần thiết, bạn có thể hỏi ý kiến chuyên gia việc việc dùng viên uống bổ sung sắt để dự phòng tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Khi lựa chọn viên uống bổ sung sắt, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Chọn sản phẩm có thành phần dễ hấp thu: Nên chọn viên sắt có chứa sắt vừa đủ ở dạng muối sắt (II) hoặc sắt hữu cơ vì chúng dễ hấp thụ hơn sắt vô cơ.
- Công thức cần phối hợp với các thành phần bổ máu toàn diện khác như Kẽm, Axit Folic, Vitamin B12, B6, và Đồng nhằm giúp tăng hiệu quả sử dụng.
- Viên sắt giải phóng chậm trong cơ thể giúp hạn chế tác dụng phụ lên dạ dày và cải thiện khả năng hấp thu, hạn chế táo bón.
Trong những ngày có kinh nguyệt, lượng sắt trong cơ thể bị mất đi nhiều hơn, vì vậy bạn cần chú ý bổ sung sắt kịp thời trước và sau kỳ kinh để bù đắp lượng sắt mất đi.
Nhìn chung, việc dự phòng thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ không khó. Hy vọng với một chút lưu ý trong chế độ ăn uống và chăm sóc bản thân trong thời kỳ kinh nguyệt, bạn đã có thể giúp cơ thể giảm thiểu một số nguy cơ đối với sức khỏe, cũng như cải thiện được chất lượng công việc hàng ngày.
[embed-health-tool-ovulation]