Trước và trong “ngày đèn đỏ”, nhiều chị em không tránh khỏi việc gặp phải các vấn đề tiêu hóa. Trong đó, việc bị táo bón khi hành kinh là tình trạng tương đối phổ biến. Tuy có thể gây khó chịu nhưng thực chất hiện tượng này là bình thường. Miễn là bạn không có thêm bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác như đau bụng dữ dội hoặc có máu trong phân thì sẽ không có gì đáng lo.
Mặc dù vậy, nếu bạn vẫn quan tâm và muốn tìm hiểu cụ thể hơn vì sao dễ bị táo bón khi “rụng dâu” và quan trọng hơn là làm thế nào để cải thiện tình trạng này hiệu quả thì hãy tham khảo bài viết sau của Hello Bacsi nhé!
Vì sao bạn bị táo bón khi hành kinh?
Tương tự như một số triệu chứng phổ biến khác xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt như chuột rút, sưng đau ngực, đầy hơi, tiêu chảy… thì với tình trạng bị táo bón khi hành kinh, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân nào rõ ràng. Tuy nhiên, sự dao động của hormone progesterone và estrogen vẫn luôn được nghi ngờ là yếu tố có sự tác động lớn đối với các vấn đề mà chị em gặp phải khi tới tháng. Cụ thể hơn, một số lý giải sau đây có thể đáng chú ý:
Bạn bị táo bón khi hành kinh do thay đổi nội tiết tố
Trước khi kỳ kinh bắt đầu, nồng độ progesterone sẽ tăng lên và tích tụ trong cơ thể. Đây là hormone có vai trò làm dày lớp niêm mạc tử cung nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề cho đường ruột do progesterone làm giãn cơ trơn đường ruột, khiến cho phân di chuyển chậm hơn trong đường ruột gây nên tình trạng táo bón. Sự tích tụ của progesterone được cho là yếu tố khiến chị em bị táo bón khi hành kinh hoặc sớm hơn.
Điều này nghĩa là bạn cũng có thể bị táo bón vào khoảng thời gian rụng trứng hoặc vào những ngày trước khi có kinh. Ngược lại, vẫn có giả thuyết cho rằng sự gia tăng nồng độ estrogen mới là “thủ phạm” thực sự gây táo bón chứ không phải là progesterone.
Các yếu tố nguy cơ khác khiến bạn bị táo bón trong “ngày đèn đỏ”
Ngoài sự dao động về hormone trong chu kỳ thì các yếu tố như lối sống không lành mạnh, chế độ ăn thiếu chất xơ hoặc một số vấn đề sức khỏe như bạn mắc hội chứng ruột kích thích (IBS), lạc nội mạc tử cung,… cũng góp phần khiến bạn dễ bị táo bón khi hành kinh, đặc biệt là trong những ngày “rụng dâu” đầu tiên.
Bạn nên làm thế nào để cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả?
Trên thực tế, nếu chị em bị đau bụng, đau lưng… kèm theo tình trạng bị táo bón khi hành kinh sẽ nhân đôi sự khó chịu, mệt mỏi trong “ngày đèn đỏ”. Vì vậy, để cải thiện vấn đề khó đi tiêu khi tới tháng, bạn đừng bỏ qua những mẹo chăm sóc sức khỏe sau.
Ưu tiên ăn thực phẩm giàu chất xơ
Nếu bị táo bón khi hành kinh, giải pháp ưu tiên là chị em cần bổ sung nhiều chất xơ thông qua chế độ ăn trong ngày. Khi hoạt động của đường ruột chậm lại trong “ngày đèn đỏ” do nội tiết tố, việc ăn thức ăn giàu chất xơ là cực kỳ cần thiết để cải thiện hệ tiêu hóa của bạn. Trong đó, một số thực phẩm chống lại táo bón mà chị em có thể chọn ăn bao gồm trái cây, rau xanh, ngũ cốc, một số loại đậu…
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một điều rằng việc đột ngột bổ sung quá nhiều chất xơ có thể gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Vì vậy, bạn nên tăng lượng chất xơ một cách từ từ với khẩu phần ăn thích hợp nhé!
Bị táo bón khi hành kinh – Bạn cần chú ý uống nhiều nước hơn
Có thể nói, nguy cơ bị táo bón khi có kinh sẽ tăng cao hơn nếu bạn không đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ nước. Vì vậy, bạn cần chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể bổ sung chất lỏng từ những nguồn khác như canh, súp, trái cây mọng nước (bưởi, dưa hấu, cam, quýt…), nước chanh, nước trái cây…
Cố gắng dành thời gian cho việc tập thể dục
Thực chất, bạn càng ít vận động thì các vấn đề về tiêu hóa càng dễ phát sinh. Vì vậy, lời khuyên là bạn vẫn nên cố gắng dành thời gian mỗi ngày để tập thể dục chẳng hạn như đi bộ, yoga, thiền… Hơn nữa, việc vận động khi tới tháng cũng là điều được khuyến khích để giúp cơ thể nhận được nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm cả lợi ích về cải thiện tiêu hóa, chống táo bón hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Bị táo bón khi hành kinh – Sử dụng men vi sinh có thể hữu ích
Một số chị em có thể “hợp” với men vi sinh (probiotic) và nhận thấy đây là giải pháp điều trị táo bón hiệu quả hơn so với việc dùng thuốc. Vì vậy, đây cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn bị táo bón khi hành kinh. Bên cạnh viên bổ sung probiotic, bạn cũng có thể chọn bổ sung các thực phẩm giàu probiotic khác để cải thiện táo bón như sữa chua, rau củ…
Dùng thuốc nhuận tràng nếu cần thiết
Nếu cảm thấy vô cùng khó chịu do bị táo bón khi hành kinh, bạn có thể chọn cách dùng thuốc nhuận tràng không kê đơn có bán tại các hiệu thuốc. Thông thường, bạn nên chọn nhãn thuốc nhuận tràng dành cho mục đích điều trị mức độ nhẹ hoặc chọn thuốc làm mềm phân. Đồng thời, chị em cần lưu ý rằng luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì để dùng thuốc đúng cách.
Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào về việc dùng thuốc trong thời gian hành kinh, bạn nên hỏi thêm ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.
Bạn có thể cân nhắc dùng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai không phải là thuốc đặc trị táo bón. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy việc dùng thuốc tránh thai có thể giúp nội tiết tố trong cơ thể được duy trì ở mức ổn định. Điều này sẽ giúp cải thiện cũng như ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy) có thể xảy ra trong “ngày đèn đỏ”. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên lưu ý rằng việc dùng thuốc tránh thai không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Do đó, bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Khi nào bạn nên đi khám?
Nếu bị táo bón khi hành kinh chỉ là tạm thời và có thể cải thiện thông qua việc thay đổi hay duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống thì bạn không cần lo lắng. Ngược lại, nếu táo bón kéo dài hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên đi khám. Đặc biệt là khi tình trạng khó đi tiêu trong “ngày đèn đỏ” kèm theo những triệu chứng bất thường sau:
- Đi ngoài thấy có máu trong phân
- Cảm thấy đau khi đi ngoài trong “ngày đèn đỏ”
- Đau bụng, đau lưng dưới dữ dội khi hành kinh
- Máu kinh nguyệt ra nhiều
- Đau nhói ở vùng xương chậu hoặc cẳng chân
- Các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng và dai dẳng
- Buồn nôn, nôn mửa trong kỳ kinh nguyệt.
Tình trạng bị táo bón khi hành kinh kèm theo những triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe khác như hội chứng ruột kích thích hoặc lạc nội mạc tử cung. Vì vậy, bạn cần đi khám được được chẩn đoán, điều trị bằng phương pháp phù hợp.
[embed-health-tool-ovulation]