Bạn đọc hỏi:
Chào bác sĩ,
Tôi 35 tuổi, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hay bị chóng mặt, khó chịu và rất hay bị rong kinh. Mỗi khi bị rong kinh dài ngày, tôi thường ra tiệm thuốc Tây mua thuốc để uống. Có khi uống chưa hết thuốc thì hết rong kinh. Thế nhưng thời gian sau tình trạng rong kinh lại xuất hiện trở lại và thường xuyên tái đi tái lại.
Do tôi ở tỉnh xa, rất ngại phải về bệnh viện lớn thăm khám nên bác sĩ cho tôi hỏi bị rong kinh uống thuốc gì cho nhanh hết và không bị tái phát? (Nguyễn Thị Bình, Lộc Ninh, Bình Phước).
Bác sĩ trả lời:
Chào chị Bình,
Với câu hỏi bị rong kinh uống thuốc gì cho nhanh hết và không bị tái phát, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa và là chuyên gia tham vấn y khoa cho các chuyên mục Sức khỏe phụ nữ, Mang thai của website Hello Bacsi, sẽ giải đáp như sau:
Trước khi trả lời câu hỏi cuaur chị Bình về việc “bị rong kinh uống thuốc gì?”, bác sĩ xin đề cập đôi nét về tình trạng rong kinh:
Kinh nguyệt được coi là một hiện tượng sinh lý mà chị em phụ nữ bình thường nào cũng có khi bước vào độ tuổi sinh sản. Một chu kỳ kinh bình thường thường gặp là 28 – 30 ngày. Tuy nhiên vẫn là bình thường nếu chu kỳ kinh của bạn từ 21 – 35 ngày. Thời gian hành kinh kéo dài 2 – 6 ngày (thường là 3 – 5 ngày), lượng máu mất trung bình 20 – 60ml/mỗi kỳ hành kinh.
Vì một lý do nào đó, mà kinh nguyệt bị thay đổi gây ra các rối loạn kinh nguyệt. Trong đó thường gặp là rong kinh, rong huyết.
Vậy rong kinh là gì?
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt vẫn ra đúng theo chu kỳ, nhưng số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày. Ngoài ra còn có các tình trạng khác như rong huyết, cường kinh….
Nguyên nhân gây rong kinh có thể do nguyên nhân thực thể hay nguyên nhân chức năng. Cụ thể như sau:
- Thực thể:
- Liên quan đến thai nghén: sảy thai, thai lưu, thai ngoài tử cung, bệnh nguyên bào nuôi.
- Bệnh lý đường sinh dục: u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung, tăng sản nội mạc tử cung, ung thư…
- Do sử dụng thuốc: estrogen, aspirin, heparin, tamoxifen
- Đặt dụng cụ tử cung
- Do các rối loạn đông máu: giảm tiểu cầu, bệnh tự miễn, bệnh bạch cầu, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tuyến giáp.
- Do chấn thương đường sinh dục, dị vật đường sinh dục…
- Chức năng (các nguyên nhân này thường được chia theo độ tuổi):
- Trong giai đoạn dậy thì: do tình trạng rối loạn phóng noãn
- Tuổi quanh giai đoạn mãn kinh: chu kỳ không phóng noãn
- Tuổi sinh sản và mãn kinh: thường là do nguyên nhân thực thể hơn là chức năng.
Vì sao phải điều trị rong kinh?
Tình trạng rong kinh nhất là ở độ tuổi sinh sản và mãn kinh thường do các nguyên nhân thực thể cần được điều trị. Hơn nữa việc bị rong kinh kéo dài có thể dẫn đến mất máu, thiếu máu, nặng hơn có thể gây ra tình trạng sốc mất máu. Ngoài ra, rong kinh còn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày, đời sống tinh thần, cũng như đời sống tình dục của 2 vợ chồng.
Khi bị rong kinh nên làm gì?
Khi gặp phải tình trạng rong kinh, người bệnh nên thăm khám ở các cơ sở y tế để được khám, siêu âm, xét nghiệm… tìm ra nguyên nhân gây rong kinh, đánh giá mức độ rong kinh và mất máu để điều trị kịp thời chứ không nên tự dùng thuốc tại nhà. Như tình huống của chị Bình, đã dùng thuốc Tây khi chưa rõ nguyên nhân và không điều trị được tận gốc tình trạng rong kinh.
Rong kinh uống thuốc gì?
Sau khi thăm khám, siêu âm và làm các xét nghiệm đánh giá, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. Không phải tình trạng rong kinh nào cũng điều trị bằng thuốc, cần phải loại trừ các nguyên nhân ác tính, các nguyên nhân bất thường cấu trúc, cần can thiệp để xử trí.
Bị rong kinh uống thuốc gì? Câu trả lời là một số loại thuốc dùng để điều trị rong kinh, chẳng hạn như:
- Thuốc không phải hormone:
- Tác nhân ức chế hủy fibrin (tranexamic acid): có tác dụng cầm máu, nhưng không điều chỉnh chu kỳ kinh, không làm giảm đau bụng kinh.
- Kháng viêm không steroid (NSAID): giảm đau bụng kinh và lượng máu kinh.
- Hormone:
- Ngừa thai kết hợp dạng uống (COCs): kết hợp cả estrogen và progesterone. Thuốc vừa điều hòa kinh nguyệt, chấm dứt tình trạng rong kinh, vừa làm giảm tình trạng đau ngực, đau bụng kinh, vừa có tác dụng tránh thai.
- Danazol: Hormone loại androgenic, ức chế estrogen và progesterone, ít được sử dụng do nhiều tác dụng phụ.
- Gonadotropine-releasing hormone tương tự (GnRH- a): ức chế LH, làm giảm estrogen, progesterone gây vô kinh. Vô kinh hồi phục khi ngưng điều trị.
- Dụng cụ tử cung chứa levonorgestrel (vòng tránh thai nội tiết): vừa điều trị rong kinh vừa ngừa thai lâu dài.
- Các loại progesterone khác: norethisterone, medroxyprogesterone.
Bị rong kinh uống thuốc gì? Ngoài một số thuốc kể trên, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh dùng thêm viên uống bổ sung sắt, vitamin hoặc truyền máu (nếu tình trạng mất máu nhiều).
Trở lại với câu hỏi của chị Bình, bị rong kinh uống thuốc gì để nhanh hết và không tái phát? Thực tế, các loại thuốc được nêu ở trên đều cần được kê đơn sau khi bác sĩ đã thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán. Không phải tình trạng rong kinh nào cũng sử dụng thuốc điều trị mà có thể cần phải can thiệp bằng thủ thuật, phẫu thuật. Do đó, hãy đi khám để xác định đúng nguyên nhân. Chị có thể thăm khám ở các bệnh viện gần nhà, chứ không nhất thiết phải lên các viện lớn, viện trung ương.
Chị Hạnh và bạn đọc có thể xem thêm các bài viết:
Kinh nguyệt bao nhiêu ngày thì hết? Kéo dài bao lâu là rong kinh?
Bị rong kinh nên ăn gì và tránh ăn gì để điều hòa kinh nguyệt?
Cường kinh là gì và có nguy hiểm không?
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-ovulation]