Ở Việt Nam, viêm tinh hoàn là vấn đề sức khỏe nam giới không hiếm gặp. Theo thời gian, tình trạng này có thể kéo theo nhiều biến chứng phức tạp xảy ra nếu người bệnh không sớm có biện pháp can thiệp.
Tinh hoàn gồm hai cơ quan nằm trong bìu, chịu trách nhiệm sản sinh tinh trùng và nội tiết tố testosterone giúp phát triển các đặc điểm nam tính ở đàn ông. Tinh hoàn bị viêm có thể dẫn đến một số hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm cả vô sinh, nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời.
Vậy, bạn đã biết bệnh viêm tinh hoàn là gì chưa? Nguyên nhân viêm tinh hoàn là gì? Viêm tinh hoàn có nguy hiểm không và làm thế nào để chữa trị hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp tất cả.
>>> Đọc thêm: Nổi mụn ở tinh hoàn phải làm sao?
Viêm tinh hoàn là gì?
Thuật ngữ viêm tinh hoàn đề cập đến tình trạng viêm sưng ở một hoặc hai túi tinh hoàn trong bìu dái. Mặc dù bệnh có thể ảnh hưởng đến cả hai túi cùng lúc nhưng hầu hết trường hợp, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một bên tinh hoàn.
Bệnh chủ yếu phát triển từ tình trạng nhiễm trùng tinh hoàn. Trong đó, viêm tinh hoàn sau quai bị là trường hợp thường thấy nhất. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể để lại hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải lo lắng quá vì ngày nay, với nền y học phát triển, hầu hết tình trạng viêm tinh hoàn sau quai bị đều được điều trị tận gốc mà không để lại bất kỳ biến chứng gì, bao gồm cả vấn đề vô sinh.
Các đối tượng dễ mắc bệnh
Đàn ông khoảng 45 tuổi trở lên và người có tiền sử hoặc đang bị quai bị là những đối tượng dễ gặp phải tình trạng sức khỏe này nhất.
Tuy vậy, thực tế bạn không cần phải quá lo lắng vì bạn vẫn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh ngay từ đầu. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
>>> Đọc thêm: 7 lý do gây ngứa tinh hoàn
Nguyên nhân viêm tinh hoàn là gì?
Nhiễm trùng là nguyên nhân viêm tinh hoàn thường gặp. Trong đó, các tác nhân thường gặp nhất có thể kể đến như sau:
Virus
Bị bệnh quai bị dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn là dạng phổ biến nhất của vấn đề sức khỏe nam giới này. Virus quai bị thường tấn công trẻ nhỏ từ 5 – 9 tuổi và rất dễ lây lan. Tuy vậy, đôi khi chủng vi sinh vật có thể tấn công cả thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Viêm tinh hoàn sau quai bị chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi dậy thì. Triệu chứng đau nhức sẽ bắt đầu xuất hiện từ 4 – 10 ngày sau khi dấu hiệu sưng tuyến nước bọt xảy ra.
Trong một số trường hợp, bệnh cũng có thể phát sinh bởi các chủng virus khác không liên quan đến quai bị.
Vi khuẩn
Bên cạnh quai bị, nguyên nhân viêm tinh hoàn còn có thể đến từ vi khuẩn. Những tác nhân gây nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) như lậu hay chlamydia, viêm mào tinh hoàn hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu đều có thể kích thích các phản ứng viêm xảy ra tại bộ phận sinh dục nam này.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tinh hoàn
Rủi ro mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn những người khác nếu đáp ứng bất kỳ yếu tố nào dưới đây, bao gồm:
- Không tiêm phòng bệnh quai bị
- Đang hoặc có tiền sử bị nhiễm trùng đường tiết niệu
- Đã từng thực hiện phẫu thuật bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bên cạnh đó, quan hệ tình dục không an toàn cũng góp phần không nhỏ trong việc phát triển tình trạng sức khỏe nam giới này. Chúng có thể bao gồm:
- Không dùng bao cao su trong lúc quan hệ
- Quan hệ bừa bãi, thay đổi bạn tình liên tục
- “Đối tác” mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Ngoài ra, không ít chuyên gia còn đánh giá vấn đề dị tật bẩm sinh ở niệu đạo hoặc bàng quang là yếu tố giúp phát triển tình trạng sức khỏe nam giới này.
>>> Đọc thêm: 9 điều thú vị về tinh hoàn nam giới
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm tinh hoàn là gì?
Nhận ra dấu hiệu bệnh viêm tinh hoàn ngay từ đầu sẽ giúp bạn sớm có biện pháp can thiệp, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh biến chứng.
Các triệu chứng viêm tinh hoàn ở nam giới thường bộc lộ qua những dấu hiệu như sau:
- Cảm giác đau nhức khó chịu ở bìu dái
- Đi tiểu hoặc xuất tinh có thể khiến cường độ đau tăng lên đáng kể
- Bìu dái sưng rõ rệt
- Máu lẫn trong tinh dịch
- Tần suất đi tiểu bất thường
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn
- Thân nhiệt tăng cao
Bên cạnh đó, dấu hiệu viêm tinh hoàn còn có thể có những biểu hiện khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về triệu chứng viêm tinh hoàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu, biểu hiện viêm tinh hoàn như trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và bệnh trạng của mỗi người có thể không giống nhau. Do đó, hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Bệnh viêm tinh hoàn có nguy hiểm không?
Mặc dù không phải là vấn đề sức khỏe hiếm gặp nhưng bệnh viêm tinh hoàn có nguy hiểm không vẫn là vấn đề không phải ai cũng biết. Phần lớn trường hợp, bệnh không gây nguy hiểm đáng kể nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt, tình trạng này có nguy cơ kéo theo một số biến chứng phức tạp xảy ra, ví dụ như:
- Teo tinh hoàn: gây suy giảm khả năng sinh sản đáng kể
- Áp xe bìu dái: tạo điều kiện phát triển nhiễm trùng ở những bộ phận xung quanh như ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, đường tiết niệu… từ đó gây hiếm muộn hoặc thậm chí là vô sinh
- Vô sinh: do thiếu tinh trùng và nội tiết tố testosterone, có nguy cơ cao diễn ra nếu tình trạng viêm sưng ảnh hưởng đến cả hai túi tinh hoàn
Chẩn đoán bệnh viêm tinh hoàn gồm những thủ thuật xét nghiệm nào?
Trước khi bắt đầu chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về bệnh sử cũng như các đặc trưng của biểu hiện bất thường đang diễn ra. Sau đó, họ sẽ khám lâm sàng và yêu cầu người bệnh thực hiện một số thủ thuật xét nghiệm, bao gồm:
- Tổng phân tích tế bào máu CBC
- Xét nghiệm nước tiểu
- Cấy dịch niệu đạo nhằm tìm kiếm sự hiện của vi sinh vật gây bệnh (lậu, chlamydia…)
- Siêu âm tinh hoàn chẩn đoán tình trạng viêm và loại trừ các bệnh lí khác ở bìu.
Những phương pháp dùng trong điều trị viêm tinh hoàn là gì?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà phương pháp điều trị viêm tinh hoàn ở mỗi người sẽ không giống nhau.
Bệnh do virus gây nên thường không có biện pháp đặc trị nhưng có thể tự biến mất. Trong thời gian này, những gì bạn cần làm là áp dụng một số biện pháp tại nhà như chườm lạnh, nghỉ ngơi… để xoa dịu triệu chứng đau nhức khó chịu.
Trong khi đó, đối với trường hợp tác nhân đứng sau là vi khuẩn, lựa chọn điều trị viêm tinh hoàn thường là sử dụng thuốc kê toa. Quá trình lành bệnh và bình phục hoàn toàn có thể kéo dài vài tuần.
Người bị bệnh viêm tinh hoàn uống thuốc gì?
Những loại thuốc hay góp mặt trong đơn thuốc dành cho người đang gặp phải vấn đề sức khỏe này thường gồm:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc giảm đau
- Thuốc kháng viêm
Những loại thuốc trên đều có khả năng kéo theo tác dụng phụ gây tổn hại đến sức khỏe người dùng. Do đó, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian uống thuốc.
Người mắc bệnh viêm tinh hoàn có quan hệ được không?
Mắc bệnh viêm tinh hoàn có quan hệ được không là vấn đề được quan tâm hàng đầu của những người gặp phải vấn đề sức khỏe nam giới này. Theo bác sĩ, người bệnh nên tạm ngưng hoạt động tình dục trong thời gian này.
Nguyên nhân là do điều này có nhiều nguy cơ thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm lây sang những bộ phận, cơ quan khác. Ngoài ra, hoạt động tình dục có kích thích triệu chứng đau tinh hoàn diễn ra dữ dội hơn, làm ảnh hưởng đến khoái cảm khi quan hệ.
Bị viêm tinh hoàn nên kiêng gì?
Nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tốt như mong đợi, ngoài quan hệ tình dục, người bệnh còn nên kiêng cử một số vấn đề dưới đây:
- Bia, rượu và các thức uống chứa cồn tương tự
- Các món cay, nóng, nhiều dầu mỡ
- Không vệ sinh bộ phận sinh dục
- Thủ dâm
Phòng ngừa bệnh viêm tinh hoàn hiệu quả
Tuy một số trường hợp bệnh không thể phòng ngừa, chẳng hạn như viêm sưng do các vấn đề liên quan đến đường tiết niệu bẩm sinh, nhưng hầu hết trường hợp, áp dụng lối sống, sinh hoạt lành mạnh có thể giúp bạn chủ động phòng ngừa vấn đề sức khỏe nam giới này. Điều này có thể bao gồm:
- Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su, không quan hệ với nhiều người hoặc quan hệ thô bạo…)
- Tiêm vắc xin ngừa quai bị đầy đủ
- Kiểm soát và điều trị hiệu quả những tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến tình trạng này như bệnh lậu, nhiễm khuẩn chlamydia, quai bị…
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến bệnh viêm tinh hoàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]