backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị viêm tinh hoàn thế nào cho hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn · Khoa tiết niệu · Bệnh Viện Đa Khoa Hậu Giang


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 25/03/2022

    Điều trị viêm tinh hoàn thế nào cho hiệu quả?

    Viêm tinh hoàn là một trong những bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của nam giới. Làm thế nào để điều trị viêm tinh hoàn triệt để? 

    Viêm tinh hoàn uống thuốc gì hay chữa trị như thế nào còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Việc chẩn đoán chính xác sẽ là căn cứ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp giúp người bệnh mau chóng khôi phục chức năng của tinh hoàn.  

    4 biện pháp điều trị viêm tinh hoàn hiện nay

    Trước khi tìm hiểu cách điều trị viêm tinh hoàn, bạn cần hiểu đây là bệnh viêm nhiễm một hoặc cả hai tinh hoàn trong bìu dái. Tình trạng này phần lớn bắt nguồn từ việc nhiễm khuẩn hoặc do hậu quả của bệnh quai bị. Nam giới bị viêm tinh hoàn thường có những biểu hiện đặc trưng như là đau nhức tinh hoàn, sưng đau vùng kín, cảm giác đau khi quan hệ (khi xuất tinh thấy có máu lẫn mủ kèm theo), toàn thân mệt mỏi, sốt nhẹ và mất cảm giác ngon miệng…

    Có thể bạn quan tâm: Viêm tinh hoàn do quai bị: Biến chứng nguy hiểm có thể gây vô sinh

    Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như trên xảy ra, bạn hãy gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm cách điều trị viêm tinh hoàn triệt để. Bởi bệnh để lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở phái mạnh. Chưa kể, sự viêm nhiễm lan rộng còn để lại các biến chứng nguy hiểm khác như teo tinh hoàn, áp xe bìu…

    Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị viêm tinh hoàn thích hợp, cụ thể như sau:

    1. Phương pháp nội khoa

    điều trị viêm tinh hoàn bằng phương pháp nội khoa

    Nội khoa là khái niệm liên quan đến việc khám chữa bệnh về các bộ phận bên trong cơ thể hay hiểu đơn giản là sử dụng thuốc để điều trị. Điều trị viêm tinh hoàn đặc hiệu (nhiễm khuẩn )  chủ yếu là điều trị nội khoa, phác đồ điều trị chủ yếu là kháng sinh và giảm đau. Liều và loại kháng sinh sẽ dựa vào kháng sinh đồ và tình trạng hiện tại của bệnh nhân.

    Khi đã hình thành áp xe tinh hoàn, bác sĩ cần rạch rộng tinh hoàn để tháo mủ và các tổ chức hoại tử của nhu mô tinh hoàn. Hậu quả có thể là teo tinh hoàn thứ phát hoặc giảm khả năng sinh sản tinh trùng do sự xơ hóa hoặc hủy hoại các ống dẫn.

    Điều trị viêm tinh hoàn do virus quai bị (viêm tinh hoàn thể Ourlienne): không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh nhân. Khi đã có biến chứng viêm tinh hoàn có thể điều trị bằng các loại thuốc cortison, ACTH có tác dụng làm giảm đau và triệu chứng tại chỗ. Còn quá trình diễn biến của bệnh hầu như không giảm bớt được. Lúc này, bệnh nhân chỉ còn cách điều trị phòng ngừa viêm tinh hoàn do virus. Việc tiêm chủng ngừa bệnh quai bị có ý nghĩa tích cực trong việc phòng ngừa bệnh viêm tinh hoàn do virus. 

    Điều quan trọng khi điều trị nội khoa là người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng mà phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là khi phải dùng thuốc kháng sinh. Nếu người bệnh dùng kháng sinh sai cách, sai liều lượng sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, rất nguy hiểm về sau. Liệu trình dùng thuốc sẽ kéo dài từ 3 đến 10 ngày hoặc thậm chí lâu hơi tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.

    Có thể bạn quan tâm: 4 điều bạn cần tránh khi dùng kháng sinh

    2. Phương pháp điều trị viêm tinh hoàn ngoại khoa

    Việc điều trị ngoại khoa (chữa bệnh hoặc tổn thương bằng phẫu thuật) được chỉ định khi người bệnh có các biến chứng từ viêm tinh hoàn như teo tinh hoàn, áp xe bìu, tràn dịch màng tinh hay viêm tinh hoàn mãn tính có xơ hóa. Việc tiến hành phẫu thuật nên được thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận.

    3. Kết hợp các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm tinh hoàn

    Bên cạnh 2 phương pháp chính, để quá trình chữa bệnh đạt kết quả như mong đợi, người bệnh nên thực hiện theo những khuyến cáo sau:

  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, người bị viêm tinh hoàn cấp tính có kèm theo triệu chứng sốt cần chú ý bù nước đầy đủ để mau lấy lại sức, tránh tình trạng suy nhược.
  • Suốt quá trình chữa trị, người bệnh phải chú ý nghỉ ngơi, cố định phần bìu (có thể mang khố đeo chuyên dụng trong quá trình điều trị viêm tinh hoàn). Nếu triệu chứng sưng, đau kéo dài bạn có thể thử cách chườm lạnh. Bệnh nhân phải lập tức tái khám nếu cảm giác đau ngày càng dữ dội hoặc có biểu hiện sốt cao, bí tiểu.
  • 4. Hỗ trợ điều trị viêm tinh hoàn bằng lá trầu không

    hỗ trợ điều trị viêm tinh hoàn bằng lá trầu không

    Với trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể kết hợp điều trị viêm tinh hoàn bằng lá trầu không. Bài thuốc này được biết đã lưu truyền lâu đời nhằm giúp giảm đau, giảm ngứa và hỗ trợ chữa lành chứng viêm nhiễm ở tinh hoàn.

    Theo y học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Để sử dụng lá trầu không hỗ trợ điều trị viêm tinh hoàn, bạn vò nát 1 nắm lá trầu không đã rửa sạch, thêm một chút muối, đun sôi với nước rồi xông vùng kín. Sau đó lấy nước lá trầu không để nguội, dùng rửa ngoài chống viêm, chống ngứa.

    Thực tế, các bác sĩ khuyến cáo sử dụng bài thuốc này như một phương pháp hỗ trợ bởi nó không có hiệu quả đối với trường hợp viêm nhiễm mãn tính. Việc điều trị viêm tinh hoàn chủ yếu vẫn phải dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa khi có biến chứng.

    Những lưu ý trong quá trình chữa bệnh

    điều trị viêm tinh hoàn cần lưu ý những gì

    Nhiều độc giả băn khoăn không biết viêm tinh hoàn có tự khỏi hay không? Câu trả lời là không thể bởi vi khuẩn, virus gây bệnh hiện diện ở tinh hoàn không tự biến mất nếu không nhờ đến biện pháp can thiệp y khoa.

    Khi điều trị viêm tinh hoàn, bạn nên có chế độ dinh dưỡng cân đối, hạn chế vận động quá sức, mặc đồ lót rộng rãi và tránh những hành động tình dục hoặc thủ dâm tác động lực lên vùng bị ảnh hưởng. 

    Người bệnh cũng cần giữ vệ sinh vùng kín đúng cách. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn vệ sinh vùng kín khi điều trị viêm tinh hoàn từ bác sĩ hoặc dược sĩ lâm sàng. Ngoài ra, bạn cũng nên kiêng các thực phẩm cay nóng, thức uống có cồn và những món giàu chất béo xấu để bệnh không trở nặng thêm.

    Bạn có thể đọc thêm: Lưu ý vàng khi các chàng vệ sinh “cậu nhỏ”

    Vừa rồi là những thông tin giải đáp cho thắc mắc điều trị viêm tinh hoàn như thế nào, viêm tinh hoàn uống thuốc gì và viêm tinh hoàn có tự khỏi không. Hy vọng những kiến thức này phần nào sẽ giúp bạn hiểu thêm về cách chữa bệnh cũng như có cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn

    Khoa tiết niệu · Bệnh Viện Đa Khoa Hậu Giang


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 25/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo