backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Làm rõ mối liên hệ giữa giãn tĩnh mạch thừng tinh với vô sinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    Làm rõ mối liên hệ giữa giãn tĩnh mạch thừng tinh với vô sinh

    Nhiều nam giới có các tĩnh mạch ở bìu. Các bác sĩ gọi tình trạng này là giãn tĩnh mạch thừng tinh. Xuất hiện ở vị trí nhạy cảm, vậy giãn tĩnh mạch thừng tinh có nguy hiểm không? Sự thực là một số người thậm chí còn không nhận thấy triệu chứng hay bị bất cứ rủi ro nào do căn bệnh này, nhưng số khác lại gặp vấn đề với khả năng sinh sản.

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10%-15% nam giới. Mối liên hệ giữa giãn tĩnh mạch thừng tinh với vô sinh vẫn còn là vấn đề được các chuyên gia tranh cãi.

    Tổng quan về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Về cơ bản, giãn tĩnh mạch thừng tinh là một dạng giãn tĩnh mạch. Đa phần các trường hợp bị giãn tĩnh mạch ở chân, nhưng cũng không loại trừ khả năng bệnh giãn tĩnh mạch phát sinh ở các vị trí khác như thực quản, tay, hậu môn.

    Giãn tĩnh mạch là hiện tượng các tĩnh mạch chịu áp lực và bị nở rộng, xoắn lại, phồng to. Giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể không nhìn thấy các tĩnh mạch giãn. Theo thời gian, họ sẽ quan sát rõ được các tĩnh mạch phồng to ngay bên dưới da, nổi lên trên bề mặt da, màu xanh hoặc tím đậm.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Giãn tĩnh mạch thực quản là bệnh gì

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng xảy ra khi các tĩnh mạch bên trong bìu giãn nở rộng ra, bị xoắn lại thành khối. Bìu lúc này trông giống như một túi giun, với các tĩnh mạch phình to nhưng da không bị đổi màu. Nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh đôi khi cảm thấy sưng và đau bìu.

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh đến nay vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra do các van bên trong tĩnh mạch không hoạt động hiệu quả, khiến máu không lưu thông đúng cách. Các tĩnh mạch vì thế mà chịu áp lực, bị mở rộng, giãn ra, gây tổn thương tinh hoàn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy đến trong giai đoạn dậy thì. Bệnh hay gặp ở phía bên trái, có lẽ do cấu trúc giải phẫu của bìu ở bên trái và bên phải có đôi chút khác biệt.

    Triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh hiếm khi gây đau cho bệnh nhân, nhưng cơn đau nếu có thì thường sẽ:

  • Đau nặng hơn khi đứng hoặc gắng sức vận động. Cơn đau sẽ giảm khi nằm ngửa
  • Thay đổi từ đau sắc nét đến đau âm ỉ
  • Ngày càng nghiêm trọng hơn
  • Người bệnh cần đi khám bác sĩ nếu:

    • Tinh hoàn thay đổi bất thường về kích thước, hình dạng, màu sắc
    • Có nốt u
    • Người bệnh gặp vấn đề về khả năng sinh sản
    • Sưng ở bìu
    • Quan sát thấy tĩnh mạch ở bìu sưng to, xoắn bất thường

    Bạn có thể tham khảo thêm: Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Triệu chứng và cấp độ

    Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Việc phân loại các cấp độ bệnh giúp chẩn đoán và điều trị dễ dàng hơn. Sau đây là hệ thống phân loại gợi ý:

    • Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 0: Hiện tượng giãn tĩnh mạch không phát hiện được thông qua cảm quan, nhưng quan sát được khi siêu âm (giãn tĩnh mạch thừng tinh cận lâm sàng)
    • Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 1: Tình trạng giãn tĩnh mạch có thể được cảm nhận khi khám, khi bệnh nhân đang thực hiện thao tác valsalva
    • Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 2: Khám được ngay cả khi không thực hiện thao tác valsalva
    • Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 3: Giãn tĩnh mạch gây biến dạng bìu, và sự biến dạng này quan sát được. Bìu lúc này trông như một túi giun mềm.

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh cận lâm sàng là giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm hình ảnh (đo nhiệt độ bìu hoặc xét nghiệm hồi lưu Doppler – một loại siêu âm).

    Các xét nghiệm khác bao gồm phân tích tinh dịch và xét nghiệm hormone để phát hiện hormone kích thích nang trứng (FHS) cao và testosterone thấp. Các xét nghiệm này được thực hiện trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ có rối loạn chức năng tinh hoàn.

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh có nguy hiểm không?

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh rất phổ biến và chúng thường không bị phát hiện trong suốt cuộc đời. Vì thế, có khả năng khoảng 80% nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn thụ thai được với bạn tình mà không cần can thiệp y tế. Hầu hết nam giới bị suy giãn tĩnh mạch không bị khó chịu hoặc gặp vấn đề về nội tiết tố.

    Nói như vậy không có nghĩa là bệnh hoàn toàn không nguy hiểm, vì nó vẫn có khả năng gây ra biến chứng. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gây ra ba vấn đề chính: Suy giảm khả năng sinh sản, giảm sản xuất testosterone hoặc gây khó chịu ở bìu.

    Suy giảm khả năng sinh sản: Vô sinh

    Vô sinh là biến chứng nghiêm trọng nhất có khả năng xảy ra.

    Vô sinh

    Từ 35%-44% nam giới bị vô sinh nguyên phát, đồng thời bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng ảnh hưởng đến 45%-81% nam giới bị vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là khi một cặp vợ chồng đã cố gắng sau 12 tháng mà vẫn chưa thụ thai thành công, còn vô sinh thứ phát là cặp vợ chồng từng thụ thai ít nhất một lần nhưng hiện tại không còn khả năng đó.

    Nghiên cứu công bố năm 2016 cho thấy, trong số 7035 thanh niên khỏe mạnh tham gia khảo sát từ năm 1996 đến 2010, 15,7% bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Những người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng có chất lượng tinh binh kém.

    Lượng máu tăng lên ở bìu làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn, trong khi việc sản xuất tinh trùng thường chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi nhiệt độ ở khu vực này thấp hơn một chút so với nhiệt độ cơ thể.

    Tinh hoàn co lại, gây khó chịu ở bìu

    Tinh hoàn co lại, gây khó chịu ở bìu

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh có khả năng gây teo tinh hoàn (tinh hoàn co rút). Nếu các ống sinh tinh trong tinh hoàn bị tổn thương, tinh hoàn dễ bị teo nhỏ và trở nên mềm hơn.

    Mất cân bằng nội tiết tố: Giảm sản xuất testosterone

    Khi các tế bào phản ứng với sự gia tăng áp lực do lưu thông máu không thuận lợi, một sự thay đổi hormone sẽ xảy ra. Nồng độ hormone luteinizing (LH) tăng cao hơn. Hormone này có ở cả nam lẫn nữ. Ngoài ra, mức testosterone có khả năng thay đổi bất thường, hoặc vẫn ở mức bình thường tùy từng trường hợp.

    Tổng kết: Giãn tĩnh mạch thừng tinh không gây nhiều rủi ro, nhưng nếu phát hiện bản thân có triệu chứng bất thường ở khu vực nhạy cảm hoặc gặp vấn đề về sinh sản, các đấng mày râu nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.  

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo