backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đi tìm cơ hội chữa khỏi cho bệnh tăng nhãn áp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 10/01/2020

    Đi tìm cơ hội chữa khỏi cho bệnh tăng nhãn áp

    4,5 triệu người trên toàn cầu bị mù vì bệnh tăng nhãn áp, khiến nó trở thành nguyên nhân gây mù cao thứ ba trên toàn thế giới. Vì lẽ đó, “Bệnh tăng nhãn áp có chữa được không?” trở thành câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.

    Tình trạng tăng nhãn áp rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng không xuất hiện ngay lập tức. Thay vào đó, chúng phát triển chậm trong nhiều năm. Điều này có nghĩa là nhiều bệnh nhân chỉ tìm cách điều trị khi họ nhận thấy mình bị mất thị lực – một biến chứng của tăng nhãn áp.

    Tăng nhãn áp là gì?

    Tăng nhãn áp là tình trạng chất lỏng trong mắt bị tắc chứ không được dẫn lưu đúng cách. Điều này tạo ra áp lực làm tổn thương dây thần kinh thị giác nối mắt với não, dẫn đến mất thị lực. Mặc dù không rõ chính xác nguyên nhân gây ra tăng nhãn áp, song các yếu tố như tuổi tác, tiền sử gia đình, nguồn gốc chủng tộc và các tình trạng y tế khác như tiểu đường và cận thị có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tăng nhãn áp có khả năng ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn cả ở người cao tuổi.

    tăng nhãn áp có chữa được không

    Tăng nhãn áp có chữa được không?

    Có nhiều loại bệnh tăng nhãn áp khác nhau và việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại bệnh mà bạn mắc phải. Bệnh tăng nhãn áp không thể chữa khỏi và thị lực đã bị mất không thể phục hồi. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm chậm tiến trình mất thị lực bằng cách uống thuốc hoặc phẫu thuật. Mỗi bệnh nhân tăng nhãn áp cần được theo dõi và điều trị suốt đời để có kết quả tốt nhất.

    Làm sao để làm chậm sự tiến triển của bệnh?

    Bệnh tăng nhãn áp xảy ra khi áp lực cao trong mắt làm hỏng dây thần kinh thị giác của bạn. Theo thời gian, bệnh dễ khiến bạn mất thị lực vĩnh viễn. Song bạn có thể thực hiện các bước sau để làm chậm tiến trình phát triển của bệnh, lưu giữ nguồn ánh sáng quý giá cho mắt:

    Kiểm tra mắt thường xuyên

    Thăm khám chuyên khoa mắt là cách tốt nhất để phát hiện và kiểm soát bệnh tăng nhãn áp sớm. Trừ khi bạn được bác sĩ nhãn khoa kiểm tra áp lực mắt, còn không thì chẳng bao giờ bạn biết áp lực đó cao, vì bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào.

    Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên khám mắt toàn diện ở tuổi 40 để có được bức tranh cơ bản về sức khỏe của mắt. Bằng cách đó, bác sĩ sẽ dễ dàng theo dõi những thay đổi trong tầm nhìn của bạn từ lần kiểm tra này sang lần kiểm tra tiếp theo.

    Trước 40 tuổi, bạn có thể chỉ cần gặp bác sĩ mắt mỗi 2-4 năm/lần. Nhưng khi già đi, bạn sẽ cần kiểm tra thường xuyên hơn, từ 1-2 năm/lần. Nếu bạn trên 60 tuổi, là người Mỹ gốc Phi, có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc những vấn đề sức khỏe khác làm tăng cơ hội mắc bệnh, bạn cần được kiểm tra mỗi năm một lần, bắt đầu ở tuổi 35.

    Các xét nghiệm bạn cần thực hiện là:

    • Kiểm tra áp lực mắt. Bác sĩ sẽ nhỏ những giọt gây tê vào mắt bạn, sau đó ấn nhẹ bằng một thiết bị nhỏ. Đôi khi bác sĩ có thể sử dụng một luồng không khí thay thế. Nhờ vậy, bác sĩ sẽ phát hiện ra nếu áp lực bên trong mắt bạn không nằm trong phạm vi bình thường.
    • Kiểm tra thần kinh thị giác. Bạn sẽ được nhỏ những giọt đặc biệt để làm giãn đồng tử. Sau đó, bác sĩ nhìn kỹ vào hình dạng và màu sắc của dây thần kinh thị giác.

    bệnh tăng nhãn áp

    Nếu nghi ngờ bạn bị tăng nhãn áp, bác sĩ có thể yêu cầu hình ảnh đặc biệt về dây thần kinh thị giác của bạn, đồng thời làm xét nghiệm để kiểm tra thị lực.

    Đừng bỏ điều trị

    Giảm áp lực mắt giúp làm chậm tốc độ tăng nhãn áp của bạn. Nếu bạn được điều trị kịp thời, tình trạng suy giảm thị lực sẽ được khống chế. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

    Thuốc nhỏ mắt. Đây thường là bước đầu tiên để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Có nhiều loại thuốc nhỏ mắt để trị tăng nhãn áp, nhưng tất cả đều kiểm soát áp lực mắt theo hai cách cơ bản: giúp chất lỏng trong mắt của bạn thoát ra tốt hơn, hoặc giúp mắt giảm bớt áp lực. Bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ bằng cách nhỏ thuốc đều đặn. Tốt nhất, hãy xem đó như một thói quen giống như ăn, uống và vệ sinh mỗi ngày.

    Phẫu thuật. Nếu thuốc nhỏ mắt không có nhiều tác dụng đối với bệnh tình của bạn, hoặc nếu bạn không thể sử dụng chúng vì bất kỳ lý do gì, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào loại bệnh tăng nhãn áp bạn mắc phải.

    Phẫu thuật bằng tia laser. Phương pháp này được áp dụng để điều trị hai loại tăng nhãn áp: tăng nhãn áp góc đóng và tăng nhãn áp góc mở. Nó giúp mắt bạn thoát nước bằng cách giảm áp lực. Với tăng nhãn áp góc mở, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng tia laser để tạo thêm không gian cho chất lỏng chảy qua. Nếu bạn bị tăng nhãn áp góc đóng, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên mống mắt để giúp nước mắt chảy ra.

    Phẫu thuật theo phương pháp truyền thống. Nếu thuốc nhỏ mắt và phẫu thuật laser không đủ để giảm áp lực mắt, có khả năng bạn phải thực hiện một cuộc phẫu thuật truyền thống. Khi đó bác sĩ sẽ tạo ra một kênh thoát nước mới cho chất lỏng bên trong mắt bạn.

    Tập thể dục thường xuyên

    Tập thể dục thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ ít nhất 150 phút/tuần có thể giúp giảm áp lực mắt của bạn. Bên cạnh đó, yoga cũng rất thú vị, nhưng bạn nên tránh các tư thế lộn ngược (dễ làm cho áp lực mắt tăng lên).

    Tránh xa cần sa

    Có thể bạn từng nghe nói cần sa y tế hữu ích với bệnh tăng nhãn áp. Mặc dù loại thuốc này đã được chứng minh là làm giảm áp lực mắt, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện điều này. Và đi kèm với lợi ích đó chính là tác dụng phụ: làm giảm huyết áp. Điều này vô tình xóa sạch mọi lợi ích từ cần sa, vì huyết áp giảm sẽ hạn chế lượng máu lưu thông trong dây thần kinh thị giác, khiến tình trạng tăng nhãn áp tồi tệ hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 10/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo