Dầu thầu dầu là một loại dầu thực vật được sử dụng cho nhiều mục đích, từ làm đẹp da và tóc cho đến hỗ trợ sức khỏe chẳng hạn như trị táo bón.
Dầu thầu dầu được ứng dụng khá rộng rãi trong lĩnh vực y tế, công nghiệp và dược phẩm. Loại dầu này đóng vai trò như một chất phụ gia trong thực phẩm, thuốc và các sản phẩm chăm sóc da.
Ở Ai Cập cổ đại, các thầy thuốc đã dùng dầu này để điều trị các bệnh như kích ứng mắt và thậm chí dùng cho phụ nữ mang thai để kích thích chuyển dạ. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ bật mí 7 lợi ích khác của dầu thầu dầu mà bạn sẽ bất ngờ khi biết được đấy.
1. Dầu thầu dầu trị táo bón
Một trong những công dụng y học nổi tiếng nhất của dầu chiết xuất từ thầu dầu là khả năng nhuận tràng tự nhiên. Loại dầu này có thể làm tăng sự chuyển động của các cơ đẩy chất thải qua ruột, từ đó giúp làm sạch ruột và giảm táo bón.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc đi vệ sinh, hãy uống 1 muỗng dầu thầu dầu trước khi đi ngủ hoặc dùng kèm với nước cam bởi dầu có vị đắng khá khó chịu. Tuy nhiên, bạn không nên uống loại dầu này quá 3 ngày để tránh bị tiêu chảy.
Để trị táo bón ở trẻ em, bạn có thể xoa bóp dầu nhẹ nhàng quanh vùng hậu môn của trẻ để làm mềm khu vực này và hỗ trợ việc thải phân diễn ra dễ dàng hơn.
Dầu thầu dầu có thể được xem là một phương thuốc tự nhiên trong việc trị táo bón tạm thời. Tuy nhiên, đôi khi dầu gây ra tác dụng phụ như chuột rút và tiêu chảy. Bạn không nên sử dụng loại dầu này để điều trị táo bón mạn tính.
2. Dầu thầu dầu trị rạn da khi mang thai
Dầu thầu dầu rất giàu axit ricinoleic, một loại axit béo không bão hòa đơn. Những loại chất béo này hoạt động như chất giữ ẩm và có khả năng ngăn ngừa tình trạng da bị mất nước.
Bên cạnh đó, dầu thầu dầu là nguyên liệu được sử dụng trong khá nhiều loại kem chống rạn da khác nhau để ngăn ngừa sự hình thành các vết rạn da khi mang thai hoặc trong khi bạn đang giảm cân.
Ngoài ra, việc massage da với loại dầu này là một phương pháp “chữa cháy’ hiệu quả cho những làn da đang gặp vấn đề về rạn hoặc khô. Cách thực hiện cũng khá đơn giản:
- Cho dầu lên 1 miếng bông tẩy trang
- Xoa đều lên vùng da bị khô hoặc rạn
- Để yên trong vòng 1 giờ
- Rửa sạch vùng da thoa dầu lại bằng nước ấm
- Lặp lại quá trình này 2 lần/ngày, một lần vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ để đem lại kết quả nhanh hơn.
Dầu thầu dầu có thể giúp khóa độ ẩm trong da, ngăn ngừa và hỗ trợ tình trạng khô hoặc rạn. Mặc dù biện pháp tự nhiên này được cho là khá an toàn nhưng đôi lúc những phản ứng dị ứng vẫn có khả năng xảy ra. Do đó, mẹ bầu nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng hoặc dùng thử trên một vùng da nhỏ và thoe dõi phản ứng.
3. Giúp vết thương nhanh lành
Bôi dầu thầu dầu lên vết thương sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình chữa lành, ngăn ngừa vết loét cũng như giảm nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, dầu còn hạn chế tình trạng sừng hóa bởi sự tích tụ của các tế bào da chết có thể trì hoãn quá trình lành vết thương.
Dầu thầu dầu giúp chữa lành vết thương bằng cách kích thích mô da phát triển, giảm khô và ngăn ngừa sự tích tụ của các tế bào da chết.
4. Dầu thầu dầu giảm đau, kháng viêm
Axit Ricinoleic, một dạng axit béo chính trong dầu thầu dầu, có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bôi dầu lên da sẽ hỗ trợ giảm viêm và giảm đau.
Nếu đang mắc phải bệnh gút hoặc thấp khớp, bạn hãy thử bôi dầu lên khu vực bị ảnh hưởng. Sự khó chịu do các tình trạng trên mang lại sẽ được giảm nhẹ. Thêm vào đó, xoa bóp cơ bị đau bằng dầu đều đặn cũng đem đến tác dụng thư giãn lâu dài.
Dầu thầu dầu chứa các loại axit béo đã được chứng minh là có khả năng giúp giảm đau và viêm hiệu quả.
5. Dầu thầu dầu giúp giảm mụn
Mụn là tình trạng da phổ biến ở độ tuổi dậy thì và cả sau đó nữa. Bạn có cảm thấy khó chịu khi trên khuôn mặt xuất hiện những nốt mụn đầu đen, mụn mủ và mụn viêm đáng ghét? Chúng không những ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà đôi khi còn gây đau đớn.
Dẫu cho nghe qua có vẻ nghi ngại nhưng dầu thầu dầu lại có khả năng:
- Hòa tan và loại bỏ các tế bào da chết, vi khuẩn, dầu thừa và bụi bẩn đang làm tắc nghẽn lỗ chân lông
- Ngăn ngừa mụn phát triển nhờ vào đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus tuyệt vời
- Giúp giữ ẩm cho làn da và ngăn ngừa tình trạng tiết dầu quá mức của tuyến bã nhờn – một trong những nguyên nhân chính gây ra mụn
- Giúp chống lại vi khuẩn gây mụn nhờ vào axit ricinoleic. Hàm lượng axit béo cao cũng sẽ hỗ trợ bạn làm mờ vết thâm bằng cách thâm nhập vào các mô da bị tổn thương và thúc đẩy các tế bào phát triển khỏe mạnh.
Cách sử dụng dầu thầu dầu để trị mụn như sau:
- Xông mặt bằng nước nóng trong 10 – 15 phút
- Lấy 1 muỗng dầu thầu dầu, xoa nóng trong lòng bàn tay và sau đó áp lên mặt
- Để yên trong 45 – 60 phút sau đó rửa mặt
- Thực hiện khoảng 2 lần mỗi tuần.
Dầu giúp kháng viêm, giảm vi khuẩn và làm dịu da bị kích ứng, tất cả những đặc tính này đều có thể hữu ích cho những ai đang tìm kiếm một phương pháp trị mụn tự nhiên.
6. Dầu thầu dầu trị nấm chân răng
Candida albicans là một loại nấm thường gây ra các vấn đề về răng như sự phát triển quá mức của mảng bám, nhiễm trùng nướu và nhiễm trùng chân răng. Dầu thầu dầu có đặc tính kháng nấm và có thể giúp chống lại nấm candida, giữ cho răng miệng khỏe mạnh.
Súc miệng bằng dầu từ 10 – 15 phút sau khi ngủ dậy không chỉ giúp đẩy lùi tình trạng nhiễm nấm chân răng mà còn giúp cải thiện màu sắc men răng.
7. Dầu thầu dầu dưỡng tóc và da đầu
Dầu thầu dầu đặc biệt tốt cho tóc khô và hư tổn bởi khả năng dưỡng ẩm mạnh mẽ cũng như lành tính. Chất béo từ loại dầu này cũng giúp bôi trơn thân tóc, tăng tính linh hoạt và giảm gãy rụng.
Ngoài ra, dầu chiết xuất từ cây thầu dầu có thể có lợi cho những ai đang gặp vấn đề về gàu. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra gàu, nhưng chúng đều có liên quan đến viêm da tiết bã nhờn, một tình trạng viêm da gây ra các mảng đỏ, có vảy trên da đầu.
Do khả năng làm giảm viêm mà loại dầu này còn là một phương pháp điều trị gàu do viêm da tiết bã gây ra khá hiệu quả. Thêm vào đó, thoa dầu lên da và xoa bóp sẽ giúp giữ ẩm cho da đầu bị khô, từ đó giảm tình trạng bong tróc.
Nhờ vào các đặc tính giữ ẩm và chống viêm mà dầu thầu dầu trở thành một lựa chọn tuyệt vời trong việc nuôi dưỡng mái tóc mềm mại, suôn mượt và giảm các triệu chứng của gàu.
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu
Nhiều người sử dụng dầu thầu dầu để điều trị các vấn đề khác nhau bằng cách uống hoặc bôi lên da. Mặc dù được cho rằng khá an toàn, nhưng loại dầu này vẫn có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn chẳng hạn như:
- Kích thích chuyển dạ: Dầu được các bác sĩ sản khoa chỉ định cho mẹ bầu sử dụng nhằm mục đích gây chuyển dạ. Vì lý do này, phụ nữ mang thai (ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỷ) nên tránh sử dụng loại dầu này. Nếu dùng bôi ngoài với mục đích giảm tình trạng khô, rạn da, giúp dưỡng tóc, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ.
- Gây tiêu chảy: Dẫu khả năng giảm táo bón khá hiệu quả cho trẻ nhỏ, bé có thể gặp phải tác dụng ngược chẳng hạn như tiêu chảy nếu như dùng quá liều lượng cần thiết, khiến bé mất nước và mất cân bằng điện giải.
- Gây ra phản ứng dị ứng: Không phải ai cũng dùng được dầu thầu dầu bởi phản ứng dị ứng vẫn có nguy cơ xảy ra. Do đó để an tâm, bạn nên bôi một lượng nhỏ lên quai hàm để xem cơ thể phản ứng thế nào rồi mới dùng trên da với diện tích rộng.
Dầu chiết xuất từ cây thầu dầu ngày càng được ưa chuộng như một phương pháp hỗ trợ tự nhiên cho nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu đang tìm kiếm một loại dầu đa năng, giá cả phải chăng thì đây có thể là gợi ý dành cho bạn đấy.
[embed-health-tool-bmi]