backup og meta

Vì sao bạn nên đi khám phụ khoa thường xuyên?

Vì sao bạn nên đi khám phụ khoa thường xuyên?

Là phụ nữ, bạn nên đi khám phụ khoa thường xuyên để giữ gìn sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, khám phụ khoa lại là một vấn đề nhạy cảm mà nhiều phụ nữ tỏ ra khá ái ngại khi đề cập tới. Thế nhưng khi nhận thức được tầm quan trọng của việc khám phụ khoa thì có thể bạn sẽ thay đổi suy nghĩ trước đây của mình đấy.

Lợi ích rõ rệt của việc khám phụ khoa

Khám phụ khoa thường xuyên sẽ giúp bạn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chăm sóc cơ thể đúng cách và quan trọng là ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn nên khám phụ khoa định kỳ cho dù bạn có triệu chứng hay không. Có một số bệnh mà bạn chỉ có thể nhận ra chúng sau một thời gian dài ủ bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung hay ung thư buồng trứng. Điều trị sớm luôn dễ dàng hơn và mang lại hiệu quả tốt hơn cho bệnh nhân.

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào như đau khi giao hợp, chảy máu sau giao hợp, viêm âm đạo hay bất kỳ vấn đề nào về vú, mãn kinh, những thay đổi bất thường ở bộ phận sinh dục cũng như chức năng của nó, bạn cần đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định bạn đang phải đối mặt với những gì, tìm ra nguyên nhân và giúp bạn lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.

Xét nghiệm Pap không thể giúp bạn phát hiện tất cả các loại bệnh

Xét nghiệm Pap là một xét nghiệm thông thường được thiết kế giúp phụ nữ kiểm tra khi họ có bất kỳ tế bào cổ tử cung bất thường nào trước khi chúng trở thành ung thư. Nếu trong những năm qua bạn không hề khám phụ khoa, bạn đã mất đi cơ hội để được kiểm tra toàn diện sức khỏe. Tuy nhiên, xét nghiệm Pap chỉ giúp bạn sớm phát hiện những dấu hiệu ung thư còn khám phụ khoa định kỳ sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích hơn về sức khỏe. Kiểm tra định kỳ hàng năm sẽ giúp bạn phát hiện và ngăn ngừa nhiều tình trạng bệnh lý.

Ngoài ra, xét nghiệm Pap cũng không thể kiểm tra HPV hay nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. HPV là một bệnh phổ biến mà 50% người đã quan hệ tình dục có thể bị nhiễm. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết rằng họ đã phơi nhiễm HPV và làm HPV lây lan rộng hơn. Một bác sĩ phụ khoa sẽ có thể giúp bạn xét nghiệm cẩn thận hơn.

Khám phụ khoa định kỳ giúp kiểm soát việc sinh đẻ của bạn

Nếu bạn có ý định sử dụng bất kỳ phương pháp ngừa thai nào, tốt hơn hết bạn nên đi khám phụ khoa. Trong buổi khám, bạn có thể thảo luận với bác sĩ chi tiết hơn về thuốc uống, thuốc tiêm, miếng dán ngừa thai, dụng cụ tử cung hoặc vòng âm đạo. Cơ thể mỗi người là khác nhau. Vì thế, không có một phương pháp tránh thai nào là phù hợp cho tất cả mọi người. Ngoài ra, cơ thể của bạn cũng thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Vì thế, khám phụ khoa hàng năm sẽ giúp bạn điều chỉnh các loại thuốc để phù hợp với tình trạng của bạn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể nắm bắt được tình trạng bệnh, tác dụng của thuốc và làm một biểu đồ để theo dõi sức khỏe cho bạn.

Sẽ luôn tốt hơn nếu bạn biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, cơ thể bạn đang làm việc có hiệu quả không và làm thế nào để sớm điều trị các triệu chứng của các bệnh tiềm ẩn. Thực hiện khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi đó. Nếu bạn muốn mình khỏe mạnh, đừng quên đặt lịch thăm khám ít nhất mỗi năm một lần bạn nhé.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Why Women Should Visit the OB/GYN Every Year http://www.abingtonhealth.org/healthy-living/health-news/library/articles-related-to-womens-health-/why-women-should-visit-the-obgyn-every-year-/#.V4MlJx82skZ. Ngày truy cập 11/7/2016.

What to Expect From an Ob-Gyn Visit http://www.webmd.com/women/guide/what-to-expect-from-an-ob-gyn-visit. Ngày truy cập 11/7/2016.

Your Annual OB/GYN Exam: Why It’s Necessary http://overlakeobgyn.com/your-annual-obgyn-exam-why-its-necessary/. Ngày truy cập 11/7/2016.

Phiên bản hiện tại

10/12/2019

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Bị đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì? 6 nguyên nhân thường gặp 

Bị đau ngực bên trái ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 10/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo