backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách khắc phục hiệu quả khi bị dị ứng kem chống nắng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 25/08/2023

    Cách khắc phục hiệu quả khi bị dị ứng kem chống nắng

    Dị ứng kem chống nắng là tình trạng không hề hiếm gặp nếu bạn có làn da khá nhạy cảm hoặc thành phần trong kem không thân thiện với da hoặc bạn bị viêm da tiếp xúc. Vậy, dị ứng kem chống nắng phải làm sao? Dấu hiệu dị ứng kem chống nắng là gì? Tại sao bôi kem chống nắng bị rát mặt?

    Việc sử dụng kem chống nắng là một phần quan trọng trong chu trình chăm sóc da. Ngoài ra, thành phần chống nắng hiện nay đã được thêm vào nhiều loại mỹ phẩm và kem dưỡng da bên cạnh các tính năng chuyên dụng của sản phẩm. Có khá nhiều trường hợp bị dị ứng kem chống nắng. Vậy vấn đề này là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin tổng hợp được trong bài viết sau của Hello Bacsi.

    Các loại dị ứng kem chống nắng khác nhau

    dị ứng kem chống nắng

    Dị ứng kem chống nắng hay tại sao bôi kem chống nắng bị ngứa? Bạn có thể bị ngứa sau khi bôi kem chống nắng vì các lý do thường gặp sau:

    1. Viêm da tiếp xúc (Contact dermatitis) là phản ứng dị ứng kem chống nắng phổ biến nhất, xảy ra ở những người nhạy cảm với thành phần có trong kem chống nắng hoặc mỹ phẩm có thành phần chống nắng. Có 2 loại viêm da tiếp xúc: kích ứng/kích thích và dị ứng.
      • Viêm da tiếp xúc kích thích (Irritant contact dermatitis): Đây là một phản ứng phổ biến ở những người có tiền sử bệnh chàm, vảy nến hoặc da nhạy cảm, gây kích ứng ở vùng da đã thoa kem chống nắng và có thể xuất hiện như mẩn đỏ nhẹ hoặc cảm giác châm chích mà không có bất kỳ mẩn đỏ nào.
      • Viêm da tiếp xúc dị ứng (Allergic Contact Dermatitis): Đây là loại viêm da tiếp xúc ít phổ biến hơn và xảy ra ở những người nhạy cảm với một thành phần có trong kem chống nắng. Phản ứng này là kết quả của việc dị ứng với một thành phần, chẳng hạn như hương liệu hoặc chất bảo quản và có thể xảy ra ngay cả khi bạn chưa từng có phản ứng với các thành phần hoặc kem chống nắng này trước đây, vì dị ứng có thể phát triển theo thời gian. Khi bị dị ứng kem chống nắng, bạn sẽ có các triệu chứng như phát ban ngứa, phồng rộp xảy ra trên vùng da đã bôi kem chống nắng và đôi khi có thể lan sang các vùng khác.
  • Viêm da tiếp xúc quang hóa (Photocontact Dermatitis) là một loại dị ứng kem chống nắng hiếm gặp hơn, thường xảy ra khi kem chống nắng được thoa lên cơ thể và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ở một số người, có sự tương tác giữa thành phần kem chống nắng và tia UV dẫn đến phản ứng trên da. Đây thường là kết quả của việc dị ứng với các thành phần hoạt tính, nhưng nó cũng có thể là do phản ứng với hương liệu hoặc chất bảo quản trong kem chống nắng. Phản ứng có thể giống như bị cháy nắng hoặc chàm nặng, và thường xảy ra nhất ở mặt, cánh tay, mu bàn tay, ngực và cổ.
  • Dấu hiệu dị ứng kem chống nắng

    dị ứng kem chống nắng

    Bạn xài kem chống nắng bị ngứa hoặc rát da hoặc bạn có các triệu chứng kích ứng kem chống nắng? Vậy liệu đây có phải là các biểu hiện của tình trạng dị ứng kem chống nắng?

    Theo các chuyên gia, các biểu hiện của tình trạng dị ứng kem chống nắng hay dấu hiệu dị ứng kem chống nắng tương tự như khi bạn bị phát ban do nhiệt hoặc cháy nắng:

    • Bị ngứa sau khi bôi kem chống nắng
    • Tróc da
    • Da sưng
    • Nổi mẩn đỏ
    • Nổi mề đay
    • Vùng da sau khi bôi kem chống nắng có mụn nước
    • Vùng da bị ảnh hưởng có cảm giác đau.

    Sau khi dùng kem chống nắng, quãng thời gian cần thiết để phản ứng dị ứng xuất hiện tùy thuộc vào từng người. Nó có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc có thể mất đến hai ngày để bất kỳ dấu hiệu nào trở nên rõ ràng hơn.

    Đôi khi, bạn có thể không biết mình bị dị ứng kem chống nắng cho đến khi kem chống nắng trên da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng như tia tử ngoại. Loại phản ứng này được gọi là viêm da tiếp xúc quang.

    Cách chữa dị ứng kem chống nắng

    cách chữa dị ứng kem chống nắng

    Bôi kem chống nắng bị ngứa nên làm gì? Bị kích ứng kem chống nắng hay bị dị ứng kem chống nắng phải làm sao? Tình trạng dị ứng với kem chống nắng được điều trị tương tự như các phản ứng dị ứng da khác. Đầu tiên, khi bạn dùng kem chống nắng bị ngứa hoặc có dấu hiệu dị ứng kem chống nắng, bạn cần tẩy sạch lượng kem còn sót lại trên da.

    Trong trường hợp nhẹ hơn khi bị dị ứng kem chống nắng, tình trạng phát ban sẽ tự giảm. Các trường hợp từ trung bình đến nặng có thể cần dùng thuốc bôi ngoài da chứa steroid hoặc thuốc uống để giảm viêm và phản ứng. Thuốc kháng histamine đường uống cũng có thể giúp giảm dị ứng và giảm ngứa khi dùng kem chống nắng bị ngứa.

    Ngoài ra, nếu bôi kem chống nắng bị ngứa, hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhằm giảm thiểu tình trạng mẩn đỏ trở nên nghiêm trọng hơn. Thời gian để da phục hồi hoàn toàn sau khi bôi kem chống nắng bị ngứa hoặc kích ứng da có thể mất đến vài ngày, tùy thuộc vào mức độ dị ứng của bạn.

    Bảo vệ da như thế nào khi dùng kem chống nắng gặp nhiều khó khăn?

    dị ứng kem chống nắng

    Việc dùng kem chống nắng gần như “một tấm khiên bảo vệ” của nhiều người trước những mối nguy mà ánh nắng mặt trời có thể gây ra. Thế nhưng, nếu dùng kem chống nắng bị ngứa hoặc bị kích ứng thì phải làm sao? Bị dị ứng có nên bôi kem chống nắng? Có cách nào khác để bảo vệ da nếu bị dị ứng kem chống nắng?

    Để tránh tình trạng bôi kem chống nắng bị ngứa, cách tốt nhất là bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần mà bạn nhạy cảm. Theo Học viện Dị ứng, Hen và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAFA), một số thành phần chống nắng phổ biến nhất dễ gây dị ứng bao gồm:

    • Benzophenone (đặc biệt là benzeophenone-3 hay oxybenzone)
    • Para-Aminobenzoic Acid (PABA)
    • Dibenzoylmethanes
    • Octocrylene
    • Salicylates
    • Cinnamate
    • Hương liệu

    Ngoài ra, để tránh việc xài kem chống nắng bị ngứa, bạn cũng có thể thử dùng kem chống nắng có oxit kẽm (zinc oxide) và titan dioxide bởi chúng ít gây nguy cơ dị ứng hơn, đồng thời cũng bảo vệ bạn chống lại tia UVA, UVB. Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ thoa kem chống nắng bị ngứa, trước khi dùng kem lên toàn bộ vùng da lớn, hãy bôi một chút lên khu vực xương quai xanh từ 1 – 2 ngày liên tục để phát hiện bất thường (nếu có).

    Dị ứng kem chống nắng nên làm gì? Kem chống nắng rất cần thiết, nhưng nếu bạn cảm thấy đã quá mệt mỏi sau khi thử qua rất nhiều sản phẩm khác nhau mà vẫn chưa tìm được loại kem phù hơp, không gây kích ứng thì vẫn có nhiều cách khác để bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời như:

    • Mặc quần áo chống nắng được dán nhãn UPF bởi chúng đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ da khỏi tia UV
    • Hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm (từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều)
    • Đeo kính râm có khả năng chống tia cực tím
    • Sử dụng viên uống chống nắng
    • Đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay…

    Khi nào nên đi khám? Ai có nguy cơ bị dị ứng với kem chống nắng?

    nguy cơ dị ứng kem chống nắng

    Khi nào nên đi khám?

    Với các trường hợp dị ứng lặp đi lặp lại hoặc có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, bạn nên đến bác sĩ da liễu để chẩn đoán chính xác tình trạng da và đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ gợi ý các sản phẩm phù hợp với bạn nhất.

    Ngoài ra, nếu nghĩ rằng bạn bị dị ứng với kem chống nắng và có bất kỳ triệu chứng toàn thân nào (như sốt, ớn lạnh, buồn nôn hoặc khó thở) đi kèm với da ửng đỏ hoặc tình trạng da không hề cải thiện sau một thời gian thì cũng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhé.

    Ai có nguy cơ bị dị ứng với kem chống nắng?

    Những người có nguy cơ cao bị dị ứng với các sản phẩm chống nắng là:

    • Người bị viêm da cơ địa
    • Những người thường xuyên phải hoạt động ngoài trời
    • Người thoa kem chống nắng trên làn da bị tổn thương
    • Nữ giới, nếu bạn dùng nhiều sản phẩm trang điểm có chỉ số chống nắng
    • Những người có tình trạng da mạn tính liên quan đến ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như da bị tổn thương nếu tiếp xúc với ánh nắng.

    Bạn có thể tăng nguy cơ dị ứng với kem chống nắng nếu bạn bị viêm da tiếp xúc hoặc nhạy cảm với những thành phần hóa học có trong kem.

    Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp mọi thắc mắc của bạn xoay quanh vấn đề dị ứng kem chống nắng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 25/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo