backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tác hại của việc uống quá nhiều cà phê

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 28/11/2021

    Tác hại của việc uống quá nhiều cà phê

    Cà phê tốt cho trí não và giúp bạn tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, bạn có biết rằng cà phê mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe nếu uống quá nhiều hay không?

    Bác sĩ khuyên bạn nên bổ sung 400mg caffeine cho cơ thể mỗi ngày để có một sức khỏe tốt. Lượng caffeine này xấp xỉ khoảng 226g cà phê pha. Bạn sẽ nhận được một số lợi ích nhất định khi uống một lượng cà phê như vậy bao gồm ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2,… mặc dù chúng ta không thể biết những lợi ích này là do caffeine, các chất chống oxy hóa hay các chất tăng cường khác trong cà phê. Vì vậy, bạn nên lưu ý không nên uống cà phê có ga hay các thức uống tăng lực thay cho cà phê nguyên chất vì tác dụng của caffeine trong chúng không giống nhau.

    Tuy caffeine an toàn cho sức khỏe nhưng không có nghĩa là ai cũng nên uống cà phê mỗi ngày vì mỗi người có cách chuyển hóa caffeine khác nhau. Sau đây là những dấu hiệu chứng tỏ bạn đã uống cà phê quá nhiều.

    Đau dạ dày

    Bạn không nên uống cà phê pha mỗi sáng khi dạ dày trống rỗng. Theo các nhà nghiên cứu, cà phê chứa một số hợp chất kích thích các tế bào trong dạ dày tăng tiết a-xít. Dùng một viên nhai điều trị dạ dày như Tums (không cần kê đơn) có thể giúp trung hòa a-xít dạ dày trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn đang nghi ngờ cà phê là tác nhân gây ra đau dạ dày thì bạn nên cân nhắc lại thói quen uống nhiều cà phê nhé.

    Tim đập nhanh

    Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn có cảm giác tim đang đập quá nhanh và dồn dập, đặc biệt là khi cảm giác đó khiến tim bạn như muốn thoát ra khỏi lồng ngực. Triệu chứng tim đập nhanh có thể do cơ thể hấp thụ nhiều caffeine, nicotine và cồn. Trong một vài trường hợp, tim đập nhanh có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt và uể oải. Cách duy nhất để bạn chấm dứt hoàn toàn tình trạng này là ngừng uống cà phê.

    Khó ngủ

    Chứng mất ngủ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đã uống quá nhiều cà phê. Thực chất loại thức uống ngon miệng này đang tàn phá giấc ngủ của bạn ngay cả khi bạn không cảm thấy bất kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe nào từ chúng. Theo một số nghiên cứu, cà phê có thể ở lại trong cơ thể bạn 14 tiếng. Điều này sẽ làm bạn thức giấc giữa đêm nhiều hơn, đồng thời làm giảm thời lượng ngủ. Để chấm dứt tình trạng này, bạn hãy tập thói quen uống cà phê vào buổi sáng hoặc trưa và hạn chế c uống vào buổi tối.

    Cảm giác bồn chồn

    Cà phê giúp bạn tỉnh táo nhưng đôi lúc chúng có thể tác động mạnh hơn gây ra cảm giác bồn chồn. Ngoài ra, cà phê còn thúc đẩy hệ thần kinh trung ương gây cho bạn cảm giác hốt hoảng, lo lắng. Khi bạn hạn chế uống cà phê thì cảm giác này sẽ biến mất.

    Đau đầu

    Theo một số nghiên cứu, uống cà phê ở mức độ vừa phải sẽ giúp bạn giảm đi cơn đau đầu bởi vì chất caffeine có thể giúp thuốc giảm đau hoạt động tốt hơn. Đó cũng là lý do vì sao bạn thường thấy caffeine có mặt trong các thành phần thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng cà phê trong một khoảng thời gian dài (ví dụ như mỗi ngày bạn uống hơn 500mg caffeine – tương đương với 5 tách cà phê) thì có thể bạn sẽ bị các cơn đau đầu tấn công thường xuyên. Các nhà nghiên cứu cho rằng những triệu chứng như đau đầu và mệt mỏi phần lớn là do bạn đang lạm dụng cà phê. Do vậy, bạn hãy giảm từ từ việc hấp thụ caffeine bằng cách hạn chế uống cà phê, thuốc đau đầu, trà, nước có ga và nước tăng lực,…

    Nếu bạn có những dấu hiệu như trên sau khi uống cà phê thì bạn nên hạn chế dùng loại thức uống này nhé. Khi bạn ngừng hẳn việc tiêu thụ cà phê, các triệu chứng trên sẽ giảm dần. Tin tốt cho bạn là các triệu chứng này thường rất nhẹ và sẽ giảm hẳn sau vài ngày nên bạn đừng lo lắng nhé!

    Như vậy, lạm dụng cà phê sẽ mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe. Vì vậy, hãy nhớ uống cà phê vừa phải và điều độ thôi bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 28/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo