backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bạch đậu khấu (quả)

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Tran Pham · Ngày cập nhật: 23/11/2023

Bạch đậu khấu (quả)

Bạch đậu khấu là vị thuốc có tính ấm vị cay có tác dụng làm ấm dạ dày và hành khí, có tác dụng chủ trị các bệnh lý như cảm lạnh, chán ăn, đau họng, ợ hơi,… Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về bạch đấu khấu, cách dùng cũng như một số lưu ý khi sử dụng loại dược liệu này nhé! 

Tên khoa học: Amomum cardamomum L.

Tên gọi khác: Bạch khấu nhân, bạch khấu xác, đa khấu, đới xác khấu, đậu khấu, đông ba khấu, khấu nhân, tử đậu khấu, xác khấu

Họ: Gừng (Zingiberaceae)

Tổng quan

Dược liệu bạch đậu khấu là gì?

Cây bạch đậu khấu là thảo dược mọc hoang và được trồng ở các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Sri-Lanka, Nam Mỹ. Đây là một loài cây thảo, sống lâu năm, cao chừng 2–3m. Thân rễ mọc bò ngang. Lá mọc thành hai dãy. Cụm hoa mọc thành bông dày từ thân rễ, hoa màu trắng. Quả nang hình cầu dẹt, nhăn, có khía dọc, chia thành 3 múi, khi chín có màu nâu trắng, hạt có tinh dầu thơm.

Cây thường được thu hái khi đã 3 năm tuổi. Hạt, quả và hoa của cây này được dùng làm thuốc. Mùa hoa quả vào khoảng tháng 5–8.

Giá trị dinh dưỡng và thành phần hóa học của quả bạch đầu khấu

Trong dược liệu này còn có khoảng 3-4% tinh dầu, thành phần chủ yếu gồm có bomeol, camphor, humulene, eucalyptole, pinene, caryophyllene, laurelene, terpinene, myrtenal, carvone, sabinene.

Hoa bạch đậu khấu có chứa các thành phần như: 1,8 – cineol, α – terpineol, α – pinen, α – humulen, caryophylen, myrcen, p.cymen, α – humulen oxyd, Sabinen, limonen, terpinen – 4 – ol, myrtenal và carvon.

Quả bạch đầu khấu có tác dụng gì?

tác dụng của bạch đậu khấu

Tác dụng của bạch đậu khấu chủ yếu là làm tăng cường nhu động ruột, gia tăng tiết dịch vị, ức chế sự lên men không bình thường ở ruột và chống nôn. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống nấm, hạ sốt, giãn cơ trơn và hạ huyết áp.

Theo y học cổ truyền, bạch đậu khấu có vị cay, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị và có tác dụng hành khí, hóa thấp, ôn trung, chỉ ẩu (cầm nôn).

Trong đời sống, dược liệu bạch đậu khấu thường được dùng làm gia vị vì nó có mùi vị dễ chịu. Khi dùng làm thuốc, tác dụng của bạch đậu khấu chủ yếu gồm:

Ngoài ra, nó còn được dùng làm thuốc điều kinh, hạ sốt, đôi khi chữa lao có ho ra máu, thấp khớp, sốt rét.

Liều dùng bạch đậu khấu

Liều dùng thông thường là 3–6g một ngày dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.

Lưu ý, khi sắc thuốc gần xong nước còn đang sôi mới cho dược liệu này vào vì sắc lâu sẽ làm giảm bớt tác dụng.

Vị thuốc này cũng có thể được bào chế dưới những dạng sau:

  • Chiết xuất dạng lỏng.
  • Bột bạch đậu khấu.
  • Quả/ hạt bạch đậu khấu khô hoặc tươi.
  • Rượu thuốc.

Một số bài thuốc dân gian

hạt bạch đậu khấu là gì

Bạch đậu khấu trị bệnh gì? Bài thuốc dân gian có chứa bạch đậu khấu

1. Chữa chứng chán ăn và bụng trướng đầy do lạnh 

Bạch đậu khấu 6g, hậu phác 3g, hậu phác 3g, thương truật 3g. Tất cả đem sắc với 400ml nước và đun sôi để uống trong ngày. Dùng liên tục trong 3 ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

2. Chữa trẻ em bị ọc sữa do vị hàn

Lấy sa nhân và bạch đậu khấu, mỗi vị 15 hạt; chích cam thảo và cam thảo, mỗi vị 8g đem tán thành bột mịn và trộn chung với mật ong. Sau đó dùng hỗn hợp này xát vào miệng trẻ.

3. Chữa lợm giọng, buồn nôn và sôi bụng 

Bạch đậu khấu 3g, trúc nhựa 9g, đại táo 3 quả, gừng tươi 3g. Trong đó, gừng đem giã nát, ép lấy nước. Các vị thuốc còn lại dùng nước sắc còn khoảng 50–60ml, lọc rồi uống với nước gừng.

4. Trị đau da dày do đờm lạnh tích tụ

Bạch đậu khấu 12g, bán hạ 10g, quất hồng 8g, bạch truật 10g, phục linh 10g, gừng sống 3 lát. Đem sắc 3 bát lấy 1 bát uống, uống lúc còn ấm trước hoặc sau bữa ăn 60 phút. Mỗi ngày uống 1 thang.

5. Giải độc rượu

Bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g đem sắc chung với 450ml nước rồi chia ra uống trong ngày.

6. Trị đau bụng do lạnh nên khí trệ

Lấy bạch đậu khấu 6g, cam thảo và quảng mộc hương mỗi vị 4g, hậu phác 8g sắc chung với 500 ml nước, chia thành 3 lần uống trong ngày. Nên uống liên tục trong 3 ngày.

Lưu ý, thận trọng

Khi dùng bạch đậu khấu, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng bất kỳ dược liệu nào một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng bạch đậu khấu:

  • Viêm da tiếp xúc đặc biệt thường xảy ra với những người nhạy cảm với thành phần của dược liệu này.
  • Đau bụng mật: Bạch đậu khấu chứa các thành phần có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa vì thế có nguy cơ làm tăng triệu chứng của đau bụng mật.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như: Tiêu chảy, nôn mửa hoặc buồn nôn

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ. Những người có cơ địa nhiệt và táo bón, thiếu máu thì không dùng.

Mức độ an toàn

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng dược liệu này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Ngoài ra,  một số đối tượng đặc biệt như người có cơ địa nhiệt hoặc mắc bệnh táo hay bị thiếu máu, tốt nhất không nên dùng bạch đậu khấu. Trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng là đối tương không khuyên dùng dược liệu này.

Tương tác có thể xảy ra

Dược liệu cũng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Bạch đậu khấu là dược liệu mang lại nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.


Bài viết liên quan


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Tran Pham · Ngày cập nhật: 23/11/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo