backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều bạn cần biết về hàm trainer

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 26/06/2020

    Những điều bạn cần biết về hàm trainer

    Hàm trainer là vật liệu mềm, an toàn giúp hỗ trợ răng về đúng khớp cắn, đặc biệt là cho trẻ em trong giai đoạn tiền chỉnh nha. 

    Bạn hãy cùng tìm hiểu thông tin hàm trainer là gì, trường hợp nên sử dụng, phân loại và hàm trainer giá bao nhiêu để cân nhắc sử dụng phù hợp nhé!

    Hàm trainer là gì?

    Hàm trainer là công cụ chỉnh nha chủ yếu dành cho trẻ em từ 2 đến 15 tuổi. Việc sử dụng các hàm trainer có tác dụng ngăn ngừa tình trạng sai khớp cắn, răng mọc lệch trong giai đoạn phát triển ở trẻ em.

    Khi đeo hàm trainer trong khoảng thời gian thay răng sữa hay răng vĩnh viễn mới mọc, xương hàm đang ở quá trình hoàn chỉnh còn dễ uốn nắn nên sẽ giúp mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, phương pháp này còn góp phần trong việc tiết kiệm được thời gian và tiền bạc chỉnh nha ở độ tuổi người lớn.

    Hàm trainer là công cụ được làm chủ yếu từ vật liệu tổng hợp như silicon mềm và an toàn trong nha khoa. Hàm trainer mang lại lợi ích trong quá trình tiền chỉnh nha cho trẻ tại nhà ở giai đoạn đang còn răng sữa hoặc mọc răng. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều loại hàm trainer dành cho nhiều mục đích khác nhau. Do đó, bạn cần tìm hiểu để chọn ra đúng loại hàm thích hợp cho trẻ nhằm đạt hiệu quả tối đa cho việc điều chỉnh khớp cắn và răng hàm.

    Hàm trainer còn được gọi là niềng răng silicon, là một trong những phương pháp niềng răng phổ biến hiện nay được thiết kế dạng hình parabol ôm sát vào cung răng tự nhiên, không có mắc cài hay dây cung gây vướng víu cho người sử dụng.

    Trường hợp nên sử dụng hàm trainer

    Phân loại hàm trainer

    Phần lớn trẻ em đều dễ gặp phải vấn đề răng không đều, rõ rệt nhất trong khoảng từ 3 đến 5 tuổi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường cho rằng bắt nguồn từ các yếu tố di truyền. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện đại đã khẳng định các nguyên nhân khác có thể xảy ra nhiều ở trẻ bao gồm: thở bằng miệng, mút ngón tay cái, tật đẩy lưỡi (tongue thrust)…

    Khi trẻ có vấn đề về răng miệng, bạn cần đưa trẻ tới nha khoa để được tư vấn và điều trị các vấn đề răng miệng càng sớm càng tốt. Các trường hợp nên được cân nhắc tiền chỉnh nha nói chung, sử dụng hàm trainer nói riêng bao gồm:

    • Răng quá thưa
    • Răng chen chúc
    • Răng không đều
    • Khớp cắn sâu (răng hô) – Răng hàm trên chìa ra ngoài hàm dưới
    • Khớp cắn chéo – Răng mọc lộn xộn, không đều hoặc mọc chồng lên nhau
    • Khớp cắn ngược (Răng móm) – Răng hàm dưới bao trọn răng hàm trên, ngược lại với khớp cắn sâu
    • Khớp cắn hở – Hai hàm không thể đóng khít như người bình thường, và cần sự can thiệp của nha khoa

    Hậu quả của tình trạng lệch khớp cắn là có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và tính thẩm mỹ của con người, gây khó khăn khi ăn nhai, phát âm và dễ bị chấn thương. Bên cạnh đó, tình trạng này còn gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng, dễ bị sâu răng và mắc các bệnh nha chu hơn.

    Phân loại hàm trainer

    hàm trainer

    Hiện nay trên thị trường, hàm trainer Myobrace là máng chỉnh nha thông dụng nhất cho nhiều đối tượng khác nhau sử dụng.

    Myobrace là hệ thống công cụ chỉnh nha không mắc cài do bác sĩ chuyên nha khoa hàng đầu thế giới Chris Farrell – BDS (Sydney) – nhà sáng lập Myofunctional Research Co. (MRC) (1989), sáng chế.

    Các hàm trainer của Myobrace được chia ra theo hệ thống từng đối tượng bao gồm:

    1. Hàm trainer dòng Juniors

    Hàm trainer dòng Juniors (ký hiệu là J) là công cụ 3 giai đoạn bao gồm J1, J2, J3 dành cho trẻ trong giai đoạn mọc răng sữa. Loại hàm này giúp ngăn ngừa các thói quen xấu gây tác động đến quá trình mọc răng, tạo lực nhẹ giúp điều chỉnh, nới rộng hàm nhằm tạo thêm chỗ cho quá trình mọc răng vĩnh viễn. Đây là phương pháp điều trị sớm giúp trẻ tránh phải niềng răng sau này.

    Hàm niềng răng trainer giai đoạn răng sữa này thường có cấu trúc mềm dẻo, có các đệm khí tạo lực nhẹ giúp lưỡi đặt đúng vị trí, hạn chế thói quen mút ngón tay, thở miệng. Đồng thời giúp trẻ tập nhai đúng cách và tác động tích cực đến sự phát triển của cơ hàm mặt. Bạn nên sử dụng loại hàm này cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi 1 giờ mỗi ngày và qua đêm trong khi đang ngủ.

    2. Hàm trainer dòng Kids

    Hàm trainer dòng Kids (ký hiệu là K) là công cụ 3 giai đoạn bao gồm K1, K2, K3 dành cho trẻ trong giai đoạn răng hỗn hợp. Loại hàm này giúp điều chỉnh các thói quen xấu, tình trạng sai khớp cắn, ngăn ngừa chen chúc răng hàm trên, dưới. Đồng thời điều chỉnh tình trạng khớp cắn sâu và cắn hở. Hàm dòng Kids có thiết kế tương tự dòng Juniors nhưng có kích thước lớn và độ cứng cao hơn.

    Bạn nên sử dụng loại hàm này cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi 1 giờ mỗi ngày và qua đêm trong khi đang ngủ.

    3. Hàm trainer dòng Teens

    Hàm trainer dòng Teens (ký hiệu là T) là công cụ 4 giai đoạn bao gồm T1, T2, T3T4 dành cho trẻ trong giai đoạn răng vĩnh viễn. Loại hàm này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tác động đến sự phát triển răng hoàn thiện của trẻ, nhằm giúp chỉnh răng thẳng, đúng vị trí mà không cần niềng răng (nếu tuân thủ tốt). Bạn nên sử dụng loại hàm này cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi 1 giờ mỗi ngày và qua đêm trong khi đang ngủ.

    4. Hàm trainer dòng Adults

    Hàm trainer dòng Adults (ký hiệu là A) là công cụ 3 giai đoạn bao gồm A1, A2, A3 dùng trong giai đoạn răng vĩnh viễn, răng hàm đã mọc hoàn thiện. Loại hàm này có thể được sử dụng trong trường hợp răng hàm bị lệch nhẹ hoặc kết hợp với các khí cụ điều chỉnh răng như niềng răng. Đồng thời, đây cũng là công cụ ngăn ngừa tình trạng chạy răng (răng có xu hướng về vị trí cũ sau khi tháo niềng răng).

    Loại hàm trainer dành cho người lớn này sẽ có kích thước lớn để phù hợp với các bộ răng hàm đã phát triển hoàn chỉnh, thành phần cấu tạo cũng dày và cứng hơn để tác động lực đến hàm răng đã phát triển hoàn thiện. Tương tự như các loại hàm khác, bạn sử dụng 1 giờ mỗi ngày và qua đêm trong khi đang ngủ.

    Răng của người trưởng thành thường đã ổn định nên việc sử dụng hàm niềng răng silicon này sẽ chậm mang lại hiệu quả và chỉ có tác dụng với hàm răng lệch nhẹ. 

    Lưu ý khi sử dụng hàm trainer

    Lưu ý khi sử dụng hàm trainer

    Bạn cần lưu ý một số vấn đề khi sử dụng hàm trainer bao gồm:

    • Chú ý thói quen xấu của trẻ có khả năng ảnh hưởng hàm răng để sử dụng sớm
    • Tạm ngưng sử dụng hàm và báo cho nha sĩ khi trẻ có dấu hiệu đau răng hay viêm nướu
    • Cần tham khảo ý kiến nha sĩ về tình trạng răng và loại phù hợp trước khi có ý định sử dụng hàm
    • Mỗi loại hàm có thông số và ký hiệu riêng cho từng đối tượng và độ tuổi sử dụng, do đó bạn cần kiểm tra kỹ trước khi dùng
    • Vệ sinh hàm trainer thường xuyên bằng nước sạch hoặc ngâm vào nước muối nhạt, đồng thời bảo quản nơi thoáng mát khô ráo

    Hàm trainer giá bao nhiêu? Hiện nay hàm trainer chất lượng tốt có giá dao động từ 1 – 5 triệu đồng tùy vào nơi cung cấp. Tuy nhiên cũng có một số nơi bán với giá thấp hơn chỉ vài trăm nghìn, nhưng chất lượng vẫn chưa được kiểm chứng. Do đó bạn có thể cân nhắc mua sử dụng tại các bệnh viện hay nha khoa có uy tín để được tư vấn và kiểm tra xuyên suốt quá trình sử dụng. 

    Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về hàm trainer là gì, trường hợp nên sử dụng, cách phân loại và hàm trainer giá bao nhiêu. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả và có thể được thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến nha sĩ để được tư vấn rõ ràng hơn trước khi sử dụng nhé!

    Hoàng Trí  HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 26/06/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo