backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm amidan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Việt Cường · Ngày cập nhật: 29/12/2023

Viêm amidan

Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp rất phổ biến. Do đóng vai trò bảo vệ đường hô hấp trước những vi sinh vật gây hại mà amidan thường xuyên tiếp xúc với những tác nhân này, từ đó khiến tình trạng viêm dễ xảy ra tại đây.

Viêm amidan có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vậy, làm sao để nhận biết các dấu hiệu và điều trị bệnh hiệu quả? Mời bạn cùng HelloBacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Viêm amidan là gì?

Amidan là hai khối hình bầu dục, màu hồng nằm ở 2 bên phía sau cổ họng. Chức năng chính của amidan là ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus, nấm bảo vệ đường hô hấp khỏi nhiễm trùng. Chính vì vậy, chúng rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công gây sưng và viêm.

Viêm amidan là tình trạng xảy ra các phản ứng viêm xảy ra tại đây, khiến amidan sưng to, đau và khó nuốt. Tình trạng này được phân thành 3 dạng:

  • Viêm amidan cấp tính. Triệu chứng thường kéo dài 3-4 ngày nhưng có thể kéo dài đến 2 tuần.
  • Viêm amidan tái phát. Viêm amiđan lặp lại nhiều lần trong năm.
  • Viêm amidan mãn tính. Nhiễm trùng amidan lâu hơn 2 tuần.

Viêm amiđan thường gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Hầu hết mọi người đều bị viêm amidan ít nhất một lần trong đời. Bệnh này có thể để lại nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi mắc bệnh, bạn không nên xem nhẹ và hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Triệu chứng viêm amidan

Triệu chứng viêm amidan

Các triệu chứng viêm amidan thường xuất hiện đột ngột, bao gồm:

  • Đau họng, ngứa họng
  • Nuốt khó hoặc đau khi nuốt nước bọt, ăn, uống nước
  • Giọng nói bị khàn
  • Ho khan hoặc có đờm
  • Hơi thở có mùi hôi dù đã vệ sinh răng miệng thường xuyên
  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Ăn không ngon
  • Nhức đầu, đau tai
  • Hạch bạch huyết sưng (các tuyến ở hai bên cổ dưới tai) gây đau hàm và cổ
  • Amidan khẩu cái có màu đỏ và sưng lên, xung huyết, có đốm mủ trắng hay vàng, tiết dịch (viêm amidan hốc mủ)
  • Khó thở nếu amidan sưng to
  • Mệt mỏi

Ở trẻ nhỏ không thể mô tả cảm giác của mình, các dấu hiệu viêm amidan ở trẻ có thể bao gồm:

  • Chảy nước dãi do nuốt khó hoặc đau
  • Biếng ăn ăn
  • Đau bụng hoặc nôn mửa
  • Quấy khóc bất thường

Bạn có thể gặp các dấu hiệu viêm amidan khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

  • Đau họng kéo dài hơn bốn ngày
  • Sốt trên 38,5 độ C
  • Khó thở

Đặc biệt, hãy gọi cho bác sĩ nếu ở con trẻ có các dấu hiệu:

  • Đau họng kèm theo sốt
  • Đau họng không khỏi trong vòng 24 đến 48 giờ
  • Nuốt đau, khó nuốt, biếng ăn
  • Yếu hoặc quấy khóc

Nguyên nhân gây bệnh

Tác nhân gây viêm amidan?

Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm amidan. Nhưng nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

  • Viêm amidan do virus: Các loại vi rút gây cảm lạnh thông thường và cúm gây ra tới 70% trường hợp viêm amidan. Thông thường, những người bị viêm amidan do virus có triệu chứng nhẹ hơn so với những người bị viêm amidan do vi khuẩn.
  • Viêm amidan do vi khuẩn (viêm họng liên cầu khuẩn): Vi khuẩn, phổ biến nhất là liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A, gây ra các trường hợp viêm amidan khác. Những người đã cắt amidan vẫn có thể bị viêm họng liên cầu khuẩn. Các chủng liên cầu khuẩn và vi khuẩn khác cũng có thể gây viêm amidan. Nói chung, viêm amiđan do vi khuẩn gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn viêm amiđan do virus.

Viêm amidan có lây không?

Các loại virus và vi khuẩn gây viêm amidan rất dễ lây lan. Đường lây truyền có thể gồm:

  • Hôn nhau hoặc dùng chung đồ dùng, thức ăn hoặc đồ uống.
  • Tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh.
  • Chạm vào bề mặt bị ô nhiễm và sau đó chạm vào mũi hoặc miệng.
  • Hít phải những giọt bắn trong không khí khi người bệnh hắt hơi hoặc ho.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan là gì?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Tiền sử bệnh về đường hô hấp do nhiễm khuẩn như sởi, ho gà…
  • Tuổi tác – bệnh phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi 5–15.
  • Môi trường sinh hoạt ô nhiễm, nhiều khói bụi
  • Vệ sinh vùng họng không kỹ, không đúng cách
  • Mắc các bệnh lý đường hô hấp
  • Thường xuyên dùng các thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh hoặc ăn các đồ ăn, thức uống lạnh như nước đá, kem…
  • Thời tiết thay đổi thất thường

Biến chứng

Viêm amidan có nguy hiểm không?

Viêm hoặc sưng amidan thường xuyên hoặc liên tục (mãn tính) có thể gây ra các biến chứng như:

Nếu viêm amidan do liên cầu nhóm A hoặc một chủng vi khuẩn liên cầu khác không được điều trị đúng cách, trẻ mắc sẽ tăng nguy cơ mắc các rối loạn hiếm gặp như:

  • Sốt thấp khớp, một tình trạng viêm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, hệ thần kinh và da
  • Sốt scarlet
  • Viêm thận (viêm cầu thận sau liên cầu khuẩn)
  • Viêm khớp phản ứng sau liên cầu khuẩn, một tình trạng gây viêm khớp

Chẩn đoán và điều trị

khám họng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh viêm amidan là gì?

Để xác định chính xác các dấu hiệu là triệu chứng của viêm amidan, bác sĩ có thể thăm khám triệu chứng lâm sàng bằng mắt thường, hỏi thăm tiền sử bệnh.

Sau khi xác nhận chẩn đoán viêm amidan, bác sĩ sẽ cần xác định xem nhiễm trùng là do virus hay vi khuẩn. Để làm điều này, nhân viên y tế sẽ lấy dịch thanh họng làm xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xét nghiệm máu, kết quả có thể thấy chỉ số bạch cầu tăng cao nhưng phương pháp này hiếm khi được sử dụng.

Những phương pháp dùng để điều trị viêm amidan là gì?

Điều trị viêm amidan phụ thuộc vào nguyên nhân. Mặc dù các triệu chứng của viêm amidan do virus và viêm amidan do vi khuẩn có thể giống nhau nhưng phương pháp điều trị của chúng lại khác nhau.

Thuốc kháng sinh (điều trị nội khoa)

Nếu nguyên nhân viêm amidan liên quan đến nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh đặc trị nhằm tiêu diệt vi khuẩn, kháng viêm, giảm sưng. Các triệu chứng có khả năng sẽ cải thiện trong vòng một vài ngày sử dụng thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, cần lưu ý người bệnh phải tuân thủ đầy đủ liều lượng và số ngày sử dụng thuốc ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Việc này nhăm hạn chế nhiễm trùng có thể trở nên trầm trọng hơn hoặc lan sang bộ phận khác, đồng thời giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc paracetamol giúp giảm đau họng.

Phẫu thuật (điều trị ngoại khoa)

Bác sĩ sẽ tiến hành cắt amidan bị nhiễm trùng trong trường hợp bị viêm amidan mãn tính, tái phát hoặc không đáp ứng với lối điều trị khác và gây ra các biến chứng. Ngày nay thủ thuật cắt viêm amidan thường nhanh và đảm bảo an toàn, ít tổn thương cho người bệnh. Tuy nhiên, để biết được mình bị viêm amidan có nên cắt không, người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ và thăm khám đầy đủ.

Cách trị viêm amidan tại nhà

Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể giảm các triệu chứng viêm amidan tại nhà bằng cách:

  • Uống chất lỏng ấm, như trà, cháo, soup.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm.
  • Ngậm viên ngậm trị đau họng.
  • Uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều.
  • Giữ vệ sinh thân thể, rửa tay với xà phòng thường xuyên.

uống đủ nước mỗi ngày

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm amidan?

Vi sinh vật gây viêm amidan rất dễ lây lan. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là thực hành vệ sinh tốt. Hãy áp dụng và dạy trẻ các giữ vệ sinh như:

  • Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
  • Tránh dùng chung đồ ăn, ly uống nước, chai nước hoặc đồ dùng
  • Thay bàn chải đánh răng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm amiđan

Để giúp con trẻ ngăn ngừa sự lây lan của bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus sang người khác, phụ huynh nên:

  • Giữ con ở nhà khi bé bị ốm
  • Hỏi bác sĩ khi nào bé có thể trở lại trường học
  • Dạy trẻ ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khuỷu tay của mình
  • Dạy con rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho

Viêm amidan có thể do virus hoặc vi khuẩn. Với nguyên nhân virus, người nhiễm có thể tự điều trị hết bệnh tại nhà. Còn với nguyên nhân vi khuẩn, người nhiễm cần được chẩn đoán và điều trị bởi nhân viên y tế. Đây là bệnh thông thường nhưng trong vài trường hợp có thể rất nguy hiểm. Hãy cẩn trọng và giữ gìn sức khỏe bạn nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Việt Cường · Ngày cập nhật: 29/12/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo