backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thúc đẩy phục hồi chấn động não: làm sao để hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 03/01/2022

    Thúc đẩy phục hồi chấn động não: làm sao để hiệu quả?

    Quá trình hồi phục chấn động não thường kéo dài khoảng 7–10 ngày. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ điều trị đơn giản để rút ngắn quãng thời gian này lại.

    Chấn động não đề cập đến tình trạng não bộ chịu tổn thương sau khi va đập với hộp sọ hoặc có lực lớn tác động lên các mô thần kinh. Lực này có thể đến từ một cú đánh trực tiếp vào đầu hoặc do tai nạn xe cộ.

    Một số triệu chứng chấn động não có thể bao gồm:

    • Mất ý thức
    • Cơn đau đầu xuất hiện liên tục với nhiều cường độ khác nhau
    • Trí nhớ kém
    • Giảm khả năng tập trung
    • Nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn
    • Chóng mặt
    • Mờ mắt
    • Thay đổi tâm trạng đột ngột không rõ nguyên nhân
    • Buồn nôn và nôn
    • Suy nhược cơ thể
    • Giảm thính lực
    • Khó ngủ

    Thực tế, tình trạng mất ý thức không thường xuyên xuất hiện chung với chấn động não. Theo thống kê từ các chuyên gia, 81–92% người rơi vào trường hợp này vẫn tỉnh táo.

    Mặt khác, các dấu hiệu có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, kể từ thời điểm não gặp chấn động cho đến vài ngày sau khi chấn thương xảy ra.

    Bạn có thể quan tâm: Cải thiện thính lực – điều trong tầm tay.

    Thời gian phục hồi chấn động não kéo dài bao lâu?

    Trong hầu hết trường hợp, bạn chỉ cần 7–10 ngày để hồi phục sau khi bị chấn động não. Tuy nhiên, nếu bạn nghỉ ngơi không đủ hoặc không tuân theo chỉ định của bác sĩ, quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

    Bên cạnh đó, đôi lúc hội chứng sau chấn động có nguy cơ phát sinh ở một số người. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân xảy ra hội chứng trên. Nếu bạn thuộc trường hợp này, quá trình phục hồi có khả năng kéo dài đến vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn.

    Nếu gần đây bạn đã bị chấn động não và các biểu hiện không thuyên giảm sau 7–10 ngày, hãy sắp xếp công việc đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất có thể. Mục đích của việc khám bệnh là để bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu của hội chứng sau chấn động, từ đó đưa ra phương hướng điều trị phù hợp nhất cho bạn.

    Làm thế nào để đẩy nhanh quá trình hồi phục?

    Nếu nghi ngờ bản thân gặp phải chấn động não, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Tại đây, các chuyên gia có thể xác định mức độ nghiêm trọng của chấn động não, đồng thời cung cấp cho bạn một số biện pháp thúc đẩy quá trình hồi phục. Chẳng hạn như:

    Giảm thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử

    Chấn động não 1

    Đôi khi ánh sáng phát ra từ màn hình máy tính, điện thoại, tivi… có thể khiến một số triệu chứng chấn động não trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đau đầu. Ngoài ra, tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử trong lúc này cũng có thể dẫn đến mỏi và mờ mắt. Do đó, trong thời gian phục hồi sức khỏe, hãy cố gắng hạn chế sử dụng những thiết bị này.

    Mặt khác, tránh xa màn hình thiết bị điện tử trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn đối phó với các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến chấn động não.

    Hạn chế tiếp xúc với đèn sáng chói và tiếng ồn

    Chấn động não 2

    Sau khi bị chấn động não, bạn có thể rất nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh lớn. Vì vậy, biện pháp tốt nhất lúc này là tránh đám đông và đèn huỳnh quang.

    Hạn chế cử động đầu và cổ

    Chấn động não 3

    Trong thời gian hồi phục chấn động não, bạn nên cố gắng tránh những hoạt động khiến đầu và cổ phải cử động nhiều. Chẳng hạn như:

    • Chơi tàu lượn siêu tốc
    • Tập luyện thể dục hoặc tham gia các môn thể thao với cường độ vận động mạnh, ví dụ như bóng đá, bóng rổ…

    Sự dịch chuyển này có thể tạo tác động tiêu cực đến chấn thương, từ đó giảm bớt cơ hội phục hồi của bạn.

    Duy trì đủ lượng nước trong cơ thể

    Chấn động não 4

    Các nhà nghiên cứu đã chứng minh tình trạng mất nước có thể gây tăng nguy cơ chấn động não. Điều này cho thấy cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể là một yếu tố giúp tăng tốc độ hồi phục.

    Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý những biện pháp bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, thực hiện sai cách có thể gây phản tác dụng, không có lợi đối với sức khỏe tổng thể.

    Bạn có thể muốn tìm hiểu: 6 dấu hiệu bạn bị mất nước: Hãy bổ sung nước ngay!

    Trân trọng thời gian nghỉ ngơi

    Chấn động não 5

    Nghỉ ngơi có thể là điều quan trọng nhất bạn nên làm trong quá trình hồi phục bất kỳ loại chấn thương nào, bao gồm cả chấn động não. Thả lỏng cơ thể và tâm trí sẽ làm giảm mức độ căng thẳng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi diễn ra suôn sẻ.

    Thêm vào đó, bạn cần tránh vận động mạnh trong ít nhất một tuần. Nếu muốn tập thể dục, bạn hãy chọn những bài tập nhẹ. Ngoài ra, đừng khuân vác đồ nặng trong khoảng thời gian này.

    Bổ sung nhiều protein cho cơ thể

    Chấn động não 6

    Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu vào năm 2015, các axit amin chuỗi nhánh (BCAA) có thể cải thiện nhiều triệu chứng nhận thức liên quan đến chấn động não. Do đó, để rút ngắn quá trình phục hồi, bạn nên cố gắng hấp thụ nhiều hoạt chất này. Những thực phẩm giàu axit amin chuỗi nhánh bao gồm:

    • Thịt
    • Các loại đậu và hạt

    Bạn có thể muốn đọc thêm: 5 công dụng của BCAA có thể bạn chưa biết.

    Ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3

    Chấn động não 7

    Các chuyên gia cho biết, các axit béo omega-3 cũng có tác dụng tương tự axit amin chuỗi nhánh đối với tình trạng chấn động não. Một số thí nghiệm trên động vật còn cho thấy loại axit béo này có thể khôi phục tế bào thần kinh. Mặt khác, omega-3 cũng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dùng. Do đó, hãy bổ sung thực phẩm giàu omega-3 vào thực đơn hàng ngày của bạn. Ví dụ như:

    • Cá hồi
    • Quả óc chó
    • Hạt lanh
    • Đậu nành
    • Hạt chia

    Ngoài ra, bạn còn có thể bổ sung loại axit béo này cho cơ thể bằng dầu cá dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

    Bạn có thể muốn tiếp tục đọc: 12 lợi ích sức khỏe từ omega-3 và cách bổ sung.

    Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa

    Chấn động não 8

    Một số nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa có khả năng cải thiện trí nhớ cũng như chức năng thần kinh tổng thể. Hai yếu tố này đã mất liên kết sau khi chấn động não xảy ra.

    Hãy kiên nhẫn chờ đợi

    Chấn động não 9

    Một số người không thể đợi sức khỏe hồi phục hoàn toàn. Họ luôn muốn nhanh chóng quay lại công việc cũng như hoạt động hàng ngày bằng mọi cách.

    Điều này có thể đặc biệt gây bất lợi cho chính họ, nếu các triệu chứng chỉ tạm thời biến mất. Bạn nên lưu ý rằng nghỉ ngơi đầy đủ mới là biện pháp thúc đẩy cơ thể hồi phục nhanh nhất.

    Thực hiện chính xác những chỉ định từ bác sĩ

    Chấn động não 10

    Bác sĩ chịu trách nhiệm điều trị có thể sẽ cung cấp cho bạn một số lời khuyên để mau chóng phục hồi sau chấn động não. Chúng có thể bao gồm:

    • Đi ngủ và thức dậy đúng giờ
    • Nghỉ làm một thời gian

    Nếu bạn bị đau đầu, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc đặc hiệu để giải quyết chúng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ cho bạn biết về những dấu hiệu cần theo dõi, đồng thời khi nào nên nhanh chóng nhập viện để cấp cứu.

    Bạn cần đề phòng những triệu chứng chấn động não nào?

    Phần lớn trường hợp, các dấu hiệu chấn động não có thể mau chóng biến mất và không để lại bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào. Tuy nhiên, chấn động não kèm chấn thương vật lý nghiêm trọng sẽ cần được điều trị y tế thích hợp.

    Bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây sau khi bị chấn động não:

    • Đau đầu đột ngột và dữ dội
    • Ngứa ran
    • Tê liệt bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, có thể chỉ là một bên khuôn mặt
    • Gặp khó khăn khi nói chuyện
    • Khó tìm ra từ để diễn tả
    • Thờ ơ
    • Khó nuốt
    • Vị giác khác thường
    • Co giật
    • Tứ chi suy yếu
    • Tăng nhịp tim
    • Tầm nhìn đôi
    • Mất thăng bằng

    Để đảm bảo an toàn, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay sau khi bị thương ở đầu. Nếu đó là tình trạng nghiêm trọng, cơ hội phục hồi hoàn toàn sẽ tốt hơn đáng kể khi bạn có biện pháp điều trị từ sớm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 03/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo