backup og meta

Túi y tế du lịch cần chuẩn bị những gì?

Túi y tế du lịch cần chuẩn bị những gì?

Kỳ nghỉ lễ sắp đến rồi, bạn đã chuẩn bị gì cho chuyến du lịch dịp này chưa? Bên cạnh trang phục, bạn đừng quên soạn sẵn một túi y tế du lịch để có thể xử lý các tình huống khẩn cấp, tận hưởng chuyến đi vui vẻ và an toàn nhé!

Dù cho là mùa hè, dịp lễ hay chỉ là một ngày cuối tuần đơn giản, du lịch vẫn luôn là trải nghiệm thú vị với bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ quan tâm đến trang phục, chỗ ăn chỗ ở mà quên mất một trong những yếu tố chính quyết định chất lượng chuyến du lịch của mình, đó chính là sức khỏe.

Đi du lịch đồng nghĩa với việc bạn thay đổi môi trường mới, tiếp xúc với nhiều thứ mới mà mình không kiểm soát được. Do đó, để hạn chế các sự cố bất ngờ làm cản trở cuộc vui của bạn, hãy tự chuẩn bị ngay những vật dụng y tế cần thiết cho mình nhé.

Những vật dụng cần có trong túi y tế du lịch cá nhân

Túi y tế cá nhân của bạn sẽ không thể thiếu những vật dụng sau:

1. Vật dụng băng bó vết thương

Những vật dụng y tế cần thiết: Vật dụng băng bó vết thương

Trong quá trình đi du lịch, dù cho bạn chỉ đi tham quan trong trung tâm thành phố hay đi dã ngoại trong rừng thì chuyện bị trầy xước chảy máu vẫn rất thường xảy ra.

Những vật dụng này cực kỳ cần thiết vì dù không thể băng bó hay chữa trị vết thương hoàn toàn, chúng vẫn có thể hỗ trợ bạn giữ vết thương ngưng chảy máu và nhiễm trùng cho đến khi bạn đến được các cơ sở y tế.

Để đảm bảo an toàn, bạn nên chuẩn bị các vật dụng cần thiết chuyên dùng để băng bó như:

Băng cá nhân: Băng cá nhân rất nhỏ và nhẹ nên bạn có thể mang nhiều mà không lo ngại chúng chiếm diện tích lớn. Bạn nên chọn băng cá nhân có co giãn để tạo độ thoải mái khi hoạt động.

Hãy chuẩn bị băng cá nhân kích thước thông thường và một vài miếng kích cỡ to hơn để đề phòng trường hợp có vết thương dài. Hơn nữa, băng kích thước to cũng có thể cắt thành nhiều miếng nhỏ, rất tiện lợi.

Tốt nhất là bạn có thể mua sẵn một hộp nhiều loại băng cá nhân tổng hợp. Băng cá nhân với kích thước và hình dáng khác nhau sẽ thuận tiện cho từng vị trí bị thương riêng biệt, bạn sẽ không cần phải xử lý quá nhiều.

Gạc y tế: Tương tự với băng cá nhân, bạn hãy chọn gạc có kích cỡ trung bình (khoảng 10x10cm) sẽ vừa với phần lớn các vết thương, nếu gặp vết thương nhỏ hơn thì cũng có thể cắt gạc thành nhiều miếng nhỏ.

 Băng keo y tế: Để cố định gạc trên vết thương hẳn là không thể thiếu băng keo y tế rồi. Đừng quên chuẩn bị cho túi y tế du lịch của mình một cuộn nhé.

 Cuộn băng quấn: Khi gặp vết thương lớn hoặc các tình trạng trật khớp, cần cố định xương… bạn sẽ cần đến các cuộn băng quấn. Nếu để băng vết thương, bạn sẽ cần loại cuộn băng gạc, còn với cố định khớp thì cần băng vải co giãn tốt. Hãy chuẩn bị đủ cả hai loại và cả kim móc giữ băng nữa.

 Băng dán chống rộp: Một vật dụng nhỏ nhưng cực kỳ cần thiết nếu bạn phải đi leo núi hay đi bộ nhiều. Các loại băng này có thể hạn chế tình trạng phồng rộp ở chân.

2. Các loại thuốc phòng ngừa

Chuẩn bị thuốc nhỏ mắt trong túi y tế du lịch cá nhân

Tùy theo loại hình du lịch và điểm đến bạn chọn mà túi y tế du lịch sẽ cần những loại thuốc khác nhau. Để có một kỳ nghỉ khỏe mạnh bên gia đình, những loại thuốc cơ bản nhất bạn cần chuẩn bị là:

Thuốc nhỏ mắt: Khi đi du lịch, mắt bạn sẽ dễ gặp dị vật dính vào khi đi trên đường, đồng thời di chuyển ngoài trời trong thời gian dài cũng sẽ làm mắt mỏi và khô hơn. Do đó bạn nhớ chuẩn bị thêm thuốc nhỏ mắt để đảm bảo sức khỏe đôi mắt của mình.

Viên ngậm họng: Bạn nên chuẩn bị viêm ngậm họng để đề phòng vì họng sẽ rất dễ bị đau nếu nơi bạn sắp tới có thời tiết khá khô, lạnh hay khác hẳn với thời tiết nơi bạn ở hiện tại.

Thuốc chống say: Dù cho bạn không say xe, cơ thể vẫn có khả năng không thích nghi được với các loại phương tiện khác. Đặc biệt là tình trạng say sóng trên tàu, thuyền. Bạn hãy mua một ít loại thuốc hoặc miếng dán chống say tùy theo dạng phương tiện bạn di chuyển khi du lịch để tránh được tình trạng này nhé.

Thuốc kháng histamine: Loại thuốc này có thể hỗ trợ tình trạng dị ứng bởi ngộ độc thực phẩm hay tiếp xúc với loại cây nào đó. Việc chuẩn bị thêm một ít thuốc kháng histamine trong túi y tế du lịch sẽ giúp bạn xoa dịu tạm thời chứng dị ứng để bạn có thể duy trì đến khi nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp.

• Kem chống nấm, kháng khuẩn và kháng viêm: Khi gặp phải vết thương hở, bạn vẫn cần phải di chuyển nên khả năng bị nhiễm trùng sẽ rất lớn. Vết thương để lâu mà không kịp đi bệnh viện có thể bị viêm, gây thêm đau đớn và khó lành hơn.

Thuốc kháng khuẩn và kháng viêm có thể hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, nếu địa điểm du lịch có thời tiết quá oi nóng sẽ dễ sinh khuẩn nấm nên chuẩn bị kem chống nắng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

Thuốc chống côn trùng và kem chống nắng: Đừng quên chuẩn bị các loại thuốc này nếu bạn ở ngoài trời nhiều nhé, đặc biệt là khi bạn đi du lịch dã ngoại.

Bị côn trùng cắn không chỉ khiến bạn ngứa ngáy, khó chịu mà còn có thể bị trúng độc nữa. Đặc biệt, trẻ nhỏ càng dễ bị côn trùng cắn hơn, nên dùng thuốc đề phòng là rất cần thiết.

Mặc dù bạn đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần sẽ bị đen sạm sau khi đi du lịch, vẫn có những tình huống nguy hiểm hơn nếu như không bảo vệ tốt da dưới ánh nắng mặt trời.

Dễ gặp nhất chính là tình trạng da cháy nắng, bỏng rát và tấy đỏ lên, sẽ ảnh hưởng đến cả tâm trạng và ngoại hình của bạn. Do đó, đừng quên bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 tiếng để có làn da trắng khỏe nhé!

Ngoài ra, bạn hãy thử tìm hiểu thông tin về địa điểm du lịch trước. Nếu tại khu vực đó hiện đang có một số loại dịch bệnh thì tiêm vắc xin phòng ngừa trước sẽ rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bạn và mọi thành viên trong gia đình.

3. Các loại thuốc điều trị khẩn cấp

Các loại thuốc điều trị khẩn cấp

Không phải lúc nào bạn cũng có thể đến nhà thuốc hay đến bệnh viện ngay nếu bạn đang gặp vấn đề sức khỏe. Vì vậy, hãy mau bổ sung vào túi y tế du lịch của bạn những loại thuốc sau đây để có thể xoa dịu các trường hợp khó chịu thường gặp khi đi du lịch nhé!

• Thuốc trị ho: Thuốc trị ho rất cần thiết vì có nhiều yếu tố sẽ khiến bạn bị ho khi đi du lịch. Ho nhiều khiến bạn vừa khó chịu vừa có thể chịu thêm những tổn thương khác khi phải ho liên tục. Nếu có trẻ nhỏ thì các bé càng mệt hơn, thường sẽ không dễ chịu đựng và không còn tâm trạng du lịch nữa.

• Thuốc trị cảm và sốt: Thời tiết và điều kiện sống thay đổi sẽ làm rất nhiều người dễ sinh bệnh, thường gặp nhất là cảm, sốt. Để tránh làm cơ thể suy nhược, mệt mỏi khi đi du lịch, bạn đừng quên mang thuốc trị cảm và sốt nhé.

• Thuốc giảm đau, ngứa và trị côn trùng cắn: Để giảm thiểu mọi sự khó chịu, thuốc giảm đau và giảm ngứa hẳn là cực kỳ cần thiết để bạn tiếp tục chuyến du lịch của mình.

• Thuốc tiêu chảy, táo bón và khó tiêu: Đây là những tình trạng sẽ khiến bạn mệt mỏi nhất khi đi du lịch. Khi đang đi ngoài đường, bạn thường không có nhiều thời gian cũng như địa điểm để đi vệ sinh. Mà nếu nửa đêm thức dậy gặp phải những tình huống như vậy, bạn cũng không thể đến nhà thuốc ngay được.

Bên cạnh đó, tình trạng thức ăn thường không đảm bảo vệ sinh hay ăn phải món ăn không hợp khi đi chơi là rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, có thể nói thuốc trị tiêu chảy và táo bón là vật cần thiết nhất trong túi du lịch y tế của bạn đấy. Bạn cũng đừng quên lưu ý cách phòng bệnh tiêu hóa khi đi du lịch nhé!

4. Các dụng cụ y tế hỗ trợ

Các dụng cụ y tế hỗ trợ trong túi y tế du lịch

Ngoài các loại thuốc rất cần thiết, túi y tế du lịch của bạn nên có thêm các dụng cụ hỗ trợ khác như:

• Vật dụng khử trùng: Sau khi bị thương, tránh để vết thương bị nhiễm trùng là một trong những yếu tố cần được quan tâm hàng đầu, trong đó bao gồm cả sát trùng vết thương và khử trùng dụng cụ.

Do vậy, bạn đừng quá vội vàng xử lý vết thương, cũng đừng tùy tiện dùng bất cứ vật gì tiếp xúc với vết thương của mình. Hãy chuẩn bị:

  • Thuốc rửa vết thương, khăn khử trùng lau vết thương.
  • Nhíp, kéo nhỏ và kim băng để hỗ trợ quá trình xử lý và băng bó vết thương.
  • Các loại khăn tẩm cồn sát trùng để làm sạch dụng cụ trước khi xử lý vết thương.
  • Găng tay y tế để tránh làm vết thương nhiễm trùng cũng như để tay không phải tiếp xúc với máu và các loại dịch chảy khác.

• Túi chườm nóng/lạnh: Những loại túi này có thể dễ dàng sử dụng và mang theo, dùng trong các trường hợp bạn bị đau nhức.

• Nhiệt kế: Tốt nhất là bạn nên dùng loại nhiệt kế đo trán. Loại này dễ sử dụng, cho kết quả nhanh với độ chính xác cao. Hơn nữa bạn sẽ không lo nhiệt kế bị bể hay hết pin (nhiệt kế đo trán thường dùng vài năm mới cần thay pin).

• Thiết bị y tế hỗ trợ chuyên dụng: Nếu bạn hoặc có thành viên đi cùng đang ở trong tình trạng sức khỏe đặc biệt, ví dụ như gãy chân, thì bạn hãy nhớ chuẩn bị nạng hay các dụng cụ hỗ trợ để di chuyển.

Bạn nên liệt kê ra và mang theo tất cả những thiết bị hỗ trợ cần thiết tùy theo dạng bệnh đang gặp phải: máy xông mũi họng cho người bị hen suyễn, máy đo đường huyết cho người bị tiểu đường, mắt kiếng cho người gặp vấn đề thị giác…

5. Vật dụng phục vụ cá nhân

Vật dụng phục vụ cá nhân

Bên cạnh các loại thuốc và dụng cụ cần thiết cho túi y tế du lịch, bạn cũng cần chuẩn bị cả một số vật dụng cá nhân khác cho bản thân:

• Thuốc kê toa riêng: Các loại thuốc đã được kê toa riêng cho tình trạng sức khỏe của bạn và vitamin thiết yếu.

• Hỗ trợ vệ sinh: khăn giấy lau, nước rửa tay (để đảm bảo vệ sinh trong cả quá trình sinh hoạt và xử lý vết thương)…

• Vật dụng cho phụ nữ: hãy tính ngày trước khi đi du lịch, nếu sắp đến chu kỳ kinh nguyệt thì băng vệ sinh và thuốc giảm đau bụng kinh là rất cần thiết.

Bao cao su và thuốc tránh thai: Để đảm bảo kế hoạch hóa gia đình cũng như hạn chế các tình trạng lây nhiễm qua đường tình dục, bạn nhớ chuẩn bị sẵn bao cao su và thuốc tránh thai khi đi du lịch nhé.

8 lưu ý khi chuẩn bị túi y tế du lịch

Lưu ý khi chuẩn bị túi y tế du lịch

1. Chất liệu túi

Khi chuẩn bị túi y tế du lịch, bạn hãy chọn loại túi có chất liệu bền, nhẹ, tốt nhất là có thể chống thấm để không ảnh hưởng đến chất lượng của vật dụng bên trong.

2. Theo dõi thời tiết

Kiểm tra trước tình trạng thời tiết ở địa điểm du lịch cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ để chuẩn bị được các loại thuốc phù hợp. Dùng thuốc là một biện pháp để hỗ trợ trị bệnh. Nhưng đừng quá phụ thuộc vào thuốc, bạn có thể tìm hiểu thêm các bí quyết giữ gìn sức khỏe khi đi du lịch để không rơi vào thế bị động nhé.

3. Ưu tiên thuốc viên nén

Đối với các loại thuốc, bạn nên chọn thuốc dạng viên nén trong vỉ để tiết kiệm diện tích cũng như bảo quản thuốc được tốt hơn so với thuốc trong ống, lọ.

4. Chọn thuốc size nhỏ

Nếu có thể, bạn hãy tìm mua các loại thuốc mình cần sử dụng với dạng size du lịch nhé. Size du lịch sẽ nhỏ gọn hơn mà vẫn bảo quản tốt thuốc, sẽ tiện lợi cho bạn hơn.

5. Sử dụng túi zip nhỏ

Trong trường hợp không cần phải chuẩn bị nhiều thuốc, bạn có thể dùng nhiều túi zip nhỏ đựng các loại thuốc khác nhau rồi cho vào cùng một hộp lớn để bảo quản thuốc an toàn, gọn gàng và dễ kiếm hơn.

6. Học kỹ năng sơ cứu

Đừng chỉ mang theo cho đủ, bạn nên học cách sử dụng các đồ dùng đã chuẩn bị trong túi y tế du lịch để đảm bảo dùng đúng cách và nhanh chóng khi có sự cố xảy ra. Bổ sung thêm một số kỹ năng sơ cứu cũng rất có ích cho bạn đấy.

7. Giảm số lượng thuốc

Nếu địa điểm du lịch ở khu trung tâm, có thể dễ dàng đến cơ sở y tế hoặc nhà thuốc thì bạn chỉ cần chuẩn bị các loại thuốc khẩn cấp, vật dụng xử lý vết thương nhỏ và một ít đồ vật phục vụ tình trạng của cá nhân thôi.

Còn lại, tùy theo tình huống gặp phải mà bạn có thể đến cơ sở y tế để mua vật dụng phù hợp nhé. Như vậy có thể giảm kích thước của túi y tế du lịch, bạn không cần phải mang túi quá to hay nặng nề nữa.

8. Mua túi y tế du lịch

Nếu không có thời gian hay không đủ kinh nghiệm để chuẩn bị túi y tế du lịch, bạn vẫn có thể tìm mua các loại túi y tế du lịch có sẵn trên thị trường. Những loại túi này sẽ đảm bảo được các vật dụng và những loại thuốc cần thiết cơ bản.

Tuy nhiên, vì mỗi người đều có tình trạng sức khỏe khác nhau, do đó tự tay bạn chuẩn bị sẽ tạo ra được túi y tế du lịch phù hợp với bản thân và những người đi cùng hơn.

Ngoài ra, khi bạn tự chuẩn bị, bạn sẽ có sự chủ động hơn với các vật dụng trong túi, gặp phải những lúc khẩn cấp bạn sẽ biết rõ được mình đang có cái gì, để ở đâu, như vậy sẽ xử lý hiệu quả và nhanh chóng hơn so với khi sử dụng túi mua sẵn bên ngoài.

Với những kiến thức cần thiết khi chuẩn bị túi y tế du lịch cá nhân, bạn hãy tự tay chuẩn bị những vật dụng thiết thực nhất để tận hưởng chuyến du lịch vui vẻ mà vẫn đảm bảo an toàn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Travel first aid kit packing list

https://www.tripsavvy.com/travel-first-aid-kit-packing-list-1458593

Ngày truy cập 12/4/2018.

Travel medical kit checklist.

http://www.mydr.com.au/travel-health/travel-medical-kit-checklist

Ngày truy cập 12/4/2018.

The essential medical travel kit.

https://herpackinglist.com/2013/09/essential-travel-medical-kit/

Ngày truy cập 12/4/2018.

 

Phiên bản hiện tại

25/01/2021

Tác giả: Phương Hồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức

6 cách giúp bạn phòng bệnh tiêu hóa khi đi du lịch


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Hồ · Ngày cập nhật: 25/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo