backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mắt bị đỏ: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 20/11/2023

    Mắt bị đỏ: Nguyên nhân và cách điều trị

    Mắt bị đỏ là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe không chỉ của mắt mà còn có thể của các bộ phận khác trên cơ thể bạn. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mắt đỏ 1 bên hoặc 2 bên và không phải lúc nào cũng dễ dàng nắm được đúng nguyên nhân để điều trị.

    Thông thường, lòng trắng mắt bị đỏ là do các mạch máu trên bề mặt mắt bị giãn hoặc bị viêm. Trường hợp nặng hơn có thể gây ảnh hưởng đến thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bài viết sau đây giúp bạn liệt kê những vấn đề thường gặp nhất khiến tròng trắng mắt bị đỏ, từ đó có thể chủ động phòng ngừa hay điều trị chuẩn xác.

    1. Dị ứng

    đỏ và sưng mắt do dị ứng

    Mắt tự nhiên bị đỏ 1 bên thì nên nghĩ ngay đến dị ứng. Dị ứng không chỉ làm cho mắt bạn bị ngứa, đau và chảy nước mà còn gây ra tình trạng mắt bị đỏ. Tình trạng càng trở nên tệ hơn khi bạn ngứa và gãi mắt. Các phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mức đối với một kích thích tố vô hại. Hầu như bất cứ vật gì cũng có thể gây ra dị ứng mắt như bụi, phấn hoa, lông thú cưng và chất tẩy rửa.

    Các vết đỏ ở mắt sẽ dần biến mất khi bạn không còn tiếp xúc với chất gây dị ứng nữa, nhưng vẫn cần một khoảng thời gian khá lâu, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dị ứng. Để nhanh khỏi, hãy rửa mắt bằng nước hoặc dùng một miếng gạc mát đắp lên mắt. Thuốc nhỏ mắt và các thuốc kháng histamine có thể giúp làm thuyên giảm triệu chứng nhanh chóng. Tốt nhất, bạn hãy cố gắng tìm ra tác nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với nó một lần nữa.

    2. Đau mắt đỏ

    Nguyên nhân đau mắt đỏ

    Đau mắt đỏ là bệnh viêm kết mạc gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virus khiến bạn bị đau mắt đỏ 1 bên và ngứa, kèm theo sưng và chảy nước mắt, sau đó lan sang mắt còn lại. Dù không nghiêm trọng, đau mắt đỏ có thể lây lan và gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh trong ít nhất vài ngày.

    Vậy, mắt bị đỏ làm sao hết? Tình trạng này không nhất thiết phải đến bác sĩ. Bạn có thể chườm lạnh cho mắt để giảm sưng đau. Đau mắt đỏ có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng không thuyên giảm hay xuất hiện các triệu chứng khác, bạn nên đến bác sĩ để được kê đơn thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc kháng sinh thích hợp.

    Nếu bạn bị viêm kết mạc do virus hoặc vi khuẩn, hãy luôn giữ vệ sinh tay và dụng cụ cá nhân thật tốt để không lây lan cho các thành viên khác trong gia đình.

    3. Bị đỏ mắt vì uống quá nhiều rượu bia

    mắt bị đỏ

    Nếu bạn nhận thấy mắt tự nhiên bị đỏ 1 bên không đau thì hãy nghĩ ngay đến rượu. Rượu làm cho các mạch máu nhỏ trên mắt giãn ra, khiến lưu lượng máu chảy qua nhiều hơn. Bạn càng uống nhiều rượu, mắt càng dễ đỏ.

    Khoảng vài giờ sau khi bạn uống rượu, khi nồng độ cồn trong máu đã giảm đáng kể, các mạch máu sẽ trở lại bình thường và mắt cũng dần hết đỏ.

    4. Mắt bị đỏ do ngủ quá ítmắt bị đỏ

    Khi mệt mỏi vì thiếu ngủ, mắt thường dễ bị đỏ lên. Nguyên nhân là do thiếu ngủ làm giảm lượng oxy đến mắt, các mạch máu trong mắt sẽ giãn ra và xuất hiện màu đỏ.

    Một yếu tố khác dẫn đến hiện tượng mắt bị đỏ 1 vùng là nếu bạn bị thiếu ngủ trong một thời gian dài, mắt thường xuyên mở sẽ trở nên khô, dẫn đến đỏ mắt. Cách tốt nhất để làm dịu mắt là cố gắng ngủ đầy đủ hơn, nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý để giảm bớt sự khó chịu.

    5. Mắt đỏ là bị gì? Do mụn lẹo

    Mụn lẹo trông như một nốt thịt dư nhỏ màu đỏ hình thành trên mí mắt hoặc cạnh dưới của mắt, xuất hiện do sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của lẹo mắt là mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau cùng với tình trạng sưng và nhạy cảm với ánh sáng. Nguyên nhân gây ra mụn lẹo là vi khuẩn và hầu hết mọi người đều sẽ bị ít nhất một lần trong đời.

    May mắn thay, mụn lẹo không ảnh hưởng đến thị lực nhưng sẽ làm đôi mắt bị mất thẩm mỹ. Đa số mụn lẹo sẽ tự biến mất sau vài ngày. Bạn tuyệt đối không nên đụng vào mụt lẹo hoặc nặn ra vì sẽ làm tình trạng nhiễm trùng nặng thêm. Nếu thấy tình trạng trở nặng, bạn nên đi khám để bác sĩ kê thuốc kháng sinh hoặc chích lẹo nếu cần thiết.

    6. Bị đỏ mắt do kích ứng với kính áp tròng

    đeo kính áp tròng có thể làm mắt bị đỏ

    Kính áp tròng có thể ngăn không cho oxy đến mắt và làm mắt bị đỏ lên. Nếu bạn đeo kính áp tròng quá lâu hoặc đeo trong khi ngủ, chúng có thể gây đỏ, nhiễm trùng và thậm chí là loét giác mạc.

    Để không rơi vào tình trạng này, tốt nhất bạn nên tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn vệ sinh và sử dụng kính áp tròng đúng cách. Ngoài ra, có thể sử dụng các thuốc nhỏ mắt nhằm làm dịu vết đỏ, giữ mắt ẩm hơn, tránh kích ứng do kính áp tròng gây ra.

    7. Chấn thương khiến mắt bị đỏ

    mắt bị đỏ 1 bên do đâu?

    Điều này xảy ra khi một mạch máu ngay dưới bề mặt mắt bị vỡ và máu bị giữ lại, tạo thành một mảng đỏ tươi trong lòng trắng của mắt bạn. Đây là chấn thương rất phổ biến, nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng thường không ảnh hưởng đến thị lực hoặc gây đau đớn.

    Mắt bị tụ máu đỏ ở lòng trắng có thể xảy ra trong những trường hợp như vận động, tập thể dục cường độ quá mạnh, nâng vật nặng hoặc thậm chí chỉ cần một cái hắt hơi hoặc ho mạnh cũng có khả năng gây tụ máu. Các mảng đỏ trong mắt thường sẽ mờ dần sau một vài tuần.

    8. Mắt bị đỏ do tăng nhãn áp

    Tăng nhãn áp là một loạt các tổn thương ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác (dây thần kinh nối võng mạc mắt với não), thường là do áp lực quá lớn lên mắt hoặc do tích tụ chất lỏng trong mắt. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của tăng nhãn áp là mắt bị đỏ lên. Các dấu hiệu khác bao gồm mờ mắt, nhìn thấy quầng sáng quanh đèn và đau mắt.

    Tình trạng tăng nhãn áp có khả năng dẫn đến mất thị lực, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để khám toàn diện nếu nghi ngờ đang gặp phải tình trạng này. Tăng nhãn áp thường tiến triển chậm nhưng nếu xuất hiện các vấn đề như đỏ mắt, thị lực suy giảm đột ngột kèm theo đau đầu hoặc buồn nôn, bạn cần đến cơ sở y tế để cấp cứu ngay lập tức.

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng mắt bị đỏ 1 bên hay 2 bên. Hiểu rõ sẽ giúp bạn chủ động điều trị sớm, tránh những tổn thương không đáng có cho mắt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 20/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo