backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách ngâm tỏi chữa viêm họng: Bài thuốc hay bạn nên thử

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    Cách ngâm tỏi chữa viêm họng: Bài thuốc hay bạn nên thử

    Thời tiết chuyển mùa nắng mưa thất thường khiến không ít người thường xuyên phải đối mặt với chứng bệnh viêm họng. Nếu bạn cũng đang rơi vào tình trạng này, hãy học ngay cách ngâm tỏi chữa viêm họng ngay sau đây. 

    Tỏi là một gia vị thường xuất hiện trong các bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Đây cũng là loại thảo dược an toàn cho cả mẹ bầu và người lớn tuổi, có công dụng tốt đối với các bệnh thông thường về đường hô hấp, viêm họng, cảm mạo… Trong bài viết này, Hello Bacsi mách bạn cách ngâm tỏi để chữa viêm họng khi thời tiết chuyển mùa.

    Công dụng của tỏi đối với sức khỏe

    Trước khi tìm hiểu cách ngâm tỏi, mời bạn tìm hiểu qua công dụng của loại gia vị này đối với sức khỏe. Theo Đông y, tỏi là loại thảo dược có vị hăng, tính ấm, có các công dụng điển hình như:

    • Làm ấm cơ thể
    • Đào thải độc tố
    • Giúp giảm lượng cholesterol có trong máu
    • Kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus…
    • Làm giảm cảm giác đau rát vùng cổ họng, tiêu viêm giúp ăn ngon miệng hơn.
    • Nâng cao sức đề kháng giúp củng cố sức mạnh của hệ miễn dịch.

    Mách bạn 5 cách ngâm tỏi chữa viêm họng đơn giản

    Bạn có thể ngâm tỏi chữa viêm họng theo các cách sau:

    1. Cách ngâm tỏi mật ong chữa viêm họng cho cả nhà 

    cách ngâm tỏi mật ong

    Không chỉ chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn và ngăn ngừa các tác nhân gây hại, mật ong còn là nguồn cung các dưỡng chất, vitamin giúp tăng sức đề kháng, tốt cho sức khỏe.

    Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị:

    Tỏi: 50g

    Mật ong nguyên chất: Khoảng 250ml

    Hũ thủy tinh dung tích 0,5 lít có nắp đậy kín

    Thực hiện:

    Cách ngâm tỏi mật ong không khó, bạn hãy làm theo các bước sau:

    Bước 1: Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, để ráo hoặc dùng khăn sạch lau cho khô.

    Bước 2: Đập hoặc giã giập tỏi và cho vào hũ thủy tinh.

    Bước 3: Rót mật ong nguyên chất vào hũ.

    Bước 4: Để hũ tỏi ngâm mật ong ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, tránh ánh nắng trực tiếp. Bạn ngâm như vậy trong khoảng 3 tháng là dùng được.

    Cách dùng tỏi ngâm mật ong chữa viêm họng:

    Lấy khoảng 20–30ml dung dịch mật ong ngâm tỏi pha với 150ml nước ấm, khuấy đều, uống 2 lần (sáng và tối). Lưu ý là mẹ không nên dùng bài thuốc này cho trẻ nhỏ vì có thể khiến trẻ bị dị ứng với mật ong, ngoài ra vị cay của tỏi có thể khiến con bị nóng rát miệng.

    Trong trường hợp không có sẵn tỏi ngâm mật ong, bạn có thể áp dụng bài thuốc tỏi mật ong chưng cách thủy để trị viêm họng. Cách làm như sau:

    Bước 1: Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, lau cho khô rồi đập giập.

    Bước 2: Cho tỏi đập giập vào một cái bát (chén), rót mật ong vào sao cho ngập tỏi.

    Bước 3: Chưng cách thủy hỗn hợp mật ong và tỏi trong khoảng 15–20 phút.

    Sau khi chưng, bạn nên đợi cho hỗn hợp nguội rồi ăn cả xác lẫn nước. Dùng 3 lần mỗi ngày, trước bữa ăn khoảng 15 phút. Thực hiện trong tối đa khoảng 7–10 ngày để cổ họng cảm thấy dễ chịu.

    2. Cách ngâm tỏi với mật ong và hành tím chữa viêm họng

    Trong Đông y, hành tím là loại thảo dược có mùi thơm nồng, tính ấm, có tác dụng kháng viêm nên rất công hiệu đối với người bị viêm họng.

    Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị:

    • Tỏi: 2 củ
    • Hành tím: 1 củ
    • Mật ong: lượng đủ dùng (khoảng 250ml)
    • Hũ thủy tinh nhỏ có nắp đậy kín, dung tích 0,5 lít

    Thực hiện:

    • Bước 1: Tỏi, hành tím bóc vỏ, rửa sạch, lau cho khô rồi giã giập hoặc xay nhuyễn.
    • Bước 2: Bạn cho hỗn hợp hành tím và tỏi vào một hũ thủy tinh nhỏ, rót mật ong vào, đảo đều cho mật ngập hỗn hợp tỏi hành. Bạn ngâm như vậy trong khoảng 3 ngày là dùng được.

    Cách dùng tỏi ngâm mật ong với hành tím chữa viêm họng:

    Mỗi lần dùng, bạn chỉ cần lấy khoảng 2 thìa cà phê hỗn hợp tỏi, hành tím ngâm cùng mật ong hòa trong 150ml nước ấm, uống khi nước còn ấm, 2 lần mỗi ngày (sáng và tối).

    3. Cách làm tỏi ngâm rượu chữa bệnh viêm họng

    cách ngâm tỏi

    Theo Đông y, sự khi kết hợp của tỏi và rượu sẽ tạo nên một bài thuốc chữa viêm họng rất tốt. Cả hai loại dược liệu này đều có đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn, giúp làm sạch họng…

    Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị:

    • Tỏi: 100g
    • Rượu trắng 40 độ: 250ml
    • Hũ thủy tinh có nắp đậy dung tích từ 0,5 lít trở lên

    Thực hiện:

    • Bước 1: Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, hong cho khô rồi thái lát nhỏ hoặc bạn cũng có thể dùng dao hai lưỡi để bào các lát tỏi cho đều.
    • Bước 2: Cho tỏi đã thái lát vào một bình thủy tinh có nắp đậy, đổ rượu vào bình.
    • Bước 3: Để hũ hỗn hợp tỏi và rượu ở nơi thoáng mát, ngâm trong khoảng 10 ngày hoặc đến khi dung dịch trong bình chuyển màu vàng nhạt gần gống như màu của mật ong là dùng được.

    Cách dùng rượu tỏi:

    Bạn có thể uống rượu ngâm tỏi ngày 2 lần (sáng và tối trước bữa ăn), 5ml/lần. Ngoài ra, bạn có thể dùng rượu tỏi pha với nước theo tỷ lệ 20ml rượu tỏi pha cùng 1,5-2 lít nước để phun xịt cho cây cảnh hoặc rau nhằm phòng tránh sâu, rệp gây bệnh. Bạn nên phun cách ngày để đạt hiệu quả.

    4. Cách ngâm tỏi với giấm gạo chữa bệnh viêm họng

    Giấm gạo có công hỗ trợ khả năng tiêu hóa, ổn định huyết áp, tốt cho quá trình tuần hoàn, chữa viêm họng hiệu quả.

    Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị:

    • Tỏi: 250g
    • Giấm gạo: 250ml
    • Đường: 2 thìa súp
    • Muối: 1 thìa cà phê
    • Hũ thủy tinh có nắp đậy, dung tích 1 lít

    Thực hiện:

    • Bước 1: Tỏi bóc vỏ, rửa sạch.
    • Bước 2: Cho khoảng nửa lít nước vào nồi cùng 1 thìa cà phê muối rồi đun sôi.
    • Bước 3: Khi nước sôi, bạn cho tỏi đã bóc vỏ vào rồi tắt bếp, để như vậy trong khoảng 10 phút rồi đổ tỏi ra rổ để ráo.
    • Bước 4: Cho tỏi vào hũ thủy tinh cùng với giấm và 2 thìa súp đường rồi đậy nắp kín, để nơi khô ráo, thoáng mát trong khoảng 10 ngày là dùng được.

    Cách dùng tỏi ngâm giấm gạo

    Bạn có thể ăn tỏi ngâm giấm gạo 1 lần/ngày, mỗi lần 1–2 tép tỏi cùng 1 thìa cà phê giấm.

    5. Chữa viêm họng bằng tỏi và sữa

    Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị:

    • Tỏi tươi: 3–4 tép
    • Sữa nóng: 1 cốc

    Thực hiện:

    • Bước 1: Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, hong khô rồi đập hoặc giã giập.
    • Bước 2: Cho tỏi đã giã giập vào ly sữa nóng, để trong khoảng 10 phút rồi uống. Nếu không có sữa nóng, bạn có thể cho tỏi và sữa vào nồi thủy tinh, nấu trên bếp với ngọn lửa vừa trong tầm 7–10 phút.

    Cách dùng:

    Khi sữa nguội hoặc nhiệt độ sữa còn hơi ấm, bạn hớp từng ngụm rồi ngậm và uống từ từ. Nếu thích mùi vị của tỏi, bạn nên ăn cả tép tỏi để gia tăng công hiệu. Thực hiện ngày 2–3 lần, trong 3–5 ngày liên tiếp.

    Phương pháp chữa viêm họng bằng tỏi và sữa này có thể áp dụng cho cả trẻ em.

    Những lưu ý khi dùng tỏi chữa viêm họng

    viêm họng

    Tỏi là một gia vị phổ biến nhưng khi kết hợp với mật ong, giấm hay rượu thì không phải ai cũng có thể sử dụng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y, những đối tượng sau không nên dùng tỏi để chữa viêm họng:

    • Người bị nội nhiệt, âm hư, đau răng, viêm thận…
    • Phụ nữ mang thai, trẻ em, người phải kiêng rượu không được dùng các bài thuốc có rượu là thành phần.
    • Không áp dụng các bài thuốc chữa viêm họng kể trên cho trẻ nhỏ. Khi cho trẻ lớn dùng, bạn nên quan sát trẻ cẩn thận.

    Nếu sử dụng các bài thuốc kể trên một thời gian mà không thấy tình trạng viêm họng được cải thiện, bạn nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời. Khi bị viêm họng, bạn nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh, tránh ăn đồ chiên rán, cay nóng, sử dụng chất kích thích vì có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn.

    Hello Bacsi hy vọng rằng với những chia sẻ ở trên về cách ngâm tỏi, bạn đã có những bài thuốc hay chữa viêm họng cho tủ thuốc gia đình.

    Lan Quan/HELLO BASCSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo