Sắt là một phần của hemoglobin. Hầu hết các chất sắt trong cơ thể là đều nằm trong hemoglobin (và trong một loại protein tương tự trong cơ được gọi là myoglobin).
Sắt đi vào cơ thể con người chủ yếu qua thực phẩm và sẽ rời khỏi cơ thể khi chúng ta bị chảy máu. Chảy máu gây ra sự mất mát nhiều tế bào hồng cầu và chất sắt. Đó là lý do tại sao con gái ở tuổi dậy thì, khi bắt đầu có kinh nguyệt hàng tháng, rất dễ bị thiếu máu do thiếu sắt. Mỗi tháng, bạn đều phải mất máu và chất sắt. Nếu không ăn đủ các loại thực phẩm giàu chất sắt, bạn dần sẽ bị thiếu sắt trầm trọng.
Các triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu sắt thường không rõ ràng, trừ khi bệnh đã rất nặng hoặc diễn tiến trong một khoảng thời gian dài. Trong trường hợp đó, các triệu chứng có thể bao gồm da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, choáng, đau đầu hoặc ù tai. Để chẩn đoán chính xác, bạn cần làm xét nghiệm máu.
Con gái thiếu máu ở tuổi dậy thì nên được điều trị như thế nào?
Thiếu máu do thiếu sắt thường được điều trị bằng cách bổ sung chất sắt, thường dùng bằng đường uống trong vài tháng. Các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm máu theo dõi để đảm bảo tình trạng thiếu máu đã chấm dứt hoặc ít nhất là đã được cải thiện.
Sắt được hấp thu tốt nhất khi được uống giữa các bữa ăn; do đó, bạn nên uống thuốc vào khoảng thời gian giữa bữa ăn sáng và ăn trưa, hoặc giữa bữa trưa và bữa tối.
Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, canxi lại ức chế khả năng hấp thụ chất sắt, do đó bạn không nên uống thuốc sắt chung với sữa mà nên uống chung với đồ uống có nhiều chất vitamin C như trái cây, rau hay nước cam.