2. Mối liên hệ giữa giấc ngủ và sự trao đổi chất
Trao đổi chất là quá trình chuyển đổi thức ăn nạp vào cơ thể thành nguồn năng lượng chính để bạn duy trì các hoạt động sống. Thế nhưng, quá trình trao đổi chất thường chậm lại khoảng 15% trong khi ngủ, đạt mức thấp nhất là vào buổi sáng. Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng, sự thiếu ngủ vì bất kỳ lý do gì (trẻ thức khuya, mất ngủ, mắc chứng ngưng thở khi ngủ…) thường dẫn đến các rối loạn điều hòa chuyển hóa.
Thời gian thức nhiều hơn có thể làm tăng cơ hội ăn uống. Trong khi đó, giờ đi ngủ vào ban đêm là thời gian mà sự trao đổi chất của cơ thể đang chậm lại. Điều này có thể làm rối loạn nhịp sinh học và dẫn đến tăng cân, béo phì.
3. Trẻ thức khuya, ngủ ít ảnh hưởng đến hoạt động thể chất

Tình trạng thức khuya dù là với người lớn hay trẻ em thì đều có thể dẫn đến việc có ít năng lượng hơn cho các hoạt động thể chất cũng như tập thể dục. Hơn nữa, việc ngủ ít hoặc thiếu ngủ cũng dẫn đến sự mệt mỏi vào ban ngày và vận động trong trạng thái mệt mỏi thì thường trở nên kém an toàn hơn. Trong khi đó, mọi người đều biết rằng tập thể dục là hoạt động cần thiết đối với việc giảm cân hoặc duy trì cân nặng ổn định.
Do vậy, nhìn chung thì việc thức khuya, ngủ ít dường như đang có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc tập thể dục và hoạt động thể chất vào ban ngày. Kéo theo đó là ảnh hưởng đến việc duy trì cân nặng lành mạnh. Mặc dù chưa có minh chứng rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về mối liên hệ này.
Đối với trẻ thức khuya, bạn nên làm gì để giúp trẻ ngủ đủ giấc?
Đối với trẻ em, các nhà nghiên cứu về giấc ngủ khuyến nghị rằng bạn nên cho trẻ đi ngủ sớm hơn vào buổi tối để thúc đẩy thời gian ngủ dài hơn. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe, sự phát triển của trẻ mà còn giảm đáng kể nguy cơ thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, đối với vấn đề trẻ thức khuya, việc thay đổi và giúp trẻ đi ngủ sớm không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này thì có thể tham khảo một vài lời khuyên sau đây mà Hello Bacsi đã tổng hợp:
1. Khuyến khích trẻ hoạt động nhiều trong ngày
Ba mẹ nên khuyến khích trẻ hoạt động thể chất nhiều vào ban ngày bên cạnh việc học tập ở trường. Các hoạt động này bao gồm cả việc tập thể dục, vận động, vui chơi ngoài trời… Nếu mức năng lượng của trẻ vẫn cao khi đã trải qua một ngày, bạn có thể chọn cách giúp trẻ tăng thêm thời gian vận động để làm trẻ mệt mỏi và cảm thấy dễ buồn ngủ vào ban đêm hơn.
2. Đảm bảo thời gian biểu của trẻ được nhất quán

Khi thiết lập thời gian biểu cho trẻ, bạn nên đảm bảo thời gian dành cho các hoạt động mỗi ngày luôn giống nhau khi trẻ ăn, ngủ, chơi, học tập. Trong đó, thời gian đi ngủ và thức dậy hàng ngày của trẻ nên rơi vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều này nhằm giúp trẻ thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Nếu trẻ thức khuya vào ban đêm, điều này có liên quan đến thời gian ngủ trưa quá dài. Vì vậy, bạn có thể thay đổi thời gian ngủ trưa của trẻ bằng cách giảm bớt. Đồng thời, đảm bảo giờ ngủ ngắn vào ban ngày của trẻ không quá gần giờ ngủ vào ban đêm.
3. Giúp trẻ thiết lập một số thói quen có lợi cho giấc ngủ
Đối với trẻ thức khuya, có xu hướng ngủ ít hoặc mất ngủ, việc thiết lập một số thói quen trước khi đi ngủ có thể tạo “tiền đề” giúp trẻ chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Ba mẹ có thể giúp trẻ thực hiện các “nghi thức” theo một trình tự nhất định như cho trẻ tắm nước ấm, đánh răng, thay đồ ngủ. Đối với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, kể truyện trước khi đi ngủ hoặc hát ru có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn. Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể khuyến khích trẻ tự đọc sách, thiền… để thư giãn và ngủ ngon hơn.
Song song đó, bạn cần để ý và không cho trẻ uống các đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê, nước tăng lực… vào buổi chiều tối. Một hoạt động khác nữa gây bất lợi cho giờ đi ngủ mà trẻ cần tránh là không xem các thể loại phim kinh dị, gay cấn trước giờ đi ngủ để tránh tình trạng khó ngủ.
4. Cố gắng giúp trẻ tránh xa các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ
Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị như tivi, điện thoại, laptop… có thể phá vỡ chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, bạn không nên để trẻ tiếp xúc với các thiết bị này ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Đồng thời, cần đảm bảo không gian phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, mát mẻ… để trẻ dễ đi ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Trẻ thức khuya, ngủ ít hoặc mất ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả nguy cơ tăng cân, béo phì. Vì vậy, nếu bạn không thành công trong việc giúp trẻ ngủ đủ giấc bằng một số giải pháp kể trên thì lời khuyên là nên nhờ đến sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia để cải thiện vấn đề này nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!