Một số nghiên cứu cho rằng việc thực hiện chế độ ăn Keto cho trẻ được xem là an toàn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được tác động lâu dài của chế độ ăn này, do đó, bạn chỉ nên cho trẻ thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.
Béo phì, đái thường type 2 là những căn bệnh đang dần trở nên phổ biến ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do trẻ ít có thời gian vận động, kết hợp với việc trẻ thường xuyên ăn những thực phẩm chế biến và thực phẩm đóng gói không lành mạnh.
Xuất phát từ thực trạng này, nhiều cha mẹ đã nghĩ đến việc áp dụng chế độ ăn Keto cho trẻ. Tuy nhiên, liệu chế độ ăn này có an toàn? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để có lời giải đáp nhé!
Chế độ ăn Keto là gì?
Chế độ ăn Keto (gọi tắt là Keto) là chế độ ăn đã xuất hiện từ năm 1920 nhưng trong thời gian gần đây, chế độ ăn này mới dần trở nên phổ biến do khả năng giảm calo vô cùng hiệu quả.
Đây là chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo tốt cho cơ thể. Cụ thể, chế độ ăn này yêu cầu lượng calo được đáp ứng bởi chất béo là khoảng 60-80% và chỉ 20–30% còn lại là bằng carbohydrate.
Khi lượng carbohydrate nạp vào cơ thể bị cắt giảm, cơ thể bạn sẽ rơi vào trạng thái gọi là “Ketosis”, trạng thái mà cơ thể sử dụng chất béo để cung cấp năng lượng vì nó không có đủ carbohydrate. Chế độ ăn này giúp ngăn cảm giác thèm ăn, giảm cơn đói và giúp giảm cân.
Ngoài ra, Keto cũng rất có lợi cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 bởi nó có thể làm giảm đáng kể lượng đường máu và nồng độ insulin. Các thực phẩm được sử dụng trong chế độ ăn này thường là rau và các loại quả mọng có hàm lượng đường thấp.
Thực hiện chế độ ăn Keto cho trẻ có an toàn hay không?
Ban đầu, chế độ ăn Keto được dùng cho trẻ mắc một số bệnh đặc biệt. Hiện chế độ ăn này vẫn được áp dụng trong một số bệnh viện như một phương pháp để hỗ trợ điều trị cho trẻ bị động kinh. Các nghiên cứu cũng cho biết việc tuân thủ chế độ ăn Keto có thể giúp giảm tần suất các cơn động kinh ở trẻ lên tới 50%.
Dù nhiều nghiên cứu cho rằng chế độ ăn Keto an toàn với trẻ nhỏ nhưng bạn vẫn nên cân nhắc bởi chế độ ăn này không cung cấp đủ carbohydrate và chất xơ mà cơ thể trẻ cần. Không những vậy, việc loại bỏ toàn bộ một nhóm thực phẩm nào đó ra khỏi chế độ ăn còn có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Điều này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể làm cho trẻ trở nên cáu kỉnh, chậm chạp và không tập trung.
Bên cạnh đó, chế độ ăn Keto còn có thể gây thiếu hụt vitamin, khoáng chất khiến trẻ chậm phát triển, mất cân bằng điện giải, tăng nồng độ cholesterol, tăng lượng đường trong máu.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác như táo bón, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn này có thể làm tăng mức chất béo trung tính, gây sỏi thận và làm suy yếu xương ở trẻ em.
Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ, việc cho trẻ thực hiện theo chế độ ăn Keto trong thời gian dài còn có thể khiến trẻ phát triển các hành vi không lành mạnh, ví dụ như rối loạn ăn uống. Chính vì vậy, nếu bạn vẫn muốn trẻ thực hiện chế độ ăn này để giải quyết vấn đề sức khỏe nào đó, tốt nhất mẹ nên thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng.
Chế độ ăn Keto phù hợp với những đối tượng trẻ em nào?
Chế độ ăn Keto thường được đề xuất cho trẻ em bị động kinh để kiềm chế cơn động kinh bùng phát. Ngoài ra, chế độ ăn này cũng được khuyến cáo cho những trường hợp cơ thể trẻ sử dụng glucose không hiệu quả như:
- Hội chứng Dravet: Một rối loạn hiếm gặp đặc trưng bởi triệu chứng động kinh và các vấn đề về phát triển thần kinh. Nguyên nhân của hội chứng này thường là do sự đột biến của một số gene nhất định.
- Hội chứng thiếu chất vận chuyển glucose loại 1 (Glut 1): Hội chứng thiếu protein cần thiết để vận chuyển glucose trong cơ thể.
- Hội chứng thiếu hụt pyruvate dehydrogenase: Đây là một rối loạn chuyển hóa khiến cơ thể không thể phá vỡ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đúng cách. Các triệu chứng mà trẻ gặp phải thường là lờ đờ, mệt mỏi cực độ, chán ăn hoặc thở nhanh. Nguyên nhân gây ra bệnh này thường là do đột biến gene PDHA 1 trong cơ thể.
- Hội chứng Lennox Gastaut: Đây là một dạng động kinh nghiêm trọng ở trẻ em, đặc trưng bởi khuyết tật trí tuệ. Tình trạng này có thể xảy ra do thiếu oxy (ngạt khi sinh), nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương (CNS) hoặc chấn thương đầu nghiêm trọng.
Trẻ vị thành niên có nên sử dụng chế độ ăn Keto để giảm cân?
Ở giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý của trẻ sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Trẻ có thể vô cùng quan tâm đến ngoại hình và cảm thấy tự ti, xấu hổ khi vóc dáng mình không được như ý muốn. Tuy nhiếu, nếu vì vậy mà bạn cho trẻ thực hiện chế độ ăn Keto, trẻ sẽ rất dễ gặp phải những hành vi không lành mạnh và dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực về ăn uống.
Không những vậy, những hành vi này còn có thể dẫn đến rối loạn ăn uống, một tình trạng rất thường gặp ở trẻ vị thành niên. Chính vì vậy, thay vì áp dụng chế độ ăn Keto, bạn nên khuyến khích trẻ vận động thường xuyên, ăn uống khoa học, tránh ăn vặt để hạn chế tăng cân. Nếu muốn giảm cân, thay vì tự ý áp dụng chế độ ăn, hãy đến gặp bác sĩ và xin lời khuyên để tìm ra chế độ ăn phù hợp nhất.
Trên đây là những thông tin hữu ích về chế độ ăn Keto cho trẻ mà cha mẹ cần lưu ý. Nếu bé nhà bạn không thuộc những trường hợp phải áp dụng chế độ ăn đặc biệt này, bạn không cần thiết phải cho trẻ thực hiện vì điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Ngân Phạm/HELLO BACSI
[embed-health-tool-vaccination-tool]