backup og meta

Trẻ chậm nói: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và cách khắc phục

Trẻ chậm nói: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và cách khắc phục

Không có gì lạ khi ba mẹ bắt đầu lo lắng khi nhận thấy trẻ chậm nói hay chưa diễn đạt được mong muốn của mình trọn vẹn bằng lời như “con nhà hàng xóm”. Trong tình huống này, ba mẹ cần theo dõi và tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có hướng hỗ trợ trẻ phù hợp. 

Mỗi trẻ có một tốc độ phát triển khác nhau nên việc trẻ chậm nói so với những trẻ khác cùng trang lứa đôi khi cũng không quá đáng ngại. Mặt khác, trẻ chậm nói lại có thể là dấu hiệu của bất thường về trí não hay thính lực. Vậy làm sao để biết tình trạng chậm nói khi nào là bình thường, khi nào cần can thiệp? 

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu, cách khắc phục chứng chậm nói ở trẻ và những thông tin liên quan để ba mẹ hiểu đúng về tình trạng này.   

Trẻ chậm nói là gì? 

Kỹ năng nói và ngôn ngữ của trẻ bắt đầu từ những tiếng ê a đầu đời. Theo thời gian, trẻ sẽ nói được những từ đầu tiên rồi dần dần thể hiện ý nghĩ của mình bằng những câu hoàn chỉnh.

1. Trẻ chậm nói là gì? 

Trẻ chậm nói là khi trẻ không đạt được các cột mốc phát triển khả năng nói thông thường theo độ tuổi. Tình trạng chậm nói thường khó phát hiện ở trẻ nhỏ vì sự phát triển lời nói là một quá trình diễn ra từ từ và khác nhau ở mỗi trẻ. Tuy nhiên, ba mẹ có thể phán đoán xem trẻ có chậm nói hay không dựa vào một số cột mốc khác, chẳng hạn như khi trẻ biết đi mà chưa biết nói.

2. Phân biệt trẻ chậm nói với trẻ chậm phát triển ngôn ngữ 

Các trường hợp như trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ thường bị nhầm lẫn nhưng 2 tình trạng này vẫn có những điểm mấu chốt để giúp ba mẹ dễ dàng nhận biết chính xác vấn đề mà trẻ gặp phải. 

  • Khả năng nói: Sự biểu đạt bằng lời của ngôn ngữ, trong đó bao gồm phát âm (cách cấu tạo âm thanh và từ ngữ). 
  • Khả năng ngôn ngữ: Quá trình trao đổi thông tin thông qua các phương thức giao tiếp như giao tiếp bằng lời và giao tiếp không lời (giao tiếp phi ngôn ngữ). 

Theo đó, trẻ chậm nói vẫn có thể sử dụng các từ và cụm từ để diễn đạt ý tưởng nhưng thường khó hiểu. Trong khi đó, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát âm tốt các từ nhưng không thể hình thành cụm từ phức tạp hoặc câu có ý nghĩa.    

Một số trẻ chỉ bị chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ nhưng cũng có một số trẻ lại bị cả hai. Việc phân biệt hai tình trạng này rất quan trọng vì sẽ quyết định hướng điều trị cho trẻ. Do đó, ba mẹ cần đưa trẻ chậm nói đến gặp bác sĩ sớm để đánh giá tình trạng và can thiệp kịp thời.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Trẻ chậm nói: Nguyên nhân do đâu? 

Trẻ chậm nói cho thấy cột mốc phát triển của trẻ có sự chậm trễ và trẻ sẽ bắt kịp sau đó. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chậm nói lại có liên quan đến vấn đề về phát triển thể chất và trí tuệ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chậm nói ở trẻ: 

1. Vấn đề vận động vùng miệng 

vấn đề vận động vùng miệng khiến trẻ gặp khó khăn khi nói

Tình trạng trẻ chậm nói xảy ra thường là do có vấn đề ở vùng não điều khiển các cơ chịu trách nhiệm cho hoạt động nói. Trẻ gặp khó khăn khi phát âm vì không thể phối hợp chuyển động môi, lưỡi và hàm. Khi não bộ không thể điều khiển các cơ mặt sẽ xảy ra chứng mất phối hợp vận động tạo lời nói (apraxia). Ngoài ra, nếu các cơ điều khiển mặt, môi, lưỡi quá yếu, trẻ sẽ gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ (dysarthria) gây ra nói ngọng, nói không rõ ràng và khó hiểu. 

2. Trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ 

Trẻ bị tự kỷ thường chậm nói. Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) cũng ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở nhiều khía cạnh. Người khác không thể hiểu trẻ muốn diễn đạt điều gì vì trẻ có xu hướng lặp lại những từ vô nghĩa (thường là những từ giống nhau mà trẻ nghe thấy trong chương trình truyền hình, trò chơi điện tử…) Các dấu hiệu khác bao gồm:  

  • Hành động lặp đi lặp lại 
  • Giảm giao tiếp bằng lời nói 
  • Giảm tương tác xã hội

3. Vấn đề về thính giác

Việc trẻ không nghe được hoặc gặp các rối loạn về thính giác sẽ gặp khó khăn khi nói, khiến trẻ chậm nói. Một dấu hiệu của tình trạng mất thính lực là trẻ không nhận ra người hoặc vật khi ba mẹ hay người khác gọi tên nhưng sẽ nhận ra nếu ba mẹ sử dụng cử chỉ. Các dấu hiệu trẻ gặp vấn đề về thính giác thường rất khó nhận biết và đôi khi chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ có thể là dấu hiệu đáng chú ý duy nhất.

4. Thiểu năng trí tuệ 

Trẻ bị thiểu năng trí tuệ thường chậm phát triển khả năng nói cũng như khả năng học tập, phát triển xã hội, cảm xúc và thể chất. Những trẻ này thấy khó khăn trong việc tạo ra từ hoặc phát âm từ. Trẻ cũng không biết cách ghép từ lại với nhau thành câu để diễn đạt ý nghĩa trọn vẹn. 

Mách bố mẹ các dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói 

dấu hiệu chậm nói ở trẻ

Để nhận diện trẻ chậm nói, ba mẹ cần lưu ý những cột mốc phát triển theo từng giai đoạn và lưu ý những bất thường có thể phản ánh vấn đề trẻ đang gặp phải: 

Trẻ 12 tháng 

  • Chưa biết sử dụng cử chỉ, như chỉ hoặc vẫy tay chào tạm biệt 
  • Chưa nhận diện được âm thanh đến từ đâu 
  • Không phản ứng khi được gọi tên 
  • Gặp khó khăn khi bắt chước lại âm thanh nghe được 
  • Chưa nói được một từ trọn vẹn. 

Trẻ 18 tháng

  • Thích dùng cử chỉ hơn lời nói khi muốn diễn đạt  
  • Không hiểu các yêu cầu bằng lời nói đơn giản như “Lấy cho mẹ…”, “Chỉ cho mẹ…” 
  • Chưa biết gọi tên một số đồ vật quen thuộc 
  • Không nói được thêm từ mới nào mỗi tuần.

Trẻ 24 tháng 

  • Chỉ có thể bắt chước lời nói hoặc hành động 
  • Không phát âm được ngay lập tức từ hoặc cụm từ 
  • Chỉ có thể lặp lại âm thanh và không thể sử dụng từ để mô tả 
  • Không biết làm theo các chỉ dẫn đơn giản 
  • Chất giọng khác thường (giống như khàn giọng hay giọng mũi)

Trẻ 36 tháng 

  • Chưa nói được ít nhất khoảng 200 từ
  • Không biết gọi tên đồ vật 
  • Không biết kết hợp nhiều từ trong một câu 
  • Không nhận biết được sự khác nhau giữa các đồ vật  
  • Nói câu rất khó hiểu. 

Trẻ chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ được chẩn đoán như thế nào? 

chẩn đoán trẻ chậm nói

Bác sĩ sẽ hỏi thăm về khả năng ngôn ngữ và lời nói của trẻ cũng như các mốc phát triển và hành vi khác để chẩn đoán tình trạng trẻ chậm nói. Cụ thể, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ sẽ đánh giá: 

  • Khả năng hiểu của trẻ (ngôn ngữ tiếp nhận) 
  • Khả năng nói của trẻ (ngôn ngữ biểu đạt) 
  • Tính rõ ràng của lời nói
  • Tình trạng phối hợp vận động của miệng, lưỡi, môi… 
  • Khả năng nghe tổng quát. 

Nếu cần các chẩn đoán chuyên sâu hơn, trẻ sẽ cần thăm khám với các chuyên khoa: 

  • Thính học 
  • Ngôn ngữ – lời nói 
  • Thần kinh 
  • Dịch vụ can thiệp sớm 
Tình trạng trẻ chậm nói không dễ để nhận biết và đánh giá chính xác. Do đó, ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp chuyên gia sớm. Các chuyên gia sẽ thực hiện các bài kiểm tra khả năng hiểu, biểu đạt, khả năng phối hợp vận động vùng miệng… Trong trường hợp cần thiết, trẻ sẽ cần khám thêm tại các chuyên khoa để xác định nguyên nhân chậm nói và có hướng can thiệp phù hợp.

Giải đáp thắc mắc: Trẻ chậm nói phải làm sao? 

trẻ bị chậm nói phải làm sao?

Ba mẹ có con chậm nói thường băn khoăn không biết trẻ chậm nói phải làm sao. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và khả năng hòa nhập xã hội của trẻ. Ba mẹ hãy tham khảo cách khắc phục tình trạng trẻ chậm nói như dưới đây: 

1. Trò chuyện với trẻ nhiều hơn 

Trò chuyện là cách đơn giản nhưng hữu ích trong việc hỗ trợ trị liệu cho trẻ chậm nói. Ba mẹ hãy trò chuyện với trẻ về những hoạt động hàng ngày. Chẳng hạn như khi mẹ và bé đang cùng chơi với một quả bóng, mẹ có thể bắt đầu với mô tả “Đây là quả bóng”, sau đó thêm vào chi tiết “Quả bóng tròn, có màu xanh”, “Mẹ đưa bé quả bóng”…. 

Ba mẹ nên sử dụng những câu ngắn với những từ đơn giản. Hãy tập cho trẻ với một từ, rồi dần dần thêm vào nhiều từ ghép lại với nhau. Lặp đi lặp lại cũng là cách để ba mẹ giúp trẻ ghi nhớ từ vựng và phát triển khả năng ngôn ngữ tự nhiên.

2. Đọc sách cho trẻ nghe 

Đọc sách là hoạt động thú vị hỗ trợ trẻ tập nói nhanh, phát triển tư duy và nuôi dưỡng sự sáng tạo. Hãy chọn sách có nhiều hình ảnh và màu sắc để kích thích sự tò mò của trẻ. Khi đọc sách, ba mẹ đừng quên đặt câu hỏi để tập cho bé thói quen tập trung, suy nghĩ và trả lời. 

Thông qua hoạt động đọc sách, trẻ sẽ nâng cao sự tập trung và làm quen với những cấu trúc câu mẫu. Thời gian đầu, trẻ chưa quen sẽ dễ chán nản nên ba mẹ cần duy trì thói quen đọc sách có hình minh họa sinh động cho trẻ thấy hứng thú hơn. 

3. Cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời 

trẻ bị chậm nói nên được chơi ngoài trời

Các hoạt động ngoài trời là cơ hội để trẻ chậm nói tiếp xúc và giao tiếp với mọi người. Từ đó, trẻ sẽ học cách lắng nghe và bắt chước lời nói từ nhiều người khác nhau.

Khi tham gia các hoạt động như chơi ở công viên, tham quan sở thú hoặc dã ngoại, trẻ sẽ được khám phá nhiều sự vật mới. Ba mẹ nên tận dụng cơ hội này để giới thiệu từ vựng và khuyến khích trẻ dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng.

4. Hạn chế việc sử dụng các thiết bị thông minh 

Việc sử dụng thiết bị thông minh quá nhiều khiến trẻ ít tham gia giao tiếp trực tiếp với ba mẹ và mọi người xung quanh. Do đó, ba mẹ cần hạn chế thời gian sử dụng thiết bị thông minh để trẻ có nhiều cơ hội để trò chuyện, hỏi đáp và tương tác.

Ba mẹ không nhất thiết phải cấm tuyệt đối việc trẻ sử dụng các thiết bị thông minh nhưng cần quy định thời gian và nội dung phù hợp. Chẳng hạn như chỉ cho trẻ xem chương trình giáo dục không quá 30 phút, đồng thời ở cạnh trẻ để cùng thảo luận về nội dung đó.

5. Cho trẻ tham gia trị liệu ngôn ngữ với chuyên gia 

Nếu ba mẹ đã thử hết cách có thể nhưng tình hình của trẻ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, hãy đưa trẻ đến gặp chuyên gia. Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ sẽ đưa ra giải pháp tối ưu để trẻ chậm nói vượt qua những trở ngại về mặt ngôn ngữ. 

Với phương pháp trị liệu phù hợp, trẻ sẽ cải thiện phát âm, mở rộng vốn từ và tăng cường sự tự tin khi nói. Ngoài ra, chuyên gia còn hướng dẫn ba mẹ cách tương tác với trẻ tại nhà để hỗ trợ tối đa trong quá trình trị liệu. 

Trẻ chậm nói và các thắc mắc thường gặp 

chậm nói ở trẻ và các thắc mắc thường gặp

1. Trẻ bao nhiêu tháng chưa biết nói thì gọi là chậm nói? 

Nhiều ba mẹ thắc mắc “Trẻ bao nhiêu tháng thì gọi là chậm nói?”. Câu trả lời cho thắc mắc này là để biết trẻ có đang bị chậm nói hay không cần dựa vào các mốc phát triển ngôn ngữ chuẩn để đánh giá. Thông thường, giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ là từ 12 – 24 tháng

Nếu trẻ đã 12 tháng mà vẫn chưa phản ứng lại khi được gọi tên hay trẻ 24 tháng mà chưa nói được một câu trọn vẹn, có nghĩa thì có thể được xem là chậm nói. Với sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời, trẻ sẽ dần bắt kịp các cột mốc phát triển ngôn ngữ sau đó. 

Trẻ em chậm nói nhất là bao nhiêu tháng? Trẻ 36 tháng (3 tuổi) hay 48 tháng (4 tuổi) cũng được xếp vào trường hợp chậm nói nếu chưa nói được rõ ràng, chưa nói được một câu đơn giản hay chưa sử dụng thành thạo hết các phụ âm. 

2. Trẻ 2 tuổi chậm nói phải làm sao? 

Trẻ 20 tháng chưa biết nói là điều khiến nhiều ba mẹ lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng của trẻ sẽ sớm cải thiện nếu ba mẹ có biện pháp hỗ trợ phát triển ngôn ngữ kịp thời.  

Đối với trẻ 2 tuổi chậm nói, ba mẹ nên sử dụng câu, từ ngắn gọn và lặp lại nhiều lần để giúp trẻ dễ hiểu và bắt chước. Chẳng hạn như “Con mèo”, “Đưa cho mẹ quả bóng”, “Bà ở đằng kia”…. Dù trẻ có thể vẫn chưa phản ứng nhưng ba mẹ cần trò chuyện với trẻ thường xuyên để tạo môi trường khuyến khích trẻ tập nói. 

Đối với trẻ 3 tuổi chậm nói, ba mẹ có thể chơi các trò chơi tương tác như xếp hình, vẽ tranh hoặc đọc sách cho trẻ nghe. Đừng quên hỏi đáp liên tục trong quá trình chơi với trẻ để trẻ phát triển khả năng nghe hiểu và trả lời. 

3. Trẻ chậm nói có thông minh không?

Việc biết nói sớm hay chậm không phải là dấu hiệu nhận biết trẻ có thông minh hay không. Tình trạng chậm nói chỉ là một dấu hiệu về khả năng phát triển ngôn ngữ, không phản ánh trực tiếp khả năng trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán là chậm phát triển trí tuệ thì có thể kèm theo chậm nói hoặc chậm biết đi

Trẻ chậm nói nếu có thêm 7 biểu hiện trong “hội chứng Einstein” thì nhiều khả năng là em bé thông minh bẩm sinh. Đây là một hội chứng để nói về những đứa bé thông minh nhưng chậm nói. Bản thân nhà khoa học Einstein – người được đặt tên cho hội chứng này cũng mới biết nói vào năm lên 4 tuổi.

7 biểu hiện trong hội chứng Einstein

1. Khả năng phân tích xuất sắc
2. Lập trường vững chắc
3. Sở thích rất chọn lọc
4. Có đặc điểm gia đình khác thường
5. Chậm trễ trong khả năng tự đi vệ sinh
6. Khả năng ghi nhớ từ rất sớm
7. Khả năng tập trung cao

4. Trẻ đi nhón chân và chậm nói có phải là dấu hiệu bệnh tự kỷ không? 

trẻ đi nhón chân

Trẻ tự kỷ thường gặp các vấn đề về ngôn ngữ như chậm nói hoặc hành vi như đi nhón chân. Tuy nhiên, không phải trẻ chậm nói thường la hét hay đi nhón chân đều là dấu hiệu trẻ mắc chứng tự kỷ

Các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra hiện tượng đi nhón chân mà không liên quan đến tự kỷ, như trương lực cơ yếu, gân gót chân yếu, rối loạn tiền đình… Còn chậm nói có thể xuất phát từ các vấn đề về tai, lưỡi hoặc do môi trường thiếu sự giao tiếp tương tác. Để xác định vấn đề về vận động và ngôn ngữ của trẻ có liên quan đến tự kỷ hay không, ba mẹ nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa. 

5. Bé chậm nói do thiếu chất gì? Trẻ chậm nói nên bổ sung gì? 

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và nhận thức của trẻ. Việc bổ sung dưỡng chất không đầy đủ sẽ cản trở khả năng học và sử dụng ngôn ngữ ở trẻ hoặc gây ra các vấn đề khiến trẻ chậm nói.   

Thiếu axit folic, kẽm, sắt và vitamin A, B6, C, D và E dễ làm hệ miễn dịch suy yếu. Việc không bổ sung đủ axit béo thiết yếu làm giảm sản xuất tế bào miễn dịch trong cơ thể. Hệ miễn dịch kém khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tai, từ đó có thể gây ra các vấn đề về thính lực – một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói.  

Vậy trẻ chậm nói nên ăn gì? Việc xử lý ngôn ngữ do một số vùng nhất định trong não bộ chịu trách nhiệm thực hiện. Do đó, việc bổ sung các loại thực phẩm bổ não vào chế độ ăn có thể giúp cải thiện sự phát triển ngôn ngữ. Hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây: 

  • Các loại hạt giàu vitamin E và chất chống oxy hóa (hạt hạnh nhân, hạt điều, óc chó, đậu phộng, hạt phỉ…). Đặc biệt, hạt óc chó là nguồn bổ sung omega-3 cho trẻ chậm nói rất tốt.  
  • Các thực phẩm giàu DHA cho trẻ chậm nói như các loại cá biển, lòng đỏ trứng gà, rau xanh, sữa… 
  • Ngoài các nguồn bổ sung dưỡng chất tự nhiên, ba mẹ có thể kết hợp sử dụng với sữa dành cho trẻ chậm nói và các sản phẩm thực phẩm chức năng có bổ sung DHA hỗ trợ trẻ chậm nói…  

6. Mẹo dân gian chữa trẻ chậm nói là như thế nào? 

mẹo chữa trẻ chậm nói bằng đậu đỏ

Mẹo dân gian giúp trẻ nhanh biết nói là những phương pháp dân dã được áp dụng để hỗ trợ trẻ vượt qua vấn đề về ngôn ngữ. Tuy các mẹo này chưa được khoa học chứng minh nhưng các mẹ có thể thử để hy vọng trẻ nói tốt hơn: 

  • Mẹo chữa trẻ chậm nói bằng cá lóc: Cá lóc còn sống, mẹ mua về rửa sạch, sau đó cầm chặt con cá rồi dùng đuôi cá vỗ nhẹ vào đầu gối của trẻ (bé trai 7 lần, bé gái 9 lần) để con nhanh biết đi, biết nói. Cá lóc sau đó dùng nấu canh hay nấu cháo để bồi bổ cho trẻ. Trong thịt cá lóc chứa nhiều DHA và omega-3 giúp phát triển não bộ
  • Mẹo ăn lưỡi lợn giúp chữa chậm nói: Quan niệm dân gian cho rằng ăn lưỡi lợn có thể kích thích trẻ mau biết nói. Mẹ hãy chế biến lưỡi lợn thành nhiều món như cháo hay súp, cho trẻ ăn khoảng 2-3 lần/ tuần. Lưu ý hãy đảm bảo lưỡi lợn được chế biến sạch sẽ và nấu chín kỹ.   
  • Mẹo chữa trẻ chậm nói bằng đậu đỏ: Theo dân gian, đậu đỏ là một trong những cách giúp trẻ nhanh biết nói vô cùng hiệu quả. Đậu đỏ sau khi ngâm thì giã nát trộn với chút rượu trắng thành hỗn hợp sệt rồi bôi vài dưới lưỡi của bé. Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý về độ an toàn của biện pháp dân gian này. Rượu có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các cơ quan và chức năng quan trọng, bao gồm não, gan, xương và hormone.
  • Mẹo để trẻ nói nhanh bằng việc “giật đồ”: Nếu trẻ đã đến tuổi biết nói những vẫn chưa thể nói hoặc nói không rõ lời, thì người xưa thường áp dụng mẹo “giật đồ” của trẻ hay người hoạt ngôn để giúp bé mau biết nói. Điều này dựa trên quan niệm rằng việc “giật đồ” trong khi người khác đang ăn chính là “cướp lời”, giúp trẻ “xin vía” nhanh biết nói. Tuy nhiên, trên thực tế thì mẹo “giật đồ” này khá bất tiện, thậm chí được cho là mất lịch sự. Người thực hiện có thể bị la mắng vì hành vi vô văn hóa này nên bố mẹ cần cân nhắc nhé.

7. Cách dạy trẻ chậm nói hiệu quả nhất là làm gì? 

cách dạy trẻ chậm nói

So với các mẹo dân gian được kiểm chứng thì các cách dạy trẻ chậm nói tại nhà sẽ hiệu quả hơn. Ba mẹ hãy thử:

  • Trò chuyện với trẻ thường xuyên 
  • Hát cho trẻ nghe 
  • Đọc truyện cho trẻ
  • Cho trẻ tiếp xúc với nhiều người 

 Để dạy con tập nói hiệu quả, ba mẹ có thể tham khảo một số sách sau:

  • Dạy Con Học Nói Sớm – NXB Phụ Nữ Việt Nam 
  • Bộ sách cùng con học nói – Bộ sách dành cho bé trên 1 tuổi – NXB Dân Trí 
  • 200 Từ Vựng Mẹ Cùng Con Học Nói – Các Loài Động Vật Đáng Yêu – NXB Thanh Niên 

Nếu các phương pháp dạy trẻ chậm nói tại nhà vẫn chưa cải thiện được tình trạng của trẻ thì đã đến lúc ba mẹ tìm đến các trung tâm can thiệp trẻ chậm nói hay lớp học can thiệp trẻ chậm nói. Tại đây, các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ sẽ tiến hành đánh giá chi tiết và đưa ra các phương pháp can thiệp phù hợp cho trẻ.  

8. Trẻ chậm nói khám ở đâu? Chi phí là bao nhiêu? 

“Khám trẻ chậm nói ở đâu?” là thắc mắc chung của nhiều ba mẹ có con gặp vấn đề về phát triển ngôn ngữ. Dưới đây là một số địa chỉ đáng tin cậy với đội ngũ chuyên gia trị liệu kinh nghiệm. 

8.1. Tại Hà Nội:

Bệnh viện Nhi Trung Ương 

  • Địa chỉ: 18/879 La Thành, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, Hà Nội
  • Số điện thoại liên hệ: 024 6 273 8532.
  • Thời gian hoạt động: 24/7, bao gồm cả ngày nghỉ và Lễ, Tết. 
    • Từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần: 7 giờ – 16 giờ 30
    • Thứ 7, Chủ nhật: 7 giờ – 12 giờ (Khám thu phí)
    •  Nghỉ Lễ/Tết (Vui lòng liên hệ trước).

Phòng khám Âm ngữ trị liệu và phục hồi chức năng Việt An

  • Địa chỉ: Số 19 Trương Hán Siêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Số điện thoại liên hệ: 024 3943 3340
  • Thời gian hoạt động: 8:00 – 19:00 cả tuần

Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai

  • Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phương Đình, Đống Đa, Hà Nội (Tòa nhà T4, T5, T6 Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai)
  • Số điện thoại liên hệ: 024 3576 5344
  • Thời gian hoạt động: 7:00 – 16:00

8.2. Tại TP. HCM: 

Bệnh viện Nhi Đồng 1

  • Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP.HCM
  • Số điện thoại liên hệ: (028) 39271119
  • Thời gian hoạt động: 
    • Phòng khám sàng lọc Tâm lý ngoại trú: 7h00 – 11h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu 
    • Khoa tâm lý: 7h00 – 11h30 & 12h30 – 16h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu (Khám ngoài giờ: 16h00 – 20h00 thứ Hai đến thứ Sáu, 7h00 – 11h30 thứ Bảy) 

Trung tâm phục hồi chức năng và Trị liệu ngôn ngữ VinaHealth

  • Địa chỉ:
    • Số 533 Phan Văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP.HCM 
    • Số 271 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, TP.HCM
    • 10A Đào Trinh Nhất, Phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TP.HCM
  • Hotline: 1900 636 892 
  • Thời gian hoạt động: 7h30 – 19h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Nhân Hòa

  • Địa chỉ: 
    • Cơ sở chính: Số 16, đường số 18, phường 8, Gò Vấp, TP.HCM 
    • Cs2: Số 58 Thiên Phước, Phường 9, Quận Tân Bình, TP.HCM 
    • Cs3: A29, Đ. Tô Ký, Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM 
    • Cs4: 100/3/17 Lê Thị Hà, Tân Xuân, Hóc Môn, TP.HCM 
    • Cs5: A92 KDC Thới An, Lê Thị Riêng, P Thới An, Quận 12, TP.HCM 
  • Hotline: 0987174279
  • Thời gian hoạt động: 8h00 – 20h00 mỗi ngày 

Như vậy là ba mẹ đã nắm rõ những thông tin cần thiết liên quan đến tình trạng trẻ chậm nói. Hiểu được nguyên nhân chính xác sẽ giúp ba mẹ có phương pháp hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Quan trọng hơn hết là ba mẹ hãy nhớ luôn kiên nhẫn đồng hành cùng con trong quá trình phát triển ngôn ngữ nhé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Speech and Language Delay – familydoctor.org https://familydoctor.org/condition/speech-and-language-delay/ Ngày truy cập: 20/01/2025

Delayed Speech or Language Development (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/not-talk.html Ngày truy cập: 20/01/2025

Language Delays in Toddlers: Information for Parents

https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/toddler/Pages/language-delay.aspx  Ngày truy cập: 20/01/2025

Speech and language delay in children: Prevalence and risk factors – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6559061/ Ngày truy cập: 20/01/2025

Speech and Language Delay in Children | AAFP https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2011/0515/p1183.html Ngày truy cập: 20/01/2025

Should my child drink alcohol? – NHS https://www.nhs.uk/common-health-questions/childrens-health/should-my-child-drink-alcohol/ Ngày truy cập: 20/01/2025

Phiên bản hiện tại

06/02/2025

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Tổng hợp cách nấu cơm nát cho bé tập ăn


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 6 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo