Suy tim ở trẻ em thường xảy ra do những khiếm khuyết bẩm sinh ở tim mạch. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể phát triển và có một cuộc sống bình thường nếu được chăm sóc, điều trị thích hợp.
Để một đứa trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, tim cần duy trì chức năng bơm máu đủ đến các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, khi tim không còn hoạt đủ tốt như bình thường sẽ được đánh giá là suy tim và tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ em.
Suy tim ở người trưởng thành thường là kết quả của khói thuốc, huyết áp cao, bệnh đái tháo đường, bệnh mạch vành và van tim có vấn đề. Thế nhưng, suy tim ở trẻ sơ sinh, trẻ tập đi hay thanh thiếu niên lại thường là từ những nguyên nhân khác.
Muốn điều trị suy tim ở trẻ em hiệu quả, bác sĩ cần phải chẩn đoán bằng các phương pháp phù hợp để tìm được nguyên nhân rõ ràng.
Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu các thông tin xoay quanh căn bệnh gây ra nhiều lo lắng này ở trẻ em.
Triệu chứng suy tim ở trẻ em
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của suy tim nhưng ở trẻ em, chúng có thể biểu hiện một vài triệu chứng khác biệt, bao gồm:
- Sưng phù ở chân, mắt cá chân, mí mắt, mặt và đôi khi phù xảy ra ở bụng
- Hơi thở nhanh bất thường
- Khó thở hoặc thở một cách nặng nhọc
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Ngủ gật khi ăn hoặc chán ăn, tăng trưởng chậm
- Mất vị giác
- Tăng cân nhanh trong thời gian ngắn, thậm chí khi cảm thấy chán ăn (do cơ thể bị tích nước)
- Ho và cảm thấy tắc nghẽn ở phổi
- Đổ mồ hôi quá mức khi ăn (bú mẹ), chơi hay tập thể dục
- Khó thở trong những hoạt động bình thường, đặc biệt là khi bú mẹ, đi bộ hay leo cầu thang
- Mất khối lượng cơ
- Khó tăng cân
- Thay đổi nhiệt độ và màu sắc da (có xu hướng trở nên lạnh và ẩm hoặc đổ nhiều mồ hôi, ấm nóng)
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào khả năng hoạt động của tim bị ảnh hưởng nhiều đến mức nào.
Những triệu chứng suy tim có khi tương tự như những vấn đề sức khỏe khác. Do đó, nếu cảm thấy nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để nhận được chẩn đoán chính xác.
Những nguyên nhân gây suy tim ở trẻ em
Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy tim ở trẻ em và thanh thiếu niên là quá trình lưu thông máu ở tim gặp vấn đề và tim không đủ sức bơm máu đi.
Quá trình lưu thông máu ở tim
Khoảng 1% trẻ sơ sinh gặp phải những khuyết tật bẩm sinh trong cấu trúc tim. Trong đó, trẻ có thể có một lỗ hổng giữa ngăn tim bên trái và bên phải làm cho máu nghèo oxy và giàu oxy ở hai bên bị hòa lẫn vào nhau.
Một khiếm khuyết ở các mạch máu não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể (như dị dạng động – tĩnh mạch) cũng có thể khiến dòng máu giàu oxy và nghèo oxy trộn lẫn với nhau nhưng xảy ra bên ngoài tim.
Van tim bất thường cũng là nguyên do dẫn đến suy tim. Khi van gặp vấn đề khiến các lá van không đóng chặt sẽ khiến máu bị trào ngược lại các ngăn tim. Viêm họng do liên cầu khuẩn cũng có khi gây tổn thương van tim nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra.
Ngoài ra, thiếu máu cũng có khả năng gây suy tim. Các vấn đề trên đều làm cho quá trình lưu thông máu ở tim không còn như bình thường. Mỗi trường hợp, tình trạng quá tải lưu lượng máu sẽ xảy ra ở một hoặc nhiều phần của tim. Khi đó, dòng máu lưu thông bị gián đoạn và hoạt động của tim không còn hiệu quả.
Khả năng bơm máu của tim
Tương tự như người lớn, khả năng bơm máu của tim có thể giảm sút gây nên suy tim ở trẻ em. Nguyên nhân có thể là do nhiễm virus gây tổn thương đến cơ tim. Không chỉ thế, các vấn đề ở động mạch vành sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động bơm máu của cơ tim. Bệnh mạch vành có thể là bẩm sinh hoặc kết quả của nhiễm trùng.
Một số thuốc cần thiết để điều trị những vấn đề sức khỏe khác (như ung thư hoặc bệnh bạch cầu) có thể làm tổn hại đến cơ tim. Hệ thống điện tim có khi bất thường từ lúc sinh ra hoặc do nhiễm trùng sẽ khiến cho tim đập quá nhanh hoặc quá chậm. Ngoài ra, van tim bị hẹp hay hở cũng gây áp lực bên trong buồng tim.
Tất cả đều là những lý do có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim ở trẻ em.
Suy tim ảnh hưởng đến cơ thể trẻ như thế nào?
Suy tim có khả năng chỉ ảnh hưởng đến bên trái hoặc bên phải của tim nhưng đôi lúc suy yếu xảy ra ở cả hai bên.
Khi tim phải hoạt động kém hiệu quả, máu không được bơm đủ vào động mạch phổi và bị ứ đọng trong buồng tim này. Sau đó, máu bắt đầu chảy ngược lại tĩnh mạch chủ nối với tâm nhĩ phải và đi xuống phần dưới cơ thể. Lúc này, bàn chân, mắt cá chân hay bụng sẽ sưng lên (phù nề) do ứ dịch.
Đối với suy tim trái, máu không được bơm qua động mạch chủ đến các cơ quan khác trong cơ thể một cách hiệu quả. Lúc này, máu cũng tồn đọng ở bên trái của tim và chảy ngược lên tĩnh mạch phổi, gây phù phổi. Dịch bị ứ đọng trong phổi khiến cho trẻ khó thở và thở nhanh hơn bình thường.
Ngoài ra, cơ thể không được cung cấp đủ máu để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất dẫn đến biểu hiện mệt mỏi và tăng trưởng kém ở trẻ em.
Làm sao xác định tình trạng suy tim ở trẻ em?
Suy tim ở trẻ sơ sinh thường biểu hiện các triệu chứng liên quan đến hô hấp, không chịu bú mẹ, tăng trưởng kém, đổ mồ hôi quá mức hay huyết áp thấp. Đôi lúc, suy tim gây ra những dấu hiệu trông giống một vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như đau bụng, viêm phổi hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Nếu suy tim do tim đập nhanh, cha mẹ có thể nhận thấy nhịp tim của trẻ qua thành ngực trong khi ngủ hoặc lúc ngồi yên.
Đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, bạn nên để ý nếu thấy chúng mệt mỏi nhanh chóng sau khi vận động, nhất là khi vừa trải qua một đợt nhiễm virus gây ảnh hưởng đến cơ tim.
Nếu nhận thấy những dấu hiệu trên, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và phát hiện bệnh sớm. Bác sĩ sẽ thực hiện một vài xét nghiệm để giúp chẩn đoán suy tim ở trẻ, bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Chụp X-quang ngực. Dựa trên hình ảnh kết quả, bác sĩ có thể đánh giá tim có to ra hay không.
- Điện tâm đồ (ECG hay EKG). Thử nghiệm này giúp ghi lại hoạt động điện của tim, giúp phát hiện nhịp điệu bất thường (rối loạn nhịp tim) và các vấn đề ở cơ tim.
- Siêu âm tim. Đây là một xét nghiệm không xâm lấn, sử dụng sóng âm thanh để đánh giá về chuyển động của các ngăn và van tim. Kỹ thuật viên sẽ dùng một đầu dò để truyền sóng siêu âm qua tim giúp thu được hình ảnh.
- Đặt ống thông tim. Xét nghiệm xâm lấn này sẽ đưa một ống thông nhỏ vào tim từ một vị trí ở cánh tay hay háng. Kết quả ghi lại sẽ cho thấy áp lực và lượng oxy trong các phần khác ở tim. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy một ít tế bào mô cơ tim để làm sinh thiết, giúp xác định nguyên nhân cơ bản gây suy tim.
Đôi khi, trẻ em trên 4 tuổi có thể được yêu cầu thực hiện thử nghiệm hoạt động gắng sức để đánh giá chức năng tim – phổi.
Cách điều trị suy tim ở trẻ em
Nếu suy tim xảy ra do quá trình lưu thông máu ở tim gặp vấn đề vì những khuyết tật tim bẩm sinh thì phẫu thuật thường là lựa chọn điều trị tốt nhất. Ban đầu, bác sĩ có thể kê một số thuốc để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển thêm, bao gồm thuốc lợi tiểu và giảm hậu tải của tim. Các thuốc này giúp giảm bớt áp lực lên tim, hạ huyết áp và cải thiện chức năng bơm máu.
Bất thường trong quá trình lưu thông máu ở tim khiến trẻ tăng trưởng kém nên bác sĩ sẽ xem xét chế độ dinh dưỡng sao cho cung cấp đủ năng lượng (calo) cho cơ thể. Một số thay đổi trong chế độ ăn cũng cần lưu ý như hạn chế muối (natri) và các chất béo không tốt cho sức khỏe tim mạch. Sau khi điều trị thích hợp, các triệu chứng suy tim ở trẻ có khả năng được cải thiện. Khi đó, bác sĩ gọi đây là giai đoạn bù trong suy tim.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân chính gây suy tim vẫn tồn tại, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về những phương pháp phẫu thuật mang lại hiệu quả cao.
Trường hợp suy tim do khả năng bơm máu của tim không hiệu quả, bác sĩ cũng sử dụng các loại thuốc được đề cập ở trên. Ngoài ra, thuốc hạ huyết áp có thể được chỉ định thêm để giúp tim bơm máu dễ dàng hơn. Để cải thiện chức năng tim tốt hơn, trẻ có khi cần phải nhập viện theo dõi. Một vài trường hợp, bác sĩ có khả năng yêu cầu tiến hành phẫu thuật, như phẫu thuật thay van tim mới.
Nếu khả năng bơm của tim kém là do nhịp tim quá chậm thì trẻ cần sử dụng máy tạo nhịp tim nhân tạo (cấy một thiết bị vào cơ thể để chữa bệnh tim). Chiếc máy này sẽ hỗ trợ tim duy trì nhịp đập bình thường. Đó là một thiết bị nhỏ, hoạt động bằng pin và được cấy dưới da với một sợi dây nhỏ nối đến tim.
Ngược lại, khi nhịp tim quá nhanh thì trẻ cần sử dụng thuốc để kiểm soát nhịp tim. Đôi khi, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng có tần số radio qua đường catheter.
Trường hợp cơ tim bị tổn thương không hồi phục gây suy giảm chức năng tim thì trẻ vẫn cần sử dụng thuốc để ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Đồng thời, bác sĩ sẽ sử dụng máy tạo nhịp tim nhân tạo, một máy bơm cơ học (LVAD) hay ECMO (máy tạo oxy màng ngoài cơ thể) để cải thiện chức năng tim tạm thời. Nếu tình hình suy tim ở trẻ xấu dần đi sẽ cần thực hiện phẫu thuật ghép tim.
[embed-health-tool-vaccination-tool]