backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 19/04/2023

    Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

    Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là một bệnh tương đối nặng và nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong cao. Vì thế, việc tìm hiểu về bệnh lý này để đề phòng là một điều cần thiết mà bố mẹ nên làm.

    Thông thường, thai kỳ sẽ kéo dài khoảng 40 tuần. Trong 40 tuần này, tất cả các cơ quan quan trọng như não, tim, gan, thận và phổi của bé sẽ hình thành và phát triển. Sự phát triển này diễn ra như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là sức khỏe của người mẹ và việc cung cấp chất dinh dưỡng cho bé trong quá trình mang thai.

    Nếu bé chào đời trước 40 tuần, các cơ quan trong cơ thể bé có thể vẫn chưa phát triển đầy đủ, nên có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm mà bé có thể gặp phải ngay sau khi sinh, bao gồm cả hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ về hội chứng này.

    Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là gì?

    Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (còn gọi là bệnh màng trong) là tình trạng mà phổi của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ khi chào đời, dẫn đến thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt (surfactant), làm giảm diện tích bề mặt phế nang dành cho việc trao đổi khí. Phổi khỏe mạnh là điều quan trọng nhất đối với sự sống còn của trẻ sơ sinh. Những trẻ bị suy hô hấp có thể gặp khó khăn trong việc hít thở bình thường.

    ’Xem

    Nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

    Sinh non là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Phổi của trẻ sinh non thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt, một chất cần thiết cho sự giãn nở và co lại của phổi. Sự thiếu hụt này có thể dẫn đến khó thở và các vấn đề về hô hấp. Ngoài ra, suy hô hấp cũng có thể là do yếu tố di truyền liên quan đến sự phát triển phổi của bé. Ngoài sinh non, còn có một số yếu tố khác dẫn đến hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh như:

    • Sinh mổ
    • Người mẹ bị đái tháo đường
    • Gia đình bạn có tiền sử bị suy hô hấp
    • Mang đa thai
    • Tổn thương chu sinh: ngạt và xuất huyết trước sinh
    • Lượng máu cung cấp cho bé trong thai kỳ bị suy giảm.

    Triệu chứng của hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

    Hầu hết các triệu chứng của hội chứng suy hô hấp sơ sinh có thể phát hiện ngay sau khi bé chào đời. Tuy nhiên, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện sau 24 giờ sau khi sinh. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Khó thở dữ dội, đột ngột, sau đó có thể thở nhanh
  • Cánh mũi phập phồng, có tiếng rên khi thở ra
  • Co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức
  • Tím tái toàn thân
  • Tim đập nhanh
  • Thở khò khè
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Các triệu chứng này giống với triệu chứng của một vài bệnh và nhiễm trùng khác. Nếu bé có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bạn nên hỏi bác sĩ ngay lập tức để xác định nguyên nhân và có các biện pháp khắc phục cần thiết.

    Nếu không được chăm sóc kịp thời, tình trạng này có thể khiến khí carbon dioxide trong máu tăng lên, gây tổn thương cho bé.

    Chẩn đoán hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

    Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm để xem đây là do các vấn đề về hô hấp hay là do trẻ bị các bệnh nhiễm trùng. Bác sĩ có thể đề xuất một số xét nghiệm sau:

    • Quan sát hình dáng bên ngoài cũng như hơi thở của bé để xem có điều gì đó bất thường hay không
    • Chụp X-quang ngực để kiểm tra tình trạng phổi
    • Xét nghiệm khí máu để kiểm tra nồng độ oxy, carbon dioxide trong máu và sự hiện diện của axit dư thừa trong dịch cơ thể
    • Siêu âm tim có thể được thực hiện để xem trẻ có gặp phải các vấn đề nào về tim hay không.

    Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

    Biến chứng của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

    Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp có sao không? Suy hô hấp sơ sinh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bình thường của bé. Trong một số trường hợp, tình trạng này cũng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, còn có một số biến chứng như:

    • Nhiễm trùng máu
    • Hình thành cục máu đông trong cơ thể
    • Chậm phát triển trí tuệ
    • Tích tụ không khí xung quanh phổi và tim
    • Chảy máu não hoặc phổi
    • Loạn sản phế quản phổi
    • Viêm phổi

    Suy hô hấp nặng cũng có thể dẫn đến suy thận và tình trạng các cơ quan khác phát triển không đúng cách. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh, các biến chứng gặp phải ở từng trẻ sẽ khác nhau. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có giải pháp điều trị tốt nhất cho những biến chứng mà bé đang gặp phải.

    Điều trị hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

    Các triệu chứng của hội chứng suy hô hấp thường xuất hiện ngay sau khi bé chào đời. Những bé bị suy hô hấp thường được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp. Nếu bé bị suy hô hấp, việc điều trị kịp thời là rất quan trọng bởi nếu không, nó có thể đưa đến các biến chứng nguy hiểm do các cơ quan của bé không có đủ oxy để hoạt động. Dưới đây là một vài cách để điều trị suy hô hấp ở trẻ em:

    1. Liệu pháp thay thế surfactant nếu phổi bé bị thiếu chất hoạt động tạo tính bề mặt

    Với phương pháp này, chất surfactant sẽ được đưa vào phổi qua đường nội khí quản. Sau khi thực hiện, bé sẽ được đặt máy thở để hỗ trợ hô hấp. Tùy thuộc vào tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ quyết định tần suất và thời gian thực hiện phương pháp này. Liệu pháp này có hiệu quả nhất khi được thực hiện trong sáu giờ đầu sau khi sinh.

    2. Liệu pháp oxy

    Với liệu pháp này, oxy sẽ được chuyển đến các cơ quan của trẻ sơ sinh. Trong trường hợp không có đủ oxy, các cơ quan quan trọng có thể không hoạt động đúng. Do đó, máy thở sẽ được sử dụng để kiểm soát oxy của bé.

    3. Thở CPAP

    Thở CPAP qua đường mũi là phương pháp đưa vào đường thở một áp lực dương liên tục, ngay cả khi trẻ thở ra. Mục đích là duy trì độ mở của các phế nang có khuynh hướng xẹp và mở các phế nang bị xẹp. Khi điều trị bằng phương pháp này, một mặt nạ nhỏ sẽ được đặt lên mũi của bé.

    Bác sĩ có thể quyết định sử dụng thuốc để giảm bớt những đau đớn mà trẻ có thể phải đối mặt trong quá trình điều trị. Hỏi ý kiến bác sĩ để xác định xem cách điều trị nào phù hợp với bé và mất bao lâu để trẻ hồi phục.

    Phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

    Nguyên nhân chính của hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là sinh non. Do đó, để ngăn ngừa suy hô hấp, cách tốt nhất là bạn phải cố gắng sinh con đủ tháng.

    Nguy cơ sinh non có thể giảm nếu bạn thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa nhất cùng với việc duy trì các thói quen tốt như không uống rượu, hút thuốc lá trong thời gian mang thai.

    Trong trường hợp nếu bạn buộc phải sinh sớm, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc corticosteroid. Thuốc này có thể khiến phổi của bé phát triển nhanh hơn và tăng khả năng sản xuất chất hoạt động tạo tính bề mặt cho phổi của bé.

    Điều trị hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có thể là một thách thức đối với bố mẹ bởi tình trạng này đòi hỏi bé phải được theo dõi và chăm sóc liên tục. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách điều trị cũng như cách giúp bé nhanh hồi phục.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu thêm về hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 19/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo