Trẻ bị nhiễm khuẩn HP phải làm sao? Dù là bệnh rất thường gặp nhưng thực tế, không phải lúc nào cũng cần điều trị. Bởi vi khuẩn này không hẳn có hại hoàn toàn mà đôi lúc còn đem lại một số tác dụng đối với cơ thể.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2018 đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ là đối tượng bị nhiễm khuẩn HP cao nhất, đặc biệt là những trẻ sống trong môi trường có bố, mẹ, người thân bị nhiễm HP hoặc môi trường có tình hình vệ sinh không tốt. Hiện tỷ lệ trẻ bị nhiễm khuẩn HP ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Tình trạng nhiễm khuẩn HP ở trẻ nhỏ sẽ có rất nhiều điểm khác biệt so với nhiễm khuẩn HP ở người lớn. Hãy cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để biết trẻ bị nhiễm khuẩn HP phải làm sao nhé!
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là vi khuẩn HP) là một loại xoắn khuẩn gram âm. Với cấu tạo đặc biệt, loại vi khuẩn này có thể tồn tại và phát triển ở môi trường axit đậm đặc như bên trong lớp niêm mạc dạ dày, gây nên các bệnh lý về hệ tiêu hóa, thậm chí là ung thư dạ dày.
Bạn có thể xem thêm:
Nguyên nhân trẻ dễ bị nhiễm khuẩn HP và con đường lây lan
Nhiều người thắc mắc vi khuẩn HP có lây cho trẻ em không? Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn HP nhưng đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Nguyên nhân là do môi trường sống, thức ăn không đảm vệ sinh, người lớn có thói quen hôn hít trẻ, dùng chung dụng cụ ăn uống, mớm cho trẻ ăn… ngoài ra hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ.
Nhiều ba mẹ cũng thắc mắc là nhiễm khuẩn HP có lây không? Câu trả lời là có. Loại vi khuẩn này có thể lây nhiễm từ người mang vi khuẩn sang người lành thông qua:
- Đường miệng: Vi khuẩn HP có trong nước bọt, mảng bám răng. Vì vậy, nếu trẻ ăn chung bát, đũa, thìa, thức ăn với người bị bệnh thì nguy cơ cao con sẽ bị nhiễm vi khuẩn này.
- Đường phân – miệng: Vi khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh. Vì vậy, nếu người bệnh không vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, không rửa tay cẩn thận trước khi chơi đùa với bé thì sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
- Lây nhiễm qua đường dạ dày – dạ dày: Việc trẻ phải tiến hành nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa… cũng có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP nếu các dụng cụ dùng để nội soi không được vệ sinh đúng cách.
Ngoài ra, loại vi khuẩn này còn có thể lây nhiễm qua các vật khác như núm vú giả, bàn chải đánh răng hay côn trùng (ruồi, muỗi, kiến, gián) nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó bám vào thức ăn, đồ chơi của trẻ hay bề mặt trẻ thường tiếp xúc.
Bạn có thể xem thêm:
Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn HP
Vi khuẩn HP có thể tấn công trẻ em ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, dấu hiệu trẻ sơ sinh nhiễm vi khuẩn HP lại khác với trẻ mẫu giáo, trẻ vị thành niên :
1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi
Sẽ rất khó để phát hiện trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn HP bởi những triệu chứng chỉ được thể hiện qua tiếng khóc:
- Bé quấy khóc liên tục
- Không chịu bú, hay bị trớ sữa
- Đau vùng thượng vị, vừa cong lưng vừa khóc gắt
- Phân có dấu hiệu bất thường
Bạn có thể xem thêm:
2. Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em dưới 12 tuổi:
- Buồn nôn, nôn
- Đầy bụng, khó tiêu
- Đau bụng liên tục, dữ dội, đau quặn từng cơn
- Chán ăn, cơ thể suy nhược, xanh xao
- Rối loạn tiêu hóa (dấu hiệu thường gặp nhất)
3. Trẻ vị thành niên
Ở độ tuổi này, các triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP rất dễ nhận thấy:
- Đau vùng thượng vị, đau lan sang lưng
- Khó tiêu, bụng chướng
- Nôn bất cứ lúc nào, dù bụng đói hay no
- Hôi miệng do vi khuẩn HP bám ở răng sinh ra khí có mùi hôi
Ngoài ra, trong một số trường hợp nặng, bé có thể nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen.
Trẻ em bị nhiễm khuẩn HP có thể bị thiếu máu trầm trọng, ăn kém, cơ thể suy nhược, chậm phát triển. Một số trường hợp còn có thể bị loét dạ dày gây chảy máu, thủng dạ dày, tiêu chảy, đau bụng liên tục, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch… Do đó, nếu thấy trẻ có các triệu chứng kể trên, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn có thể xem thêm:
Trẻ em bị nhiễm khuẩn HP có nguy hiểm không? Điều trị HP ở trẻ em như thế nào?
Trẻ em bị nhiễm khuẩn HP phải làm sao? Trẻ em bị HP dạ dày có nguy hiểm không? Nhiều bậc phụ huynh lo sợ vi khuẩn HP sẽ gây viêm loét, ung thư dạ dày nên khi thấy trẻ bị nhiễm liền yêu cầu bác sĩ điều trị ngay.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, dù điều trị tận gốc thì nguy cơ tái nhiễm vẫn rất cao do trẻ chưa tự ý thức được vấn đề giữ vệ sinh khi ăn uống, sinh hoạt. Không những vậy, việc điều trị còn thể gây hại đến hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Rất nhiều trẻ sau khi dùng kháng sinh điều trị lại có triệu chứng biếng ăn, tiêu hóa kém, chậm lớn, quấy khóc.
Do đó, nếu nhiễm khuẩn HP ở trẻ em chưa có triệu chứng thì chưa cần điều trị. Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho thấy loại vi khuẩn này không hẳn có hại hoàn toàn. Nếu không gây ra triệu chứng gì, sự có mặt của HP sẽ giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi đem lại một số tác dụng đối với cơ thể con người.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn chỉ nên điều trị loại vi khuẩn này cho bé bị HP dạ dày trong các trường hợp sau:
- Trẻ bị loét dạ dày tá tràng
- Trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt
- Mắc chứng khó tiêu chức năng
- Xuất huyết, giảm tiểu cầu nhưng không rõ nguyên nhân
- Viêm teo mạc dạ dày
- Bị ung thư dạ dày nhưng đã phẫu thuật
- Có người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh, chị, em ruột đã từng bị ung thư dạ dày.
Bạn có thể xem thêm:
Ngăn ngừa nhiễm khuẩn HP ở trẻ nhỏ như thế nào?
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhưng lại chưa có ý thức về việc tự bảo vệ bản thân. Do đó, việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ và những người thân:
- Lựa chọn các thực phẩm sạch, có xuất xứ rõ ràng để nấu cho bé ăn. Dùng nước sạch để cho bé uống.
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi. Không để bé nghịch bẩn.
- Không nhai mớm thức ăn, hạn chế hôn bé
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sử dụng riêng các vật dụng như bàn chải đánh răng, ly, cốc…
- Nếu trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP, không được cho trẻ dùng chung bát đũa, bát nước chấm, không hôn, không nhai mớm, không để bé dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân
- Thường xuyên đưa bé đi khám để theo dõi tình trạng sức khỏe, đồng thời phát hiện và chữa trị sớm khi bé có vấn đề về sức khỏe nào đó.
Bạn có thể xem thêm:
Ngoài những biện pháp kể trên, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn cũng là một trong những phương pháp phòng ngừa trẻ bị nhiễm HP dạ dày cực hữu hiệu mà bạn nên áp dụng cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Bên cạnh việc nhắc nhở trẻ, bạn và những người chăm sóc cũng cần rửa tay và khử trùng đồ chơi, vật dụng của trẻ thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn HP.
[embed-health-tool-vaccination-tool]