Nếu không muốn trẻ vừa bị béo phì vừa bị các bệnh về tiêu hóa, đặc biệt là viêm dạ dày thì bạn phải sửa ngay thói quen vừa ăn vừa xem tivi của trẻ.
Rất nhiều bố mẹ có thói quen dỗ con ăn bằng cách cho con xem các chương trình giải trí trên tivi, cho bé xem phim hoạt hình trên máy tính bảng, hoặc cho trẻ xem điện thoại khi ăn. Vậy, trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại có tốt không? Cách khắc phục dứt điểm thói quen này là gì? Mời bạn tham khảo bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi để có câu trả lời.
Tác hại của việc vừa ăn vừa xem tivi
Đối với thắc mắc “Trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại có tốt không?”, thì thực tế, thói quen này không những không có lợi mà còn gây ra nhiều tác hại lớn đối với sức khỏe của trẻ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, trung bình mỗi ngày trẻ sẽ dành khoảng 2 giờ để xem tivi. Xem tivi không phải là thói quen xấu nhưng nếu bé xem tivi trong khi ăn thì lại gây ra những tác hại “kinh hoàng”. Cụ thể:
1. Trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi có nguy cơ bị béo phì
Đây là tác hại của việc vừa ăn vừa xem tivi thường gặp nhất. Theo các nhà khoa học Mỹ, ăn trong lúc xem tivi sẽ khiến trẻ không nhận ra được khi nào mình cảm thấy no. Bởi toàn bộ sự chú ý của trẻ đã bị hút vào các chương trình truyền hình.
Lúc này, “công tắc báo no” trong não đã bị vô hiệu hóa. Trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế dẫn đến tăng cân mất kiểm soát, gây béo phì.
2. Vừa ăn vừa xem tivi gây rối loạn tiêu hóa
Về mặt y học, trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại, màn hình, tivi, máy tính bảng… có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn.
Thói quen xấu này sẽ khiến tín hiệu từ não truyền đến dạ dày bị các chương trình tivi làm mờ nhạt. Từ đó, dạ dày không tiết đủ dịch vị khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ và cơ thể cũng khó hấp thụ dinh dưỡng hơn. Lâu dần, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ bị rối loạn, dễ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
3. Giảm tốc độ trao đổi chất
Vì sao không nên vừa ăn vừa xem tivi? Vì hành động này có thể làm giảm tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, khiến thức ăn bị tiêu hóa chậm hơn, dẫn đến sự tích tụ chất béo ở vùng bụng.
4. Vừa ăn vừa xem tivi gây đau và viêm loét dạ dày
Nhiều người thắc mắc không biết vừa ăn vừa xem điện thoại có đau dạ dày hay không? Câu trả lời là “Có”!
Trẻ vừa ăn vừa xem tivi thì nguy cơ bị đau dạ dày là điều rất thường gặp. Bởi thói quen này sẽ khiến một lượng lớn máu được đưa về não nên không thể hỗ trợ dạ dày tiêu hóa thức ăn. Những thức ăn chưa được tiêu hóa sẽ tồn đọng lại và trở thành miếng mồi ngon để các loại vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh dạ dày.
5. Giảm vị giác và cảm giác ngon miệng
Hệ thống thần kinh trung ương cần kết nối các điểm giữa cảm giác đói, ham muốn ăn, hành động ăn, cảm giác no và sự hài lòng khi tiêu thụ thức ăn ngon. Những phiền nhiễu do màn hình gây ra khi bé xem tivi, điện thoại trong bữa ăn sẽ “thách thức” hệ thống giác quan, gây trở ngại cho sự kết nối này.
Cũng vì vậy mà khi vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, trẻ có thể không cảm thấy món ăn ngon miệng. Thói quen này sẽ khiến tư tưởng của trẻ bị phân tán, từ đó làm giảm vị giác lẫn độ ngon miệng của món ăn. Tuy nhiên, sau khi đã no, trẻ vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm đồ ăn nhẹ để thỏa mãn cảm giác ngon miệng. Dần dần, điều này lại khiến trẻ bị thừa cân, béo phì.
6. Thiếu sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình
Nếu cả cha mẹ và con cái đều có thói quen xem tivi khi ăn, hoặc cha mẹ cho trẻ xem điện thoại khi ăn, thì cả gia đình sẽ ít trò chuyện, ít có thời gian gắn kết với nhau trong thời buổi bận rộn này.
Làm thế nào để thay đổi thói quen trẻ vừa ăn vừa xem tivi?
Trẻ nhỏ có thể ăn nhiều hơn khi xem ti vi, điện thoại. Bởi khi trẻ mất tập trung, cha mẹ có thể dễ cho trẻ ăn. Tác hại của việc vừa ăn vừa xem tivi thường xuyên không chỉ nằm ở khiến cạnh sức khỏe mà còn dễ hình thành các thói quen xấu, trẻ sẽ không chịu ăn nếu không được xem truyền hình hoặc chơi máy tính bảng.
Do đó, bạn cần thay đổi thói quen này cho trẻ, và bạn có thể làm điều đó! Lúc đầu, trẻ sẽ quấy khóc và nổi giận, nhưng dần dần, bé sẽ quen và học được cách ăn mà không xem tivi hay điện thoại. Dưới đây là một số bí quyết để sửa thói quen xem điện thoại, tivi khi ăn:
- Đảm bảo trẻ đang cảm thấy đói để tập trung vào việc ăn uống. Điều này có nghĩa là bạn không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt gần thời điểm ăn bữa chính. Nếu trẻ đang đói, trẻ sẽ không quan tâm đến việc có tivi hoặc điện thoại trước mặt hay không.
- Lúc mới bắt đầu điều chỉnh thói quen này, hãy cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi trong 5 phút, sau đó dọn đồ ăn đi. Nếu trẻ quấy khóc, không ăn đủ, bạn có thể cho trẻ ăn tiếp nhưng đừng cho trẻ xem tivi.
- Đặt ra quy tắc là khi ăn cơm không được xem tivi. Nếu trẻ vẫn muốn xem chương trình mà mình thích, bạn có thể nhượng bộ bằng cách ghi lại chương trình đó, khi nào trẻ ăn xong sẽ mở ra xem.
- Cả gia đình phải cùng ăn và không xem tivi. Nếu không thì sẽ không thể sửa được thói quen trẻ vừa ăn vừa xem tivi.
Nếu đã áp dụng hết các biện pháp trên mà vẫn không có tác dụng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được giúp đỡ. Cai tivi trong khi ăn không phải là điều đơn giản. Vì vậy, tốt nhất là không nên hình thành thói quen này ngay từ đầu.
Phòng ngừa thói quen vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại
- Thời điểm cho bé ăn dặm, bạn nên kiên nhẫn dụ bé ăn chứ đừng dùng đến tivi hoặc máy tính bảng.
- Khi cho bé ăn, bạn cũng không nên dùng điện thoại để bé hiểu rằng đây là thời điểm để ăn chứ không phải để làm việc khác.
- Thời gian mỗi buổi ăn chỉ nên kéo dài khoảng 15 – 30 phút.
- Hãy cho trẻ vào bếp nấu cùng mẹ để trẻ cảm thấy thích thú hơn khi ăn những món ăn do mình phụ nấu.
- Để trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình để dần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.
Cuộc sống ngày càng bận rộn, đôi khi bữa cơm là khoảng thời gian duy nhất trong ngày mà cả gia đình có thể gắn kết, quây quần bên nhau để chia sẻ một ngày của mình như thế nào. Vì vậy, đừng để thói quen xem tivi, điện thoại khi ăn làm ảnh hưởng đến điều này nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]