Theo nghiên cứu, tỷ lệ thủng màng nhĩ ở trẻ em thường cao hơn so với người lớn. Do đó, ba mẹ cần chú ý nhiều hơn trong việc chăm sóc tai cho trẻ.
Sức khỏe của con luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Mới đây, câu chuyện về cô bé 2 tuổi tại ở Trung Quốc bị thủng màng nhĩ do mẹ không cẩn thận khi lấy ráy tai đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo về các sai lầm trong việc chăm sóc tai cho trẻ. Để hiểu hơn về cách vệ sinh tai cho bé cũng như cách phát hiện tình trạng thủng màng nhĩ ở trẻ em, hãy cùng Hello Bacsi theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây.
Thủng màng nhĩ ở trẻ em
Màng nhĩ là lớp màng mỏng phân chia giữa tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ có hình bầu dục, hơi lồi và nằm nghiêng một góc 30 độ so với ống tai. Ở trẻ em, màng nhĩ thường mỏng hơn người lớn nhưng theo thời gian, màng nhĩ sẽ trở nên dày và có độ đàn hồi tốt hơn.
Chức năng của màng nhĩ là tiếp nhận sóng âm thanh từ bên ngoài vào để tạo nên rung động rồi dẫn truyền nó đến tế bào cảm nhận ở tai trong giúp chúng ta có thể nghe được. Do đó, nếu màng nhĩ bị thủng, khả năng rung của màng nhĩ sẽ suy giảm, dẫn đến tình trạng mất thính giác tạm thời. Nếu không được chữa trị, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
4 dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ nhỏ
Dấu hiệu trẻ bị thủng màng nhĩ thường gặp nhất là khả năng nghe bị giảm sút hoặc thậm chí trẻ không nghe thấy bạn gọi. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như:
- Tai có dịch mủ hoặc có máu chảy ra
- Tai bị đau đột ngột từ nhẹ đến nặng, sau đó cơn đau lại giảm đột ngột
- Bé quấy khóc, mệt mỏi, hay đưa tay móc bên tai có màng nhĩ bị thủng
- Nếu nguyên nhân gây thủng màng nhĩ là do viêm tai giữa, trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt nóng, đau nhức trong tai, ù tai, nghe kém.
Nhiều mẹ thắc mắc nếu lấy ráy tai cho bé bị chảy máu thì bé có thể bị thủng màng nhĩ không. Lấy ráy tai bằng tăm bông hay dụng lấy ráy tai cho trẻ là điều không được khuyến khích bởi màng nhĩ của trẻ rất mỏng, dễ bị tổn thương. Nếu khi lấy ráy tay cho bé bị chảy máu thì có thể là dấu hiệu viêm nhiễm, trầy xước và thậm chỉ thủng màng nhĩ. Do đó, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.
Trẻ em bị thủng màng nhĩ có lành được không? Điều trị như thế nào?
Thủng màng nhĩ ở trẻ em có lành được không? Thông thường, màng nhĩ bị rách sẽ lành lại trong 3 tháng, vì vậy trẻ bị thủng màng nhĩ sẽ không cần phương pháp điều trị gì đặc biệt.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây thủng màng nhĩ là do viêm nhiễm, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Trong trường hợp các vết rách này không tự lành hoặc tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các thủ thuật để vá màng nhĩ.
Theo báo cáo của Trường Đại học Y Stanford (Hoa Kỳ), nhìn chung, các trường hợp thủng màng nhĩ ở trẻ nếu được điều trị kịp thời thì sẽ rất nhanh hồi phục, khoảng 68% chữa lành trong vòng 1 tháng và 94% trong vòng 3 tháng. Để giúp trẻ nhanh hồi phục, bạn nên:
- Giữ cho tai trẻ luôn khô ráo trong quá trình điều trị. Hạn chế cho trẻ đi bơi.
- Tránh để trẻ xì mũi mạnh cho đến khi vết rách màng nhĩ lành lại.
Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ ở trẻ em
Lý do phổ biến nhất gây thủng màng nhĩ ở trẻ em là nhiễm trùng tai. Tình trạng này khiến mủ tích tụ phía sau màng nhĩ, làm tăng áp lực lên màng nhĩ khiến tấm màng này bị kéo căng ra, dẫn đến rách. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân phổ biến khác như:
- Chấn thương trực tiếp: Do bị vật lạ đâm vào tai, côn trùng chui vào tai gây chấn thương, bất cẩn trong khi lấy ráy tai để dụng cụ đâm vào màng nhĩ
- Chấn thương gián tiếp: Do áp lực quá mạnh tác động lên màng nhĩ (âm thanh có cường độ quá lớn), xảy ra khi bị người khác tát (bạt) tai hoặc do lặn quá sâu dưới nước.
Nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu thủng màng nhĩ, bạn nên đưa trẻ đi khám. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định tình trạng của màng nhĩ bằng cách sử dụng ống soi tai. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu chất lỏng chảy ra từ tai trẻ để kiểm tra. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể được đề nghị cho trẻ thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra thính giác.
Biến chứng thủng màn nhĩ ở trẻ
Trẻ có thể bị mất thính lực vĩnh viễn nếu không điều trị đúng cách. Ngoài ra, việc chữa trị không đúng còn có thể dẫn đến tình trạng viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma (một khối mô có đặc tính phát triển, ăn mòn, phá hủy các thành phần của tai và các cấu trúc lân cận).
Không những vậy, thủng màn nhĩ ở trẻ em còn có thể gây ra những biến chứng nặng hơn do ổ viêm xâm lấn vào các vùng lân cận như viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên, liệt mặt… Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ bị thủng màng nhĩ, điều quan trọng nhất cần làm là đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bảo vệ đôi tai của trẻ bằng những biện pháp đơn giản và an toàn
Rất nhiều cha mẹ nghĩ lấy ráy tai thường xuyên sẽ giúp tai trẻ sạch sẽ và ít bị bệnh. Thế nhưng, thực tế, việc lấy ráy tai cho bé thường xuyên là không cần thiết bởi đa phần, ráy tai sẽ tự thoát ra ngoài.
Ngoài ra, ráy tai còn rất hữu ích trong việc ngăn cản bụi bẩn, làm ẩm, bôi trơn ống tai và giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, nếu ráy tai đóng quá nhiều và khiến trẻ khó chịu, bạn có thể vệ sinh tai và lấy ráy tai cho bé theo những cách sau:
- Kết hợp vệ sinh tai cho trẻ trong quá trình tắm bởi lúc này tai bé đã ướt sẵn. Khi vệ sinh, bạn dùng khăn mềm hoặc tăm bông thấm nước ấm và nhẹ nhàng lau vùng vành tai, tập trung vào những vùng có nếp gấp.
- Để lấy ráy tai cho trẻ, bạn có thể mua thuốc nhỏ từ hiệu thuốc, nhỏ vài giọt vào tai và đặt trẻ nằm nghiêng để ráy tai chảy ra ngoài.
- Nếu ráy tai đóng quá cứng, bạn không nên dùng vật cứng để lấy. Hãy làm mềm ráy tai bằng cách nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào tai trẻ, đợi ráy tai mềm ra rồi mới lấy. Trong trường hợp ráy tai nằm quá sâu, bạn đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa.
- Tránh ngoáy tai cho bé bằng tăm bông vì điều này có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn. Ngoài ra, nên tránh dùng các đồ vật như kẹp tóc, những vật sắc nhọn để lấy ráy tai cho bé bởi rất dễ gây trầy xước, nhiễm trùng và gây thủng màn nhĩ ở trẻ em
- Khi vệ sinh tai cho trẻ, bạn cần tập trung, không vừa làm vừa chơi đùa, không để tự bé cầm tăm bông hay dụng cụ lấy ráy tai. Ngoài ra, bạn chỉ nên lấy phần ráy ướt ở bên ngoài, tuyệt đối không cho dụng cụ vào sâu trong tai của trẻ.
[embed-health-tool-vaccination-tool]