Mỗi khi đến mùa mưa, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại xuất hiện các triệu chứng khò khè, ốm vặt khiến cho bố mẹ lo lắng không thôi [1]. Để con có thể thoát khỏi sự tấn công của mầm bệnh mỗi khi mùa mưa đến, điều quan trọng là mẹ cần thực hiện các cách tăng cường sức đề kháng, nhất là với bé sinh mổ [2].
Mùa mưa đến, mẹ có bé sinh mổ lại trăn trở nhiều nỗi lo về đề kháng
Điểm khác biệt giữa bé sinh mổ và bé sinh thường bên cạnh phương thức sinh nở đó là sự khác biệt về hệ vi sinh đường ruột. Nếu như bé sinh thường, khi đi qua đường sinh của mẹ, con sẽ tiếp xúc với một lượng lớn vi sinh vật tại âm đạo thì bé sinh mổ lại bỏ lỡ cơ hội này. Do đó, hệ vi sinh đường ruột của bé sinh mổ không có các chủng vi khuẩn đường ruột có ở trẻ em và người lớn khỏe mạnh, thay vào đó, hại khuẩn lại chiếm tỷ lệ cao hơn. Điều này khiến bé sinh mổ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe [3], [4].] Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy bé sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém hơn 1,5 lần so với bé sinh thường [5].
Không dừng lại đó, bé sinh mổ cũng có nguy cơ bị thở khò khè, khó thở, nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn bé sinh thường. Nguyên nhân lý giải cho điều này là vì khi sinh thường qua ngã âm đạo, bé sẽ phải trải qua các cơn co thắt trong tử cung. Việc này vừa giúp đẩy bé qua ống sinh vừa giúp đẩy chất lỏng ra khỏi phổi. Tuy nhiên, bé sinh mổ lại không trải qua quá trình này nên phổi vẫn còn tồn dịch và khiến con dễ gặp các vấn đề hô hấp [3], [6]. Nghiên cứu cho thấy, bé sinh mổ không chỉ có nguy cơ bị hen suyễn mà nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp của bé cũng cao hơn 1,3 lần so với bé sinh thường [3], [7] Do đó, với những lý do trên, vào những thời điểm mầm bệnh dễ phát triển và lây lan như mùa mưa thì bé sinh mổ sẽ cần được mẹ quan tâm và bảo vệ nhiều hơn.
Cách xây dựng đề kháng từ bên trong giúp trẻ sinh mổ vững vàng vượt mùa mưa gió
Lượng mưa thất thường cộng với độ ẩm thay đổi đột ngột có thể làm mầm bệnh dễ sinh sôi hoặc tồn tại lâu hơn ngoài môi trường, điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ sẽ có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh nhiều hơn. Nếu trẻ sinh mổ đã có sẵn hiện tượng khò khè thì đây là thời điểm nguy cơ trẻ bị khò khè càng cao. Do đó, bố mẹ nên có những biện pháp hợp lý nhằm tăng đề kháng cho bé để bảo vệ trẻ vững vàng vượt qua mốc thời điểm này [8].
Chăm sóc dinh dưỡng
Đối với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ là thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch quan trọng. Mẹ nên cho bé bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu sau sinh hoặc đến khi 2 tuổi nếu có thể [9], vì trong sữa mẹ có chứa rất nhiều thành phần giúp cải thiện, củng cố hệ miễn dịch cho bé sinh mổ như:
- HMO (Human Milk Oligosaccharides): Đây là một trong những đại dưỡng chất hàm lượng nhiều thứ 3 trong sữa mẹ, chỉ sau chất béo và lactose. Trong đó, 2’- FL HMO là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng hô hấp ở trẻ đến 66% [10], ngăn ngừa mầm bệnh [11].
- Nucleotides: Dưỡng chất được chứng minh giúp tăng cường miễn dịch, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine (HIB) [12], [13], [14].
- Lợi khuẩn: Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn ổn định, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột [15]. Trong đó, Bifidobacteria là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [16].
Trong trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho bé. Đối với những trẻ đã đến tuổi ăn dặm hoặc lớn hơn, ngoài việc đảm bảo nguồn sữa chất lượng, mẹ cũng cần lưu ý chăm chút chế độ ăn cho trẻ với các thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch như [17]:
- Thực phẩm giàu chất xơ, vitamin D, kẽm để giúp củng cố hàng rào đề kháng.
- Hạn chế cho bé ăn đồ ngọt, các loại nước uống có ga hoặc các đồ ăn được chế biến sẵn vì chứa nhiều đường và chất béo bão hòa không tốt cho hệ miễn dịch của trẻ. [18]
Mẹo chăm sóc giúp bé sinh mổ giảm nguy cơ khò khè
Ngoài những biện pháp về dinh dưỡng, mẹ cũng nên chú ý đến việc tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như giúp bé ngủ đúng giờ giấc hay tập thể dục vừa sức. Đây là những cách thức giúp tăng đề kháng tự nhiên, chống lại mầm bệnh hiệu quả [17]. Bên cạnh đó, vào mùa mưa, mẹ cũng nên chú ý các biện pháp phòng ngừa giúp bảo vệ con khỏi nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản gây ra tình trạng thở khò khè bằng cách [19], [20], [21]:
- Cho bé mặc quần áo phù hợp để giữ ấm đường thở, chú ý lau khô người nếu bé mắc mưa.
- Dạy con giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay, tắm rửa thường xuyên; hạn chế chạm tay lên mắt, mũi, miệng…
- Giữ vệ sinh môi trường xung quanh, hạn chế những nơi có nhiều khói bụi, thuốc lá hoặc các chất gây dị ứng đường thở.
Chỉ cần tuân thủ một vài nguyên tắc là mẹ đã có thể giúp bé sinh mổ phòng tránh nguy cơ gặp nguy cơ về hô hấp cũng như vấn đề bé sinh mổ khò khè trong mùa mưa này. Điều quan trọng nữa là mẹ hãy luôn theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để có những giải pháp ứng phó nhanh chóng và kịp thời nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]