Trẻ có vết bầm tím liên quan đến một số bệnh lý
Nếu trẻ dễ bị bầm tím, dễ bị chảy máu hoặc có vết bầm kéo dài mà không liên quan đến bất kỳ sự va chạm hoặc chấn thương nào thì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như bệnh Von Willebrand, giảm tiểu cầu (Thrombocytopenia), ban xuất huyết Henoch – Schonlein, bệnh máu khó đông, bệnh bạch cầu cấp…
Trẻ có vết bầm tím do thiếu vitamin K
Vitamin K1 và vitamin K2 cần thiết cho quá trình đông máu vì các loại vitamin này có vai trò thiết yếu trong sản xuất prothrombin. Đây là một loại protein do gan tạo ra và hoạt động để hình thành cục máu đông. Như vậy, việc thiếu hụt vitamin K cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về máu, biểu hiện qua các vết bầm tím trên da.
Vết bầm tím xuất hiện do tác dụng phụ của một số loại thuốc
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tác dụng phụ của một số loại thuốc như aspirin, thuốc chống co giật hoặc một số loại kháng sinh cũng có thể gây bầm tím, chảy máu bất thường.
Mách bạn cách làm tan vết bầm cho trẻ hiệu quả

Trong hầu hết trường hợp, các vết bầm tím trên da luôn cần có thời gian để thuyên giảm và biến mất hẳn. Tuy nhiên, vẫn có một số cách làm tan vết bầm cho trẻ tại nhà để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn và thúc đẩy vết bầm nhanh khỏi hơn. Sau đây là một số bí quyết mà bạn có thể tham khảo:
Chườm lạnh để làm tan vết bầm
Sử dụng túi chườm lạnh đặt lên vùng bị chấn thương không chỉ giúp vết bầm nhanh tan mà còn có tác dụng giảm đau. Bạn có thể chườm lạnh cho trẻ trong khoảng 15 đến 20 phút mỗi lần. Thực hiện 3 – 4 lần trong vòng 1 – 2 ngày kể từ khi vết bầm mới xuất hiện.
Cách làm tan vết bầm cho trẻ – Nâng cao khu vực bị thương, bầm tím nếu có thể
Trẻ em thường bị bầm tím ở cẳng chân là chủ yếu. Do đó, bạn có thể khuyến khích trẻ nâng cao vị trí có vết bầm để giảm lưu lượng máu đến khu vực này. Qua đó giúp giảm sưng và giảm mức độ bầm trên da. Đối với giải pháp này, trẻ sẽ cần được nghỉ ngơi trên giường và kê vùng bị bầm tím lên gối cao nếu có thể.
Dùng thuốc giảm đau và bổ sung thực phẩm giàu vitamin K

Trong một số trường hợp, nếu vết bầm kèm theo sưng đau thì bạn có thể dùng băng thun co giãn để quấn vết thương của trẻ và cho con dùng thuốc giảm đau acetaminophen nếu cần thiết. Mặc dù đây không phải là cách làm tan vết bầm cho trẻ nhưng có thể giúp con của bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin K vào chế độ ăn uống của trẻ để hỗ trợ chăm sóc cũng như ngăn ngừa tình trạng bầm tím xảy ra.
Chườm ấm sau hai ngày kể từ khi có vết bầm
Việc chườm ấm hoặc tắm nước ấm cũng có thể giúp vết bầm nhanh lành hơn. Tuy nhiên, lưu ý là bạn không nên sử dụng nhiệt đối với vết bầm trong 48 giờ đầu sau khi bị thương vì điều này có thể khiến vết bầm trở nên lớn hơn.
Khi nào bạn cần đưa trẻ đi khám?

Các vết bầm tím tuy phổ biến ở trẻ em và có thể xử lý tại nhà bằng những cách làm tan vết bầm cho trẻ kể trên. Thế nhưng, không phải tất cả các trường hợp trẻ bị bầm tím đều là bình thường. Vì vậy, bạn cần lưu ý và nên đưa trẻ đi khám nếu phát hiện những vấn đề sau đây:
- Vết bầm tím không cải thiện sau 2 tuần.
- Vết bầm tím xuất hiện trên mặt của trẻ, đặc biệt là ở má, mắt, tai, mũi hoặc miệng. Thậm chí, vết bầm có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc cử động mắt hoặc nhìn.
- Nếu bạn nhận thấy trẻ có một số chấm đỏ trên da (nhỏ hơn vết bầm), khi ấn vào không thay đổi màu sắc thì có thể đó là mạch máu dưới da bị vỡ. Nếu các chấm đỏ này xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể trẻ kèm theo các vết bầm tím, bạn nên đưa trẻ đi khám vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về đông máu, chẳng hạn như giảm tiểu cầu.
- Ở trẻ em, các vết bầm tím thông thường xuất hiện chủ yếu ở khuỷu tay, đầu gối hoặc cẳng chân do những vùng này lộ ra ngoài nhiều hơn và dễ bị tổn thương do vận động, va chạm. Do đó, nếu bạn phát hiện trẻ có vết bầm ở các vị trí kín đáo, chẳng hạn như vùng cổ, ngực, bụng, lưng, thậm chí là vùng kín thì điều này cho thấy vết bầm của trẻ thường nghiêm trọng hơn và cần được thăm khám.
- Mặc dù các vết bầm tím cũng thường gây đau nhưng nếu cơn đau của trẻ có sự bất thường hoặc đau đớn quá mức, kèm theo một cục u thì đó có thể là dấu hiệu của tụ máu hoặc gãy xương.
- Trẻ thường xuyên bị bầm tím dù không có chấn thương nào xảy ra hoặc vết bầm có vẻ lớn hơn so với vết thương của trẻ. Một số trường hợp trẻ dễ bị bầm tím kèm theo đó là những triệu chứng như hay chảy máu nướu răng, hay chảy máu mũi,… cũng cần được đi khám.
- Lưu ý cuối cùng là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 – 9 tháng tuổi, giai đoạn này trẻ rất hiếm khi bị bầm tím trên người trừ khi mắc các rối loạn về chảy máu hoặc bị thương nghiêm trọng. Do đó, nếu em bé của bạn có vết bầm, đây có thể là một cảnh báo đáng lo ngại và trẻ nên được đi khám càng sớm càng tốt.
Nhìn chung, ngoại trừ các trường hợp cần lưu ý kể trên thì việc trẻ em có vết bầm tím trên da do vận động, vui chơi là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc biết cách làm tan vết bầm cho trẻ tại nhà sẽ rất hữu ích cho nhiều phụ huynh đang nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, dù bạn có thể tự xử lý vết bầm cho trẻ một cách dễ dàng nhưng điều quan trọng là không nên chủ quan mà cần lưu ý các dấu hiệu bất thường (nếu có) để hỗ trợ, đưa trẻ đi khám kịp thời nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!