backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh Mucopolysaccharidosis 1 (MPS 1)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 12/03/2020

    Bệnh Mucopolysaccharidosis 1 (MPS 1)

    Bệnh Mucopolysaccharidosis I (viết tắt là MPS 1) là một dạng trong nhóm bệnh mucopolysaccharide, còn có những tên gọi khác là:

    • Hội chứng Hurler (MPS 1-H)
    • Hội chứng Hurler – Scheie (MPS 1-H/S)
    • Hội chứng Scheie (MPS 1-S)

    Tên gọi này được đặt theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong đó, hội chứng Hurler là thể nặng nhất, được đặt theo tên của vị bác sĩ đầu tiên mô tả trường hợp một bé trai và bé gái mắc phải căn bệnh này vào năm 1919, bác sĩ Gertrude Hurler.

    Năm 1962, bác sĩ Scheir, một bác sĩ tham vấn nhãn khoa, đã viết về những người bệnh bị ảnh hưởng nhẹ hơn. Đây là hội chứng nhẹ nhất trong cả ba.

    Còn những người có những biểu hiện bệnh trung bình được gọi là hội chứng Hurler – Scheie.

    Tìm hiểu chung

    Bệnh MPS 1 là gì?

    Bệnh MPS 1 là một bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể (đa hệ thống). Đây là một phần trong một nhóm bệnh lớn được gọi là rối loạn dự trữ thể tiêu bào (lysosomal storage disorders – LSD).

    Tiêu thể (lysosome) hoạt động như những đơn vị tiêu hóa và tái chế chính trong các tế bào. Các enzyme bên trong tiêu thể sẽ giúp phá vỡ hoặc tiêu hóa những phần tử lớn, như carbohydrate, protein và chất béo thành đơn vị cơ bản để sau đó có thể sử dụng lại.

    Ở những người mắc bệnh mucopolysaccharide, bao gồm cả MPS1, có sự thiếu hụt hoặc bất thường trong hoạt động của các enzyme trong tiêu thể gây tích tụ bất thường của một carbohydrate phức tạp có tên là glycosaminoglycan.

    Glycosaminoglycan từng được biết đến như là một mucopolysaccharide và đó là lý do tại sao rối loạn này có tên gọi như vậy. Khi tế bào không thể phân hủy glycosaminoglycan, chúng sẽ tích tụ trong nhiều mô khác nhau, như xương, khớp, não, tủy sống, tim, lá lách hoặc gan và dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau.

    Bệnh MPS 1 thường gặp nhất trong tất cả các dạng của bệnh mucopolysaccharide. Người bệnh có thể ở thể nặng (hội chứng Hurler), thể trung gian (hội chứng Hurler – Scheie) hoặc thể nhẹ (hội chứng Scheie).

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh MPS 1

    Các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể thể hiện ở mỗi người bệnh rất khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thể MPS 1 mà trẻ mắc phải, thời gian bắt đầu điều trị và mức độ đáp ứng với những phương pháp điều trị khác nhau.

    Điều quan trọng cần lưu ý là MPS 1 là một rối loạn tiến triển, do đó triệu chứng bệnh cũng liên quan đến độ tuổi tại thời điểm chẩn đoán. Độ tuổi khởi phát, mức độ nghiêm trọng của bệnh, mức độ thiểu năng trí tuệ và tốc độ tiến triển sẽ khác nhau đáng kể ở mỗi cá thể.

    Bệnh MPS 1 thể nặng

    Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh MPS 1 ở thể nặng là tình trạng phát triển chậm của trí thông minh và kỹ năng vận động, dị tật xương. Triệu chứng có khi không xuất hiện ngay khi trẻ mới sinh hay không rõ ràng cho đến vài tháng hay một năm tuổi.

    Một số trẻ mắc bệnh có thể bị thoát bị bẹn hoặc rốn.

    • Thoát vị bẹn khiến một số mô bụng hoặc một phần ruột non sa xuống chỗ phình ra hay bị rách ở cơ bụng gần háng.
    • Thoát vị rốn là tình trạng một số mô bụng hoặc một phần ruột non bị đẩy ra chỗ phình hoặc rách ở lỗ rốn.

    Trẻ mắc bệnh thường mắc phải các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và tái đi tái lại trong những năm đầu đời. Bởi vì cả tình trạng thoát vị và nhiễm trùng tai thường xảy ra khá phổ biến ở trẻ em nên nếu các triệu chứng này xuất hiện riêng lẻ, bác sĩ sẽ chưa đủ cơ sở để chẩn đoán.

    Từ 12–18 tháng tuổi, trẻ thường có những dấu hiệu sau:

    • Phát triển các đặc điểm khuôn mặt thường được mô tả là trông thô, chẳng hạn như lưỡi, môi, cánh mũi và dái tai đều dày. Sự dày lên ở đỉnh hộp sọ có thể khiến trẻ sơ sinh có đầu lớn bất thường (đầu to). Thậm chí, đầu có thể dài và hẹp bất thường (tật đầu hình thuyền). Lông, tóc tăng trưởng quá mức nhưng sợi tóc lại thô ráp và dày như rơm rạ.
    • Có dấu hiệu chậm phát triển, thường liên quan đến hiện tượng chậm nói hay kỹ năng vận động tinh.
    • Viêm tai giữa thường xuyên, có thể gây giảm thính lực.
    • Có dấu hiệu của bệnh về xương, bao gồm u lên ở lưng dưới (gibbus deformity) hoặc khớp bắt đầu cứng.
    • Mờ/đục giác mạc nặng dần theo độ tuổi và cuối cùng có thể gây suy giảm thị lực vĩnh viễn. Tăng nhãn áp xuất hiện cũng góp phần gây giảm thị lực. Võng mạc có nguy cơ bị thoái hóa. Dây thần kinh thị giác cũng có thể bị teo. Những vấn đề về mặt dần dần sẽ dẫn đến giảm thị lực, quáng gà và mất thị lực (mù).
    • Gan và lá lách phì đại. Điều này được phát hiện khi bác sĩ kiểm tra nhưng sự phì đại của gan và lá lách không gây ra các triệu chứng gì liên quan.

    Những dấu hiệu và triệu chứng ở trên đại diện cho các dấu hiệu sớm của bệnh MPS 1 ở thể nặng. Tuy nhiên, căn bệnh này thuộc dạng bệnh tiến triển nên các triệu chứng tiềm ẩn khác xảy ra khi bệnh tiến triển và theo thời gian, bao gồm:

    • Phát triển chậm cùng với suy giảm chức năng tâm thần, đặc biệt khi bệnh không được điều trị sớm.
    • Tích tụ dịch não tủy trong não (não úng thủy).
    • Tầm vóc nhỏ bé, chiều cao thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tiêu chuẩn theo độ tuổi và giới tính.
    • Các bệnh về xương và khớp tiến triển (loạn dưỡng mỡ sụn) xuất hiện ở tất cả trẻ em mắc bệnh MPS 1 và dẫn đến: cứng các khớp, bàn tay bị biến dạng, co quắp như móng vuốt (claw hand deformity), tật chân cong (hai đầu gối chụm vào nhau), cong vẹo cột sống, hội chứng ống cổ tay, chèn ép cột sống.
    • Đường thở hay hệ hô hấp cũng bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến amidan và lưỡi phì đại, hẹp khí quản, khó ngủ do tắc nghẽn đường thở trong khi ngủ, ngưng thở khi ngủ.
    • Ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây ra bệnh van tim như hở van hai lá và hở van động mạch chủ, bệnh cơ tim.
    • Tác động đến mắt và dẫn đến đục giác mạc, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc.
    • Mất thính lực cũng thường gặp ở những trẻ mắc MPS 1.

    Bệnh MPS 1 thể trung bình và nhẹ

    Những trẻ được mô tả mắc bệnh MPS 1 ở thể nhẹ hơn cũng có dấu hiệu và triệu chứng tương tự như thể nặng nhưng có xu hướng tiến triển chậm hơn, độ tuổi khởi phát cũng muộn hơn.

    Điểm khác biệt chính so với thể nặng đó là những trẻ nhóm này không biểu hiện sự chậm phát triển sớm và không bị suy giảm tiến triển chức năng tâm thần.

    Một số trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ rất ít bị ảnh hưởng và có tuổi thọ gần như bình thường. Trong khi, có những trẻ khởi phát các triệu chứng trong khoảng 6–7 tuổi và có thể xuất hiện biến chứng đe dọa đến tính mạng ở tuổi dậy thì hay những năm 20 tuổi. Những người mắc MPS 1 có thể bị ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

    Trí thông minh thường không bị ảnh hưởng ở trẻ em mắc bệnh MPS 1 thể nhẹ nhưng một số trẻ có thể bị khuyết tật học tập (learning disability). Mức độ tác động đến quá trình tăng trưởng cũng khác nhau ở từng trẻ.

    Các tình trạng gan to, đục giác mạc, van tim bất thường có thể xuất hiện trong độ tuổi thiếu niên. Đục giác mạc có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho thị lực. Nhiều tình trạng bất thường ở mắt có thể có gồm tăng nhãn áp, teo dây thần kinh thị giác, thoái hóa võng mạc. Các vấn đề tiến triển ở van tim có khả năng khởi phát từ 10 hoặc 11 tuổi.

    Loạn dưỡng mỡ sụn, dị dạng xương, hội chứng ống cổ tay, bệnh khớp tiến triển cũng có thể xảy ra ở bệnh MPS 1 thể nhẹ. Trẻ có khả năng có vòm bàn chân cao hơn bình thường và đầu gối chụm lại với nhau (tật chân cong) khi đứng thẳng. Một số trẻ còn có xu hướng đi trên mũi chân, bàn chân và gót chân không chạm đất.

    Mất thính lực từ trung bình đến nặng cũng có khi xảy ra ở thể nhẹ. Một số trẻ có thể bị ngưng thở khi ngủ, thoát vị, chèn ép tủy sống tiến triển khiến không thể tập thể dục và giảm khả năng vận động.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân bệnh MPS 1 là gì?

    Nguyên nhân gây bệnh MPS 1 là do có đột biến trong gene alpha-L-iduronidase (IDUA). Các gene này giúp hướng dẫn để tạo nên protein đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể.

    Khi đột biến gene xuất hiện, các protein được tạo thành có thể bị lỗi, không hoạt động hiệu quả, không hiện diện hoặc bị sản xuất quá mức. Tùy thuộc vào chức năng của từng protein cụ thể, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể, kể cả não bộ.

    Gene IDUA quy định việc sản xuất ra enzyme alpha-L-iduronidase. Enzyme này tham gia vào quá trình phá vỡ carbohydrate phức tạp tên là glycosaminoglycan được sản xuất trong cơ thể. Mức độ thiếu hụt enzyme alpha-L-iduronidase tùy thuộc vào tỷ lệ biến đổi của gene IDUA.

    Nếu thiếu hụt enzyme trên, các glycosaminoglycan, đặc biệt là dermatan sulfate và heparan sulfate, sẽ tích lũy trong tiêu thể của tất cả tế bào. Sự tích lũy bất thường này làm cản trở chức năng và thể chất của tế bào. Cuối cùng, chúng sẽ phá hủy dần các mô và gây ra những triệu chứng bệnh.

    Trong trường hợp bệnh MPS 1 thể nặng, enzyme alpha-L-iduronidase bị thiếu hoàn toàn trong khi ở thể trung bình và nhẹ, một lượng nhỏ enzyme này có khả năng vẫn được tạo thành.

    Nguy cơ mắc phải

    Tỷ lệ mắc phải MPS 1 là bao nhiêu?

    Ước tính, tỷ lệ trẻ sinh ra bị bệnh MPS 1 là 1/100.000. Trong đó, hội chứng Hurler (thể nặng) chiếm 57% tổng số trường hợp, hội chứng Hurler – Scheie (thể trung bình) chiếm 23% và hội chứng Scheie (thể nhẹ) chiếm 20% các trường hợp.

    Đây là một bệnh di truyền tính trạng lặn, tức là đứa trẻ cần phải có cả 2 gene IDUA bị đột biến nhận được từ cả cha và mẹ. Nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh MPS 1 với cả hai gene IDUA có lỗi khi cả bố và mẹ đều mang gene này là 25%. Nguy cơ này như nhau ở cả nam và nữ.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh MPS 1?

    Chẩn đoán bệnh MPS 1 sẽ dựa trên việc đánh giá các triệu chứng bệnh đặc trưng, tiền sử bệnh của gia đình, đánh giá lâm sàng kỹ lưỡng và thực hiện một loạt xét nghiệm chuyên sâu. Bác sĩ có thể nghi ngờ trẻ sơ sinh mắc bệnh nếu có những dấu hiệu sớm đặc trưng.

    Xét nghiệm lâm sàng

    • Xét nghiệm nước tiểu ở người mắc bệnh MPS 1 có thể thấy nồng độ của glycosaminoglycan (mucopolysaccharide) tăng cao, đặc biệt là heparan và dermatan sulfate. Điều này không giúp chẩn đoán là MPS 1 nhưng là dấu hiệu của rối loạn mucopolysaccharide nói chung.
    • Chẩn đoán xác định MPS 1 yêu cầu xét nghiệm các tế bào cụ thể như bạch cầu hay nguyên bào sợi. Kết quả sẽ cho thấy mức độ hoạt động của enzyme alpha-L-iduronidase rất thấp.
    • Xét nghiệm di truyền phân tử thường được sử dụng để xác nhận chẩn đoán. Xét nghiệm này có thể phát hiện các đột biến trong gene IDUA được biết sẽ gây ra bệnh MPS 1. Tuy nhiên, cách thức này không phổ biến và chỉ có ở một số trung tâm chuyên ngành.

    Những phương pháp điều trị bệnh MPS 1

    Có 3 phần chính trong việc điều trị bệnh MPS 1, bao gồm:

    • Thay thế enzyme bị thiếu
    • Giảm bớt các triệu chứng bệnh
    • Tư vấn về vấn đề di truyền cho gia đình

    1. Thay thế enzyme bị thiếu

    Các enzyme trong tiêu thể (lysosomal enzymes) là các protein đặc biệt, được tiếp nhận và sử dụng bởi các tế bào. Do đó, cách tiềm năng nhất để điều trị MPS 1 là bổ sung enzyme alpha-L-iduronidase bị thiếu. Việc này có thể được thực hiện bằng 2 cách:

    Liệu pháp thay thế enzyme sẽ thay thế enzyme alpha-L-iduronidase bị thiếu bằng cách sử dụng kỹ thuật di truyền (tái tổ hợp gene). Người bệnh được truyền enzyme hàng tuần thông qua đường tĩnh mạch. Năm 2003, FDA đã phê duyệt laronidase (Aldurazyme) dùng điều trị cho hầu hết người bệnh MPS 1. Tuy nhiên, Aldurazyme không giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến tổn thương não và hệ thần kinh trung ương vì thuốc không đi qua được hàng rào máu não.

    Với phương pháp thứ hai, các tế bào gốc tạo máu là những tế bào chuyên biệt ở trong tủy xương, giúp tạo nên một trong ba loại tế bào máu chính (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Bổ sung các tế bào này được thực hiện bằng cách ghép tủy xương của người khỏe mạnh, không mắc bệnh MPS 1. Các tế bào khỏe mạnh được cấy ghép sẽ có đủ lượng tế bào bạch cầu tạo ra alpha-L-iduronidase, thay thế cho các tế bào bị thiếu hụt enzyme này trong các mô. Cách này rất tốn kém và có nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Đây là phương pháp dành cho người bệnh MPS 1 thể nặng vì là cách duy nhất có hiệu quả cải thiện trí tuệ.

    Mặc dù liệu pháp thay thế enzyme và ghép tủy có thể cải thiện đáng kể diễn biến bệnh nhưng chúng không chữa trị được bệnh rối loạn này. Do đó, người bệnh vẫn phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng theo thời gian. Nói chung, việc điều trị càng sớm thì càng mang lại kết quả tốt hơn và độ tuổi của trẻ mắc bệnh cũng ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

    Tác động của việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) đối với khuyết tật trí tuệ có thể khác nhau. Thông thường, khi trẻ bị khuyết tật trí tuệ đáng kể, chúng không thể phục hồi mặc dù có thể giảm bớt tình trạng suy giảm nhận thức.

    2. Giảm bớt các triệu chứng bệnh

    Việc này cần có nỗ lực phối hợp từ đội ngũ bác sĩ điều trị gồm nhiều chuyên môn khác nhau:

    • Bác sĩ nhi khoa
    • Bác sĩ tim mạch: chuyên chẩn đoán và điều trị rối loạn tim
    • Bác sĩ thần kinh: chẩn đoán và điều trị rối loạn thần kinh
    • Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, bác sĩ cơ xương khớp, nhà vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: chẩn đoán và điều trị rối loạn xương và khớp
    • Bác sĩ tai mũi họng: điều trị phì đại amidan, bệnh đường hô hấp trên và giảm thính lực
    • Bác sĩ nhãn khoa: điều trị các triệu chứng về mắt và thị giác

    3. Tư vấn về vấn đề di truyền cho gia đình

    Các bác sĩ sẽ cố gắng tư vấn cho các gia đình và người mắc bệnh. Hỗ trợ tâm lý xã hội cho cả gia đình là điều vô cùng cần thiết.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 12/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo