Tóc bạc thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng tóc bạc ở trẻ em cũng không quá hiếm gặp.
Vậy, tại sao em bé có tóc bạc? Cách điều trị tóc bạc sớm ở trẻ em ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ về hiện tượng trẻ em có tóc bạc.
Tóc bạc sớm ở trẻ em là như thế nào?
Tóc bạc là tình trạng xuất hiện các sợi tóc bị mất sắc tố, chuyển thành màu trắng, xen kẽ các sợi tóc đen. Theo định nghĩa, tóc bạc sớm là tình trạng tóc chuyển bạc trước tuổi 20 ở người da trắng, trước 25 tuổi ở người châu Á và trước 30 tuổi ở người Mỹ gốc Phi.
Thực tế, tóc bạc là một quá trình tự nhiên liên quan đến tuổi tác. Thế nhưng, ngày nay, không ít trường hợp trẻ có tóc bạc, thậm chí là ở các bé 5 tuổi, 3 tuổi khiến cha mẹ lo lắng.
Cơ chế bệnh sinh của tóc bạc sớm ở trẻ em chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng trẻ em có tóc bạc có thể liên quan đến rối loạn lão hóa sớm, bệnh tự miễn, cơ địa… Điều quan trọng là trẻ cần được đánh giá tổng thể để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục vấn đề tóc bạc sớm.
Nguyên nhân tóc bạc ở trẻ em
Nếu bạn đang băn khoăn tại sao em bé có tóc bạc, cần hiểu rằng, sắc tố melanin là yếu tố quyết định màu tóc. Mặc dù nguyên nhân chính xác của hiện tượng tóc bạc ở trẻ em vẫn chưa được hiểu đầy đủ, có một số nguyên nhân phổ biến đã được biết đến là có thể gây ra tình trạng trẻ em có tóc bạc. Cụ thể:
1. Di truyền
Tóc của trẻ bạc sớm là do gene quyết định. Điều này có nghĩa là hầu hết trẻ em sẽ bắt đầu có tóc bạc ở độ tuổi mà cha mẹ hoặc ông bà bắt đầu bị bạc tóc. Do đó, nếu cha hoặc mẹ có tóc bạc sớm, trẻ cũng có nguy cơ bị bạc tóc sớm.
Đột biến gene là yếu tố khiến tóc bị bạc sớm. Ở trẻ em, tóc bạc có thể xảy ra như một bệnh nguyên phát di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Các rối loạn lão hóa sớm như hội chứng Progeria cũng có thể khiến trẻ em có tóc bạc.
2. Thiếu chất
Nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ bị tóc bạc sớm thiếu chất gì? Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể khiến trẻ em có tóc bạc, nhất là khi cơ thể bé thiếu những dưỡng chất sau:
- Vitamin B12
- Vitamin D3
- Đồng
- Sắt
- Canxi
- Kẽm
- Protein
Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng thường xảy ra ở những trẻ có chế độ ăn uống nghèo nàn dưỡng chất hoặc ở các bé ăn chay trường. Thực trạng trẻ nhỏ ăn quá nhiều thức ăn nhanh như hiện nay khiến hiện tượng tóc bạc ở trẻ em dần trở nên không quá hiếm gặp.
Trẻ có tóc bạc sớm thiếu chất gì?
3. Đời sống tinh thần và lối sống không lành mạnh
Căng thẳng do học hành, áp lực thi cử, áp lực từ cha mẹ, thức khuya, mất ngủ, sang chấn tâm lý… đều có thể là những nguyên nhân tóc bạc ở trẻ em. Các thí nghiệm đã cho thấy rằng ở các nang tóc bạc, tế bào hắc tố bị chết và tổn thương do oxy hóa.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh tải lượng oxy hóa tăng lên do căng thẳng tâm lý. Điều này ngụ ý rằng các yếu tố cảm xúc cũng đóng vai trò nhất định trong việc trẻ em có tóc bạc.
4. Khói thuốc lá
Trẻ con có tóc bạc cũng có thể do hút thuốc lá (kể cả chủ động và thụ động). Các thành phần độc hại có trong thuốc lá có thể gây ra các phản ứng oxy hóa tế bào, thúc đẩy phản ứng oxy hóa bên trong cơ thể, làm giảm khả năng sản xuất melanin và khiến trẻ có tóc bạc sớm.
Nghiên cứu nói gì về tác động của thuốc lá đối với tình trạng tóc bạc ở trẻ em?
5. Bệnh lý
Khi thấy trẻ có tóc bạc, chắc hẳn các bậc cha mẹ đã không ít lần thắc mắc “Trẻ em bị tóc bạc sớm là bệnh gì?”. Có rất nhiều bệnh lý khác nhau có thể gây ra hiện tượng tóc bạc ở trẻ em, chẳng hạn như:
- Bệnh chuyển hóa: Các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, suy thượng thận, bệnh lý tuyến giáp… có thể gây rối loạn quá trình tạo sắc tố melanin của sợi tóc, dẫn đến tình trạng trẻ em có tóc bạc. Cụ thể, hormone tuyến giáp T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine) tác động trực tiếp lên nang lông để tăng sinh hắc tố. Sự suy giảm hormone tuyến giáp có thể khiến tóc bạc sớm, tóc rụng nhiều và thay đổi hình thái tóc.
- Bệnh rối loạn miễn dịch: Mối liên quan giữa tóc bạc sớm và các bệnh tự miễn dịch cũng đã được báo cáo. Sự rối loạn tự miễn khiến hệ miễn dịch không hoạt động bình thường và tấn công da đầu, làm gián đoạn quá trình đáy nang tóc tạo ra melanin, dẫn đến tình trạng tóc bạc ở trẻ em. Một trong những căn bệnh rối loạn miễn dịch khiến trẻ em có tóc bạc là bệnh bạch biến. Tế bào hắc tố ở bệnh nhân mắc bệnh bạch biến nhạy cảm hơn với stress oxy hóa. Bệnh khiến các tế bào hắc tố bị mất hoặc bị phá hủy.
- Hội chứng Progeroid: Đây là chứng lão hóa sớm khiến ADN dễ bị ảnh hưởng bởi stress oxy hóa, làm tăng nguy cơ tóc bạc ở trẻ em.
- Hội chứng Waardenburg: Đây là một nhóm bệnh di truyền có thể gây mất thính giác và thay đổi màu sắc của tóc, da và mắt.
- Bệnh u xơ thần kinh (bệnh Von Recklinghausen): Nhóm bệnh di truyền này khiến các khối u phát triển dọc theo dây thần kinh gây ra sự phát triển bất thường của xương và da.
- Bệnh xơ cứng củ: Đây là một tình trạng di truyền hiếm gặp, gây ra các khối u lành tính ở nhiều cơ quan, bao gồm não, tim, thận, mắt, phổi và da.
6. Yếu tố môi trường
Các yếu tố môi trường cũng được nhận định là có thể ảnh hưởng đến tế bào gốc nang lông và tế bào hắc tố. Những stress oxy hóa không chỉ xảy ra do tâm lý mà còn có thể đến từ môi trường bên ngoài, bao gồm:
- Tia cực tím (tia UV)
- Ô nhiễm môi trường
Stress oxy hóa ngoại sinh cho thấy tình trạng bạc tóc ngày càng tăng ở các nang tóc. Một thí nghiệm trên chuột đã chứng minh rằng bức xạ tia cực tím có thể gây ra tổn thương oxy hóa trên các nang tóc, khiến tóc bạc đi. Do đó, cha mẹ cần bảo vệ tóc của trẻ khỏi những yếu tố môi trường độc hại để hạn chế tình trạng tóc bạc ở trẻ em.
7. Sử dụng một số loại thuốc
Việc dùng một số loại thuốc có thể khiến trẻ bị bạc tóc, chẳng hạn như thuốc hóa trị liệu và thuốc chống sốt rét. Những loại thuốc này được cho là có tác dụng ức chế thụ thể tyrosine kinase c-kit được tìm thấy trong tế bào hắc tố, từ đó làm giảm quá trình hình thành hắc tố.
8. Dầu gội kém chất lượng
Ngoài những nguyên nhân tóc bạc ở trẻ em đã kể trên vẫn còn một tác nhân quen thuộc có thể khiến trẻ em có tóc bạc, đó là dầu gội, dầu xả, thuốc nhuộm tóc… mà các bé hay sử dụng.
Một số dầu gội, dầu xả tóc có chứa hóa chất độc hại, có thể làm hỏng tóc, khiến tóc khô xơ và thậm chí là nhạt màu hơn. Do đó, cha mẹ nên ưu tiên chọn dầu gội tự nhiên, dịu nhẹ cho bé.
Trẻ em có tóc bạc có sao không?
Khi thấy trẻ 2 tuổi có 1 sợi tóc bạc, không ít cha mẹ thắc mắc liệu trẻ em có tóc bạc có sao không? Có cần đưa bé đi khám hay không?
Thực tế, tóc bạc sớm ở trẻ em không tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhưng có thể khiến các bé cảm thấy tự ti về ngoại hình của bản thân. Trẻ có tóc bạc sớm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như u xơ thần kinh, xơ cứng củ, bệnh tuyến giáp, rối loạn miễn dịch…
Do đó, khi nhận thấy trẻ em có tóc bạc, cha mẹ nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Từ đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn biện pháp điều trị tóc bạc sớm ở trẻ em phù hợp với tình trạng của bé.
Cách điều trị tóc bạc sớm ở trẻ em
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với tình trạng tóc bạc ở trẻ em. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ khắc phục vấn đề bạc tóc ở trẻ, giúp bé cảm thấy tự tin hơn.
1. Nhổ tóc bạc ở trẻ em
Nếu tỉ lệ tóc bạc dưới 10% thì đây được xem là trường hợp tóc bạc nhẹ ở trẻ em. Lúc này, khi thấy trẻ có tóc bạc, cha mẹ có thể dùng nhíp nhổ tóc bạc cho bé.
2. Nhuộm tóc
Nhuộm tóc là “cách điều trị” tóc bạc sớm ở trẻ em phổ biến nhất hiện nay. Cha mẹ cần đảm bảo lựa chọn thuốc nhuộm tóc chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, đến từ thương hiệu uy tín để bảo vệ sức khỏe của bé.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thuốc nhuộm có nguy cơ gây ra viêm da tiếp xúc do para-phenylenediamine (PPD). Một số nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ ung thư nói chung tăng (đặc biệt là ung thư buồng trứng, ung thư não và ung thư máu) ở những người sử dụng thuốc nhuộm tóc thường xuyên.
3. Dinh dưỡng
Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé có thể giúp chống oxy hóa và làm chậm quá trình bạc tóc ở trẻ. Chế độ ăn của bé cần đảm bảo đa dạng thực phẩm, lành mạnh, đầy đủ vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như:
- Vitamin B12: có nhiều trong thịt, cá, trứng, động vật có vỏ, gan, thịt gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai và sữa chua.
- Sắt: Khoáng chất này có trong thịt bò, gan, nội tạng, rau bina, hạt bí ngô, diêm mạch.
- Kẽm: Hàu, tôm, cua, động vật có vỏ, trứng, các loại hạt… là nguồn cung cấp kẽm.
- Đồng: có nhiều trong khoai tây, rau lá xanh đậm, hạt và quả hạch, gan, tảo xoắn.
- Canxi: có trong sữa, sữa chua, phô mai, cá mòi, cải xoăn.
- Protein: có nhiều trong thịt, trứng, sữa, phô mai, ức gà, đậu nành.
4. Thuốc tái sắc tố tóc
Có một số loại thuốc tái sắc tố tóc có thể giúp khắc phục tình trạng tóc bạc, chẳng hạn như:
- PABA (P-aminobenzoic acid)
- Calcium pantothenate (Vitamin B5)
- Latanoprost
- PUVA
Tuy nhiên, vẫn chưa có loại thuốc nào được chứng minh là có hiệu quả rõ ràng. Ngoài ra, những thuốc này cũng không được khuyến cáo dùng để điều trị tóc bạc sớm ở trẻ em. Do đó, cha mẹ cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ.
5. Thảo dược
Theo Y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum) được xem là một biện pháp cải thiện tình trạng tóc bạc hiệu quả. Các quan sát thực tế đã khẳng định hà thủ ô đỏ giúp làm giảm và làm chậm quá trình bạc tóc.
Nghiên cứu trên chuột sử dụng hà thủ ô đỏ đường uống và bôi cũng cho thấy tái sắc tố tóc. Tuy nhiên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn xem tình trạng bạc tóc của bé có phù hợp với biện pháp này không.
6. Điều trị bệnh lý
Nếu tình trạng tóc bạc ở trẻ em là do bệnh lý thì cha mẹ nên đưa bé đi khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh. Một khi cơ thể khỏe mạnh thì sẽ hạn chế được vấn đề trẻ có tóc bạc sớm.
Phòng ngừa tóc bạc ở trẻ em
Nếu tình trạng tóc bạc ở trẻ em do di truyền thì không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, nếu trẻ có tóc bạc do bệnh lý, thiếu chất, lối sống… thì cha mẹ có thể ngăn ngừa vấn đề này bằng một số biện pháp sau:
- Bổ sung chất dinh dưỡng: Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể và hạn chế tình trạng tóc bạc ở trẻ em.
- Dùng dầu gội đầu phù hợp: Cha mẹ nên mua dầu gội dành cho trẻ em, có thành phần lành tính, thiên nhiên để giúp tóc bé chắc khỏe và không bị bạc màu.
- Dùng các biện pháp tự nhiên làm đẹp tóc: Để phòng ngừa tóc bạc ở trẻ em, cha mẹ có thể:
- Massage cho bé bằng dầu dừa để cải thiện lưu thông máu đến da đầu
- Massage bằng dầu hạnh nhân hoặc vitamin E để tóc bé bóng mượt, khỏe mạnh
- Massage da đầu của bé bằng hỗn hợp hạt mè xay nhuyễn và dầu hạnh nhân, dầu ô liu hoặc dầu dừa để tóc chắc khỏe
- Xả tóc bé bằng nước trà đen để làm tóc đen mượt
- Hạn chế để tóc tiếp xúc với môi trường độc hại: Nếu bé phải ra ngoài, hãy cho bé đội mũ để bảo vệ mái tóc khỏi tia UV, ô nhiễm môi trường để tránh gây stress oxy hóa.
- Không tạo áp lực cho trẻ: Cha mẹ cần tránh tạo áp lực học hành, điểm số, thi cử… khiến bé bị căng thẳng tâm lý.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng tóc bạc ở trẻ em. Tóc bạc sớm là một tình trạng không hiếm gặp. Tuy thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng việc bị bạc tóc có thể gây mất thẩm mỹ và khiến bé tự ti. Do đó, cha mẹ cần nắm rõ những biện pháp khắc phục và phòng ngừa tóc bạc ở trẻ hiệu quả.
[embed-health-tool-vaccination-tool]