backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Lợi và hại khi dỗ con ngủ bằng cách cho trẻ uống melatonin

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    Lợi và hại khi dỗ con ngủ bằng cách cho trẻ uống melatonin

    Nhiều bà mẹ có con bị chứng mất ngủ hay khó đi vào giấc ngủ thường muốn cho trẻ uống melatonin để con có thể ngủ dễ dàng và sâu giấc hơn. Thế nhưng việc dỗ con ngủ kiểu này liệu có tiềm ẩn nguy cơ nào hay không thì không phải ai cũng biết. 

    Với các bà mẹ, việc có con gặp chứng khó ngủ hay ngủ không sâu giấc là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Hằng ngày, các mẹ vẫn luôn trăn trở với vấn đề làm sao cho con ngủ ngon và sâu giấc, vì nếu không được ngủ đủ giấc trẻ sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, trở nên cáu gắt, khả năng tập trung kém… Thực tế là tình trạng này nếu kéo dài thường khiến trẻ phải đối mặt với những biến chứng xấu như cao huyết áp, béo phì, đau đầu hay trầm cảm. Vì vậy không quá ngạc nhiên khi các mẹ đang tích cực tìm kiếm giải pháp cho câu chuyện trên.

    Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cho trẻ uống melatonin sẽ giúp điều trị chứng khó ngủ. Nhưng liệu việc dùng thuốc có phải là cách tốt nhất hay còn có những biện pháp hữu hiệu nào hơn chăng?

    Đối với người lớn, việc sử dụng melatonin được cho là an toàn nhưng cho trẻ nhỏ sử dụng loại thuốc này liệu có ổn? Thực tế là các tổ chức về y tế đều có khuyến cáo không nên cho trẻ dùng loại thuốc này.

    Melatonin là gì?

    Melatonin là một hormone được tuyến tùng sản xuất ra và thường được gọi là hormone ngủ ngon vì vai trò chính là giúp điều chỉnh nhịp sinh học trong cơ thể con người. Nồng độ melatonin sẽ tăng cao vào buổi tối báo cho cơ thể biết rằng “đã đến giờ đi ngủ”. Ngược lại, vào buổi sáng sớm nồng độ của nó lại bắt đầu giảm dần trong một vài giờ cho đến khi chúng ta thức giấc.

    Bên cạnh vai trò là đồng hồ báo thức sinh học của cơ thể, melatonin còn giúp điều hòa huyết áp, nhiệt độ cơ thể, nồng độ cortisol và chức năng miễn dịch của bạn.

    Nhịp sinh học của cơ thể chúng ta có thể bị gián đoạn bởi một vài yếu tố như: thức khuya hay tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm. Điều này chính là nguyên nhân làm cho tuyến tùng giảm lượng melatonin tiết ra. Với trường hợp này thì dùng một lượng melatonin nhất định sẽ giúp thiết lập lại đồng hồ sinh học của cơ thể. Tại Mỹ, người ta cũng hay dùng hormone này như là cách đối phó với các vấn đề giấc ngủ như: mất ngủ, tình trạng mệt mỏi sau một chuyến bay dài, rối loạn giấc ngủ liên quan đến sức khỏe tâm thần…

    Trẻ uống melatonin có ngủ được không?

    Cho trẻ uống melatonin

    Đây là câu hỏi mà chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ cũng quan tâm đúng không? Và một vài bằng chứng dưới đây có thể giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc này đấy!

    Nhiều nghiên cứu về melatonin, đặc biệt là nghiên cứu trên các đối tượng là trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), tự kỷ và các tình trạng thần kinh khác, đã chỉ ra rằng cho trẻ dùng melatonin có thể ảnh hưởng đến khả năng chìm vào giấc ngủ của trẻ.

    Chẳng hạn, một phân tích của 35 nghiên cứu với trẻ em tự kỷ cho thấy việc bổ sung melatonin giúp chúng ngủ nhanh hơn và ngủ lâu hơn. Tương tự như vậy, một phân tích khác từ 13 nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em gặp các vấn đề thần kinh sẽ ngủ nhanh hơn 29 phút và ngủ trung bình lâu hơn 48 phút khi dùng melatonin. Những tác động tương tự đã được quan sát thấy ở những đứa trẻ và thanh thiếu niên khỏe mạnh, những người đang phải vật lộn với giấc ngủ.

    Một giấc ngủ ngon không đơn giản chỉ là nhắm mắt lại rồi ngủ là xong mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, việc sử dụng smartphone, xem tivi hay sử dụng các thiết bị phát sáng vào ban đêm (máy tính bảng) có thể ngăn chặn việc sản xuất melatonin. Thế nên mới có những khuyến cáo hạn chế dùng các thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ nếu không muốn tình trạng khó ngủ sẽ ghé thăm.

    Các yếu tố liên quan đến sức khỏe cũng được chẩn đoán nhằm giúp tìm ra nguyên nhân vì sao con bạn khó ngủ. Cần lưu ý là yếu tố ngoại cảnh cũng tác động không nhỏ đến giấc ngủ của con yêu. Nếu môi trường sống quá ồn ào hay trẻ gặp căng thẳng trong việc học hoặc áp lực từ gia đình cũng là những nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ.

    Do đó, tốt nhất là bạn đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám trước khi cho trẻ uống melatonin. Vì đôi khi việc xác định chính xác vấn đề mới có thể giúp điều trị triệt để chứng mất ngủ ở trẻ.

    Cho trẻ uống melatonin liệu có an toàn?

    Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra việc cho trẻ sử dụng melatonin ngắn hạn là an toàn với ít hoặc không có tác dụng phụ. Tuy vậy, một số bé có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, đái dầm, đổ mồ hôi quá nhiều, chóng mặt, uể oải vào buổi sáng, đau dạ dày kèm theo một vài biểu hiện khác.

    Hiện tại, các chuyên gia y tế không chắc chắn về tác dụng phụ lâu dài của melatonin đối với trẻ nhỏ vì có rất ít nghiên cứu được thực hiện về vấn đề đó. Ngoài ra, các loại thực phẩm bổ sung có chứa melatonin không được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng cho trẻ em.

    Cho đến khi các nghiên cứu dài hạn được thực hiện, không thể chắc chắn hoàn toàn rằng melatonin có an toàn cho trẻ em hay không. Nếu con của bạn đang gặp vấn đề với giấc ngủ thì lời khuyên tốt nhất hãy gặp bác sĩ để có những giải pháp hữu hiệu nhất.

    Những cách khác đưa trẻ vào giấc ngủ ngon

    Trẻ đọc sách trước khi ngủ

    Đôi khi thuốc không phải là chọn lựa cuối cùng khi mà chúng ta vẫn chưa thử những giải pháp không dùng thuốc cho vấn đề mà bé cưng của mình đang gặp phải. Nếu chưa đến mức phải cho trẻ uống melatonin, mẹ hãy thử thực hiện theo những cách dưới đây để bé cưng sớm có thể tạm biệt chứng khó ngủ đang đeo bám con nhé.

    Không cho trẻ vận động mạnh trước khi đi ngủ

    Nhiều bậc cha mẹ vẫn thường nghe theo lời khuyên của ông bà xưa cho trẻ vận động nhiều trước khi ngủ vì nghĩ rằng trẻ sẽ thấm mệt. Điều đó hoàn toàn sai lầm, tình trạng trẻ chạy nhảy quá mệt mỏi sẽ khiến các bé cảm thấy tay chân mệt mỏi, bứt rứt nên có thể gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ. Đôi khi vận động quá nhiều trước khi ngủ lại khiến trẻ giật mình trong khi ngủ vì ảnh hưởng tâm lý bởi các trò chơi vận động mạnh. Tốt nhất, bạn không nên cho con vận động quá nhiều trước khi ngủ.

    Hình thành thói quen đi ngủ đúng giờ cho bé

    Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày có thể tạo thói quen cho đồng hồ sinh học của con, giúp bé dễ ngủ hơn và thức dậy cùng một lúc. Bạn sẽ mất một khoảng thời gian dài để con quen với việc này nhưng còn hơn là để trẻ uống melatonin đúng không? Bạn có thể kể chuyện, đọc sách cho bé nghe hay ôm và vỗ về con một lúc để con dễ ngủ hơn.

    Hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ

    Việc xem các bộ phim vào khung giờ muộn thường sẽ rất cuốn hút các bé. Nhưng việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi và điện thoại hay máy tính bảng có phát ra ánh sáng xanh sẽ làm gián đoạn sản xuất melatonin tự nhiên. Không để trẻ tiếp xúc chúng khoảng 1 – 2 giờ trước khi con đi ngủ nhằm có thể đưa bé vào giấc ngủ nhanh hơn.

    Những căng thẳng quá mức có thể thúc đẩy sự tỉnh táo, do đó giúp con bạn thư giãn trước khi đi ngủ có thể cho phép chúng ngủ nhanh hơn.

    Nếu gia đình có điều kiện cho trẻ nằm điều hòa thì nên chắc chắn rằng các mẹ không đặt nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh vì cả hai đều ảnh hưởng đến trẻ và bé yêu sẽ cảm thấy khó chịu khi ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn.

    Tắm gần với giờ đi ngủ cũng là cách hay thay cho để trẻ uống melatonin. Mẹo là tắm khoảng 90 phút hoặc 120 phút trước khi đi ngủ có thể giúp bé yêu thư giãn và đạt được chất lượng giấc ngủ sâu và tốt hơn.

    Không gian ngủ của trẻ cũng nên được quan tâm một cách chi tiết hơn. Bé sẽ chẳng thể ngủ ngon nếu nằm ở một nơi ồn ào tiếng xe cộ hay ánh sáng đèn đường, đèn nhà quá chói. Chính vì thế, không gian cho trẻ ngủ cần tuyệt đối yên tĩnh, thoáng mát và dễ chịu.

    Giấc ngủ của con trẻ rất quan trọng, một giấc ngủ thật ngon, thật sâu sẽ giúp các bé vui và phát triển khỏe mạnh. Nếu chưa có giải pháp để giúp con bạn ngủ ngon thì đừng để trẻ uống melatonin khi chưa ghé thăm bác sĩ nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo