backup og meta

Bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Bố mẹ không thể xem nhẹ bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ bởi đây là tình trạng sức khỏe nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong.

Trong vài năm đầu đời, hệ thống miễn dịch của bé yêu vẫn đang trong quá trình phát triển hoàn thiện hoặc khi đề kháng da suy yếu sẽ làm cho thiên thần nhỏ dễ bị nhiễm virus và vi khuẩn. Vì thế, bố mẹ cần phải có các biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế việc bé tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh.

Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cung cấp đến bạn các thông tin xoay quanh về bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ cũng như phương hướng điều trị bệnh.

Bệnh thương hàn là gì?

Salmonella Typhi (S. Typhi) là một loại vi khuẩn thuộc họ Salmonella (gây ngộ độc thực phẩm) có khả năng gây ra sốt thương hàn. Vi khuẩn này sống ở người và lây qua sự tiếp xúc với nước tiểu hoặc phân có mang mầm bệnh. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ nhân lên nhanh chóng và lây lan trong đường máu.

Sự bất cẩn trong việc chăm sóc trẻ, khiến trẻ tiếp xúc với nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh… là nguyên nhân dẫn đến bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng quan sát được sẽ biểu hiện từ nhẹ đến nặng cũng như dần biến mất trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị.

Sau khi hồi phục, con bạn vẫn có thể là người mang vi khuẩn, điều đó có nghĩa là bé có thể truyền bệnh cho người khác.

Nguyên nhân gây bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ

bệnh thương hàn ở trẻ sơ sinh

Nếu bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, hệ thống tuần hoàn trung tâm của bé sẽ bị tấn công, vi khuẩn sẽ bắt đầu nhân lên khiến trẻ bị mắc bệnh thương hàn. Đây là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm cho trẻ nhỏ và lây lan nhanh. Trẻ nhỏ bị thương hàn có thể do những nguyên nhân chính sau:

  • Thức ăn và nước uống: Giống như dịch tả, thương hàn chủ yếu lây truyền qua nước và thực phẩm. Em bé có nguy cơ mắc bệnh này nếu vô tình uống phải nước bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với thực phẩm có mang mầm bệnh.
  • Người mang mầm bệnh: Em bé có thể bị nhiễm bệnh khi người mang mầm bệnh hoặc người nhiễm bệnh chạm vào bé nhưng trước đó không rửa tay sát khuẩn.
  • Chuẩn bị thức ăn: Bữa ăn không hợp vệ sinh hoặc bảo quản không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ.
  • Phân: Vi khuẩn thương hàn được truyền qua phân của người nhiễm bệnh và không rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Mặc dù bệnh thương hàn chủ yếu xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ hai đến năm tuổi. Tuy nhiên, trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh vẫn có thể dễ dàng mắc chứng bệnh này. Mặt khác, các triệu chứng nhìn thấy được ở trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các loại bệnh khác.

Dấu hiệu bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ

Triệu chứng của bệnh thương hàn sẽ phát triển trong vòng 2 tuần sau khi bé tiếp xúc với thức ăn hoặc thực phẩm nhiễm bệnh. Những triệu chứng này có thể kéo dài đến 4 tuần hoặc lâu hơn, chúng bao gồm:

  • Sốt nhẹ khoảng 37,5°C, tăng theo thời gian và kéo dài hơn ba ngày
  • Các vết đốm màu hồng nhạt xuất hiện trên ngực
  • Ở một số trẻ nhỏ, cơn sốt có xu hướng trở nên nặng hơn vào buổi đêm và trở lại bình thường vào ban ngày
  • Đau bất thường ở khu vực dạ dày
  • Trẻ tỏ ra mệt mỏi, yếu ớt
  • Bựa lưỡi (mảng bảm trắng ở lưỡi)
  • Táo bón hoặc tiêu chảy ở trẻ em
  • Có dấu hiệu đau đầu nghiêm trọng
  • Bú kém
  • Sút cân.

Những dấu hiệu trên có thể tăng dần từ nhẹ đến nặng, dựa vào yếu tố sức khỏe, độ tuổi và lịch sử tiêm chủng.

Chẩn đoán bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ

bệnh thương hàn ở trẻ sơ sinh

Thực tế không dễ để chẩn đoán trẻ mắc bệnh thương hàn. Nếu nghi ngờ bé mắc bệnh thương hàn, bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra xem liệu nhịp tim của bé có chậm, bé có bị sưng lá lách và gan hay không. Đôi khi bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu máu và mẫu phân của bé để làm xét nghiệm để kiểm tra. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể xác nhận trẻ có mắc bệnh thương hàn hay không.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thực hiện một số bài kiểm tra nhất định nhằm loại trừ các tình trạng kiết lỵ, sốt rét hoặc viêm phổi. Trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm máu và phân, bé có thể được kê thuốc kháng sinh.

Lưu ý là khi nhận thấy con có các dấu hiệu của bệnh, cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay. Nguyên do là vì việc trì hoãn quá trình khám chữa bệnh sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh.

Biến chứng bệnh thương hàn ở trẻ sơ sinh

Nếu không được điều trị ngay lập tức, bệnh thương hàn sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí tử vong, đặc biệt là nếu thời gian mắc bệnh của bé kéo dài hơn 2 tuần. Các biến chứng của tình trạng này bao gồm:

  • Sốc
  • Hôn mê, mê sảng
  • Viêm tụy
  • Viêm phổi
  • Viêm cơ tim
  • Viêm túi mật
  • Viêm phế quản
  • Nhiễm độc máu
  • Viêm màng não
  • Viêm van và niêm mạc tim
  • Chảy máu ở ruột và dạ dày
  • Nhiễm trùng ở thận hoặc túi mật.

Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Nếu trẻ nhỏ có dấu hiệu sốt cao, khó chịu, ói mửa liên tục và tiêu chảy, bạn nên đưa con đến phòng khám ngay lập tức. Ngay cả khi các triệu chứng chỉ ở mức nhẹ thì vẫn không thể xem nhẹ và bỏ qua.

Chữa bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ

Một khi đã xác nhận sự có mặt của vi khuẩn Salmonella Typhi trong cơ thể của bé, bác sĩ sẽ kê một số loại kháng sinh nhất định nhằm tiêu diệt các vi khuẩn này. Điều trị sốt thương hàn ở trẻ sơ sinh sẽ cần dùng đến thuốc trong tối đa hai tuần hoặc theo thời gian được kê đơn.

Bạn không nên tự ý mua các loại kháng sinh để điều trị bởi chỉ có bác sĩ mới đảm bảo rằng em bé đang được sử dụng loại thuốc phù hợp và đúng liều lượng dựa trên tuổi, cân nặng và tình trạng sức khỏe.

Nếu trẻ nhỏ yếu đến nỗi không thể tự bú sữa và ăn, con sẽ cần phải nhập viện để được truyền dịch, kháng sinh cũng như chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, bé sẽ được về nhà khi bước vào giai đoạn hồi phục.

Để giúp thiên thần nhỏ mau lành bệnh hơn, bạn có thể thực hiện theo những gợi ý sau:

1. Chế độ dinh dưỡng

bệnh thường hàn ở trẻ sơ sinh

Bệnh sốt thương hàn sẽ khiến trẻ bị mất nước rất nhiều thông qua việc đổ mồ hôi, ói mửa và tiêu chảy. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn cho con uống nước đầy đủ.

Bác sĩ nhi khoa cũng có thể đề nghị sử dụng ORS (dung dịch bù nước và điện giải bằng đường uống) nhằm bù lại lượng chất lỏng đã hao hụt. Mặt dù trẻ nhỏ thường lười bú và lười ăn trong quãng thời gian này nhưng việc nạp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi cũng rất quan trọng.

Do vậy, nếu bé còn bú mẹ, hãy cho bú sữa thường xuyên. Đối với trẻ em trong độ tuổi tập đi bị mắc bệnh, bố mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn và đút cho con mỗi 2 – 3 giờ.

2. Nghỉ ngơi

Em bé của bạn sẽ cần phải nghỉ ngơi thật nhiều trong quá trình hồi phục sau cơn sốt thương hàn cho đến khi các triệu chứng đã khỏi hẳn. Điều này sẽ giúp cơ thể mau chóng khỏe lại hơn.

3. Vệ sinh

Có thể bạn không biết nhưng trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được sự sảng khoái và sạch sẽ khi được bố mẹ vệ sinh thân thể, thay quần áo cho mỗi ngày. Do vậy, hãy lau sơ qua thân người cho bé bằng khăn mềm với nước ấm khi thấy con đổ mồ hôi nhiều bạn nhé.

Các dạng vaccine cho bệnh thương hàn

Thương hàn là một căn bệnh khá phổ biến ở nước ta. Do vậy, việc chủng ngừa trở thành điều cần thiết. Có hai loại vaccine thương hàn cho trẻ em, bao gồm:

  • Hình thức tiêm phòng: Loại vaccine này được tiêm vào cánh tay của trẻ từ 0 – 2 tuổi
  • Hình thức uống: Một số dạng vaccine đường uống sẽ thích hợp cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Các loại vaccine sẽ bảo vệ cho trẻ em trong tối đa 3 năm. Do vậy, bạn nên đưa bé đi chích/uống nhắc lại sau quãng thời gian này.

Ngăn ngừa bệnh thương hàn ở trẻ nhỏ

Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên về việc sử dụng vaccine để ngăn ngừa bệnh thương hàn ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp phòng tránh, chẳng hạn như:

1. Nước sạch

Hãy đảm bảo rằng cả gia đình luôn uống và sử dụng nước sạch. Nước bẩn, nhiễm khuẩn là thủ phạm gây nên hầu hết các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, bạn phải đun sôi và lọc nước trước khi dùng.

2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Không có bằng chứng cho thấy bệnh thương hàn được truyền qua sữa mẹ. Do đó, bạn vẫn có thể cho con bú như bình thường. Nếu bé lớn hơn, hãy chuẩn bị những bữa ăn đa dạng thực phẩm tốt cho sức khỏe bao gồm thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, trái cây và rau quả.

3. Vệ sinh kỹ lưỡng

Cả gia đình nên có thói quen vệ sinh kỹ lưỡng chẳng hạn như:

  • Rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi dùng bữa, nấu nướng, cho trẻ nhỏ ăn
  • Vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh hoặc chạm vào vật nuôi, sau khi thay tã hoặc ở ngoài đường về
  • Tắm cho bé mỗi ngày để tránh việc vi khuẩn tích tụ
  • Giữ gìn vệ sinh ở khu vực nhà bếp, sắp xếp dụng cụ gọn gàng, sạch sẽ
  • Loại bỏ thực phẩm đã hết hạn.

Nếu bệnh thương hàn được chẩn đoán đúng lúc, em bé sẽ có cơ hội phục hồi cao hơn. Khi bị trì hoãn, tình trạng có nguy cơ dẫn đến tử vong. Ngoài ra, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn căn bệnh này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé yêu bạn nhé.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Typhoid In Babies – Causes, Symptoms & Treatments You Should Be Aware Of https://www.momjunction.com/articles/typhoid-babies-3-causes-8-symptoms-5-treatments-aware_0086549/#gref ngày truy cập 09/05/2019

Typhoid Fever https://kidshealth.org/en/parents/typhoid.html ngày truy cập 09/05/2019

Typhoid in Babies – Causes, Symptoms & Treatment https://parenting.firstcry.com/articles/typhoid-in-babies-causes-symptoms-treatment/?ref=interlink ngày truy cập 09/05/2019

 

Phiên bản hiện tại

02/12/2019

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 02/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo