backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Váng sữa là gì? Mẹ đã cho bé ăn váng sữa đúng cách chưa?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    Váng sữa là gì? Mẹ đã cho bé ăn váng sữa đúng cách chưa?

    Mỗi tháng, bạn tốn một khoản không nhỏ để mua váng sữa cho bé ăn vì nghe nói loại thực phẩm này rất bổ dưỡng. Nhưng liệu có nên cho bé dùng váng sữa không? Váng sữa cho bé loại nào tốt?

    Bạn có biết khi nào cho trẻ ăn váng sữa và những trẻ nào không nên ăn loại thực phẩm này? Thực chất loại thực phẩm này có bổ dưỡng như những thông tin bạn thường nghe? Cùng tìm hiểu những thông tin liên quan trong bài viết sau của Hello Bacsi.

    Váng sữa là gì?

    Váng sữa (Milk Scum) là một chế phẩm từ sữa, có vị hơi ngọt và béo. Đây là lớp chất béo nổi lên kết thành một mảng lớn trên bề mặt của sữa khi đun nóng hoặc để yên trong một thời gian và không đậy nắp. Phần sữa còn lại được gọi là sữa tách béo.

    Váng sữa sau khi được tách khỏi sữa sẽ được đun nóng để tiệt trùng, sau đó làm lạnh để bảo quản được lâu. Đây là nguyên liệu để sản xuất các chế phẩm khác từ sữa như: bơ, phô mai, sữa chua (yaout), kem tươi…

    Những sản phẩm váng sữa hiện nay trong quá trình chế biến đã được bổ sung thêm các nguyên liệu khác như: sữa, sữa nguyên kem, trứng, trái cây, bột ca cao, đường, chất làm đông, chất ổn đinh, các loại hương liệu… Thế nên có thể thấy phần váng sữa có trong sản phẩm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

    Nếu để ý bạn sẽ thấy, các nhà sản xuất nước ngoài ghi tên sản phẩm này trên nhãn mắc là “món tráng miệng làm từ sữa” (Milk dessert hoặc Cream dessert). Song thực tế là các nhà phân phối và kinh doanh mặt hàng này ở nước ta vẫn ghi trên nhãn phụ tên gọi “váng sữa” để dễ dàng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

    Ngày nay, người ta còn dùng các loại dầu thực vật (dầu cọ, dầu dừa) có bổ sung thêm đạm sữa bò và đường lactose (một loại dường có trong sữa bò) để sản xuất loại thực phẩm này.

    Có bao nhiêu loại váng sữa?

    Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại váng sữa được bày bán, phổ biến nhất là các loại được nhập khẩu từ châu Âu. Các sản phẩm hiện được bày bán đã được chế biến và thêm vào các nguyên liệu khác nên hàm lượng chất béo đã giảm đi đáng kể. Có thể phân loại váng sữa dựa vào hàm lượng chất béo chứa trong sản phẩm như sau:

    • Váng sữa nguyên chất, có hàm lượng béo cao nhất, từ 35-50%: Váng sữa nguyên chất thường dùng chế biến các món salad, nấu súp mà ít khi dùng ăn trực tiếp.
    • Váng sữa thông thường, hàm lượng béo từ 10-30%: Váng sữa thông thường thường được dùng làm nguyên liệu sản xuất bơ, phô mai.
    • Váng sữa nguyên kem, hàm lượng béo từ 6-15% tùy loại: Váng sữa nguyên kem là loại phổ biến trên thị trường, dùng làm món tráng miệng, bữa ăn xế cho trẻ.

    Thành phần dưỡng chất của váng sữa 

    Là một chế phẩm từ sữa nên thành phần của váng sữa cũng gồm: chất đạm, chất béo, đường, các vitamin và khoáng chất. Song thực tế tỷ lệ hàm lượng các chất này trong váng sữa rất thấp so với sữa, ngoại trừ hàm lượng chất béo.

    Bạn có biết lượng chất béo chứa trong một hộp váng sữa cung cấp khoảng từ 50 – 70% tổng năng lượng mà trẻ cần, bằng tổng lượng chất béo trong hai ly sữa thông thường của trẻ.

    Do đó, đây là nguồn cung cấp năng lượng rất cao nhưng nghèo dưỡng chất. Chính vì thế, bạn không nên cho bé ăn loại thực phẩm này nhằm mục đích thay thế sữa hay thức ăn dặm.

    Bạn đã cho trẻ ăn váng sữa đúng cách?

    Bạn có từng băn khoăn trẻ mấy tháng thì ăn được váng sữa và nên ăn vào lúc nào? Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ chỉ nên ăn loại thực phẩm này sau 6 tháng tuổi, bởi:

    • Đây là loại thực phẩm nghèo dưỡng chất nhưng lại có hàm lượng chất béo cao, cung cấp nhiều năng lượng tốt cho trẻ trên một tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng hay trẻ mới ốm dậy cần nhiều năng lượng để nhanh phục hồi sức khỏe.
    • Bạn không nên cho trẻ ăn nhiều váng sữa vì có thể khiến bé đầy bụng, tiêu chảy, thậm chí là thừa cân, béo phì do lượng chất béo quá cao. Cụ thể, lượng váng sữa phù hợp với trẻ nhỏ như sau:
  • Trẻ từ 6 – 12 tháng: Khoảng từ 1/2 – 1 hộp/ngày.
  • Trẻ từ 12 tháng trở lên: 1 – 2 hộp/ngày.
  • Cho trẻ ăn vào các bữa phụ sau bữa ăn sáng hoặc ăn trưa, tránh cho ăn vào buổi tối vì dễ khiến trẻ có cảm giác đầy bụng sinh ra trằn trọc khó ngủ.
  • Ngoài ra, bạn cần lưu ý không nên cho trẻ ăn váng sữa nếu: Bé bị thừa cân, béo phì, đang bị tiêu chảy hay bị dị ứng với sữa bò… Đồng thời không cho trẻ ăn trước bữa ăn vì có thể khiến bé ăn ít hoặc bỏ ăn bữa chính.

    Bảo quản váng sữa thế nào cho đúng?

    Váng sữa rất dễ bị hỏng nên cần được bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý là bạn không nên để váng sữa ở cánh tủ, vì nơi đây không đủ lạnh và nhiệt độ không ổn định do việc đóng mở tủ lạnh thường xuyên.

    Khi mua, bạn nên chú ý đến ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, không mua sản phẩm có dấu hiệu khác lạ như: hộp bị móp méo, nhãn thủng hay phồng lên.

    Mách bạn cách tự làm váng sữa cho bé

    Cách làm váng sữa tại nhà không khó, hãy cùng vào bếp với Hello Bacsi để  có những hũ váng sữa ngon, sạch, hợp khẩu vị bé cưng. Ngoài ra, nếu bé đã lớn, bạn hãy rủ con vào bếp cùng làm món ăn yêu thích.

    1. Cách làm váng sữa từ sữa tươi

    Nguyên liệu

    • Sữa tươi: 300ml
    • Váng sữa: 1 hộp loại 55g
    • Kem tươi hương vani: 90g
    • Bột ngô: 30g
    • Nước 50ml
    • Hũ thủy tinh dung tích 100ml: 6 hũ.

    Cách nấu

    • Bước 1: Trụng hũ thủy tinh trong nước sôi, vớt ra lau khô.
    • Bước 2: Hòa bột ngô với 50ml nước, khuấy nhẹ tay cho tan, mịn.
    • Bước 3: Nấu sữa tươi trên lửa vừa, điều chỉnh lửa để sữa chỉ sôi lăn tăn nhằm tránh mất dưỡng chất. Bạn nhớ khuấy đều tay để sữa không đóng váng trên mặt.
    • Bước 4: Sữa sôi lăn tăn, rót hỗn hợp bột ngô vào từ từ, khuấy đều tay đến khi bột chín thì tắt bếp.
    • Bước 5: Cho kem tươi và váng sữa vào nồi, khuấy nhẹ để mọi thứ quyện vào với nhau.
    • Bước 6: Rót hỗn hợp váng sữa vào hũ thủy tinh. Nếu hỗn hợp bị lợn cợn, hãy dùng rây lược hỗn hợp cho mịn. Chờ nguội, cất vào tủ lạnh để khoảng 4 giờ là cho bé ăn được.

    Lưu ý

    • Váng sữa sau khi đông có màu vàng nhạt, sệt và mịn là đạt yêu cầu.
    • Tùy vào khẩu vị thích hay không thích ngọt của con mà bạn dùng sữa tươi không đường hoặc có đường.
    • Nếu không có bột ngô, bạn có thể dùng bột năng thay thế.
    • Bạn có thể ngâm hũ thủy tinh đựng váng sữa vào khay nước để hỗn hợp nhanh nguội.

    2. Cách làm váng sữa từ sữa công thức

    Nguyên liệu

    • Sữa công thức: 8 muỗng gạt ngang
    • Sữa tươi: 150ml
    • Kem tươi: 50ml
    • Bột ngô: 10g
    • Nước ấm pha sữa: 120ml
    • Hũ thủy tinh dung tích 100ml: 6 – 8 hũ.

    Cách làm

    • Bước 1: Trụng hũ trong nước sôi, vớt ra, hong cho khô.
    • Bước 2: Bạn trộn bột ngô với sữa công thức rồi pha với khoảng 120ml nước ấm (như cách bạn hay pha sữa cho bé, khác ở chỗ là lượng nước ít hơn).
    • Bước 3: Đổ sữa tươi, hỗn hợp sữa công thức bột ngô, kem tươi vào nồi, đặt lên bếp, đun lửa vừa, khuấy đều tay. Khi hỗn hợp có dạng hơi sệt, tắt bếp.
    • Bước 4: Rót hỗn hợp vào hũ, chờ nguội thì để vào ngăn mát tủ lạnh, khoảng 4 tiếng sau váng sữa đông thì cho bé ăn được.

    3. Cách làm váng sữa với chuối

    Nguyên liệu

    • Chuối chín: 1 quả
    • Sữa tươi: 300ml
    • Kem tươi whipping: 120ml
    • Bột ngô: 10g
    • Sữa công thức: 3 muỗng gạt ngang
    • Hũ thủy tinh dung tích 100ml: 6 hũ

    Cách làm

    • Bước 1: Trụng hũ thủy tinh bằng nước sôi, vớt ra, lau/hong khô.
    • Bước 2: Chuối bóc vỏ, thái lát. Đổ chuối cùng kem tươi vào máy xay, xay nhuyễn.
    • Bước 3: Đổ từ từ sữa bột vào sữa tươi, khuấy đều tay, đặt nồi sữa lên bếp, đun nhỏ lửa. Sữa nóng trút hỗn hợp chuối và kem tươi vào, khuấy nhẹ tay cho hỗn hợp sánh mịn, tắt bếp.
    • Bước 4: Đổ hỗn hợp vào hũ, ngâm trong khay nước cho mau nguội, cất vào tủ lạnh, sau khoảng 4 tiếng là ăn được.

    Nếu bé lớn và muốn đổi vị cho con, bạn có thể thêm trứng gà, bột ca cao, bột trà xanh, quả bơ… vào phần nguyên liệu để có các món tráng miệng thơm ngon, lạ miệng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo