backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bí quyết chăm sóc làn da trẻ sơ sinh bị chàm đúng cách

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thư · Nhi khoa · Bệnh Viện Sản Nhi Cà Mau


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 11/05/2023

    Bí quyết chăm sóc làn da trẻ sơ sinh bị chàm đúng cách

    Trẻ sơ sinh bị chàm hay còn gọi là viêm da cơ địa là tình trạng các mảng đỏ, thô ráp xuất hiện trên da bé, thường trong vài tháng đầu khi mới sinh. Chàm là phổ biến ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh và việc điều trị có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng.  

    Làn da trẻ sơ sinh rất ẩm mịn và mềm mại khiến bạn cứ muốn cưng nựng bé mãi. Nhưng rồi đột nhiên da bé trở nên đỏ, thô ráp, bong tróc vảy khiến bé khó chịu, quấy khóc mãi không thôi. Điều này khiến bạn hoang mang không biết bé yêu bị gì và phải xử lý như thế nào? Nguy cơ cao là bé cưng của bạn có thể đã bị chàm. May mắn thay, trẻ sơ sinh bị chàm không quá nguy hiểm, không lây nhiễm và có thể làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.

    Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị chàm, bí quyết chăm sóc làn da cho trẻ bị chàm đúng cách và cách giảm nhẹ các triệu chứng.

    Chàm ở trẻ sơ sinh

    Theo các bác sĩ nhi khoa, có khoảng 20% trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị chàm. Tình trạng này thường bắt đầu khi bé còn khá nhỏ, 65% bệnh nhân phát triển các triệu chứng trong năm đầu đời và 90% phát triển các triệu chứng của bệnh trước 5 tuổi.

    Thực tế nhiều người hay nhầm lẫn bệnh chàm (còn gọi là bệnh chàm ở trẻ sơ sinh hoặc viêm da dị ứng) với tình trạng viêm da tiết bã (dân gian còn gọi là cứt trâu). Viêm da tiết bã (cứt trâu) thường ít đỏ, bề mặt da có vảy và thường xuất hiện ở da đầu, hai bên mũi, mí mắt, lông mày và sau tai. Da của trẻ bị viêm da tiết bã thường có mùi chua. Tình trạng này thường tự hết sau khi bé được 8 tháng tuổi.

    Các bác sĩ sử dụng thuật ngữ trẻ sơ sinh bị chàm để mô tả hai tình trạng thường bắt đầu xuất hiện khi trẻ được 2 – 4 tháng tuổi:

  • Viêm da dị ứng: Một tình trạng mãn tính điển hình mang tính di truyền phổ biến hơn ở những bé có tiền sử gia đình bị dị ứng, bệnh chàm – viêm da cơ địa và hen suyễn.
  • Viêm da tiếp xúc: Phát ban khi da tiếp xúc với chất kích thích là tác nhân gây bệnh. Tình trạng viêm da tiếp xúc của trẻ sơ sinh biến mất khi yếu tố là nguyên nhân gây bệnh được loại bỏ. Có thể kể đến như : bụi bẩn, phấn hoa, lông thú,… rất dễ gây dị ứng da xuất hiện nốt chàm sữa hoặc thức ăn dính miệng, mồ hôi chảy xuống má cũng là những nguyên nhân có thể làm làn da trẻ bị kích ứng dễ bị chàm ở mặt. 
  • Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị chàm

    Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị chàm thường gặp nhất là đầu tiên xuất hiện những mảng hồng ban hai bên má (có trường hợp chỉ bị một bên nhưng rất ít). Chạm tay vào vùng da bị chàm sữa thấy da khô với những mụn nhỏ li ti, có thể có vảy hay những mảng da bong tróc, đỏ xuất hiện sau đó vài ngày ở những nơi rất dễ nhìn thấy như má, sau tai, trên da đầu, quanh mép miệng. Nếu không được điều trị, vùng da bị tổn thương có thể lan xuống đến nếp gấp khuỷu tay, phía sau đầu gối và đôi khi là cả khu vực mặc tã. Thậm chí có nhiều bé bị chàm khiến làn da toàn thân bị khô và ngứa. Do đó, các bé sơ sinh thường tìm cách cạ má vào gối, vai hay tay người bế để bớt ngứa, các bé lớn hơn sẽ tìm cách gãi vùng da bị ngứa, nhiều hơn có thể khiến bé khó chịu, quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. .

    Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau ở từng bé nhưng sẽ có các đặc điểm chung như vùng da bị bong tróc ngày càng đỏ hơn, trong khi những nốt mụn có thể chứa đầy dịch lỏng và vỡ ra. Điều này rất dễ dẫn đến nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu bé gãi có thể khiến da dày hơn, sẫm màu hoặc tạo thành sẹo gây mất thẩm mỹ.

    Bác sĩ nhi khoa có thể chẩn đoán bệnh chàm bằng cách kiểm tra da của bé. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn đưa con đi khám ở chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị đúng cách.

    Bạn hãy đọc thêm bài viết Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có 4 loại da, mẹ đã biết chưa? để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về làn da của trẻ

    Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị chàm

    Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị chàm có thể là do cơ địa, do gien. Nếu bạn hoặc chồng bạn bị bệnh chàm, bị suyễn hay viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, bé cưng cũng có nhiều nguy cơ mắc chàm. Ngoài ra, các vấn đề về da như tình trạng thoát hơi ẩm nhanh, bề mặt da bị tổn thương khiến vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập cũng có thể là nguyên nhân làm bùng phát các triệu chứng bệnh chàm.

    Bệnh chàm xảy ra khi cơ thể tạo ra quá ít tế bào mỡ gọi là ceramide. Ceramide là một loại mỡ đặc biệt được tìm thấy hầu hết ở màng tế bào. Ceramide chiếm 40 – 50% mỡ ở lớp ngoài cùng của da, còn gọi là lớp sừng. 50 – 60% còn lại là cholesterol và các axit béo tự do. Ceramide có vai trò quan trọng là chất truyền tín hiệu tế bào, đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo khả năng hoạt động của hàng rào bảo vệ da (lớp màng hydrolipid) và duy trì độ ẩm cần thiết của da. Nếu cơ thể không có đủ lượng ceramide, da sẽ mất nước và trở nên rất khô làm gia tăng nguy cơ bị chàm.

    Mỗi bé có thể bị chàm vì một nguyên nhân rất riêng nhưng có một số tác nhân gây bệnh chàm phổ biến cần tránh, bao gồm:

    • Da khô: Tình trạng da khô có thể khiến những bé bị chàm cảm thấy ngứa hơn. Độ ẩm thấp, đặc biệt là trong mùa đông và không khí hanh khô, là một nguyên nhân.
    • Các tác nhân kích thích: Đồ len (mũ, áo, khăn), quần áo bằng chất liệu polyester, nước hoa, xà phòng tắm và xà bông giặt đồ, bụi bẩn, phấn hoa, lông thú… có thể là các tác nhân làm kích hoạt bệnh chàm.
    • Căng thẳng: Trẻ sơ sinh mắc bệnh chàm có thể gặp phải hiện tượng da đỏ ửng mỗi khi rơi vào tình trạng căng thẳng. Điều này có thể dẫn đến ngứa, kích ứng da và vô tình làm gia tăng các triệu chứng của bệnh chàm…
    • Nóng và đổ mồ hôi: Tình trạng này có thể làm cho những cơn ngứa của bệnh chàm ở trẻ sơ sinh trở nên dữ dội hơn.
    • Dị ứng: Tuy chưa có bằng chứng chắc chắn nhưng một số chuyên gia cho rằng việc loại bỏ sữa bò, đậu phộng, trứng, đồ ăn đóng hộp hoặc một số loại trái cây (trái cây có múi) khỏi thực đơn của trẻ em hoặc của bà mẹ cho con bú có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh chàm. Hãy nhớ rằng bé cưng của bạn có thể tiếp xúc với những thực phẩm mà bạn ăn nếu nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bị dị ứng với sữa bò, bé sẽ khởi phát bệnh từ rất sớm, khoảng 1 – 2 tháng tuổi.

    Cách thức giảm nhẹ các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

    Trẻ sơ sinh bị chàm

    Chàm là không thể chữa khỏi và có thể kéo dài trong nhiều năm, song đa số trẻ bị căn bệnh này sẽ giảm khi bước qua tuổi dậy thì, còn một số trẻ có thể bị bệnh này suốt đời. Những trẻ này có thể có một khoảng thời gian, thậm chí nhiều năm bị bệnh mà không có triệu chứng nhưng làn da của chúng có thể rất khô.

    Để giảm nhẹ triệu chứng bệnh cho trẻ, bạn có thể thực hiện các điều sau:

    • Kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm có chứa ceramide là lựa chọn tốt nhất. Sản phẩm này được bán theo toa. Ngoài ra, kem dưỡng ẩm loại tốt, kem không mùi hoặc thuốc mỡ như petroleum jelly, dầu dừa… khi được sử dụng nhiều lần mỗi ngày, sẽ giúp làn da của bé giữ được độ ẩm tự nhiên. Hãy thoa ngay sau khi tắm để da bé không bị bốc hơi.
    • Tắm nước ấm: Tắm nước ấm giúp hydrat hóa, làm mát da và cũng có tác dụng giảm ngứa. Hãy chắc chắn rằng nước không quá nóng bằng cách dùng nhiệt kế để đo hoặc nhúng cùi chỏ của bạn vào nước! Lưu ý là bạn chỉ nên tắm cho bé không quá 10 phút. Để làm dịu cơn ngứa, bạn có thể thử thêm bột yến mạch vào thau nước tắm của bé. Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng thử phương pháp tắm nước lá dân gian. Các loại lá có tính kháng khuẩn, chống viêm, làm sạch tốt được sử dụng để điều trị chàm sữa ở mặt hiệu quả. Mẹ có thể dùng: Lá trầu không, lá khế, lá trà xanh, lá tía tô hay lá diếp cá.
    • Sử dụng sữa tắm dạng dịu nhẹ, không mùi và xà phòng giặt đồ dành riêng cho em bé: Xà phòng thơm, chất khử mùi và kháng khuẩn có thể khiến da bé trở nên thô ráp, làm gia tăng các triệu chứng bệnh chàm. Do đó, nếu bé cưng bị chàm, bạn chỉ nên cho con dùng các sản phẩm dịu nhẹ, không mùi. Ngoài ra, quần áo, gối, mền… của bé cần được giặt riêng và sử dụng nước giặt/bột giặt dành riêng cho trẻ nhỏ.
    • Hạn chế sử dụng xà phòng khi vệ sinh cho bé: Bạn chỉ nên sử dụng xà phòng để rửa cho bé nếu bé bị dây bẩn khi đi vệ sinh. Để làm vệ sinh thông thường, bạn chỉ cần cho bé rửa với nước sạch rồi lau khô là được.
    • Lau khô: Bạn nên thấm khô da cho bé bằng khăn lông mềm, tránh chà xát mạnh vì có thể làm tổn thương da bé khiến các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
    • Ăn mặc trang phục thoải mái: Nhằm tránh cho bé không bị quần áo cọ xát vào da gây kích ứng, bạn nên mặc quần áo rộng với chất liệu là cotton.

    Ngoài ra, với quần áo mới mua về, bạn phải luôn luôn giặt sạch trước khi cho bé mặc bằng nước giặt hay xà phòng dành riêng cho trẻ nhỏ. Không dùng nước xả vải có mùi thơm để xả quần áo cho bé, chỉ dùng nước xả dành cho da nhạy cảm.

    Để bé được thoải mái, bạn không nên quấn bé quá kỹ, khi bé ngủ không đắp chăn dày. Việc này tránh cho bé không bị nóng và ra mồ hôi, nguyên nhân có thể kích phát các triệu chứng bệnh chàm.

    Làm gì khi bé yêu bị ngứa vì chàm?

    Với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị chàm, bạn hãy cố gắng giữ cho bé không gãi vào vùng da bị ngứa. Việc gãi vào các vùng da bị ngứa có thể khiến tình trạng phát ban trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến nhiễm trùng và làm cho da bị kích thích trở nên dày hơn…

    Hãy cắt móng tay cho trẻ thường xuyên hoặc cho trẻ đeo bao tay. Nếu bao tay dễ tuột, bạn có thể cho bé dùng vớ dài và lận bên trong tay áo để vớ không tuột.

    Một số sản phẩm không kê đơn, chẳng hạn như kem và thuốc mỡ hydrocortison, giúp giảm ngứa và viêm. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi cho bé sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, tham vấn kiến của bác sĩ nhi khoa và không sử dụng chúng quá lâu vì các các sản phẩm này có thể khiến vùng da bị ảnh hưởng mỏng dần.

    Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tại nhà nhưng triệu chứng chàm của bé không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa thuốc và các sản phẩm chăm sóc da chuyên dụng cho bé dùng. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn cho bé dùng thuốc kháng histamine đường uống để giảm bớt ngứa ngáy và gây buồn ngủ. Điều này giúp bé bớt khó chịu, có thể ngủ ngon hơn vào ban đêm.

    Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

    Hãy đưa trẻ đi tái khám nếu tình trạng bệnh của bé không thuyên giảm sau một tuần điều trị, hoặc khi vùng da bị tổn thương của bé có các vảy màu vàng hoặc nâu nhạt hoặc xuất hiện mụn nước... Đây có thể là các dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn cần phải sử dụng đến kháng sinh.  

    Ngoài ra, bạn nên giữ bé tránh xa những người bị lở miệng (cold sore) hay mụn giộp sinh dục. Nguyên nhân là việc mắc bệnh chàm khiến bé có nhiều nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh đó.  

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thư

    Nhi khoa · Bệnh Viện Sản Nhi Cà Mau


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 11/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo