backup og meta

Bé bị viêm phổi tái đi tái lại: “Khoanh vùng” 9 nguyên nhân bạn nên biết

Bé bị viêm phổi tái đi tái lại: “Khoanh vùng” 9 nguyên nhân bạn nên biết

Tình trạng bé bị viêm phổi tái đi tái lại có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu thông tin về bệnh để giúp ích cho quá trình điều trị của con.

Trẻ nhỏ thường dễ bị viêm phổi do hệ miễn dịch của bé còn non nớt và dễ bị vi khuẩn, vi rút tấn công. Đồng thời, hầu hết các bé bị viêm phổi tái đi tái lại đều được xác định là do một số bệnh lý tiềm ẩn gây ra. Do đó, ba mẹ hãy cập nhật những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về tình trạng viêm phổi tái phát và giúp con được chữa trị kịp thời.

Tổng quan về viêm phổi tái phát ở trẻ

Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi khiến túi khí bị viêm và tắc nghẽn. Viêm phổi thường bắt đầu sau khi trẻ bị cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Đối với hầu hết trẻ khỏe mạnh, viêm phổi sẽ khỏi sau 2 đến 3 tuần điều trị. Tuy nhiên, đối với trường hợp trẻ bị suy giảm miễn dịch thì viêm phổi có thể là một căn bệnh rất nghiêm trọng.

Theo đó, tình trạng bé bị viêm phổi tái đi tái lại được xác định nếu trẻ bị viêm phổi trên 2 lần một năm hoặc 3 lần viêm phổi trong một giai đoạn mà giữa mỗi lần mắc bệnh không có triệu chứng khi chụp X-quang. Tình trạng này còn được gọi là viêm phổi tái phát.

Triệu chứng bệnh viêm phổi ở trẻ

Triệu chứng viêm phổi ở mỗi trẻ em thường có sự khác nhau. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng thể của trẻ, nguyên nhân bị nhiễm trùng, loại viêm phổi và cả vị trí bị viêm trong phổi.

triệu chứng bé bị viêm phổi tái đi tái lại

Chẳng hạn như nếu trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn, các triệu chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện nhanh chóng. Ngược lại, nếu virus là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi thì các triệu chứng sẽ phát triển dần dần. Các triệu chứng nhẹ của viêm phổi ở trẻ tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, bao gồm:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Ho
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Bé bị viêm phổi tái đi tái lại dễ gặp những biến chứng nào?

Trẻ dưới 2 tuổi, có hệ miễn dịch yếu, mắc bệnh mãn tính hoặc hen suyễn thường dễ bị viêm phổi ở mức độ nặng hoặc tái phát nhiều lần. Qua đó, những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với trẻ bao gồm:

  • Khó thở: Viêm phổi diễn ra ở trẻ mắc bệnh phổi mãn tính như hen suyễn có thể khiến trẻ khó thở và không nhận đủ khí oxy.
  • Tràn dịch màng phổi: Viêm phổi có thể khiến chất lỏng tích tụ trong khoang màng phổi nhiều hơn. Dịch lỏng này có thể đã bị nhiễm trùng và cần được xử lý thông qua phẫu thuật hoặc ống thông ngực.
  • Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn từ phổi có thể xâm nhập vào máu và lây nhiễm sang các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Áp xe phổi: Khi mủ hình thành trong một khoang của phổi, tình trạng này có thể gây áp xe phổi và cần dùng kháng sinh để điều trị hoặc hút mủ ra ngoài.

Nguyên nhân “gốc rễ” khiến bé bị viêm phổi tái đi tái lại

Tình trạng các bé bị viêm phổi tái đi tái lại hầu hết đều bắt nguồn từ những bệnh lý tiềm ẩn. Đó là những nguyên nhân “nền tảng” khiến bệnh viêm phổi khó chữa dứt điểm. Có thể kể đến 9 nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm phổi tái phát ở trẻ, bao gồm:

  1. Hội chứng hít phân su là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị viêm phổi tái phát.
  2. Cấu trúc phổi bất thường hoặc dị tật phổi.
  3. Suy giảm hệ miễn dịch hoặc rối loạn miễn dịch.
  4. Dị tật tim bẩm sinh.
  5. Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  6. Bệnh hen suyễn.
  7. Sản xuất dịch khí phế quản dư thừa do hen suyễn.
  8. Giãn phế quản do bệnh xơ nang, rối loạn vận động đường mật chính, suy giảm miễn dịch, có dị vật trong phế quản hoặc mắc các bệnh về phổi.
  9. Trào ngược dạ dày thực quản, nếu không không chữa dứt điểm bệnh này có thể khiến bé bị viêm phổi tái đi tái lại.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm phổi tái phát ở trẻ

xét nghiệm bé bị viêm phổi tái đi tái lại

Tương tự như khi mắc viêm phổi, nếu bé bị viêm phổi tái đi tái lại thì bác sĩ thường đề xuất làm một trong những xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Chụp X-quang lồng ngực: Nhận diện sự bất thường của phổi, phế quản cũng như tình trạng tích tụ dịch trong khoang màng phổi.
  • Xét nghiệm máu: Phương pháp tìm ra sự nhiễm trùng hoặc thậm chí là xác định nguyên nhân gây viêm phổi.
  • Xét nghiệm đờm: Từ mẫu dịch đờm được cung cấp, bác sĩ có thể phân tích và phát hiện nguyên nhân gây viêm phổi hoặc viêm phổi tái phát ở trẻ.
  • Đo mức oxy trong máu: Nếu trẻ có triệu chứng khó thở, xét nghiệm này sẽ được thực hiện để tìm hiểu xem trẻ có được cung cấp đủ oxy khi hít thở hay không.

Phương pháp điều trị viêm phổi tái phát ở trẻ

Việc lựa chọn cách để điều trị viêm phổi thường dựa trên nguyên nhân gây bệnh, mức độ nhiễm trùng và độ tuổi của trẻ. Đối với trường hợp bé bị viêm phổi tái đi tái lại thì bác sĩ có thể đề xuất một trong những phương pháp sau:

  • Thuốc kháng sinh: Dùng để điều trị nhiễm trùng và thường được sử dụng để điều trị viêm phổi do vi khuẩn.
  • Thuốc không kê đơn: Bao gồm một số loại thuốc như ibuprofen (Advil) và acetaminophen (Tylenol) được dùng để hạ sốt cho trẻ.
  • Nhập viện: Trẻ bị viêm phổi có thể phải nhập viện để được theo dõi và điều trị nếu bé có biểu hiện thở nhanh, khó thở, thân nhiệt giảm, mất nước. Đặc biệt là đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi bị viêm phổi thì bạn nên cho bé nhập viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

Có thể nói, điều trị viêm phổi tái phát ở trẻ thường bắt đầu từ việc điều trị các triệu chứng của bệnh viêm phổi trước tiên. Khi các triệu chứng này thuyên giảm, bác sĩ sẽ điều trị chuyên sâu hơn đối với nguyên nhân tiềm ẩn khiến bé bị viêm phổi tái đi tái lại. Đây là căn bệnh có thể gây nhiều rủi ro ở trẻ và không thể xem nhẹ. Do đó, ba mẹ cần sớm đưa con đi khám để điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Underlying Illness in Children with Recurrent Pneumonia

https://www.aafp.org/afp/2000/0801/p633.html  Truy cập ngày 14/07/2021

Approach to a child with recurrent pneumonia

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4958666/ Truy cập ngày 14/07/2021

Recurrent Pneumonia in Children: A Reasoned Diagnostic Approach and a Single Centre Experience

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5343832/ Truy cập ngày 14/07/2021

Chronic and recurrent pneumonia https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1307131/

Truy cập ngày 14/07/2021

Recurrent Pneumonia in Children

https://www.pedilung.com/pediatric-lung-diseases-disorders/recurrent-pneumonia-in-children/ Truy cập ngày 14/07/2021

Phiên bản hiện tại

15/07/2021

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo