backup og meta

Có nên cho con bú khi bị ngộ độc thực phẩm không?

Có nên cho con bú khi bị ngộ độc thực phẩm không?

Mẹ bị ngộ độc thực phẩm vẫn có thể cho con bú bình thường bởi ngộ độc thực phẩm chỉ tạo ra vấn đề đối với dạ dày và hệ tiêu hóa của mẹ mà không tạo ra chất độc trong sữa mẹ. 

Vấn nạn thực phẩm bẩn ở nước ta đang diễn tiến hết sức phức tạp. Trong tình hình này, dù có phòng ngừa kỹ đến đâu, các mẹ sau sinh vẫn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Mẹ bị ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm cho bé không là thắc mắc rất phổ biến bởi trong 6 tháng đầu, thức ăn chủ yếu của bé là sữa mẹ. Nếu bạn cũng đang băn khoăn về điều này, hãy xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi nhé.

Ngộ độc thực phẩm – Nỗi lo không của riêng ai

Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi với tên thông dụng là ngộ độc thức ăn hay trúng thực là hiện tượng bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm có chứa độc tố và vi khuẩn gây hại, chẳng hạn như E.coli, salmonella, listeria, các loại virus như rotavirus, các loại ý sinh trùng như giardia.

Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm cũng có thể là do nhiễm các chất hóa học như kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm, các chất phóng xạ…).

Người bị ngộ độc thực phẩm thường có những biểu hiện sau:

  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Sốt
  • Mất nước
  • Nôn ra máu
  • Đi ngoài ra máu
  • Mệt mỏi

Các bà mẹ đang cho con bú có thể bị ngộ độc thực phẩm do ăn đồ ăn chưa nấu chín. Vì vậy, bạn cần cẩn thận trong khi ăn hải sản, thịt và các sản phẩm từ sữa trong thời kỳ cho con bú.

Mẹ bị ngộ độc thực phẩm có nên cho con bú không?

Mẹ bị ngộ độc thực phẩm vẫn có thể tiếp tục cho con bú. Nguyên nhân là do vi khuẩn, virus chỉ xâm nhập vào dạ dày chứ không phải vào sữa mẹ, vì vậy bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, bạn cần ngừng cho con bú và đi khám.

Có một lưu ý mà mẹ nên thực hiện là rửa tay với nước rửa tay sạch khuẩn sau khi đi vệ sinh và trước khi cho bé bú để phòng lây nhiễm cho bé.

Mẹ cần làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn cần làm một số điều sau:

1. Uống nhiều nước

Đây là biện pháp giúp ngăn ngừa mất nước cho cơ thể. Việc uống nhiều nước không chỉ giúp giữ ẩm cho cơ thể mà giúp tăng sản xuất sữa ở các bà mẹ cho con bú. Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống nước lọc, nước trái cây, tránh các loại nước ngọt, nước có ga và đặc biệt là các thức uống có chứa caffeine bởi theo nhiều nghiên cứu, caffeine có thể gây lợi tiểu, tăng sự trao đổi chất và khiến bạn mất nước nhiều hơn. Dung dịch bù nước đường uống (ORS) cũng có thể giúp cân bằng lượng muối, nước và đường trong cơ thể. Nếu bị tiêu chảy hơn ba ngày, bạn nên dùng các thực phẩm lỏng và tránh dùng các sản phẩm từ sữa.

2. Kháng sinh

Hỏi ý kiến ​​bác sĩ về việc dùng kháng sinh để điều trị ngộ độc thực phẩm và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Khi đi khám, hãy thông báo cho bác sĩ biết bạn đang con cho bú để kê thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống bởi một số loại thuốc sẽ xâm nhập vào sữa mẹ qua đường máu và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

3. Tiêm tĩnh mạch

Nếu bị ngộ độc nặng, bạn nên đến bệnh viện để điều trị bằng thuốc tiêm tĩnh mạch. Truyền dịch và thuốc có thể giúp bạn phục hồi nhanh và tránh cho bé khỏi mọi nhiễm trùng.

4. Chú ý chế độ ăn

Về chế độ dinh dưỡng, khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên:

  • Thực phẩm ít chất xơ
  • Ăn sữa chua sẽ giúp bổ sung các vi khuẩn thân thiện với đường ruột
  • Tiếp tục cho con bú sữa mẹ, đây là một mẹo giúp bạn giải tỏa căng thẳng
  • Uống nước canh, cháo, súp để vừa cung cấp nước cho cơ thể vừa dễ tiêu hóa
  • Uống một tách trà hoa cúc, gừng, mật ong, bạc hà… sẽ giúp giảm đau bụng, chống viêm và an thần
  • Tránh ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng vì những món ăn này sẽ khiến các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn đấy.

Bí quyết giúp bạn dễ dàng cho con bú khi bị ngộ độc thực phẩm

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn chăm con tốt hơn khi bị ngộ độc thực phẩm:

1. Cho bé bú trong tư thế nằm

Nếu bạn chưa quen cho bé bú trong tư thế nằm thì có thể cảm thấy khó khăn lúc ban đầu. Tuy nhiên, bạn sẽ dần dần làm quen được. Mẹ nên cho bú với tư thế này trước khi bé ngủ vào buổi tối và vào buổi sáng. Như thế, mẹ có thể giảm tối đa sự khó chịu cho mình.

2. Nằm trên giường với em bé

bị ngộ độc thực phẩm

Nếu mẹ mệt và không muốn đứng dậy nhiều lần, mẹ có thể đặt con nằm trên giường cạnh mình. Nếu vẫn muốn cho bé nằm nôi riêng, mẹ nên đặt nôi gần giường. Nhờ đó, mẹ có thể luôn luôn gần bé và cho bé bú bất cứ khi nào bé cần.

3. Nghỉ ngơi nhiều

Nếu mẹ quá mệt thì hãy cứ nghỉ ngơi. Mẹ cũng có thể cho con uống sữa công thức thay thế nếu như cảm thấy không thể cho con bú được. Sữa công thức vẫn là một nguồn dinh dưỡng tốt và đầy đủ cho bé.

Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong ăn uống như thế nào?

Dưới đây là một số biện pháp giúp mẹ ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm:

  • Chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, sơ chế, vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu
  • Không ăn tiết canh của gia súc, gia cầm, nem chua, nem chạo sống, các loại rau ăn sống…
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Tránh ăn đồ vỉa hè hoặc ăn ở những hàng quán không đảm bảo vệ sinh
  • Giữ vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ.

Qua những chia sẻ trên, mẹ hoàn toàn có thể yên tâm cho con bú khi bị ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, bạn cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ăn thức ăn lỏng để hồi phục nhanh hơn nhé.

Ngân Phạm / HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Food Poisoning and Breastfeeding – Can You Still Nurse Your Baby? https://parenting.firstcry.com/articles/food-poisoning-and-breastfeeding-can-you-still-nurse-your-baby/ Ngày truy cập: 30/11/2019

Food poisoning https://medlineplus.gov/ency/article/001652.htm Ngày truy cập: 30/11/2019

Maternal food restrictions during breastfeeding https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5383635/ Ngày truy cập: 30/11/2019

Phiên bản hiện tại

28/04/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 28/04/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo