backup og meta

Bé cắn mẹ khi bú: Nguyên nhân và cách hạn chế

Bé cắn mẹ khi bú: Nguyên nhân và cách hạn chế

Bé cắn mẹ khi bú là một tình trạng quen thuộc xảy ra trong quá trình cho con bú của không ít các bà mẹ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thường gặp nhất là trẻ mọc răng và mẹ cho con bú sai cách.

Dẫu cho bé cắn mẹ khi bú bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì mọi vấn đề đều có cách giải quyết. Trong bài viết này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về nguyên nhân và cách hạn chế tình trạng bé cắn mẹ khi bú.

Nguyên nhân bé cắn mẹ khi bú?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ cắn vú mẹ khi bú. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể lý giải cho tình trạng kể trên:

  • Bé đang trong giai đoạn mọc răng: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ cắn khi đang bú. Giai đoan mọc răng sẽ khiến trẻ cảm thấy ngứa và đau nướu nên cần tìm gì đó cắn để làm giảm cơn ngứa và bớt bứt rứt. Trong giai đoạn này, trẻ có xu hướng cắn hết mọi thứ được đưa vào miệng, kể cả vú mẹ.
  • Đôi khi, nguyên nhân khiến trẻ cắn vú mẹ là do mẹ cho trẻ bú sai tư thế hoặc sai cách. Khi con được bú đúng cách, lưỡi của trẻ sẽ nằm phía trên nướu dưới (hoặc răng dưới) của trẻ. Ở tư thế này, trẻ sẽ rất ít cắn vì điều đó cũng có thể gây tổn thương lưỡi của trẻ. Thêm vào đó, nếu được cho bú đúng tư thế, vú mẹ sẽ nằm sâu trong miệng trẻ và con khó có thể cắn được. Tuy nhiên, nếu không được cho bú đúng cách hoặc đúng tư thế, vú mẹ có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn với nướu (răng) của bé và khiến bé dễ cắn mẹ hơn.
  • Những trẻ lớn hơn thường hay phân tâm khi đang bú. Bé hay thích nhìn sang hướng này hướng khác, từ đó vô tình gây đau cho mẹ nếu bé vẫn đang khép hàm.
  • Trong một số trường hợp, nguyên nhân khiến trẻ cắn vú mẹ đến từ việc trẻ gặp khó khăn khi bú và cần cắn vào vú mẹ để giúp dễ bú hơn, chẳng hạn như tư thế bú của con không thoải mái, con phải rướn người để có thể ngậm chặt núm vú. Điều này khiến trẻ thường có xu hướng cắn vú mẹ để giữ vú lại.
  • Trẻ có thể vô tình cắn vào vú mẹ vì ngủ quên khi đang bú.
  • Đôi khi, việc trẻ cắn mẹ khi bú là hành động biểu hiện tình cảm của bé đối với mẹ nhưng lại vô tình gây đau cho mẹ.

Cách hạn chế bé cắn mẹ khi bú

bé cắn mẹ khi bú

“Làm thế nào để hạn chế bé cắn mẹ khi bú’ là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Việc bé cắn vú mẹ là vấn đề rất thường gặp, các mẹ có thể thử những cách sau đây để hạn chế tình trạng này:

  • Bé thường có xu hướng cắn vú mẹ khi đã bú no hoặc cảm thấy chán hoặc vú tiết sữa quá ít. Vì vậy, bạn nên chú ý đến quá trình bú của trẻ. Khi thấy trẻ bắt đầu no hoặc lơ là việc bú, bạn nên dừng quá trình cho bú lại ngay. Trong trường hợp, vú tiết ra ít sữa, bạn nên xem lại chế độ ăn của bản thân, ăn các món lợi sữa để đáp ứng nhu cầu của con.
  • Các mẹ nên học những tư thế đúng để cho trẻ bú. Cho trẻ bú sai cách có thể khiến bé khó chịu và dẫn đến tình trạng bé cắn vú mẹ.
  • Hãy chắc chắn rằng không có việc gì làm bé phân tâm khi đang bú. Trong những trường hợp phân tâm, bé có thể quên mất điều mình đang làm và nghiến chặt hai nướu lại. Điều này có thể gây nên đau đớn cho mẹ.
  • Nói chuyện với trẻ hay vuốt ve trẻ cũng là một cách giúp hạn chế tình trạng bé cắn mẹ khi bú. Hãy liên tục thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách hát hoặc kể một câu chuyện khi cho bé bú. Tuy nhiên, khi thấy bé có dấu hiệu cắn, bạn cần nghiêm khắc nói với trẻ là không được. Việc nói chuyện kèm những thái đội phản đối rõ ràng của bạn sẽ biểu thị cho bé biết rằng hành động cắn của mình là sai và cần dừng lại ngay.
  • Nếu ngực bạn căng cứng do bị tắc sữa, bé có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi bú và cần phải cắn vào vú để bú dễ hơn. Nếu gặp phải tình trạng này, trước khi cho trẻ bú, bạn nên vắt bớt sữa bằng máy trước khi cho bé bú hoặc vắt sữa bằng tay hoặc dùng khăn chườm ấm để bầu vú mềm hơn giúp bé bú mẹ dễ dàng.
  • Mọc răng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé cắn vú mẹ khi bú. Giai đoạn này, nướu của trẻ rất ngứa và đau, vì vậy bé có xu hướng cắn vú mẹ để giảm đau và ngứa. Trong trường hợp này, các mẹ nên massage nướu cho bé bằng tay hoặc cho bé ngậm những món đồ chơi sạch trước và sau khi cho bé bú.
  • Việc để tâm tìm hiểu thời điểm bé thường cắn cũng có thể giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng này. Thông thường, trẻ sẽ cắn sau khi đã bú đủ sữa. Vì vậy, khi bạn nhận thấy bé bắt đầu nút chậm lại, hãy nhẹ nhàng kéo vú của bạn ra khỏi miệng bé.
  • Nếu bé cắn bạn khi bú, hãy kéo vú bạn ra khỏi miệng bé ra ngay và đặt bé xuống giường ngay lập tức. Bằng cách này, bé sẽ nhận ra rằng việc cắn vú mẹ cũng đồng nghĩa với việc sẽ không được bú nữa.
  • Nhiều bà mẹ nhận thấy việc khuyến khích những hành động tốt của bé bằng cách khen ngợi có hiệu quả trong việc ngăn bé không cắn nữa.
  • Một cách khác giúp các mẹ phòng tránh tình trạng bé cắn khi bú là cho bé bú khi bé thật sự đói. Khi đói, bé sẽ chỉ tập trung vào việc bú và ít cắn hơn.

Có thể tiếp tục cho con bú sau khi bé mọc răng không?

Bé cắn mẹ khi bú 1 

Nhiều mẹ bỉm sữa có quan niệm sai lầm về việc phải cai sữa cho trẻ khi chúng bắt đầu mọc răng sữa để tránh gây đau cho mẹ. Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn đúng. Nếu bạn cho bé ngậm vú mẹ đúng cách và đúng tư thế khi bú thì trẻ sẽ rất ít khi cắn. Ngay cả khi chưa mọc răng, việc trẻ cắn vú mẹ bằng nướu cũng gây ra đau đớn cho mẹ.

Bé cắn mẹ khi bú là tình trạng thường gặp, đặc biệt là trong quá trình mọc răng. Chỉ cần một chút kiên nhẫn, bạn có thể hạn chế đáng kể vấn đề này bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Tuy nhiên, mỗi bé có phản ứng khác nhau với những biện pháp này, vì vậy bạn cần thử nghiệm nhiều cách và tìm ra cách phù hợp nhất với bé. Tất cả những gì bạn cần để ngăn bé không cắn khi bú chính là kiên trì và nhẫn nại với con.

Việc bé cắn có thể gây tổn thương núm vú của mẹ hay không?

Đầu tiên, việc bé cắn khi bú dù nhẹ thế nào vẫn gây đau nhức và khó chịu cho mẹ. Thông thường, vết cắn chỉ gây đau chứ không ảnh hưởng đáng kể đến núm vú của mẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu bé nghiến mạnh khi cắn có thể khiến núm vú của bạn bị chảy máu. Tốt nhất bạn nên chườm đá ngay khi bị bé cắn và sau mỗi lần cho bé bú.

Ngoài ra, nếu cảm thấy đau, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn dùng thuốc. Các bác sĩ có thể cho bạn uống thêm các thuốc có chứa Ibuprofen hoặc Acetaminophen dùng được trong thời kỳ cho con bú để giảm đau. Thêm vào đó, lô hội tươi cũng có thể giúp làm lành vết thương của bạn nhanh hơn.

Mặc dù gây đau đớn cho mẹ nhưng việc bé cắn khi bú là tình trạng rất thường gặp. Nguyên nhân chính khiến trẻ cắn mẹ khi bú là do ngứa nướu khi mọc răng hoặc do mẹ cho bé bú sai tư thế. Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng những phương pháp ngăn bé căn mẹ phù hợp để hạn chế tình trạng này.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What to do when your breastfeeding baby bites

https://www.babycentre.co.uk/a542991/what-to-do-when-your-breastfeeding-baby-bites

Ngày truy cập: 24/11/2019

Biting While Breastfeeding

https://www.parents.com/baby/breastfeeding/problems/biting-while-breastfeeding/

Ngày truy cập: 24/11/2019

Baby Biting While Breastfeeding: Reasons and Prevention

https://parenting.firstcry.com/articles/baby-biting-while-breastfeeding-reasons-and-prevention/

Ngày truy cập: 24/11/2019

Phiên bản hiện tại

08/01/2021

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Lê Phương Uyên


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 08/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo