backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bớt hồng cam (bớt cá hồi) ở trẻ sơ sinh: Những điều cha mẹ cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/08/2023

    Bớt hồng cam (bớt cá hồi) ở trẻ sơ sinh: Những điều cha mẹ cần biết

    Nhiều trẻ vừa sinh ra đời đã xuất hiện một vết bớt màu hồng cam trên da khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và được gọi là bớt hồng cam hay bớt cá hồi (Salmon patches).

    Bài viết này của Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về loại bớt cá hồi thường gặp ở trẻ em này. Nếu bạn đang lo lắng cho con của mình hoặc muốn biết thêm về bớt hồng cam, hãy tìm hiểu cùng Hello Bacsi nhé!

    Bớt hồng cam là gì?

    Bớt hồng cam là loại bớt mạch máu rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Vì có màu hồng cam giống thịt cá hồi nên loại bớt này còn được gọi là bớt cá hồi (Salmon patches).

    Nguyên nhân gây ra bớt hồng cam

    Bớt hồng cam hình thành trên da trẻ sơ sinh do các mạch máu nhỏ hoặc các mao mạch bị giãn nở tạo thành. Những vết bớt này thường có màu hồng hoặc màu đỏ nhạt, phẳng và không có viền xác định. Chúng có thể xuất hiện trên cả da tối màu lẫn da sáng màu. Những vết bớt này không gây ngứa hay đau cho trẻ.

    Nhiều người tin rằng, bớt hồng cam có thể được di truyền từ cha mẹ sang con cái. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định rõ nguyên nhân vì sao các mạch máu trên cơ thể trẻ lại bị giãn nở và gây nên các bớt hồng cam này.

    Các mạch máu có thể giãn một cách rõ rệt hơn khi các bé khóc, buồn bã hoặc gặp một số thay đổi của môi trường bên ngoài như nhiệt độ phòng… Tuy nhiên, bớt cá hồi vô hại và rất lành tính trên da của trẻ. Những vết bớt này sẽ dần biến mất và có thể không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé.

    Bớt hồng cam thường xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể bé?

    Bạn có thể tìm thấy vết bớt hồng cam ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể trẻ. Tuy nhiên, chúng thường xuất hiện ở giữa hai lông mày, trên mí mắt, quanh miệng, mũi, trán, tay, chân hoặc sau gáy.

    Nếu bớt hồng cam xuất hiện trên mặt, chúng thường được gọi là “nụ hôn thiên thần (angel kiss)”. Còn các bớt hồng cam xuất hiện ở sau gáy của trẻ thì được gọi là “vết cò mổ (stork bites)”.

    Bớt cá hồi thường dễ gặp ở đối tượng nào?

    Tất cả các em bé đều có bớt cá hồi trước khi được sinh ra. Tuy nhiên, chỉ 70% trẻ sơ sinh có nguy cơ xuất hiện bớt hồng cam sau khi sinh.

    Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, bớt hồng cam sẽ biến mất trong vòng từ 1 – 2 năm sau khi sinh, thế nhưng cũng có một số trường hợp, chúng vẫn tồn tại trên da sau nhiều năm sau đó.

    Bớt hồng cam có lây truyền không?

    Bớt hồng cam ở trẻ

    Vì nguyên nhân chính gây nên bớt hồng cam là do các mao mạch bị giãn nở chứ không phải do các bệnh nhiễm trùng nên dạng bớt này không bị truyền nhiễm và không lây sang người khác.

    Sự khác nhau giữa “nụ hôn thiên thần” và “vết cò mổ”

    “Nụ hôn thiên thần” và “vết cò mổ” chỉ là hai tên gọi khác nhau của bớt hồng cam nhưng chúng lại có hai điểm khác nhau.

    • Điểm khác nhau thứ nhất chính là vị trí xuất hiện của chúng. “Nụ hôn thiên thần” thường xuất hiện trên mặt trẻ, trong khi đó “vết cò mổ” lại xuất hiện ở sau gáy.
    • Điểm khác nhau thứ hai chính là thời gian chúng biến mất. “Nụ hôn thiên thần” thường biến mất sớm hơn so với “vết cò mổ”.

    Các bớt hồng cam thường tồn tại trong bao lâu?

    Bớt hồng cam 1

    “Nụ hôn thiên thần” thường không tồn tại lâu và sẽ biến mất trong một khoảng thời gian sau đó. Trong hầu hết các trường hợp, chúng sẽ biến mất sau một năm.

    “Vết cò mổ” biến mất khá muộn, trong 50% các trường hợp, vết cò mổ không biến mất mà giữ nguyên trên da của bé. Bớt hồng cam khá lành tính nên dù tồn tại trên da cũng không gây nên bất kỳ vấn đề gì cho sức khỏe của trẻ.

    Làm sao để chẩn đoán bớt cá hồi?

    Các vết bớt này thường dễ dàng nhìn thấy trên da của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bạn rất dễ nhầm lẫm bớt hồng cam với các tình trạng nghiêm trọng khác biểu hiện trên da của trẻ. Vì vậy, khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể của con, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để xác định chính xác liệu đây có phải là bớt hồng cam hay không.

    Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ thăm khám trên lâm sàng, tuy nhiên trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hoặc sinh thiết để chẩn đoán một cách chính xác hơn.

    Các vết bớt này là vô hại và chúng cũng giống như một phần da bình thường. Nếu bác sĩ đã xác nhận rằng đây là bớt hồng cam thì bạn không cần quá lo lắng về chúng.

    Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào của vết bớt như sưng, chảy máu, rạn nứt hoặc các triệu chứng khác trên da của bé, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.

    Điều trị

    Các bớt hồng cam thường tự khỏi mà không cần bất kỳ sự can thiệp y tế nào. Bạn nên đợi đến khi vết bớt tự biến mất, thường sau khoảng 1 – 2 năm khi bé chào đời. Bớt cá hồi hoàn toàn vô hại và không gây ra bất kỳ rối loạn sinh lý nào đối với trẻ.

    Tuy nhiên, nếu các vết bớt này không tự biến mất mà tồn tại trên da trẻ nhiều năm sau đó, bạn có thể xem xét đến việc xóa các vết bớt này bằng tia laser. Nếu bạn không muốn tiến hành thủ thuật laser thì trang điểm có thể giúp bạn che đi những “nụ hôn thiên thần”. Trong khi đó, “vết cò mổ” thường được tóc che đi.

    Biện pháp phòng ngừa bớt cá hồi

    Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào về nguyên nhân chính xác khiến các mạch máu trên cơ thể trẻ sơ sinh bị giãn nở, từ đó gây nên các bớt hồng cam. Vì vậy, bạn không thể làm gì để ngăn ngừa tình trạng này, đặc biệt là trong thai kỳ.

    Bất cứ bất thường nào xuất hiện ở trẻ cũng khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, các vết bớt cá hồi khá vô hại và sẽ tự biến mất khi bé lớn hơn. Nếu bạn cảm thấy băn khoăn hoặc nhận thấy những bất thường xảy ra ở các vết bớt của trẻ, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo