Hành vi và phát triển
Bé phát triển như thế nào?
Khi bé nằm ngửa, bé sẽ nâng đầu và vai lên giống như khi bạn vươn tay kéo bé lên. Vào tuần cuối cùng của tháng thứ tư, bé có thể:
- Tạo lực xuống chân khi được giữ đứng thẳng;
- Tự ngồi mà không cần hỗ trợ;
- Phản ứng lại nếu bạn lấy đồ chơi từ tay bé;
- Hướng người đến chỗ phát ra tiếng nói.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Nếu bạn đặt bé nằm úp, bé sẽ mở rộng cánh tay, chân của mình và cong lưng lên. Những bài tập này rất tốt cho việc tăng cường cơ bắp ở cổ và giúp bé phát triển khả năng kiểm soát đầu cần thiết để có thể tự ngồi.
Hãy chuẩn bị cho bé một giấc ngủ thật ngon bằng cách tắm hoặc kể chuyện cho bé nghe. Bạn nên thực hiện những thói quen này theo một trình tự nhất định, ví dụ như cho bé ăn, đi tắm, mặc đồ ngủ, đọc sách cho bé nghe, hát ru hoặc mở nhạc cho bé và sau đó đặt bé lên giường.
Một quá trình chuẩn bị ngủ tốt có thể mang đến cho bạn và bé nhiều thời gian hơn để thư giãn và trở nên gần gũi với nhau hơn. Bạn và bạn đời của bạn có thể thay phiên nhau thực hiện những thói quen này (mẹ tắm cho bé, bố kể chuyện…). Hoặc cả hai bạn có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên, hãy thử thay phiên nhau chịu trách nhiệm đưa bé đi ngủ mỗi đêm.
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Mỗi bác sĩ sẽ có phương pháp kiểm tra sức khỏe cho bé tùy vào từng tình trạng cụ thể. Các bài kiểm tra thể chất tổng quát, cũng như số lượng, loại kỹ thuật để chẩn đoán và thủ tục thực hiện cũng sẽ rất khác nhau tùy theo thể trạng từng bé. Bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra toàn bộ hoặc hầu hết các điều sau:
- Hướng dẫn về những điều cần lưu ý trong tháng tiếp theo liên quan đến các vấn đề như ăn, ngủ, khả năng phát triển và những vấn đề về an toàn cho trẻ sơ sinh;
- Những phản ứng nào có thể sẽ xảy ra với bé khi tiêm phòng đợt 2;
- Bạn phải chăm sóc bé như thế nào? Khi nào bạn nên gọi cho bác sĩ?;
- Khi nào nên cho bé ăn dặm.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Hội chứng trẻ bị lắc
Hội chứng trẻ bị lắc (SBS) là một loại chấn thương não nghiêm trọng xảy ra khi bé bị lắc mạnh làm não bị va đập trong hộp sọ. Trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương vì các cơ cổ của bé chưa đủ lực để hỗ trợ vùng đầu. Tình trạng này nếu tiếp diễn có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng, dẫn tới mù, tổn thương mắt, bé chậm phát triển, co giật, liệt, tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hội chứng trẻ bị lắc có thể xảy ra do những trò chơi quá mạnh bạo như tung bé lên cao và chụp bé xuống. Tuy nhiên, các hoạt động thông thường như chạm, vỗ và cù lét mà bố mẹ thường tương tác với bé hay ngồi trên xe chạy trên đường gồ ghề không phải nguyên nhân gây hội chứng này.
Khi bị chứng này, bé có thể quấy khóc hoặc buồn ngủ quá mức, nôn hoặc xuất hiện các vấn đề trong ăn uống, khó thở hoặc tỏ ra khó chịu và quấy khóc. Nếu bạn nghi ngờ bé bị hội chứng trẻ bị lắc, hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa bé đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Tình trạng của bé có thể trở nên tồi tệ hơn và sẽ bị tổn thương não vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Hãy trình bày rõ ràng để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhất có thể và điều trị cho bé một cách tốt nhất.
Bé đi tiêu ra phân đen
Nếu bé đi tiêu phân đen, nhiều khả năng bé đã bị thừa chất sắt. Ở một số trẻ, khi bị vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa, cơ thể đào thải sắt qua phân thì phân sẽ có màu nâu sẫm, xanh hoặc đen. Đây không phải tình trạng nghiêm trọng và cũng không đáng lo ngại vì các nghiên cứu cho thấy rằng lượng nhỏ chất sắt trong phân sẽ không khiến bé khó tiêu hóa hoặc khó chịu. Tuy nhiên, việc bổ sung chất sắt cho bé là không nên vì trẻ sơ sinh hầu hết đều được cung cấp đủ chất sắt từ sữa mẹ, sữa bột và ngũ cốc. Nếu bé đi phân có màu đen mà không hề được bổ sung chất sắt, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm là gì?
Hãy thực hiện các bước sau đây để bé phát triển cả thể chất lẫn tinh thần:
Khuyến khích bé về cả thể chất và tinh thần
Nhiều bậc cha mẹ tập trung phát triển trí tuệ cho con và cho rằng bé sẽ tự phát triển về thể chất. Bạn không nên quên đi tầm quan trọng của sức khỏe thể chất. Hãy cố gắng dành thời gian chơi với bé trong các hoạt động thể chất. Ở giai đoạn này, bạn chỉ có thể đỡ bé ngồi dậy hoặc đứng lên khi bé đã sẵn sàng, nhẹ nhàng nâng tay bé lên trên đầu, cho bé “đạp xe” bằng cách uốn cong đầu gối của bé lên khuỷu tay bạn một cách nhịp nhàng, hoặc nâng bé lên cao bằng cách giữ hai tay ở ngang lưng của bé để bé có thể uốn cong cánh tay và chân.
Tạo niềm vui cho cơ thể bé
Hãy tạo hứng thú khi cho bé tập luyện. Hãy nói chuyện hay hát cho bé nghe và diễn tả với bé những gì bạn đang làm, bé sẽ nhận thức được sự thú vị của các hoạt động thể chất.
Không bó buộc bé
Một em bé luôn chỉ ngồi trong xe đẩy, ghế ngồi hay luôn được cha mẹ đeo túi đeo trên người chưa từng có cơ hội khám phá các hoạt động thể chất có thể sẽ trở thành một đứa trẻ ù lì một chỗ và yếu ớt. Dù ở độ tuổi nào, bé cũng cần phải được vận động. Với vị trí nằm ngửa lưng, những bé 3-4 tháng tuổi sẽ có thể tập lật người qua lại. Khi được đặt ở vị trí nằm úp bụng, các bé sẽ bò vòng quanh và khám phá mọi thứ bằng tay và miệng, đẩy mông lên trong không khí, nâng cao đầu và vai. Tất cả các hoạt động này là sự luyện tập một cách tự nhiên cho cánh tay, chân của bé và bé chỉ có thể thực hiện được với không gian rộng lớn không bó buộc.
Đừng quá nghiêm trọng
Trẻ sơ sinh nên được tập luyện thể chất một cách tự nhiên bằng các bài tập phù hợp. Nhiều hoạt động vừa có thể tạo niềm vui cho cả bạn và bé vừa là cơ hội để vui chơi, đồng thời giúp bé có thêm tương tác với các bé khác. Nếu bạn quyết định cho bé tham gia lớp thể dục cho trẻ nhỏ, hãy xem xét một số điều sau đây:
- Các giáo viên có được đào tạo bài bản không? Các bài tập an toàn không? Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đăng ký. Hãy quan sát thật kĩ vì bất kỳ bài tập nào có động tác lắc mạnh sẽ rất nguy hiểm. Hãy cảnh giác với các lớp học có thể tạo áp lực cho trẻ thay vì tạo thêm niềm vui.
- Bé có thấy vui không? Nếu bé không mỉm cười hoặc không cười thành tiếng khi tập thể dục thì dường như bé không mấy thích thú. Bạn nên cẩn thận đặc biệt nếu các bé tỏ ra lúng túng hoặc sợ hãi khi bị ép phải làm những điều khiến bé khó chịu.
- Lớp học có nhiều trang thiết bị phù hợp với độ tuổi của bé hay không? Ví dụ như ở độ tuổi này sẽ là những tấm thảm màu sắc rực rỡ, rũ xuống, bóng, đồ chơi để lắc.
- Bé có được tạo cơ hội để chơi tự do không? Hầu hết các lớp học nên cho bé tự khám phá một mình thay vì chia các bé thành nhóm.
- Lớp học có chú trọng về âm nhạc hay không? Trẻ thường thích âm nhạc và thích các hoạt động nhịp nhàng, như bập bênh và ca hát hay kết hợp cả hai cũng trong khi tập luyện.
Để bé tự điều chỉnh
Thúc ép bé tập thể dục, hoặc làm bất cứ điều gì mà bé chưa sẵn sàng hay không hứng thú có thể dẫn đến kết quả tiêu cực. Hãy cho bé tập chỉ khi bạn nhận thấy bé có thể tiếp thu và dừng lại khi bé tỏ ra thờ ơ hay khó chịu với ngầm ý rằng bé không muốn tiếp tục nữa.
Giữ năng lượng cho bé
Dinh dưỡng tốt đóng vai trò không kém phần quan trọng đối với sự phát triển thể chất ở trẻ so với việc tập thể dục. Luôn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất để bé luôn duy trì đủ năng lượng.
Đừng là tấm gương xấu
Hãy là tấm gương cho bé. Khi bạn tập cùng bé thì cả hai mẹ con sẽ cùng trở nên khỏe mạnh. Nếu bé thấy bạn đi bộ đi chợ thay vì lái xe, tập thể dục nhịp điệu hàng ngày trước TV thay vì nhai khoai tây chiên, bơi trong hồ bơi thay vì chỉ ngồi tắm nắng trên bờ, bé sẽ có ấn tượng tốt với việc tập luyện thể dục hơn.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-vaccination-tool]