Đôi khi với một số phụ huynh, việc đưa bé vào giấc ngủ không khác gì cuộc chiến. Bởi con yêu có thể quấy khóc, mè nheo, thậm chí là chống đối khi được đặt vào nôi. Do đó, để con ngủ ngoan, ba mẹ cần xác định đúng nguyên nhân khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không chịu ngủ để có cách giải quyết hợp lý.
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không chịu ngủ đôi khi không phải do bé không hợp tác với ba mẹ mà có thể do con chưa có nhịp sinh học cụ thể, đau do mọc răng hay đói, tã bẩn… Khi xác định được đúng nguyên nhân, bạn có thể giúp con thư giãn và chìm vào giấc ngủ dễ hơn. Tùy từng độ tuổi, mỗi bé sẽ khó ngủ bởi các lý do khác nhau. Mời bạn cùng tìm hiểu!
Nguyên nhân trẻ sơ sinh 0 – 1 tháng tuổi không chịu ngủ
Trẻ sơ sinh 0 – 1 tháng tuổi thường không có hoạt động gì nhiều ngoài việc ăn và ngủ. Tuy nhiên, các bé ở tuổi này lại chưa có nhịp sinh học rõ ràng.
1. Trẻ sơ sinh không chịu ngủ do chưa có nhịp sinh học
Khi mới chào đời, trẻ phải học và phát triển rất nhiều chức năng cơ bản, trong đó có chức năng quan trọng là nhịp sinh học. Nhịp sinh học là yếu tố điều chỉnh chiếc “đồng hồ” bên trong cơ thể để cơ thể biết giờ nào cần thức giấc, ăn uống và ngủ nghỉ. Các bé chưa có nhịp sinh học này nên sẽ khó biết được khi nào nên thức, khi nào nên ngủ. Vậy nên, bạn cần hỗ trợ bé xây dựng nhịp sinh học bằng cách đặt ra lịch đi ngủ và thức giấc cố định.
Nếu việc thiết lập và duy trì lịch đi ngủ vào các giờ cố định với bé sơ sinh là quá khó, bạn có thể cho bé thực hiện một số hoạt động cố định trước giờ ngủ. Những hoạt động như hát ru hay tắm cho bé trước giờ ngủ khi lặp đi lặp lại sẽ trở thành các dấu hiệu báo cho con biết đã tới giờ ngủ, từ đó giúp bé xây dựng nhịp sinh học.
Có thể bạn quan tâm
2. Trẻ sơ sinh không chịu ngủ do tư thế ngủ không đúng
Trẻ sơ sinh có phản xạ Moro, một phản xạ co thắt cơ bất ngờ. Việc đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ có thể kích hoạt phản xạ này và khiến bé có cảm giác như đang bị ngã và giật mình.
Bé dưới 3 – 4 tháng tuổi thường chưa kiểm soát được tay chân của mình nên khi bạn đặt bé nằm ngửa và bé bị giật mình, tay chân bé sẽ dễ khua không kiểm soát. Điều này khiến con yêu cảm thấy không an toàn và khó ngủ.
Để tránh phản xạ này, bạn có thể cho bé dùng bộ đồ ngủ dạng kén hay dùng khăn quấn cho bé để giữ yên tay chân của bé cũng như giúp bé cảm thấy an toàn khi ngủ. Ngoài ra, bạn có thể nắm tay của bé và nhẹ nhàng lắc sang hai bên để bé biết cách kiểm soát tay của mình hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể ở bên bé cho tới khi con thấy yên tâm chìm vào giấc ngủ.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 2 – 3 tháng tuổi không chịu ngủ
Khi được hai đến ba tháng tuổi, con yêu sẽ củng cố các thói quen đã hình thành từ những tháng trước. Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian này, bé lại phải trải qua các giai đoạn mới như khủng hoảng ngủ.
1. Trẻ bị đói nên khó chìm vào giấc ngủ
Bao tử của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn rất nhỏ, chưa thể chứa nhiều sữa hay thức ăn cùng một lúc. Hơn nữa, các bé cũng tiêu hóa sữa/thức ăn liên tục để chuyển hóa các dưỡng chất từ thức ăn thành năng lượng dùng trong quá trình phát triển. Điều này có nghĩa là bé rất hay bị đói và cần được ăn hay bú thường xuyên.
Nếu bạn cho con bú hay ăn quá xa giờ ngủ, bé có thể bị đói và không chịu hợp tác khi được cho đi ngủ. Nếu con yêu có vẻ đói sau khi ngủ dậy thì có thể bạn đã cho bé bú quá xa giờ ngủ của con rồi đấy. Trong tình huống này, bạn có thể cho bé bú gần giờ ngủ hơn hoặc tăng cữ bú để tránh tình trạng bé không chịu ngủ do đói.
Có thể bạn quan tâm
2. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không chịu ngủ do khủng hoảng ngủ
Trong những tháng đầu đời, bé sẽ trải qua một vài đợt khủng hoảng ngủ, một loại khủng hoảng xảy ra vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc. Trong các đợt khủng hoảng ngủ này, bé thường sẽ khó chịu, ít ngủ và hay thức giấc giữa đêm hơn.
Những đợt khủng hoảng ngủ thường xảy ra vài tháng một lần, nhưng đáng chú ý nhất là vào khoảng khi trẻ được 4 tháng tuổi, 8 tháng tuổi và 10 – 12 tháng tuổi. Khi đã hết giai đoạn khủng hoảng, con không những sẽ ngủ ngoan hơn mà còn phát triển thêm nhiều kỹ năng mới nữa đấy.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 4 – 6 tháng tuổi không chịu ngủ
Mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển đều rất khác nhau và ba mẹ cần linh hoạt thay đổi cách chăm sóc theo nhu cầu của bé ở từng giai đoạn. Nếu bạn cứng nhắc bám theo lịch trình cũ dù con đã phát triển, bé có thể sẽ không hợp tác trong việc ăn và ngủ.
1. Giờ đi ngủ không phù hợp
Đôi khi, bé yêu không chịu ngủ là do giờ ngủ bạn sắp xếp cho bé không phù hợp với nhu cầu của con. Ở mỗi giai đoạn phát triển, bé sẽ có nhu cầu ăn, ngủ và chơi khác nhau nên ba mẹ có thể sẽ cần điều chỉnh giờ ngủ theo nhu cầu này. Một số bé có thể muốn ngủ ngay sau khi ăn nhưng cũng có bé cần chơi sau khi ăn rồi mới ngủ. Khi ba mẹ linh hoạt thay đổi giờ ngủ theo nhu cầu của con, bé có thể sẽ hợp tác hơn trong việc ngủ.
Nếu bạn quan sát thấy bé vui vẻ, hứng thú sau bữa ăn thì hãy để con chơi một chút trước khi ngủ. Nhưng nếu bé buồn ngủ ngay sau bữa ăn thì bạn hãy cho bé đi ngủ ngay nhé. Khi đã lớn và có thêm nhiều hoạt động, con sẽ tự điều chỉnh thói quen ngủ hợp lý hơn.
2. Trẻ không chịu ngủ do không thích ngủ một mình
Bé yêu cảm thấy an toàn và yên tâm hơn khi có sự quan tâm của ba mẹ nên con có thể sẽ ngủ ngon hơn nếu có bạn ngủ cùng. Vậy nên nếu có thể, bạn hãy cho bé ngủ chung bằng cách kê giường hay nôi của bé kế giường mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể bật tiếng ồn trắng khi bé ngủ để con dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Có thể bạn quan tâm
3. Trẻ nhỏ không chịu ngủ do mọc răng
Khi được tầm 6 tháng tuổi, nhiều bé sẽ mọc chiếc răng đầu tiên. Quá trình mọc răng có thể khiến nướu bị tổn thương và gây đau. Hơn nữa, một số trẻ mọc răng cũng thường có thể bị sốt nhẹ. Những yếu tố này ảnh hưởng không ít tới giấc ngủ của con.
Nếu bé không ngủ vì bị đau do mọc răng, bạn có thể cho bé ngậm khăn ẩm mát hay núm vú giả được làm mát để bớt khó chịu. Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ kê thuốc giảm đau phù hợp cho bé nếu cơn đau khiến bé bứt rứt, khó chịu.
Các lý do khác khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không chịu ngủ
Ngoài những lý do đặc trưng của từng mốc phát triển, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cũng có thể không chịu ngủ do một số nguyên nhân khác:
1. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không chịu ngủ do bị kích thích quá mức
Việc cho con tiếp xúc với nhiều người và nhiều tình huống khác nhau để bé thích nghi và hòa nhập sẽ mang lại nhiều lợi ích sau này. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có giới hạn cho việc tiếp xúc xã hội khác nhau và nếu con phải tương tác với người khác quá nhiều thì bé sẽ mệt và khó ngủ.
Khi có quá nhiều kích thích, bé có thể bị đuối sức và lo lắng nên sẽ không thể ngủ được. Vậy nên, bạn cần cân nhắc giới hạn tương tác xã hội của con trước khi cho bé đến nơi đông người vào sát giờ ngủ nhé.
2. Không gian ngủ không thoải mái
Trẻ sơ sinh vừa ra đời vẫn chưa quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ và cũng chưa phát triển được nhịp sinh học. Vậy nên, các bé sẽ khó đi vào giấc ngủ nếu không gian ngủ quá khác môi trường trong bụng mẹ và không rõ ngày đêm.
Để tạo không gian thoải mái cho bé ngủ dễ dàng hơn, bạn có thể thử các cách sau:
- Dùng rèm cản sáng cho phòng của con và kéo rèo để phòng đảm bảo đủ tối khi con ngủ. Điều này giúp bé không bị phân tâm do ánh sáng và cũng phân biệt được ngày đêm tốt hơn.
- Dùng máy tạo tiếng ồn trắng để mô phỏng tiếng ồn trong bụng mẹ. Môi trường trong bụng mẹ có nhiều nước ối nên cũng có khá nhiều âm thanh tương tự như tiếng ồn trắng đấy.
Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không chịu ngủ rất đa dạng và đặc trưng theo từng lứa tuổi. Vậy nên, ba mẹ cần tìm hiểu được lý do này để giúp bé yêu ngủ ngoan hơn thay vì mất kiên nhẫn khi bé không hợp tác nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]