Trẻ 27 tháng đang ở giai đoạn cuối 2 tuổi và dần lên 3 tuổi. Chắc hẳn nhiều trẻ em ở độ tuổi này đã bắt đầu đi nhà trẻ, trường mẫu giáo. Điều này nghĩa là trẻ đang học được nhiều kỹ năng mỗi ngày, trẻ biết bắt chước những người xung quanh và dần dần có được các mối quan hệ xã hội khác ngoài ba mẹ. Hơn nữa, trẻ lên 3 còn có thể là thời điểm thích hợp để bạn giáo dục trẻ về các quy tắc, sự an toàn, tính độc lập…
Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ cung cấp đến bạn những thông tin quan trọng về sự phát triển của trẻ 27 tháng tuổi và những điều cần biết trong giai đoạn này nhé!
Hành vi và phát triển
Bé 27 tháng tuổi phát triển như thế nào?
Một em bé 27 tháng đang có những bước tiến lớn trong việc xây dựng những mối quan hệ xung quanh. Vào giai đoạn này, bé sẽ bắt đầu chú ý tới những bạn đồng trang lứa thay vì lúc nào cũng chơi một mình. Ngay cả khi bé không hề tương tác với các bé khác trong khi chơi, bé vẫn có thể luôn chú ý tới các bạn bè xung quanh. Việc chơi đùa với bạn bè, ngay cả khi các bé không ngồi cùng nhau, sẽ trở nên quan trọng hơn trong năm này. Trẻ có thể vẫn quan sát cách chơi và hành vi của bạn trong khi chơi đồ chơi của mình và dần dần tự thay đổi cách chơi cho giống bạn.
Bên cạnh việc phát triển ý thức về quan hệ bạn bè, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc học ngôn ngữ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu bé bắt đầu học sớm bởi lúc này não của bé hoạt động rất mạnh để tạo nên các liên kết trong hệ thần kinh. Những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình sử dụng hai ngôn ngữ có vốn từ ít hơn trong từng loại ngôn ngữ, nhưng tổng số từ mà các bé biết trong cả hai ngôn ngữ đều tương đương với các bé chỉ biết một ngôn ngữ. Hơn thế nữa, việc biết hai ngôn ngữ sẽ tạo nên những lợi ích lâu dài về nhận thức của bé.
Thỉnh thoảng bạn sẽ nhận ra bé có sự tập trung cao độ và lòng quyết tâm sắt đá – những phẩm chất thường thấy ở các nhà khoa học. Thực tế thì việc bé thực hiện lặp đi lặp lại liên tục một vài hành động là một xu hướng phát triển thông thường giúp hoàn thiện các kỹ năng hoạt động của bé. Đây là một phần lý do mà đôi khi bạn thấy bé trở nên “lì lợm” và ương bướng khi mãi khăng khăng thực hiện một hành động dù bạn đã không cho phép và ngăn cấm bé.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Nếu con bạn lớn lên trong một gia đình giao tiếp bằng hai ngôn ngữ, cách tốt nhất để bé học ngôn ngữ lúc này là trò chuyện cùng người nói tiếng bản xứ. Những cách khác như học qua băng nghe hay học trên lớp sẽ không thể hiệu quả bằng việc bé được quan sát trực tiếp và lặp lại theo lời người lớn.
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Nếu như con bạn không đạt được tiến độ về kỹ năng ngôn ngữ như đã nói ở trên, đừng quá lo lắng. Dù phát triển chậm, miễn bé vẫn tiến bộ qua thời gian, bạn hãy yên tâm rằng bé sẽ dần phát triển như những đứa trẻ khác.
Nếu bé không tiến bộ dù chỉ một chút, hãy liên hệ với bác sĩ để có thể đánh giá chính xác tình trạng của bé. Những phương pháp trị liệu cho các bé chậm phát triển ngôn ngữ thường rất phổ biến, hầu như ít tốn chi phí và thường đạt hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý rằng chi phí trị liệu sẽ dao động tùy theo tình trạng của bé và mức độ phổ biến của các dịch vụ hỗ trợ phát triển cho bé ở nơi bạn sinh sống.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Cách tốt nhất để chăm sóc và giúp bé phát triển toàn diện, là hỏi bác sĩ và đề nghị bác sĩ giải đáp những thắc mắc của bạn, bao gồm cả những băn khoăn về cách phát hiện và nhận ra các dấu hiệu, triệu chứng của một số bệnh phổ biến ở trẻ em như viêm tai, cảm lạnh và cảm cúm.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm?
Trẻ 27 tháng luôn tò mò khám phá xung quanh. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên giữ tay bé luôn sạch sẽ để phòng bệnh tốt nhất. Nói cách khác, việc dạy bé biết cách sử dụng xà phòng để rửa tay và rửa tay như thế nào là đúng cách là bước vô cùng quan trọng trong giai đoạn này.
Trước hết bạn hãy chuẩn bị những món vật dụng cần thiết để rửa tay và chọn những vật dễ sử dụng nhất cho bé như nước rửa tay, khăn lau, bệ đứng để bé đứng trong trường hợp bồn rửa tay quá cao so với tầm tay của bé. Chưa hết, bạn còn phải quy định khoảng thời gian thích hợp khi rửa tay. Để có thể phòng ngừa sự lây lan của vi khuẩn, trẻ em và cả người lớn cần rửa tay ít nhất 15 giây và rửa thật kỹ từ trong ra ngoài, trong kẽ ngón tay và cả phần dưới kẽ móng tay để đảm bảo bàn tay thật sạch sẽ và loại trừ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh.
Có thể bạn quan tâm: Sự phát triển của trẻ từ 2 – 5 tuổi có gì đặc biệt?
[embed-health-tool-vaccination-tool]