Hiện nay, bạn có thể lựa chọn một hoặc nhiều cách chữa cận thị từ hai nhóm phương pháp tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy theo độ cận cũng như tình hình tài chính của bạn.
Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến ngày nay, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia nhãn khoa, có đến 20–40% trẻ trong độ tuổi từ 6–15 ở khu vực thành thị bị cận thị, trong khi ở nông thôn là 10–15%. Tình trạng này xảy ra khi các tia sáng chỉ tập trung ở phía trước võng mạc, khiến các vật ở xa không hiện rõ trong tầm nhìn.
Với nền khoa học – kỹ thuật tiên tiến, hiện nay có rất nhiều cách chữa cận thị. Sau đây, Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn ba phương pháp phổ biến nhất.
1. Đeo kính mắt: cách chữa cận thị đơn giản nhất
Biện pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất là sử dụng kính đeo mắt. Tròng kính mắt cận là một thấu kính phân kì có nhiệm vụ điều chỉnh góc ánh sáng chiếu đến võng mạc. Trước khi chỉ định tròng kính thích hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành kiểm tra thị lực của bạn bằng các biểu đồ mắt cũng như các bài tập tập trung, đồng thời kiểm tra nhãn cầu dưới nhiều góc độ.
Bạn có thể muốn đọc thêm: Khi nào bạn cần đến kính đeo mắt?
2. Kính áp tròng có độ cận
Nếu cảm thấy kính đeo mắt quá vướng víu, bạn có thể chuyển sang sử dụng kính áp tròng như một biện pháp chữa cận thị đơn giản. Tương tự như kính cận, kính áp tròng có độ cũng có chức năng điều chỉnh thị lực bằng cách thay đổi hướng ánh sáng truyền đến mắt. Các bài kiểm tra thị lực và mắt để xác định độ cận cho kính áp tròng cũng tương tự như kính mắt.
Kính áp tròng khá đa dạng về kiểu mẫu. Tuy nhiên, nhìn chung loại kính này được phân chia thành hai nhóm chính, bao gồm:
Kính áp tròng mềm
Kính áp tròng mềm được làm bằng nhựa dẻo, mềm, rất dễ uốn cong và dễ dàng bám vào bề mặt mắt. Loại kính này có xu hướng bao bọc lấy đồng tử, mống mắt và một phần của tròng trắng. Một số kính áp tròng mềm có thời hạn sử dụng dài, thường là nửa tháng đến một năm. Sau khi dùng xong, bạn có thể lấy kính ra và ngâm trong dung dịch đặc hiệu để lưu trữ. Số khác lại có thời hạn dùng ngắn hơn, có thể là dùng một lần hoặc trong vài ngày hay vài tháng.
Kính áp tròng cứng thấm khí RGP
Kính áp tròng RGP có kích cỡ nhỏ hơn kính áp tròng mềm, chỉ bao phủ đồng tử và mống mắt. Loại kính này thường làm bằng nhựa mỏng và cứng. Chúng cũng có khả năng bám trên bề mặt mắt, đồng thời còn có độ dẫn truyền oxy cao nên được các bác sĩ và chuyên gia nhãn khoa khuyên dùng. Tuy nhiên, kính áp tròng RGP không phổ biến như kính áp tròng mềm vì đây là loại kính được cấp cho người chỉ khi có chỉ định từ chuyên gia nhãn khoa. Ngoài ra, vì một số tính chất đặc trưng, bạn cần tái khám với bác sĩ nhãn khoa thường xuyên trong thời gian sử dụng loại kính này.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Nếu đang đeo kính áp tròng, đừng bỏ qua cảnh báo này!
3. Chữa cận thị bằng phương pháp LASIK
Thực tế, kính mắt hay kính áp tròng cũng chỉ là biện pháp chữa cận thị tạm thời. Bạn cần vệ sinh kính thường xuyên cũng như thay chúng định kỳ.
Ngoài ra, tầm nhìn sẽ lại mờ như cũ khi bạn không đeo kính. Vì vậy, nếu bạn muốn cân nhắc cách chữa cận thị vĩnh viễn, hãy thử xem qua một số phương pháp dưới đây, bao gồm:
Phẫu thuật mắt LASIK
Ngày nay, nhiều người rất chuộng áp dụng phương pháp phẫu thuật mắt LASIK để chữa cận thị cũng như các loại tật khúc xạ khác. Loại phẫu thuật này thay đổi hình dạng của giác mạc, cho phép ánh sáng đi qua và phân bố toàn diện trên võng mạc.
Phẫu thuật PRK
Tương tự như LASIK, phẫu thuật PRK cũng được thực hiện nhằm thay đổi hình giác mạc. Phương pháp này dành cho những người có giác mạc quá mỏng, không đáp ứng điều kiện tiến hành phẫu thuật mắt LASIK.
Cấy ghép kính áp tròng vĩnh viễn
Đây được xem là biện pháp khả thi dành cho những người có độ cận cao. Kính áp tròng được ghép vào vị trí giữa giác mạc và mống mắt hoặc ngay sau mống mắt.
Phẫu thuật phaco
Theo thời gian, các protein tự nhiên trong mắt có thể bắt đầu hình thành nên một vệt đen (đốm) ở nhãn cầu. Điều này gây ra sự suy giảm thị lực, thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi. Trong ca phẫu thuật phaco, bác sĩ phẫu thuật sẽ thay thế thủy tinh thể cũ bị đục, mờ bằng một thủy tinh thể mới, trong suốt. Đối với người mắc bệnh cận thị, thủy tinh thể mới sẽ được đặc chế theo độ riêng theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.