Ngoài ra, người mắc bệnh glôcôm còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhìn có đom đóm bay trước mắt
- Thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động
- Nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần
- Đau nhức hốc mắt
- Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm
- Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi
- Nôn hoặc buồn nôn.
Thường thì trong giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện ít và khó phát hiện. Theo thời gian, bệnh có thể tiến triển nặng lên gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
Các thể bệnh glôcôm và những triệu chứng thường gặp
Bệnh glôcôm (cườm nước, thiên đầu thống) rất phức tạp do có nhiều hình thái với cơ chế bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng khác nhau. Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện lâm sàng cấp tính nên người bệnh có xu hướng đi khám chữa ngay để thoát khỏi cơn đau nhức mắt. Trong khi đó, glôcôm góc mở là hình thái bệnh mạn tính, không triệu chứng hoặc triệu chứng rất âm thầm, mờ nhạt. Có đến 50% người bệnh glôcôm góc mở và góc đóng mạn tính không biết mình mắc bệnh, chỉ đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới phát hiện ra thì đã quá muộn.
Ngoài ra, dựa trên cơ sở bệnh căn thì glôcôm có thể được chia thành glôcôm nguyên phát và glôcôm thứ phát. Glôcôm nguyên phát là hình thái glôcôm không kèm theo bệnh mắt hoặc bệnh toàn thân nào làm tăng cản trở lưu thông thủy dịch. Ngược lại, glôcôm thứ phát luôn kèm theo bệnh căn mắt hoặc bệnh toàn thân gây cản trở lưu thông thủy dịch.
Bệnh glôcôm nếu không được phát hiện và điều trị sẽ tiến triển qua các giai đoạn tiềm tàng, sơ phát, tiến triển, trầm trọng, gần mù và mù.
Dưới đây là một số thể glôcôm (cườm nước, thiên đầu thống) thường gặp:
Glôcôm góc đóng cơn cấp
Đối với thể bệnh này, người bệnh có thể bị đau nhức mắt đột ngột dữ dội, lan lên đỉnh đầu; mắt đỏ, mi nề, sợ ánh sáng, chảy nước mắt; nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ.
Nếu nhìn vào mắt sẽ thấy kết mạc (tròng trắng) cương tụ rìa mạnh; giác mạc (tròng đen) phù nề, giảm tính trong suốt; đồng tử (con ngươi) giãn méo, mất phản xạ co giãn khi chiếu đèn, nhãn áp tăng cao, sờ tay lên nhãn cầu thấy căng cứng như hòn bi.

Nếu không được can thiệp sớm trong vòng 6 – 12 giờ, người mắc bệnh glôcôm góc đóng cấp tính có nhiều nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Do đó, hãy tìm gặp bác sĩ nhãn khoa ngay nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu tăng nhãn áp nào nêu trên.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!