Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, bánh quy, đồ ăn nhanh… vì mức cholesterol cao trong máu có thể gây xơ cứng, hư hại các mạch máu và gây tăng cân. Thay vì dùng mỡ động vật, bạn hãy sử dụng dầu thực vật hoặc dầu ô-liu để nấu ăn.
Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy trao đổi với bác sĩ để loại bỏ các loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng có thể kể đến như đậu nành, sữa, lúa mì, ngô và các loại hải sản. Cà phê được ghi nhận là có khả năng làm tăng nhãn áp và dẫn tới tổn thương dây thần kinh thị giác. Thay vì cà phê, bạn nên chọn trà xanh vì chúng chứa các chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể, đồng thời giúp làm giảm cholesterol trong máu của bạn.
Bỏ hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp và tình trạng viêm ở mắt. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và đục thủy tinh thể – những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp.
Luyện tập thể dục phù hợp
Việc tập thể dục nhịp điệu, đi bộ, đạp xe ở mức độ trung bình hoặc nhanh từ 30 – 45 phút một lần, 3 – 4 lần/tuần sẽ làm giảm nhãn áp, đồng thời cải thiện lưu lượng máu đến não và mắt. Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng đều đem lại lợi ích cho người bệnh glôcôm mắt. Theo đó, người bệnh cần tránh những bài tập/ động tác cúi đầu xuống thấp hơn tim vì chúng có thể làm tăng nhãn áp. Nghiên cứu của tiến sĩ Ritch năm 1980 đã cho thấy, nhãn áp của một người khi duy trì tư thế trồng cây chuối có thể tăng tới gần 60mmHg, ngược lại khi ngồi chỉ có 15mmHg. Ở người bình thường, nhãn áp ít nhất tăng gấp đôi khi luyện tập ở tư thế cúi đầu thấp.
Bảo vệ đôi mắt
Ngoài giúp mắt khỏe mạnh từ bên trong, việc bảo vệ đôi mắt từ bên ngoài cũng là yếu tố rất quan trọng. Bạn hãy đeo kính bảo vệ mắt mỗi khi làm việc ngoài trời hay chơi các môn thể thao tiếp xúc nhiều, dễ gặp tai nạn hoặc té ngã. Ngoài ra, khi bị glôcôm, mắt của bạn sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đeo kính râm mỗi khi ra ngoài trời nắng, đặc biệt vào mùa hè hoặc khi ở gần các bề mặt có độ chói cao.
Bệnh glôcôm và các loại thuốc nhỏ mắt bạn dùng có thể khiến mắt bị khô, gây ngứa hoặc cộm. Nếu gặp tình trạng này, bạn nên trao đổi với bác sĩ chứ không nên dụi mắt vì làm như vậy có thể gây trầy xước và tổn thương mắt. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân glôcôm cần trang điểm, bạn nên lựa chọn các sản phẩm không gây kích ứng.
Hello Bacsi hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn biết thêm những điều cần lưu ý khi sống chung với bệnh glôcôm mắt. Để điểm lại những thông tin được đề cập trong bài, mời bạn cùng xem video ngắn dưới đây nhé.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!