backup og meta

Bật mí cách chữa chắp mắt nhanh nhất

Bật mí cách chữa chắp mắt nhanh nhất

Các cách chữa chắp mắt có thể không cần thiết đối với những trường hợp nhẹ. Tuy nhiên, khi nốt chắp lớn và gây khó chịu thì bạn cần phải điều trị để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Vậy bạn có biết đâu là cách chữa chắp mắt nhanh nhất và hiệu quả nhất không? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp vấn đề này.

Đừng nhầm lẫn giữa chắp mắt và mụt lẹo

Chắp mắt là một vấn đề khá phổ biến, đặc trưng bởi hiện tượng có xuất hiện một cục u trên mí mắt, có thể là mí trên hoặc mí dưới. Ban đầu, chắp mắt có kích thước nhỏ, hơi sưng đỏ và mềm nhưng sau đó vài ngày, nó sẽ trở nên cứng hơn nhưng thường không gây đau.

Chắp mắt rất dễ bị nhầm lẫn với lẹo mắt do có những điểm tương tự nhau về biểu hiện bên ngoài. Nhưng đây hoàn toàn là hai tình trạng khác nhau, lẹo mắt là hậu quả của nhiễm trùng tuyến dầu nhờn hoặc nang lông, trong khi đó chắp mắt có nguyên nhân chủ yếu là do bít tắc tuyến dầu nhờn.

cách chữa chắp mắt nhanh nhất

Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa hai tình trạng này chính là các nốt lẹo thường xuất hiện ở mép mí mắt và gây sưng đau, còn riêng chắp thường nằm xa mép mí mắt và có xu hướng không đau.

Trước khi tìm hiểu về cách chữa chắp mắt, bạn cần phải nhận diện được tình trạng này với các dấu hiệu sau: 

  • Sưng ở mí mắt nhưng không gây đau, tiến triển chậm trong tuần đầu tiên
  • Sưng lớp màng bao phủ bề mặt mắt và mặt trong mí mắt (kết mạc)
  • Cảm thấy cộm và khó chịu ở mắt
  • Chắp có thể xuất hiện ở bên ngoài hoặc bên trong mí mắt (quan sát bằng cách lật mí mắt lên)
  • Nhìn mờ hoặc nhìn thấy hình ảnh bị méo mó
  • Bên trong mí mắt có xuất hiện vùng màu đỏ hoặc xám 

Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra chắp mắt sẽ cao hơn ở những đối tượng có mang các yếu tố như: tăng tiết bã nhờn, mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ, viêm bờ mi mãn tính hoặc viêm mí mắt lâu dài, viêm kết mạc do virus hoặc nhiễm trùng,…

Các cách chữa chắp mắt nhanh nhất

Điều trị tại nhà

Hầu hết những trường hợp chắp nhỏ đều có khả năng tự khỏi trong vòng vài tuần mà không cần áp dụng đến các cách chữa chắp mắt. Trong khoảng thời gian đó, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây để đẩy nhanh quá trình hồi phục:

  • Việc đầu tiên là không được gãi, nặn hay ấn vào chắp mắt.
  • Chườm khăn ấm lên mí mắt khoảng 4 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 10 – 15 phút. Cách chữa chắp mắt này giúp giảm sưng bằng cách làm tuyến nhờn nở ra, bớt tắc nghẽn và dịch có thể thoát ra ngoài. Sau khi chườm, bạn giặt nhẹ khăn trong nước ấm rồi vắt khô, tiếp tục đắp lên mí mắt. Lưu ý phải đảm bảo rửa sạch tay trước khi chạm vào khu vực này. 
  • Đừng quên thường xuyên vệ sinh mí mắt, dùng khăn lau sạch mí mắt thật nhẹ nhàng.
  • Mỗi ngày có thể nhẹ nhàng xoa bóp mí mắt trong vài phút để giúp dịch thoát ra ngoài thuận lợi hơn.
  • Không nên trang điểm hay mang kính áp tròng cho đến khi khỏi hoàn toàn.

Cách chữa chắp mắt bằng phương pháp y tế

cách chữa chắp mắt

Sau khi áp dụng các cách chữa chắp mắt tại nhà, nếu tình trạng không tự cải thiện sau vài tuần hoặc khi nốt chắp quá lớn thì bạn nên gặp bác sĩ để điều trị. Việc lựa chọn cách chữa chắp mắt sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, sau khi phân tích lợi ích và rủi ro, bác sĩ có thể chỉ định như sau:

  • Tiêm corticosteroid để loại bỏ vết sưng trên mí mắt. Tuy nhiên, tiêm steroid có tác dụng phụ là làm sáng vùng da xung quanh, điều này có thể sẽ gây bất tiện hơn cho những người có màu da sẫm.
  • Thực hiện phẫu thuật để loại bỏ chắp. Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ để làm tê khu vực này trước khi rạch một đường nhỏ để dịch thoát ra bên ngoài, thường là từ bên dưới mí mắt.
  • Dùng thuốc bôi ngoài da để hỗ trợ giảm kích ứng, ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tiên lượng cho người bị chắp mắt

Sau khi áp dụng các cách chữa chắp mắt thì nhiều người sẽ thắc mắc bị chắp mắt bao lâu thì khỏi? Nhìn chung, tình trạng chắp mắt không gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác. Rất ít trường hợp cục u đủ lớn để có thể làm biến dạng bề mặt mắt và gây ra một số chứng loạn thị tạm thời với biểu hiện tầm nhìn bị mờ. Nếu có thì thị lực cũng sẽ trở lại bình thường sau khi bác sĩ loại bỏ dịch ra hết hoặc chắp nhỏ lại.

Áp lực của nốt chắp lên mắt không gây ra bệnh tăng nhãn áp. Đồng thời chắp là cục u lành tính và không có khả năng trở thành ác tính. 

Khác với lẹo mắt, chắp mắt là tình trạng không lây nhiễm do dịch bên trong nốt chắp không chứa tác nhân gây bệnh. Nhiều nốt chắp trên cùng một mí mắt có thể dẫn đến sự thay đổi ở khu vực này, khiến lông mi quay ngược vào trong mắt (bệnh trichiasis), tuy nhiên tình trạng này hiếm xuất hiện. 

Ngoài ra, nhiễm trùng cũng ít xảy ra ở các nốt chắp. Mặc dù chắp mắt có thể gây kích ứng và khó chịu nhưng chúng thường vô hại và tự khỏi trong vòng vài tuần. 

Như vậy, qua bài viết bạn đã có thể biết được cách chữa chắp mắt nhanh nhất. Điều quan trọng cần nhớ chính là đi khám bác sĩ nhãn khoa, nếu vùng mắt trở nên đặc biệt sưng đau hoặc không đáp ứng với điều trị tại nhà. Đồng thời cần giữ thói quen làm sạch mắt hằng ngày để ngăn ngừa các vấn đề về mắt nói chung, cũng như chắp mắt nói riêng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is a chalazion? Identification and treatment. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324215#chalazion-vs-stye. 10/03/2021

Chalazion. https://www.healthline.com/health/chalazion#prevention. 10/03/2021

Chalazion: Causes & Treatment (Bump on Eyelid). https://www.allaboutvision.com/conditions/chalazion.htm. 10/03/2021

Chalazion (Eyelid Cyst). https://www.medicinenet.com/chalazion/article.htm. Ngày truy cập 10/03/2021

Chalazion. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29763064/. Ngày truy cập 10/03/2021

Phiên bản hiện tại

31/08/2021

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Le Minh Phuong


Bài viết liên quan

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ BỆNH GLÔCÔM

9 cách trị lẹo mắt ngay tại nhà bạn nên biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 31/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo