Bệnh glôcôm (cườm nước) thường có biểu hiện nhãn áp tăng cao hơn bình thường dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác và gây ảnh hưởng đến thị lực không hồi phục. Thế nhưng, đừng quá lo lắng, người bệnh có thể ngăn chặn khả năng bị mất thị lực, làm chậm tiến triển bệnh nhờ các cách điều trị bệnh glôcôm.
Glôcôm (hay còn được gọi với các tên dân gian như cườm nước, thiên đầu thống) là một bệnh lý do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Những tổn thương do bệnh glôcôm là không có khả năng hồi phục, đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ không lấy lại được thị lực đã mất trước đó. Thế nên, xây dựng thói quen đi kiểm tra mắt định kỳ, bao gồm đo nhãn áp để chẩn đoán sớm bệnh và có cách chữa trị glôcôm hiệu quả là điều rất quan trọng.
Làm sao để biết mình có bị glôcôm (cườm nước) hay không?
Bệnh glôcôm thường có 2 dạng phổ biến là glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Từ “góc” được đề cập đến trong bệnh lý này chính là góc tiền phòng, nơi nối tiếp giữa giác mạc, củng mạc ở phía trước với mống mắt, thể mi ở phía sau. Bình thường, thủy dịch được thể mi tiết ra ở hậu phòng, nó di chuyển ra tiền phòng qua lỗ đồng tử và phần lớn thủy dịch lưu thông ra khỏi nhãn cầu qua vùng bè của góc tiền phòng.
Trường hợp glôcôm góc đóng, với nhiều nguyên nhân khác nhau như nghẽn đồng tử, nghẽn góc tiền phòng, hội chứng mống mắt phẳng … làm thu hẹp hoặc chặn góc tiền phòng khiến thủy dịch không thoát ra ngoài được, gây tăng áp lực nội nhãn (tăng nhãn áp). Dạng glôcôm này thường xảy ra đột ngột (cấp tính) và là 1 cấp cứu trong nhãn khoa. Ngược lại, trong glôcôm góc mở, tuy góc tiền phòng vẫn mở nhưng vùng lưới bè dẫn lưu thủy dịch lại bị hạn chế một phần hay toàn bộ khả năng lưu thông thủy dịch do bị xơ dính, hay lắng đọng sắc tố chắn phía trước, do đó áp lực nội nhãn sẽ không đột ngột tăng lên mà âm thầm làm tổn thương thần kinh thị giác. Dạng glôcôm này là phổ biến nhất, chiếm tới 90% các trường hợp, bệnh diễn tiến âm thầm và cướp đi thị lực của người bệnh theo thời gian.
Khi nhãn áp tăng cao sẽ gây ra những dấu hiệu và triệu chứng từ nhẹ đến nặng, như:
- Hơi căng tức mắt
- Nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc dùng mắt nhiều, căng thẳng
- Đôi khi có cảm giác như màn sương mỏng che trước mắt, nhất là vào buổi sáng
- Tầm nhìn ngoại biên mờ
- Đau một bên đầu và mắt cùng bên dữ dội, nôn hoặc buồn nôn
- Thấy quầng tán sắc khi nhìn vào đèn ban đêm
- Kích thích chảy nước mắt, đỏ mắt
- Tầm nhìn hình ống (chỉ nhìn thấy đằng trước như nhìn qua một ống nhỏ hẹp)
Các kiểm tra giúp chẩn đoán glôcôm (cườm nước)
Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường ở mắt, đừng lờ đi. Đặc biệt, khi bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao (trên 40 tuổi, trong gia đình có người bị glôcôm, mắt có viễn thị nặng, sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài, bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường…) thì hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra mắt toàn diện. Nếu có bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị bệnh glôcôm hiệu quả. Khi tiến hành kiểm tra mắt, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng đang gặp phải và tiền sử bệnh của bạn.
Đồng thời, để chắc chắn mắt có tổn thương, một số phương pháp kiểm tra được tiến hành là:
- Đo thị lực, đo nhãn áp
- Khám mắt dưới đèn sinh hiển vi
- Soi góc tiền phòng, soi đáy mắt
- Đo thị trường
- Đo độ dày giác mạc
- Chụp hình màu đáy mắt
- Chụp cắt lớp quang học OCT
Thời gian đi khám mắt tốt nhất nên là mỗi 6 –12 tháng. Phát hiện và điều trị glôcôm kịp thời sẽ giúp bảo tồn thị lực, tránh mù lòa vĩnh viễn.
Các cách điều trị bệnh glôcôm
Mục tiêu trong điều trị bệnh glôcôm là giảm nhãn áp để ngăn chặn các tổn thương thêm gây suy giảm thị lực dần dần. Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình điều trị bằng một hoặc nhiều loại thuốc nhỏ mắt. Tùy từng trường hợp, người bệnh có thể cần dùng thêm thuốc uống, laser hoặc phải chỉ định phẫu thuật nếu các phương pháp khác không hiệu quả.
Thuốc hạ nhãn áp
Tình trạng tăng nhãn áp thường được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt dùng hàng ngày. Đây được xem như cách điều trị bệnh glôcôm đầu tay, nhất là điều trị glôcôm góc mở. Các thuốc nhỏ mắt được dùng sẽ giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra. Tùy thuộc vào nhãn áp ở mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định dùng một hay phối hợp nhiều thuốc, bao gồm thuốc uống. Một số nhóm thuốc nhỏ mắt phổ biến trên thị trường hiện nay:
- Thuốc tương tự prostaglandin
- Chẹn beta
- Đồng vận alpha-adrenergic
- Ức chế men carbonic anhydrase
- Đồng vận alpha-cholinergic
Ngoài các nhóm thuốc trên, hiện có 2 nhóm thuốc chưa có mặt ở Việt Nam là nhóm ức chế men RHO-kinase và nhóm prostaglandin có gắn nhóm nitric oxit. Hai nhóm này đã được chứng minh tính hiệu quả trên thế giới và được FDA công nhận, vì thế sẽ là 1 lựa chọn đáng cân nhắc trong việc điều trị nội khoa glôcôm trong tương lai.
Lưu ý, bất kỳ loại thuốc nào khi sử dụng đều có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, bạn hãy luôn trao đổi với bác sĩ để nếu có xảy ra tác dụng phụ hay tương tác với thuốc khác, họ sẽ xem xét thay đổi thuốc sử dụng. Ngoài hoạt chất, thành phần tá dược như chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp cũng nên được quan tâm vì một số chất có thể gây dị ứng hoặc gây khô mắt. Để tăng cường sự tuân thủ của bệnh nhân, tránh tình trạng quên dùng thuốc, hiện nay đã có các loại thuốc nhỏ mắt dùng 1 – 2 lần/ngày, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hạ nhãn áp suốt 24 giờ, đặc biệt có thể ổn định nhãn áp vào ban đêm.
Bạn đừng bao giờ tự ý thay đổi hay ngưng sử dụng thuốc điều trị glôcôm mà không thông báo cho bác sĩ nhãn khoa. Khi sử dụng hết liều thuốc theo đơn chỉ định hoặc gặp phải những tác dụng không mong muốn của thuốc, hãy đến tái khám và nhận một đơn thuốc mới.
Laser và phẫu thuật
Nếu sử dụng thuốc không giúp người bệnh đạt được nhãn áp đích như mong muốn thì bác sĩ sẽ tiếp tục lựa chọn điều trị với laser hoặc phẫu thuật. Các kỹ thuật trong cách điều trị bệnh glôcôm bằng laser sẽ khác nhau tùy vào dạng glôcôm ở người bệnh, bao gồm:
- Laser cắt mống mắt chu biên
- Laser tạo hình vùng bè
- Laser tạo hình vùng bè chọn lọc
- Laser tạo hình mống mắt
- Laser quang đông thể mi
Sau khi laser, người bệnh cần phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi thị lực, nhãn áp và cân nhắc có cần sử dụng tiếp thuốc hạ nhãn áp hay không. Nếu điều trị tích cực bằng các cách chữa trị trên mà không có hiệu quả hay người bệnh không có điều kiện điều trị bằng thuốc thì có thể lựa chọn phẫu thuật. Loại phẫu thuật được tiến hành cũng sẽ được lựa chọn tùy theo tình trạng bệnh:
- Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc
- Phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng
- Phẫu thuật tách dính góc tiền phòng
- Phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng
- Phẫu thuật phá hủy thể mi
Sau khi phẫu thuật, người bệnh vẫn cần tái khám thường xuyên để theo dõi thị lực và nhãn áp. Nếu vẫn còn vấn đề, bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành điều trị thêm.
Người bệnh cần kiên trì điều trị glôcôm (cườm nước)
Hãy nhớ rằng việc điều trị glôcôm (cườm nước) muốn hiệu quả, thành công phải cần đến sự phối hợp cũng như nỗ lực giữa người bệnh và bác sĩ. Sau khi chẩn đoán, mọi bác sĩ nhãn khoa đều cố gắng đưa ra cách điều trị bệnh glôcôm phù hợp. Thế nhưng, việc có tuân thủ đúng quá trình điều trị hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người bệnh, cũng như sự giúp đỡ của người thân trong gia đình.
Trong quá trình dùng thuốc nhỏ mắt để ổn định nhãn áp, người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ thường xuyên hơn, khoảng 1 tháng/ lần. Vì thế, hãy cố gắng tái khám đúng theo lịch hẹn. Ngoài ra, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về căn bệnh này hay các cách chữa trị glôcôm, hãy trao đổi với bác sĩ. Điều này vừa giúp người bệnh hiểu rõ về căn bệnh đang mắc phải, giảm bớt âu lo, vừa đánh giá được hiệu quả điều trị.